. NGÔ TÚ NGÂN
Mỗi lần ghe đi ngang ngã ba sông Mù U là Mừng thắt thẻo.
Nó sợ ba sẽ neo ghe lại bến Mù U, ngày qua ngày uống say bí tỉ, rồi hát mấy bài ca cổ sầu thảm. Não ruột mềm gan.
Rồi chị Vui cũng sẽ buồn. Cái tên và cuộc đời chị sao nó chớt quớt với nhau.
Nghe kể thì ba mẹ nó “lụm” được chị vào một mùa nước nổi, thấy chị nằm xống xênh ngoài bờ kênh xáng, ba mẹ mới mang chị lên ghe, lúc đó chị tầm hai mươi tuổi, chỉ lớn hơn Mừng mấy tuổi.
Chị không bao giờ nhắc về quá khứ. Không biết vì đã quên hay không còn muốn nhớ.
Không sao, quên được là một món quà, má hay an ủi chị như vậy. Nói như thể má cũng có điều muốn quên mà nó vẫn còn lì, ở mãi trong đầu má.
Mỗi lần nghe má nói những câu như thế, ba sẽ hậm hực bỏ lên bờ, nhậu say bí tỉ mới về. Nỗi sợ của Mừng sẽ bắt đầu. Ba sẽ xé quần áo rồi ghì má xuống sát ván, thô bạo thỏa mãn cơn chiếm hữu, răng thì bị cơn giận kéo sát lại, va vào nhau làm phát ra âm thanh gầm gừ, bà phải quên đi, bà là vợ tui, của tui, nghe chưa. Tiếng đay nghiến càng lớn thì cái xuồng càng lắc lư chênh chao, những miếng ván trên ghe va vào nhau cọt kẹt, dữ dội một lúc trước khi dừng lại im ắng hẳn.
Mừng hay hỏi những lúc như thế má đã nghĩ gì để vượt qua, không một tiếng kêu, khóc thì càng không. Hôm sau mặt má ráo hoảnh như không có chuyện gì. Vẫn bán buôn sởi lởi. Ba càng tỉnh hơn, kêu bà ơi, bà à như chuyện tối qua là một giấc chiêm bao của riêng Mừng.
Sông nước rửa hết buồn thương, má hay bảo với chị Vui như vậy mỗi đêm hai người ngồi trước mui ghe tâm sự. Mừng nằm nghe, nó hiểu hết. Tiếng thầm thì của hai người phụ nữ mới êm ấm làm sao, nó chìm vào những giấc ngủ. Trong mơ loáng thoáng nó nghe má nhờ chị chăm sóc nó và ba.
Nó vẫn nghĩ đó là một cơn mơ.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Lúc mới nhặt chị lên ghe, má vẫn còn chưa bỏ đi biệt, má xem chị như em gái, gia đình bảo bọc nhau mà sống. Nhưng chỉ vài mùa gió tràn đồng, một bữa, ghe cũng neo tại bến Mù U này, má nói đi mua gạo, rồi không còn thấy trở lại, hôm đó gió chướng thổi lồng lộng, thổi tới kinh thiên động địa những cơn buồn thê thiết của phận thương hồ.
Ba buồn nhưng cứ cắn nỗi buồn trong răng, chỉ có chị Vui bình thản như thể chị biết má sẽ ra đi, như thể chị tin sự ra đi của má là một cách giải thoát. Chị hay khuyên Mừng, đời người như nước trôi, rẽ ở đoạn nào rồi cũng về chung một bến, má không vui vẻ ở dòng này, má rẽ sang dòng khác, biết đâu sẽ được sống trọn vẹn với chính mình. Chứ lênh đênh mãi dòng này, phí hoài tháng năm. Nói đến đó, chị nhìn về phía ba đang ngồi phía trước mui ghe, nhưng cũng có những dòng nước đời đời chỉ muốn neo một bến dù đó là cái bến già cỗi, khô cằn. Nói xong chị cười, cái nụ cười héo queo như bị nắng mùa hạn vắt khô. Cùng kiệt.
Ba vẫn cắn chặt những nỗi buồn trong răng, không để nó mảy may lọt ra ngoài trừ những đêm gió chướng, xuồng về neo nơi bến Mù U, ba say sẽ hát những bài cải lương não nuột. Cơ hồ trong giấc ngủ, Mừng thấy ba lau nước mắt dưới ánh đèn dầu leo lét mập mờ. Phía mui ghe sau, chị Vui cũng không ngủ, cứ vá víu mớ quần áo đã nát nhừ trong đó có mấy bộ đồ của má. Ánh đèn dầu hắt bóng chị lên vách, Mừng lấy tay chạm vào chiếc bóng khe khẽ, sợ cái bóng sẽ tan đi như cái cách má đã bỏ nó đi trong mùa gió rát lòng rát dạ năm nào.
Quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông, Mừng không có thú vui nào ngoài trò đặt tên cho từng dòng chảy bằng kỉ niệm, chỗ này bữa chị Vui rửa chén làm lọt cái nắp nồi, chỗ kia bữa neo ghe ba đi nhậu về bước hụt chân té ùm xuống sông, chỗ nọ là nơi má hay dừng lại mua gạo, và bến Mù U này là điểm dừng cuối cùng trước khi má đi biệt, bỏ ba con Mừng và chị Vui lại loay hoay với xuồng ghe và rối nùi những nương dựa, mưu sinh.
Mừng chèo nhanh, tranh thủ ba đang ngủ trưa để đi qua cái ngã ba này mà không dừng lại đây. Nhưng đâu có ngờ dù nó đã đi qua bến một đỗi xa mút chỉ rồi mà khi ông già thức dậy vẫn bắt nó quay lại, neo ghe dưới bến Mù U.
Lúc đó trăng non vừa hé, sông nước tứ bề thì thầm câu chuyện chảy trôi muôn ngả cuộc đời. Những hàng cây hai bên bờ mập mờ trong bóng đêm, một tiếng chim kêu, tứ phương là gió thổi qua rát rạt dạ người lang bạt.
Lận đận lao đao phận người, đời sông gắn nối.
Vừa cắm sào xong là Mừng tót lên bờ, chạy đi tìm tụi thằng Cu, thằng Tí. Gần hai mươi tuổi đầu, mà người đen nhẻm, tóc cắt húi cua, đi chân không, mặc quần xà lỏn vá chằng vá đụp và đặc biệt hung dữ. Hễ ai đụng tới chị Vui thì coi như là tới công chuyện với nó. Với Mừng, chị Vui là quý nhất, không gì sánh bằng.
Như lệ thường, chị Vui đang nướng mấy con cá khô, trộn với xoài xanh, cắt thêm vài lát ớt để ba nhậu với mấy người ở bến. Thấy ghe vừa tấp vô là mấy ông bạn nhậu chạy ùa ra hỏi han. Biết nhau cũng ngót nghét hai mươi năm tròn, bến này vừa thương như là nhà, cũng vừa đau như là dao cắt. Má đã lên bến rồi đi biệt không về. Ba đau tím ruột bầm gan, chắc vì thương nhớ hay vì hối hận những trận đòn mình nỡ xuống tay? Cùng những lời nói sắc hơn lá lúa đâm ngọt vào tim người vốn đã nhiều lận đận.
Bữa nay trên bờ, ông Chín Sẹ dắt theo một người đàn bà đứng tuổi, tóc uốn xoăn, bảo bạn mới cho ba làm quen. Đôi bên nói cười rôm rả, chỉ có sông vẫn chảy đều đều một nhịp đời. Không chậm cũng không vội. Không ồn ào, nhẫn nại từng khúc gập ghềnh.
Ba có ý mời một số người “được được” cho chị Vui gặp tính chuyện trăm năm, để chị có chỗ dừng chân, chứ lênh đênh sông nước hoài đâu có được. Ba nhiều lần giãi bày với chị, chị dằn dỗi, em đâu cần lấy chồng chi đâu anh Hai, em ở đây chăm ghe, chăm Mừng, chị Hai đã nhờ em... Nói tới đó cái chị Vui im bặt vì lỡ lời.
Thằng Hùng anh Hai thấy nó chịu làm ăn, em còn kén lựa chi. Duyên con gái đâu được mấy mùa trăng. Ba cứng giọng như thể điều đó đã được quyết định rồi.
Em thà ở như vậy còn hơn lấy người không thương. Anh không nhìn thấy cái gương của chị Hai sao? - chị Vui tiếp tục lỡ lời trong cơn tức giận.
Câu nói như cắt vào vết thương vốn đã làm độc trong lòng ba.
Em cứ suy nghĩ thêm. Ba nói mà không nhìn vào mắt chị Vui rồi bỏ lên bờ. Mà dù có nhìn thì ba cũng không thấy chị, trong mắt ba chỉ có má, người vừa thương hết dạ vừa giận hết lòng bởi cái tính ghen và gia trưởng không thể nào bỏ được. Mà phải chi ba ghen với ai đâu không nói, chỉ toàn ghen với quá khứ của má. Ghen với “mối tình đầu” trúc mã thanh mai đã bị người đời đàm tiếu, gia đình cấm cản. Bà ngoại của Mừng từng doạ sẽ uống thuốc sâu tự tận nếu má không chịu lấy ba Mừng. Má đành bỏ lỡ người thương nhưng ba biết trong lòng má còn nhớ hoài cái hình bóng đó. Ba hay gọi đó là oan nghiệt.
Khói thuốc cuộn thành từng vòng lởn vởn trong đêm. Những hôm như thế ba càng đốt thuốc ác liệt, ngồi thu lu như muốn tan vào đêm, khói thuốc kéo sợi nhiều tới mức tưởng chừng có thể bện lại thành sợi dây thừng để thắt cổ cuộc đời. Hoặc không thì buộc những cơn buồn nhớ, uất ức lại rồi quăng xuống sông cho nó theo dòng về biển, chứ hơi đâu mà nhớ người đầu ấp tay gối đã bỏ mình đi.
Chị Vui chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Mỗi lần bọn con trai lên ghe nhậu là chị trốn biệt ở mui sau, lúc thì may vá, lúc thì sắp đặt lại mớ khoai lang, khoai mì, mấy khạp muối để ngày mai buôn bán. Mừng cũng không thích mấy thằng cha lên ghe nhìn ngó chị Vui, không ai xứng với chị Vui hết. Bữa có thằng cha dê xồm, bày đặt đụng tay đụng chân với chị, Mừng cho thằng cha ăn tát rồi xô xuống nước.
Bữa đó nó ăn đòn vì lỗ mãng mà không buồn, còn hả hê trong bụng vì bảo vệ được chị Vui. Lớn lên bên chị, hai chị em quanh quẩn bên nhau như hình bóng, bữa ăn, giấc ngủ cận kề. Mừng không muốn chị dọn về nhà người khác sống, bỏ ghe, bỏ bến. Mừng sẽ buồn thúi ruột khi nghe con ễnh ương kêu mỗi đêm mưa. Nghĩ tới đó nó rầu ngang trong bụng. Đường đời lắt léo lắm đa.
Không hiểu sao mỗi lần trôi nổi qua xứ này thì không khí trên xuồng như có đá treo. Tất cả lặng lẽ, chìm nghỉm xuống lòng sông, nhất là những đêm trường dài đằng đẵng ba ngồi đốt thuốc đến khi trăng sao cũng mỏi mòn ngủ mất. Chị Vui thì ngồi phía mui sau, thở dài cả đêm. Những đêm ấy dường như hai người đem lòng dạ mình ra cho con dao cuộc đời cắt nát nhừ. Mà ngộ lắm, con dao này cắt vào lòng không làm người ta chảy máu, chỉ có nước mắt chảy ra. Chảy mãi không lành. Mừng nằm một mình trong ghe, cái ghe thường ngày chật chội nay lại rộng ra như cánh đồng trơ rạ khi mùa gặt dứt.
Ba có khi sẽ hát cho tới khi ngủ quên, chị Vui sẽ đốt thêm mớ lá xả ung muỗi trên xuồng. Chị lấy cái chăn đắp lên cho ba rồi ngồi ngẩn ngơ người. Da chị sáng dưới ánh đèn, nét xuân thì còn căng tràn, mắt tròn, môi đỏ, gương mặt có duyên. Chị cứ ngồi nhìn ba rồi nhìn sông như không biết đời mình sẽ trôi về bến nảo bến nào.
Chị Vui cùng ba gánh gồng cuộc sống, giọng chị ngọt xớt, một tiếng anh Hai, hai tiếng cũng anh Hai, không cãi lại ba lời nào. Ơn cứu mạng lớn như núi nên chị một lòng theo ba, chăm Mừng, cùng nương dựa nhau để trả nghĩa.
Biết ba thích ăn cay, chị trồng mấy cây ớt vào mấy cái khạp bể, lúc nào ghe cũng có ớt mà ăn. Biết ba thích hoa nhài, hễ ghe dừng lại ở đâu là chị đi vào xóm để tìm cây rồi trồng vào cái gáo múc nước bị bể. Nhưng không đủ nước ngọt tưới, cây bông lài cứ héo queo, chị lại đi mua một cây khác. Chị bắt đầu chắt chiu nước uống để tưới, ngày nó ra cái bông đầu tiên, chị mừng rồi la bài hải như con nít. Anh Hai ơi, cây bông lài trổ rồi anh Hai ơi, ba thấy bộ dạng chị như vậy cũng phải phì cười.
Dọn mồi nhậu xong đâu đó thì mấy người bạn của ba cũng lác đác xuống ghe, nay ông Chín Sẹ lại dắt theo người phụ nữ tóc xoăn hôm nọ, nhìn qua là biết ổng muốn cho ba chắp nối với người ta. Mừng cũng thấy khấp khởi trong bụng, má đi cũng lâu rồi, có người bầu bạn, ba cũng đỡ lủi thủi. Biết đâu rồi ba sẽ dừng cuộc nổi trôi thương hồ mà về đất sống.
Mừng ngồi thót tim theo dõi tình hình, chốc chốc Mừng thấy ba cụng li với người ta. Ba cười tở mở nhưng tay chân cứ cứng còng thừa thãi. Cười mà như mếu, mắt cứ vô hồn. Mà không hiểu chị Vui nay mắc cái chứng gì mà tay chân vụng về quá, nồi xoong chảo cứ rớt rổn rảng ở mui sau, lúc bưng đồ ăn lên, suýt làm đổ hết tô canh khi thấy ba và tóc xoăn ngồi sát rạt. Buổi nhậu càng lúc càng rôm rả, mọi người ghép đôi ba với tóc xoăn. Nhậu xong, ba không còn ra mui ghe nằm hát mà hôm nay ba theo tóc xoăn về nhà.
Ba đi rồi, cái xuồng nhẹ tênh. Chị Vui lấy mấy chai rượu uống dở ra mui ghe ngồi uống. Mừng thấy vậy cũng chạy lại nhăm nhe muốn uống cùng. Thế là hai chị em chén tạc chén thù. Hai chai rồi ba chai, chị chưa từng uống rượu nên say lừ. Nó thì cũng quay quay đầu óc.
Chị Vui mặt đỏ bừng bừng. Càng nhìn Mừng càng thấy chị đẹp, không đứa con gái nào đẹp bằng chị, chị ngủ trong cơn say, nó cố gắng bế chị vào bên trong ghe vì sợ chị trúng gió. Người chị mềm mại, chiếc cúc áo bung ra tỏa ra thứ hơi ấm làm mụ mị đầu óc. Nó đặt chị xuống, vén tóc đắp chăn, chợt chị nắm tay nó, có luồng điện chạy dọc sống lưng, một cảm giác muốn gần gũi trào lên ngay lập tức, nó tự hỏi mình đang nghĩ cái gì đây.
Chị nắm chặt tay nó không buông, không cưỡng lại được, nó đưa tay chạm lên mặt chị, rồi đằng sau chiếc cúc áo bung ra là cả đầy đặn xuân thì. Trong cơn say, nó nhìn chị như muốn chiếm hữu người con gái trước mặt. Đôi môi chị khép hờ, nó đặt lên đó một nụ hôn, chị đáp trả, một nụ hôn quấn quýt, tay nó rối loạn, từng chiếc cúc áo chị bung ra. Nó mụ mị cởi áo mình, rồi áp ngực mình vào ngực chị, mùi rượu trong hơi thở gấp càng làm nó mất trí, và khi nó đã không còn dừng lại được nữa, bỗng trong cơn say chị Vui thầm thì “anh Hai đừng đi, anh Hai ơi”.
Tiếng chị nói làm nó tỉnh hồn, nó vùng ra khỏi tay chị, loạng choạng bước ra mui ghe ngồi. Nó cảm thấy kinh thiên động địa. Đêm khuya đen ngòm và sâu hun hút nhưng không sánh được với chuyện đời tréo ngoe cán cuốc này. Nó vừa thấy ghê tởm chính mình, vừa thấy hận cuộc đời sắp đặt, bày vẽ chuyện khóc cười, cợt đùa nhân thế. Thì ra chị Vui... Thì ra mình…
Con nước cạn queo nhưng Mừng thấy mình đang nổi trôi giữa biển. Chiếc ghe nhỏ cứ chồng chềnh.
Dòng nước vẫn trôi qua bến Mù U đều đặn nhưng không mang đi được trầm tích u uất chất chứa trên ghe.
Sau đêm đó Mừng trở nên ít nói. Những đêm ngủ cạnh chị, nó căng mình chịu trận, vùi dập bao nhiêu cảm xúc và mong muốn của mình. Có đêm Mừng mơ thấy mình biến thành một con bướm, vỗ cánh nhẹ nhàng bay khỏi bến này. Nhưng bay chưa tới đâu thì cơn mưa ướt rượt đã theo sát phía sau, con bướm nhỏ rũ mình ngay mép nước. Mừng giật mình, cổ họng đắng nghét.
Trăng sao không hề biết, chỉ có dòng nước dưới ghe thấu được những cái trở mình giữa đêm thâu.
Tự dưng chị Vui đổi tính, chị bắt đầu ra ngồi nói chuyện với những người ba rủ lên ghe nhậu. Chị bắt đầu ăn diện chải chuốt, hẹn hò.
Mới dừng ở bến chừng giữa con nước mà Mừng thấy như nửa đời người trôi qua. Đời bỗng dài dằng dặc, nhất là vào những ngày chị Vui đi hẹn hò mút chỉ. Chị Vui ngày nào cũng đi từ chiều đến mịt mùng khuya mới về.Trên ghe chỉ còn lại ba và Mừng. Cái ghe bỗng nhẹ như rỗng ruột.
Ba kêu nó lấy mấy cây đèn ra châm dầu, lau ống khói. Nó lẳng lặng làm. Ba ôn tồn nhỏ giọng, bây ráng học làm, nữa chị Vui đi lấy chồng mà còn biết làm.
Nó phát hoảng, nghĩ đến đó mà tay chân rụng rời. Đang lau đèn dầu thì nó nghe tiếng chị Vui về, chị Vui nói cười hỉ hả trên bờ. Người ta nói yêu nhau thì hay nói thầm thì nhưng sao chị Vui cứ nói giọng lảnh lót cho người khác nghe thấy, những lời ngọt ngào trăng gió. Mừng biết chị nói xem ba có động lòng hay ghen tức không.
Ba vẫn ngồi trên mui ghe nhả thuốc, mặt mày bình lặng. Chỉ có Mừng, lòng nó không yên. Chị Vui đã say khướt. Mừng giận quá không ra đỡ chị vào. Ba đỡ chị từ tay anh Hùng, Mừng thấy chị ôm lấy ba, vừa khóc vừa kêu anh Hai vô tình, anh Hai vô tâm…, rồi vừa chửi vừa cười ha hả. Ba vẫn ân cần nhưng giữ mực với chị như mọi khi, chị bắt đầu khóc, chị bảo anh Hai đừng gả em đi. Ba đỡ chị xuống nằm ngủ rồi kêu Mừng giăng mùng cho chị.
Ba ngồi trước mui ghe nhả thuốc, Mừng ngồi cạnh ba, trăng sao im ắng, nước vẫn theo dòng chảy trôi muôn nẻo cuộc đời. Nước có khi nào hiểu lòng ghe.
Cuối cùng chị Vui cũng chịu lấy anh Hùng. Ba gói ghém mấy chỉ vàng cho chị Vui làm của hồi môn. Mắt chị Vui buồn như đưa đám.
Tối qua nằm cạnh nhau đêm cuối, chị dặn Mừng đủ điều, nào dầu mỡ mắm muối, đèn đóm, khoai bắp… đặc biệt chị dặn phải giữ kĩ cái hộp đựng quần áo của má làm kỉ niệm, dặn chăm sóc bản thân, dặn tìm người yêu thương mà cưới. Chèn đất ơi, chị ko biết Mừng chỉ thương mình chị hay sao, với Mừng như vầy mà ai dám thương. Đêm sâu im bặt ngoài kia.
Ngày cưới chị Vui, nhà trai xuống bến Mù U đón dâu. Ghe nhà Mừng trang trí đơn giản, chỉ thêm lá dừa che trên mui, thêm mớ bông giả đỏ đỏ vàng vàng gắn lên sơ xài. Tất cả chỉ càng làm cho cái nghèo hiện lên xơ xác.
Mừng ngồi trong xuồng không bước ra, mùa hạn mà mưa tuôn trong bụng. Ba cười mãn nguyện. Chị Vui bước lên bờ, không quay đầu lại.
Chiều đến, Mừng và ba nhổ sào rời đi, xuôi theo con nước mà tới. Trăng non bén như lưỡi hái, cắt ứa máu nỗi thương phận mình.
Đêm xuống, cái xuồng nhẹ như chiếc lá khô, tưởng chừng chỉ gió nhẹ một chút là cái ghe bay mất.
Không ngủ được Mừng lôi hộp quần áo của má ra sắp xếp lại, có một tờ giấy lịch rơi ra, là nét chữ của chị Vui. Nó vội vội mở hết tờ lịch ra đọc. Chị nói với Mừng là chị biết hết chuyện xảy ra trong đêm say ấy, chị thương Mừng còn hơn cả thứ tình cảm đó nên chị đành ra đi, chị không phải là bến dừng hạnh phúc của Mừng. Chị dặn Mừng đừng buồn, rồi Mừng sẽ tìm được người thuộc về mình. Hãy mạnh mẽ mà sống như má vậy, khi má gặp lại người thương, là chị đã ủng hộ má đi, cái người mà ba Mừng hay gọi là “oan nghiệt” đó chính là một người con gái học cùng trường với má. Má và Mừng cũng giống như nhau, Mừng đừng lấy người không yêu, đừng bước lại con đường của má. Đừng về bến Mù U vào mùa cũ, hãy chờ mùa tết hãy về thăm chị, chị muốn tất cả chúng ta đều bắt đầu lại từ mùa xuân. Nước mắt Mừng ràn rụa.
Mừng chống xuồng, ba ngồi trước mui. Ba bảo chị Vui lấy chồng rồi, ba mừng cho chị, để ba cũng tìm mối gả bây đi. Con gái đâu theo dòng mà trôi mãi được.
Mừng chỉ biết cười trừ. Má và chị Vui đã bỏ xuồng ghe, con nước, bỏ Mừng mà đi
Con người rời bỏ cuộc này để miên viễn đến cuộc sau cũng như nước dưới dòng, ra sông hay về biển đều chảy một đoạn dài miên trường mất mát.
Nhưng cuộc bỏ đi đó không hẳn là một sự bỏ đi vô nghĩa.
Nước rẽ dòng chờ một hi vọng.
Mừng sẽ về thăm chị Vui lúc tết đến bên hè.
N.T.N
VNQD