. THANH TUÂN
Sau trận đau giữa năm, ba già và yếu đi hẳn. Ba ít ra đồng hơn, và thường ngồi trầm ngâm nhìn xa xăm. Có khi đó là vị trí ngồi chỗ hiên, nhìn ra cây vú sữa có tổ chim sâu treo đòng đưa. Ba tỉ mẩn nhìn chú chim con bé tẹo chuyền từ cành cao xuống cành thấp rồi chui tọt vào tổ. Có khi ba ra chỗ lan can nhà, ngồi đó, ba nhìn ra phía chuồng trâu cũ, cái chuồng trâu trống hoác, bầy trâu ba đã bán đi từ dạo nằm viện. Thi thoảng, buồn tay chân ba đem cái thùng đồ nghề của mình ra săm soi. Săm soi từng thứ một.
Đó là cái thùng gỗ thiệt cũ kĩ. Chiều cao tầm 30cm, chiều rộng cũng đâu chừng 30cm, dài đến 50cm. Ba thường bê cái thùng cũ kĩ ấy ra hiên nhà ngồi, lật cái nắp thùng không khóa lên, ba ngắm nghía từng món đồ trong cái thùng ấy. Đây là cái đục chàng, ba tỉ mỉ giảng giải cho thằng cu Tí con của chị. Cái đục lưỡi nó chàng ra to, dùng để đục những cái lỗ vuông hay chữ nhật lớn, như đục chỗ cây cột cái để bắc cây kèo vào. Đây là cái đục hai, đục ba, đục bốn… tên gọi theo chiều rộng của lưỡi đục. Đục hai có nghĩa là lưỡi rộng 2cm, đục ba lưỡi rộng 3cm… Thằng Tí săm se cái đục có lưỡi nhỏ, cong như móng tay. Ba cười bảo, đó là cái đục móng. Đục móng đục những lỗ tròn trên thân cây cột con, tuy nhỏ nhưng nó rất quan trọng. Thiếu nó thì không thể hoàn thành cái nhà. Ông cháu rù rì rủ rỉ cả buổi về những món đồ cũ càng ấy, đó là những vật dụng đã theo ba một thời.
Ảnh minh họa
Ngày còn nhỏ, anh em con tự hào về cái nghề mộc của ba. Ba có cái giàn nề cao để trước ngõ, dưới bóng cây vú sữa già. Cái giàn nề gỗ cao con đứng tới vai. Thi thoảng anh em leo lên nghịch ngợm. Những ngày có việc, ba khuân cái thùng đồ nghề ra đấy, chỗ đầu ngõ, đục đẽo. Tiếng búa lốc cốc, tiếng cưa loạt xoạt từ sáng sớm cho tới tận trưa đứng bóng, rồi từ xế cho tới tận tối mịt. Những ngày nghỉ học anh em hay luẩn quẩn quanh cái giàn nề cao cao của ba. Những đù đày gỗ ba cắt bỏ ra nào là hình vuông, hình chữ nhật… đó là những đồ chơi hiền lành, không tốn kém. Khi thì chúng được xếp thành ngôi nhà, thành một dãy domino, thành những chiếc xe ủi nhau… Rồi nhiều lắm những khi anh em mang cái bao lát lớn gom mớ dăm bào ba bào ra từ thân sến, chò, lim, xoan đào… những dăm bào mỏng tang ấy được gom nhận vào bao, anh em khiêng vào góc bếp. Đó là mồi nhen lửa của má. Lửa nhen từ những dăm bào ấy khói bay lên thơm phảng phất tinh dầu của các loài cây trăm năm kết tụ. Giờ đây hồi tưởng như trong mùi khói bếp ấy có cả vị mằn mặn, chua chua của những giọt mồ hôi cơ hàn ba lặm vào.
Khi ba nghỉ tay nửa buổi ngồi chiêm chiếp ca nước chè, anh em lọ mọ lại phía giàn nề, lấy cái bào to có thân bào đen bóng, cũng đặt mẩu gỗ dài dài nhặt được lên phía giàn, rồi bào. Lạ kì lưỡi bào cứ găm sâu vào mẩu gỗ chẳng chịu đi. Ba cười. Bào mấy cây ngắn cần lấy cái bào cồ, đẩy nhẹ, phớt lên, đừng ráng mà đè sâu xuống. Bào cánh đó chỉ để bào những tấm ván dài, to. Thế là anh em lại hí hửng lựa bào, rồi bào, rồi nheo mắt ngắm. Cuối cùng cũng cần ba đẩy lại vài đường bào, cây thước gỗ bóng mượt mới ra đời. Con đổi cho lũ bạn những cây thước gỗ, khi thì lấy cây thước nhựa có kẻ vạch milimet, khi thì đổi được chục dây su, đôi viên bi chai óng ánh, có khi là vài cành quế thêm những chiếc cuống quế cay xè vừa ăn vừa hít hà…
Con nhớ những lần nhận việc xa, ba lại cột cái thùng đồ nghề cũ đằng sau chiếc xe đạp giàn ngang màu cháo lòng. Ba cùng cậu Ba hàng xóm lộc cộc đi từ sớm sương còn nhập nhoạng con ngõ. Khi ba về, ngọn đèn trên phên liếp má đã thắp lên từ khi nào. Má lục lạo dưới bếp dọn cơm. Ba ăn cơm bên ánh sáng từ bếp lửa rọi ra. Rồi tiếng ba má tính công thợ, kể về đám lúa ngoài đồng đang bị sâu ăn… rù rì rủ rỉ. Rồi ba đi về phía phản gỗ ngả lưng. Anh chị em học bài bên bàn giữa nhà, quay quanh ngọn đèn sáng trưng, đến tận khuya, nghe tiếng thở dài, trở mình, và tiếng bàn tay ba thổ vào lưng thùm thụp vì nhức mỏi.
Trong lí lịch của từng đứa con, chưa bao giờ ba ghi vào mục nghề nghiệp của ba là nghề mộc. Ba bảo, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Ba hay kể về những ngày tản cư. Đó là những ngày cả gia đình không thể trụ bám trên vùng tranh chấp nữa, buộc phải xuống vùng địch. Ngày đó ba mười tuổi, dưới ba còn có bốn đứa em. Ba đạp xe đi bán cà rem khắp Tam Kỳ, có khi vào Quảng Ngãi. Rồi ba lại kể về nghề làm bánh. Một đôi năm ba ra tận Đà Nẵng, ở với người ta phụ làm bánh kẹo. Những bánh mì nhào bột, trộn bột, nặn bánh, nướng bánh…; những mẻ kẹo đậu phộng nấu từ đường tộ dẻo quánh, đổ ra rồi lắc vòng cho đều đậu… Khi anh em con lớn lên, con bắt gặp những ngày ba không đi làm mộc, đó là những ngày ba chặt tre, vót tre. Trưa miền Trung nắng đến độ con chim cũng mệt chỉ chuyền cành mà không hót, ba ngồi đan rổ, lận vành, cái đầu cúi cung cúc, dáng người gầy đen nhẻm… Những rổ rá ba làm ra cái nào cũng khéo, cũng đẹp. Ba bảo ba không có nghề nào cả, tất cả chỉ là học lóm, chưa gọi là nghề. Gọi là nghề cần phải được học hành, phải am hiểu tận tường. Với ba, mỗi việc ba chỉ làm để mưu sinh, để gồng gánh gia đình qua những gian truân trong cuộc sống, không thể gọi đó là nghề. Nhưng ba biết không, những vất vả trong phần đời mưu sinh của chính ba, những công việc ba đã nếm trải, anh em con đủ thấy với ba tất cả đều có thể gọi là nghề.
Ba lại mang cái thùng đồ nghề cũ mèm màu thời gian ra săm soi. Cái ống mực lâu ngày không dùng dây mực đã khô như rang. Những cái đục cán bóng đen mùi mồ hôi bao rắn rỏi. Cái bào máng, bào cánh, bào cồ, bào mương… từng cái ba lau không hạt bụi. Thi thoảng ba tháo từng lưỡi bào ra mài và tra vào lại. Mài chỉ để mài. Má càm ràm, có làm nữa mô mà mài cho mệt. Ba kêu, rứa chớ khi cần không có mà dùng. Những lúc như thế, thằng Tí lại luẩn quẩn bên ông, săm se những món đồ của ông.
Ba nói, mỗi nghề đều có đồ nghề. Những đồ nghề không qua mài giũa thường xuyên sẽ bị lụt, làm rất khó mà có ra cái sản phẩm cũng không đẹp, không ưng mắt. Như cái đục, cái bào không mài thường xuyên đường bào đâu có bóng, có nhẵn. Cái cưa không mài khi cưa không những mỏi tay mà đường cưa còn xù xì, xấu xí. Cu Tí bảo, nghề dạy học như cậu không cần đồ nghề. Ba cười, nghề nào cũng phải có đồ nghề, con thấy hay không mà thôi. Đồ nghề của cậu là những con chữ. Để cho học trò hiểu, cần phải có những con chữ hay, chữ đúng. Cu cậu gật gù như hiểu ra. Nhưng mà rứa thì đồ nghề của cậu đâu cần mài. Cu cậu lại phân bua. Ba lại cười. Muốn dùng được con chữ hay, chữ đúng thì phải thường xuyên tìm tòi, thường xuyên lựa chọn để dùng, đó là mài, là giũa.
Thế rồi ông cháu lại lục đục mang cái thùng đồ nghề ấy đi lau, đi mài. Xong đâu đấy, ông cháu lại để tất cả vào thùng rồi mang đi cất. Cất chỉ để cất, không biết ngày nào đó cái thùng đồ nghề ấy có ai mang ra dùng nữa hay không, cũng không biết trong các con cháu của ba rồi có đứa nào theo nghề mộc không. Chỉ biết một điều, ba cất rất cẩn trọng. Dù chưa bao giờ thừa nhận ba có một cái nghề nào, nhưng với anh em con, chỉ việc ấy thôi đã đủ thấy ba đã có một cái nghề, và ba trân quý cái nghề ấy đúng nghĩa
T.T
VNQD