. TRẦN THỦY
Tôi lặng nhìn cánh cửa gỗ quen thuộc. Chiếc ổ khóa to đùng nằm im trên đám xích sắt đen sì. Giàn thiên lí xanh mướt rủ từng chùm hoa tỏa hương thơm ngát.
- Chúng ta đi thôi!
Tiếng bác gái giục giã. Tôi vội vàng leo lên chiếc xe đạp Mipha. Đằng sau, lặc lè cái va li chật căng. Tất cả đều là của mẹ. Chiếc xe bố gửi, quần áo ấm mùa đông, đó là những kỉ vật cuối cùng mẹ để lại…
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Chuyến xe khách bắt đầu rời Hà Nội. Những dãy phố san sát, những ngã ba sầm uất lùi dần sau lưng. Tôi nhắm mắt, nghe rõ bác gái đang kể cho ai đó về mình. Tai nạn bất ngờ của mẹ đã biến tôi thành đứa trẻ bơ vơ. Nước Đức xa lắm, bố tôi xa lắm. Bố nhờ chị gái họ đưa tôi về quê sinh sống. Dĩ nhiên bố sẽ chu cấp đầy đủ.
Trời ngả bóng về chiều, ánh nắng cuối hè bớt oi ả, đàn cò trắng chấp chới vụt bay trên những rặng tre đầu làng.
- Về nhà rồi Khanh!
Bác gái kéo tôi ra khỏi suy nghĩ chập chờn. Ngôi nhà mái bằng kiên cố của bác nằm biệt lập trên cánh đồng Bái. Ở quê hồi những năm 90, đó là ngôi nhà đẹp. Đang mùa gặt rơm rạ phơi đầy đường. Người lơ xe dỡ đồ cho chúng tôi từ trên nóc xe xuống, nói rất nhanh: “U chuyển nhà hay sao mà lỉnh kỉnh thế này?” “À, của em nó.” “Em xinh gái quá u à!” Anh ta tranh thủ liếc tôi, nhưng chẳng dám nhìn lâu khi gặp thái độ thờ ơ, lãnh đạm.
Tối hôm đó, cơm nước xong xuôi, mọi người ở gần biết tin tôi về liền đến hỏi thăm. Đa số các anh các chị trong dòng tộc họ Trần. Ông nội tôi là út, chỉ có mình bố tôi đang lao động ở nước ngoài. Ông bà mất lâu rồi. Thành ra, họ đến chia sẻ với tôi một phần, và cũng tò mò muốn biết cô con gái rượu 18 tuổi nhà cậu út trên Hà Nội hình thức thế nào. Bố đưa tôi về quê từ tấm bé. Giờ, tôi chẳng nhận ra ai với ai. Nghe bác gái giới thiệu, hai má tôi đỏ bừng trước bao cặp mắt đang nhìn. Có người kể ngày xưa bố nghịch lắm, dám lấy pháo nhét vào hốc mít nổ banh gốc, có chị khen tôi xinh giống mẹ.
Bác gái là người rất uy tín trong họ, hiện làm hội trưởng phụ nữ xã. Hai con trai bác, anh lớn theo bố, một sĩ quan quân đội vào học tận Đà Nẵng, đôi ba năm mới được về phép. Còn anh thứ hai học trung cấp xây dựng trên thị trấn không xa. Tôi nghe bác nói anh ở kí túc xá, đang nghỉ hè, vừa lên đó để chuẩn bị vào năm học mới.
*
* *
Tiếng xe máy từ ngoài ngõ vọng vào, ánh đèn pha rọi sáng cả khoảng sân, con chó thấy người quen vẫy đuôi mừng tít.
- Cậu Kha và bạn gái kìa.
Bà chị họ tên Vân ngồi cạnh tôi thì thầm. Có tiếng nói to: “Thế cậu Kha vẫn chưa nhập học à?” “Dạ, hai tuần nữa em mới chính thức.” Tôi tò mò hướng mắt ra phía người trả lời. Trong đầu mang máng nhớ anh út này. Cái lần tôi theo bố về nhà bác, hồi khoảng năm sáu tuổi gì đó. Trời mùa hè nhập nhoạng, tôi vô tư đứng tắm ngay cạnh bể nước mưa. Gió ngoài đồng man mác thổi, những gáo nước dội vào da thịt mát lịm. Đang tắm, tôi bỗng giật mình. Ông anh họ đen nhẻm từ đâu chạy về, thấy tôi thì nhe hàm răng trắng bóng ra cười. Tôi ngượng ngùng, lấy tay che vội cơ thể như cục bột của mình. Đó là lần đầu tiên, tôi biết xấu hổ trước người khác giới...
- Cả nhà hôm nay đông vui quá. Chào Khanh. Em lớn thế này rồi ư. Vẫn còn nhớ anh chứ?
Người thanh niên cao lớn có khuôn mặt vuông vức và nước da ngăm ngăm mỉm cười chìa tay cho tôi bắt. Tôi dè dặt nắm lấy. Bàn tay dầy dặn của anh siết chặt tay tôi, đôi mắt nâu ấm áp, thân thiện. Tôi gật đầu: “Vâng... Em nhớ.” Chút đỏ mặt chạy lên tai. Hình như anh thấy. Tôi thầm hy vọng anh đã quên chuyện xưa. Nếu không, tôi xấu hổ lắm. “Đây là chị Phượng, bạn anh.” Anh quay ra chỉ cô gái đứng đằng sau. Trông chị điệu đà, ra dáng gái thị xã. Cả nhà nói chuyện rôm rả, uống nước vối dưới quầng sáng mờ mờ của cây đèn tọa đăng. Tôi thấy chị thỉnh thoảng liếc về phía tôi. Có lẽ, đôi mắt to đen láy, khuôn mặt xinh xắn, bộ quần áo thun hiện đại khỏe khoắn của tôi khác hẳn với những cô thôn nữ nơi đây. Bọn con trai trong lớp nhiều đứa thích tôi, nhưng chẳng đứa nào dám bày tỏ vì tính tôi nghiêm nghị, không cợt nhả. Tôi luôn né mấy chuyện tình cảm vặt vãnh.
Tối hôm đó anh Kha không đưa chị Phượng về. Trong lúc rửa ráy ở cái nhà tắm xây bằng xi măng nằm xéo mé vườn, tôi nghe rõ tiếng chị trách móc: “Anh định để em về một mình hay sao?” “Vẫn sớm mà, em phóng nhanh hơn tiếng là về. Anh ở lại đôi tuần, còn sào lúa chưa gặt. Hôm nào nhập học, anh lên.” Anh Kha nhẹ nhàng phân trần. Giọng chị Phượng giận dỗi: “Kệ anh, em không quan tâm...” Chiếc Babetta của chị ậm ạch nổ máy rồi mất hút. Tôi ngồi im, run run lấy khăn lau nhẹ cho đến khi nghe rõ bước chân anh Kha đi vào nhà. Tiếng bác gái hơi sẵng: “Lúa gặt muộn một hai buổi đâu sao. Con làm vậy không được.”
*
* *
Tôi tỉnh dậy lúc mặt trời rọi qua cửa sổ chiếu thẳng vào mặt. Bên cạnh, vuông phản gỗ lim nổi từng thớ vân bóng lừ trống trải. Bác gái đã ra đồng gặt lúa từ sớm. Tôi nghe tiếng huỵch huỵch ngoài sân. Anh Kha đang dỡ từ chiếc xe thồ những bao lúa tươi vừa được tuốt ở sân hợp tác xã.
- Cả nhà dậy lúc nào mà không gọi em? - Tôi ngượng nghịu hỏi. Anh Kha nhìn tôi cười sảng khoái, lấy tay quệt ngang những giọt mồ hôi rịn đầy trán.
- Em cứ nghỉ đi, em sao quen việc này. Có ngô luộc trong bếp em lấy mà ăn.
Cách nói chuyện gần gụi của anh khiến tôi đỡ ngại. Mấy bao lúa nhanh chóng được anh đổ ụp xuống. Anh bảo tranh thủ nắng, phơi cho lúa nhanh khô. Những hạt lúa căng mẩy, vàng ươm, chạy thành luống đều đặn dưới chân anh. Mặc cho anh nói trời nóng lắm, ở nhà thôi, tôi vẫn chăm chăm lấy cái nón treo trên tường chờ theo anh. Tôi không muốn bị gọi là tiểu thư thành phố, lười. Mẹ vẫn dạy tôi phải chăm chỉ. Nhìn ánh mắt bướng bỉnh của tôi, anh lẳng lặng lấy tấm khăn thô màu bã trầu đưa cho tôi. Để làm gì ạ? Tôi hỏi. Anh hẩy tay, nụ cười tinh nghịch. Thì quấn vào mặt cho khỏi cháy làn da mỏng của em. Thế mà cũng hỏi. Tôi bẽn lẽn đón lấy.
Quãng đường từ nhà ra ruộng, anh đi trước đẩy xe, tôi lẽo đẽo theo sau luôn miệng. Sao em thấy bao nhiêu là chim sẻ. Mùa này chắc nhiều cua lắm phải không anh?
Anh Kha nhấc cái xe qua vũng lầy vui vẻ nói. Chờ đến trưa em tha hồ mà nhặt cua ngoi. Bọn sẻ nên cẩn thận, đám chim mồi nhiều lắm, vào rọ như chơi. Tôi nhìn đàn sẻ lích rích bên thửa ruộng, một chút chạnh lòng khi nghĩ về những con chim bị rô ti trên chảo dầu sôi ùng ục. Nheo nheo mắt vì nắng, anh Kha hỏi tôi có biết mối liên hệ giữa mặt trăng với mặt trời là gì không. Tôi trả lời chung chung. Còn anh khẳng định, đó chính là sự hi sinh cho tình yêu. Dù cả hai xa nhau, trái ngược nhau nhưng luôn vì nhau. Bên này thức để bên kia ngủ và ngược lại. Nắng to cho đêm trăng sáng tỏ. Tôi vội lập luận, thứ tình yêu bằng ảo giác như vậy không thể là tình yêu đẹp, nó thiếu thốn nhiều quá. Anh từ tốn bảo, cuộc sống luôn có nghịch cảnh, sự đo đếm cảm xúc chỉ người trong cuộc mới hiểu. Anh giảng giải thêm về mối liên hệ giữa các hiện tượng thiên nhiên rất say sưa. Thảo nào, bố tôi hay tự hào khoe anh là đứa cháu học giỏi nhất họ. Anh từng đỗ đại học xây dựng, nhưng nghe bác gái khuyên để anh cả vào Đà Nẵng học, anh chọn trung cấp gần nhà cho đỡ tốn kém.
Đường đi mấp mô ổ gà ổ vịt, thỉnh thoảng tôi bước hụt. Hai bên, cỏ may cỏ lác mọc um tùm. Ống quần của tôi dặm đầy hoa cỏ. Cào cào châu chấu bay rào rào. Cánh đồng nham nhở chỗ gặt, chỗ chưa. Những bóng người kiên nhẫn, nhấp nhô dưới ánh mặt trời hầm hập thiêu đốt. Bác gái đang mải mốt đưa liềm thoăn thoắt, lúa được sắp từng món trĩu trịt ngay trên ruộng, khuôn mặt bác đỏ lừ sau tấm khăn che.
- Mẹ nghỉ đi để con làm nốt.
Anh Kha giúi vào tay bác gái siêu nước vối và cặp lồng cơm rồi giục bác ra gốc cây gạo ngồi nghỉ. Còn chúng tôi, anh vừa gặt vừa dạy tôi cách cầm liềm, bó lúa. Tôi xắn quần lội xuống, lóng ngóng. Những lá lúa ngọt sắc cứa vào tay rớm máu. Nước xăm xắp dưới chân nóng dần lên. Trông anh Kha không khác gì một lực điền. Cánh tay gom lúa rất nhanh. Chẳng mấy chốc, cả góc ruộng đã đi bay. Anh chỉ cho tôi hai bên bờ đang có cua ngoi. Lần theo tay anh, những mai cua sẫm màu ẩn trong đám cỏ. Một con, hai con, ba con... Nhiều lắm anh Kha ơi! Tôi gọi.
Anh tranh thủ xếp lúa thật nhanh rồi tham gia cùng tôi. Lật những búi cỏ lòa xòa lên, vài nàng cua đang co mình, rụt mắt ẩn náu. Anh cười nhìn tôi đuổi theo hết con này đến con khác, chạy rẽ nước tung tóe trên mặt ruộng. Chẳng ngại ngần khi bàn chân giẫm lên những gốc rạ sắc nhọn. Hai ống quần sũng sĩnh, mặt đỏ au. Nắng từ trên đỉnh đầu dội xuống. Bất giác tôi thấy nhoi nhói sau chân, một con đỉa trâu đen sì to như lá tre đang bấu chặt vào bụng chân từ lúc nào. Tôi nhảy dựng lên, lao đến túm chặt lấy anh hớt hải:
- Anh cứu em với. Con đỉa... con đỉa...
- Bình tĩnh!
Anh Kha giữ chặt tay tôi cho khỏi ngã, trong khi tôi vẫn nhảy như con choi choi. Cảm giác ghê rợn khi hình dung ra cái nhúm bầy nhầy đang rúc vào da thịt tôi hút máu. “Bựt”. Anh cầm con đỉa quăn tít đưa lên cao. Sợ quá, tôi chúi đầu vào vai áo anh, hai tay vô thức ôm chặt lấy anh, miệng lắp bắp. Anh vứt đi...!
Anh rướn người quăng con đỉa ra xa. Tôi không dám nhìn. Hình như, nỗi khiếp đảm khiến tôi muốn an trú thật lâu vào người thanh niên mạnh mẽ này. Mùi mồ hôi nồng nồng, che chở. Chỉ đến khi, anh nhẹ nhàng gỡ tay tôi mới bừng tỉnh. Mặt đỏ dừ... xấu hổ. Mấy chị ruộng bên cười khúc khích. Anh Kha thì thầm. Chân em chảy máu kìa. Ngồi lên bờ đi. Vặt vội túm cỏ mần trầu, anh đưa lên miệng nhai rồi rịt vào vết cắn vẫn rỉ máu. Tôi ngoan ngoãn ngồi yên, chân đơ cứng. Tại da em trắng quá nên nó cắn, chứ đen như anh nó thèm vào. Anh lại cười, tay vẫn giữ chặt túm cỏ. Tôi lờ đi, mắt nhìn chỗ khác vì không muốn bị chìm nghỉm trong nụ cười ấm áp và ánh mắt dịu dàng đó. Bác gái từ xa gọi to:
- Hai đứa, về thôi!
Đêm đó tôi bị sốt cao. Trong cơn mê sảng tôi liên tục gọi mẹ, nhưng lởn vởn lại là hình bóng anh Kha. Bác gái chườm khăn mát cho tôi và sai anh ra góc vườn tìm lá nhọ nồi. Tôi ngồi dậy, mệt mỏi nhấp từng ngụm nước đắng nghét từ tay anh. Bác gái liên tục trách móc anh đã rủ tôi theo. Anh không nói, chỉ nhìn tôi thương cảm. Tôi lắp bắp thanh minh với bác là lỗi tại tôi. Bác quay đi, nét mặt khang khác.
Năm hôm sau anh Kha lên trường sớm hơn dự kiến. Bác gái bảo, xí nghiệp chỗ bố chị Phượng làm giám đốc đang cần cơi nới nhà xưởng, anh lên giúp ông ấy. Tôi dứt cơn sốt và khỏe mạnh nhờ những bát cháo đập trứng gà anh ép tôi ăn. Nhờ những lời anh động viên, vừa chân thành vừa hài hước. Anh đi rồi, tôi lơ ngơ vì chẳng còn ai quan tâm. Nhưng dù sao cũng đến ngày tôi phải lên lớp tiếp tục việc học của mình.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Trường cấp ba cách nhà khoảng bốn cây số. Có lẽ, việc học sẽ thú vị nếu như tôi không bị ám ảnh vào những buổi trưa một mình đạp xe về trên con đê có rặng nhãn trải dài. Tôi đã trở thành tâm điểm chú ý của bọn thanh niên vô công rồi nghề chuyên ghẹo đàn bà con gái mà đứng đầu là Tuyên con ông Tuân xát gạo. Gã bày trò cho bọn trẻ con ném rơm vào bánh xe của tôi. Rơm quay vòng vòng, quấn chặt líp xe. Đám thanh niên ngồi vắt vẻo trên mấy cây nhãn xung quanh phá lên cười. Trong lúc tôi loay hoay gỡ, tay dính đầy dầu mỡ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Tuyên từ đâu chui ra ngỏ ý giúp, kiểu như Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Nhiều lần quá, tôi nghi. Không biết gã hơn tôi bao nhiêu tuổi, nhưng khuôn mặt lấc cấc và cái dáng lêu khêu của gã khiến tôi chẳng chút cảm tình. “Em dừng xe cho tôi nói chuyện một lúc được không?” Tuyên hay giữ tôi lại, nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. “Anh làm ơn tránh ra.” Tôi đỏ mặt, gay gắt. Bọn thanh niên được thể gào toáng lên: “Làm tới đi anh Tuyên. Đừng để trai làng khác nó nẫng.” Cái xe ngoằn ngoèo, sắp đổ vì bị chặn. Tuyên chẳng nói chẳng rằng, vẫn giữ chặt ghi đông. Bất ngờ, gã giật cái nón tôi đang đội. “Trả nón cho tôi.” Hai bên giằng co, nắng chói gắt. Mấy người đi làm đồng về thản nhiên nghĩ chuyện trêu đùa. Tuyên vừa dứ vừa giật, thích chí khi tôi nắm tay giằng lại. “Em càng giận, càng xinh.” Hình như gã sung sướng vì được tôi giữ cổ tay. Tức mình tôi thả bàn tay đen đúa của gã ra, bỏ mặc cái nón. Tôi đạp xe về, trong lòng ấm ức. Bác gái có cái nón nào tôi lấy đội đều bị Tuyên xin làm kỉ niệm. Tôi mách bác, chỉ thấy bác lên giọng dạy bảo: “Phụ nữ phải đoan chính, đừng quá dễ dãi, đàn ông họ coi thường.” Tôi cúi đầu im lặng, lời nói của bác khiến tôi suy nghĩ. Mọi người trong làng đều biết, Tuyên là kẻ hỗn hào ngang ngược. Gã từng vác dao dọa cả bố. Hỏi, còn ai dám dây với loại con rạch giời rơi xuống. Hôm tôi đang trên đường về, bất ngờ gã chạy theo giật văng cái cặp sách, mặc tôi kêu la giữa trưa thanh vắng. Tối đó, tôi định đến mách bố mẹ gã thì thấy cái cặp mắc ngoài cổng. Mở ra, quyển vở nào cũng bị tháo tung vài trang. Cuối mỗi quyển gã đều ghi nguệch ngoạc: “Khanh ơi! Anh yêu em!” Sau này nghe em gái gã kể nón của tôi gã treo đầu giường. Còn mấy trang vở, gã đóng thành tập, hôn hít mỗi ngày. Đi ngủ cũng ôm như phải lòng phải bả.
*
* *
Anh Kha đưa chị Phượng về chơi vào một buổi cuối tuần, trời bắt đầu dịu dàng sang thu. Cây trứng gà cuối vườn lúc lỉu từng chùm quả vàng ươm, căng bóng. Đang chọc trứng gà, thấy anh, tôi tỏ ra lạnh lùng. Tự dưng tôi ghét anh vô cớ. Cả tháng trời anh mải mê trên đó, chẳng biết tôi khổ sở đối phó với gã si tình như thế nào. Tôi mới về, lạ nước lạ cái, đáng lí anh nên đảo qua nhà xem tôi có ổn hay không.
Xẩm tối, cơm nước xong, chị Vân sang rủ tôi đi xem chiếu bóng ở xã trên, trong lúc bác gái đang bàn bạc với anh Kha về việc xây nhà lên tầng hai, cả xã này chưa ai xây, nhưng bác muốn là người tiên phong, vả lại, bố chị Phượng hứa sẽ giúp đỡ. Tôi vào xin phép bác gái. Hồi chiều, tiếng loa oang oang thông báo khắp làng. Chị Phượng kêu đau bụng nên bảo anh Kha ở nhà. Tôi cũng muốn tránh ánh mắt ngạc nhiên, hơi buồn của anh. Dường như anh cảm nhận được bầu không khí cô đặc tôi tự phủ lấy mình.
Buổi chiếu phim lưu động diễn ra ở sân bóng nham nhở những mảng cỏ khô cháy. Đôi tháng, sở văn hóa về phục vụ bà con trong thời kỳ điện đóm nhập nhèm, tivi chưa phổ cập. Mọi người cố gắng thu xếp công việc từ sớm. Già trẻ trai gái lục tục ở các ngả đổ về. Máy phát điện chạy phành phạch trong chiếc xe ca có ô vuông để máy chiếu. Ánh đèn từ đó rọi thẳng vào tấm phông trắng được buộc lên hai cây tre dựng phía trước. Xung quanh, mấy hàng giải khát tù mù đèn dầu. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng tìm dép nhặng xị, tiếng loa thông báo: “Yêu cầu bà con ổn định chỗ ngồi để buổi chiếu bắt đầu.”
Vài ngọn gió hiu hiu chẳng xua nổi cái oi bức, ngột ngạt. Tôi co người ngồi cạnh chị Vân. Chị vẫn líu lo với anh người yêu đi cùng. Hình như đám thanh niên xung quanh ai cũng có đôi, chỉ riêng tôi cô độc. Tôi thấy họ xem phim thì ít, mải trêu nhau thì nhiều. Đến đoạn tình cảm, mọi người rộ lên ngả ngớn. Tôi đỏ mặt nghĩ, đáng lí mình nên ở nhà. Có gã bên cạnh quờ quạng lên vai tôi. Nhìn sang, tôi lừ mắt. Cô bạn gái liền véo gã một cái đau điếng. Suốt buổi chiếu, tôi luôn thấy cảm giác bất an, nhột nhột sau gáy. Dù tôi đã quay lại, cố căng mắt xem có ai quen trong đám đông lố nhố hay không.
Hết phim, mọi người xuôi các ngả, tiếng bàn tán dư âm của bộ phim vẫn vang lên trong đêm tĩnh lặng. Tôi bước thấp bước cao bám theo các anh các chị. Đường làng mấp mô, luồn qua mấy ngõ trồng toàn cau, qua bãi tha ma trải dài. Trăng thượng tuần tỏa thứ ánh sáng âm u, bàng bạc. Thỉnh thoảng, tiếng cú vang lên, đom đóm lao ra từ những ngôi mộ thành vệt sáng xanh lét. Tôi sợ hãi, chẳng dám làm người cuối cùng, cứ len lén ở giữa, nhìn trăng mà đi. Qua hết làng này đến làng khác, đám đông vơi dần. Anh người yêu của chị Vân cũng chia tay. Chỉ còn tôi và chị về hướng cánh đồng Bái. Đến chỗ ngã ba, chị vào xóm, tôi phải đi thêm một quãng mới tới nhà. Chị hỏi tôi có cần đi cùng không. Tôi lắc đầu. Chả lẽ tôi nhận mình nhát.
Nhà bác gái kia rồi. Cách mấy trăm mét, ngôi nhà giống một ốc đảo thu nhỏ. Không hiểu sao lúc đó chân tôi như bị ai níu lại. Cái miếu hoang nằm ở giữa quãng đường, ban ngày nhìn bình thường, giờ trông cô tịch âm u đến rợn người. Dũng cảm lên chứ, làm gì có ma ở xứ này. Tôi tự nhủ và nhấn mình băng băng chạy, chân tưởng đeo đá. Đến gần miếu, tôi bỗng thấy ba bóng đen từ hai bờ ruộng bất ngờ vọt ra.
“Ma hay người.” Tôi hét lên. Ba bóng đen lao vào ôm cứng lấy tôi. Kẻ dùng khăn bịt miệng, kẻ trói tay. Tôi vùng vẫy, nhìn rõ cái mặt lưỡi cày của thằng Tuyên và đồng bọn. Hóa ra, cảm giác tối nay của tôi là đúng. Khốn nạn, bọn chúng định giở trò gì bẩn thỉu với tôi đây. Chúng hè nhau khênh tôi vượt qua bờ kè ra sau miếu. Tôi lấy hết sức giãy giụa mà không sao thoát được. Chúng thả tôi lên bãi cỏ. Lưng tôi nằm phải cục sỏi đau nhói. Tuyên đè cứng chân tôi, hai đứa kia giữ chặt tay tôi. Như con thú hoang vồ được miếng mồi yêu thích, gã giang tay xé toạc chiếc áo lanh tôi đang mặc, dứt tung chiếc áo lót vứt ra xa. Cả bầu ngực nõn nà vun cao của tôi lấp lóa dưới ánh trăng ngà. Tôi thấy mắt gã điên dại, lẩm bẩm như động kinh: “Khanh ơi... anh yêu em.” Bọn bên cạnh cười khoái trá. Cái đầu bù xù hôi hám của gã vồ lấy ngực tôi ngấu nghiến. Nước mắt tôi giàn giụa. Bầu trời như chiếc lồng sắt kín bưng ụp xuống. Nhục nhã quá... Bác gái ơi, anh Kha ơi, nhà mình kia mà mọi người ở đâu sao không cứu tôi?
Tuyên vẫn ư ử trườn trên người tôi. Bỗng huỵch... huỵch. Tôi thấy Tuyên bật ngửa ra ngoài. Một bóng đen cao lớn lao vào gã đấm đá túi bụi. Anh Kha... đúng anh Kha rồi... Tuyên quằn quại, giúi giụi. Gã ú ớ. Lại huỵch... huỵch...
Một lúc sau, gã nằm im bất động. Hai thằng đồng bọn bỏ chạy về phía làng. Anh Kha đuổi theo.
Khi anh quay lại, tôi vẫn run rẩy, xơ xác ngồi trên bãi cỏ sau miếu. Vừa thấy anh, chẳng còn gì để xấu hổ, tôi ôm chặt lấy anh mà khóc, mà trách móc:
- Tại sao anh bỏ em một mình? Em còn ai nữa đâu. Em chưa đủ khổ hay sao, anh nói đi?
Những lời quặn đau giống như tôi đang than thân trách phận. Như muốn trút cùng anh, chỉ có anh, người cho tôi sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Anh ôm chặt cơ thể rách mướp của tôi áp sát vào lòng. Để mặc nước mắt tôi ướt đầm ngực áo anh. Chúng tôi không để ý, có hai người đàn bà vừa đến ở phía sau...
Đêm đó, chúng tôi phải lấy xe bò chở Tuyên lên bệnh viện huyện. Gã bị gẫy hai xương sườn. Anh Kha ra đầu thú và trình báo toàn bộ sự việc. Anh bị án treo sáu tháng vì tội gây thương tích. Còn Tuyên, nhìn điệu bộ rúm ró hèn hạ như con nhái bén trước tòa, nể tình gã ăn năn hối lỗi, tôi xin tòa giảm án cho gã.
*
* *
Mùa đông năm đó thật nặng nề. Hình như với những cô gái bình thường người ta dễ cảm thông. Nhưng với một cô gái xinh đẹp, người ta hay đặt dấu hỏi nghi ngờ. Đi học, tôi vấp phải những ánh mắt săm soi, những nụ cười đắc ý, dè bỉu của đám bạn. Chắc bọn nó nghĩ tôi lẳng lơ nên mới ra cơ sự này. Ở nhà, lại là những lời cay nghiệt từ chính cái miệng mỏng dính của bác gái. Người luôn rao giảng phụ nữ phải tế nhị, kín đáo, sống vì chồng vì con... cho đám đàn bà con gái trong xã, nên không chấp nhận một đứa cháu như tôi.
Bác luôn xéo xắt: “Ăn diện lắm vào, chỉ tổ đi ve trai chứ học hành gì.” “Thấy đàn ông thì tí tởn ôm. Không biết xấu hổ.” Những lời nói sắc nhọn khoét thêm vào trái tim đang rỉ máu của tôi, một nỗi oan ức chẳng thể giãi bầy.
Tối mùa đông sầm sập như chiếc chăn trùm vội lên cánh đồng bùng nhùng gió. Tôi ngồi co ro ở mái hiên, mắt rưng rưng. Khu vườn rậm rì của bác gái sẫm lại thành một khối đen đặc. Chỉ còn quầng sáng từ ánh đèn tụ giữa nhà hắt lên ba gương mặt. Tiếng anh Kha nói to, tiếng bác gái lạnh như đá, tiếng chị Phượng chêm vào. Tôi không muốn tham gia cuộc cãi cọ mà mình là nguyên nhân chính. Bác gái đã bán chiếc xe đạp Mipha của mẹ và những quần áo mẹ để dành, trong đó có cả chiếc áo lông bố gửi. Bác mua cho tôi một chiếc áo bông trần quả trám và mấy thứ đồ rẻ tiền. Bác nghiêm mặt bảo tôi phải giản dị giống như mọi cô gái ở đây nếu không muốn xảy ra chuyện. Anh Kha bị liên lụy khiến việc xây nhà của bác tạm dừng. Đống xi măng gạch đá mua về phơi sương phơi nắng. Những tổn thất đấy bác trừ vào tiền bán xe và quần áo. Tôi phải đi học bằng chiếc xe đạp Thống Nhất cọc cạch của bác.
Thỉnh thoảng anh Kha mới về, lần nào chị Phượng cũng đòi theo. Chị chẳng cho anh phút tự do. Đôi lúc, tôi bắt gặp anh nhìn trộm mình. Ánh nhìn xót xa, bất lực, mà vẫn rừng rực những yêu thương. Tôi biết, anh bất đồng với bác gái cũng vì bảo vệ tôi. Tôi đủ nhạy cảm để lờ mờ hiểu những suy nghĩ trong anh. Nhưng tôi chỉ biết lảng tránh. Giữa tôi và anh sừng sững một khối vô hình ngăn cách, mãi mãi không thể bước qua.
*
* *
Mùa xuân đến. Bố gửi thư báo đã xong giấy tờ bảo lãnh tôi sang. Đó là một tin tốt lành. Ít ra, tôi sẽ thoát khỏi những tổn thương tinh thần đang giày vò mình. Còn bác gái, sẽ trút được gánh nặng. Riêng anh Kha trầm tư, lặng lẽ. Anh về hỗ trợ bác gái việc xây nhà nhiều hơn. Bố chị Phượng đã huy động mấy xe công nông và một giàn thợ xuống giúp. Tan học, tôi đi chợ giúp bác nấu nướng cho đội thợ. Đôi lúc anh Kha xách vữa qua bếp, hai anh em chạm nhau. Xô vữa tụt khỏi tay anh, cả hai cùng bối rối. Anh táo bạo nhìn thẳng vào mắt tôi rất lâu, thăm thẳm, nồng nàn, khiến tim tôi nghẹt thở. Đêm, tôi lại mơ thấy mình tựa vào vồng ngực săn chắc của anh, hít hà mùi mồ hôi nồng nồng, che chở. Để tỉnh dậy, tự ngượng với chính mình.
Trước tuần tôi bay sang với bố, bác gái làm mấy mâm cơm đãi họ hàng vì tuần sau anh Kha bận thi không về được. Lần đầu tiên tôi bị các anh chị ép uống rượu. Thứ rượu quê trong vắt như thủy tinh. Rót rượu ra chén hạt mít, chiêu một ngụm, cơ thể nóng bừng. Đến ngụm thứ hai, thứ ba, môi má hồng hào, ánh mắt long lanh, lời nói thơm hơi rượu. Anh Kha nhìn tôi muốn cản. Kệ... tôi phải uống. Anh bất lực quay sang gắp thức ăn cho chị Phượng. Tối muộn, anh sẽ theo xe chị về, răm rắp, chỉn chu như mọi khi. Tôi sẽ không còn gặp anh nữa. Tôi phải đến một nơi rất xa, sẽ quên hết tất cả những ngọt ngào cay đắng... Bất chợt, tôi muốn òa khóc.
Hôm cùng bác gái chờ xe lên Hà Nội để ra sân bay, tôi vẫn nấn ná bấu víu chút hy vọng. Anh Kha sẽ về tiễn tôi. Quãng đường hun hút bàng bạc gió bụi. Xe sắp chuyển bánh, bác gái giục tôi vội vã. Chẳng thấy bóng anh đâu. Chị Vân chạy theo giúi vào tay tôi một túi nhỏ, bảo lên máy bay hẵng mở. Hình bóng làng quê lãng đãng xa dần...
Khi đã yên vị trên máy bay, tôi mệt mỏi lấy chiếc túi chị Vân đưa. Trong đó, có chiếc khăn tay chị thêu hình hai chú chim câu và phong thư dán kín. Tôi thận trọng mở ra. Một bưu thiếp nhã nhặn in hình trái đất, mặt trăng, mặt trời nằm trên quỹ đạo. Đằng sau vẻn vẹn dòng chữ:
“Nơi xa ấy, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em. Có dịp, hãy về thăm quê em nhé!”
Nét chữ của anh Kha. Tôi ném vội phong thư trở lại túi... hẫng hụt. Tiếng động cơ máy bay đi qua vùng thời tiết xấu ì ầm, chao đảo. Hai tay bưng mặt, tôi khóc. Tạm biệt tất cả, những rung động đầu đời không đúng chỗ của tôi. Từ mai sẽ là một ngày mới...
*
* *
Thời gian trôi qua, cuộc sống nơi xứ người cùng bao điều cần học hỏi đã cuốn tôi theo vòng quay của nó. Đôi lúc, giữa những ngổn ngang bộn bề, tôi thoáng nhớ về anh Kha rồi vội vã gạt đi. Tôi muốn chối bỏ hay chạy trốn? Chẳng biết nữa. Tôi lập gia đình với một người Đức. Anh yêu tôi, nhưng giữa chúng tôi vẫn là hai nửa khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tính cách. Sự cô đơn len lỏi vào trái tim đa cảm của tôi như định mệnh.
Bố hỏi tôi muốn về thăm quê cùng bố không. Bác gái gọi sang báo tin anh Kha sắp lấy vợ. Tôi mỉm cười, mơ hồ trả lời bố. Tôi bận, bố hãy về một mình. Những hồi ức ấm áp mà đau thương ở nơi đó, tôi muốn nó ngủ yên.
Ngày bố trở lại Đức, tôi háo hức hỏi thăm về đám cưới của anh Kha. Chắc to nhất làng, nhà chị Phượng giàu có thế cơ mà. Bố ớ ra:
“Phượng nào? Con ông giám đốc chỗ mối lái của bác gái phải không. Bỏ lâu rồi. Vợ nó cùng tên con đó. Nó cứ nhắc mãi, sao lâu không thấy con về.”
Tôi như bị tạt gáo nước lạnh vào mặt. Giọng bố chùng xuống.
- Bố không thích cách áp đặt của bác gái đối với thằng Kha. Nó là đứa tư chất giỏi giang. Đáng ra, tương lai rất khá, chả kém anh nó đâu. Nhưng theo cách bác gái sắp đặt, giờ cũng chỉ là anh cán bộ quèn. Dù sao, con nuôi cũng thiệt thòi hơn con đẻ. Bố chép miệng. Tôi đang ngồi vội bật lên như lò xo.
- Bố bảo sao? Anh Kha là con nuôi?
Bố kể, sau ngày thống nhất đất nước bác trai từ chiến trường mang về một cậu bé bốn tuổi. Cậu bé mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc sém lẹm vạ vật khóc tìm ba má bên căn nhà bị trúng pháo địch trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng khiến bác mủi lòng...
- Hồi đầu, bác gái đối xử tệ bạc với Kha vì nghĩ đó là con rơi của chồng, nhưng sau này có chút thay đổi. Kha là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu nghĩa, nghe lời mẹ. Nhưng... bố thấy tiếc…
Bố quay đi, nén tiếng thở dài.
Ù ù trong tai tôi lời bố kể, tôi phóng xe về nhà. Trong đống đồ cũ phủ bụi, tôi tìm thấy tấm bưu thiếp của anh. Vẫn văng vẳng giọng nói trầm ấm:
“Em biết không. Mối liên hệ giữa mặt trăng, mặt trời chính là sự hy sinh cho tình yêu. Dù cả hai xa nhau nhưng luôn vì nhau. Bên này thức để bên kia ngủ và ngược lại...”
Bất giác, nước mắt tôi rơi...
T.T
VNQD