. ĐOÀN NGỌC HÀ
Đêm còn mù mịt, đã thấy đoàn người đội những vật lạ. Họ trườn lên bóng tối, lù lù trên đầu những con vật kềnh càng, ngất nghểu cứ như vươn cổ ra đòi nuốt cả bóng đêm. Mỗi con vật đều vắt vẻo hai cái vòi dềnh lên ra vẻ lắm. Thân hình chúng khá dài tựa một chiếc thuyền ngoác miệng để cái bụng lồi lồi thu dần xuống bít lại.
Đã thế, họ còn đi theo hàng dọc, ngay ngắn, vừa từ từ vừa hối hả như một đám rước thần linh. Không một tiếng động. Lùi lũi mà đi, dềnh dàng mà tiến, như nước chảy, lạ!
Húc lên ngọn cây lá, coi khinh những ngôi lầu sừng sững, những tòa biệt thự ngạo nghễ, rẽ đến mấy làng, vượt bao nhiêu cánh đồng, nhoai cả lên đường cao tốc. Đường lớn là cái qué gì. Họ cứ uých lên, đều chân mà bước, tăm tắp, rập rình. Nghinh nghinh. Nghinh nghinh. A ha, còi đèn xe tóe loe, mạng elena nhấp nháy, kêu như chợ vỡ. Ánh đèn pha ngoạm lấy họ toan vứt ra vệ đường. Kệ. Còi đồng loạt rít xé tai. Cả tiếng gắt, tiếng chửi, kệ. Những cái xe bạc tỉ bọc ánh sáng loang loáng đứng lại. Những zích, zét, lết… Xếp vẩy nằm yên. Đông cứng, chết lặng. Tất cả đều chịu thua cái đội quân đầu đội những con vật lạ hùng dũng tiến về phía ánh chớp xé chân trời. Thế đấy. Dường như họ không biết sợ cái gì cả. Hay là họ vừa chui từ lòng đất đen sì như một con rồng rẽ lối mà đi.

Minh họa: Văn Minh
Để ý sẽ thấy, những cái chân thọc xuống đường rắn cấc như những chiếc gậy bằng sắt, có lẽ là đàn ông. Còn đàn bà, sâm sẩm bốn mươi, chít khăn vuông đen tùm hụp che kín mặt, chỉ thấy cờn cờn những bắp chân thon bọc trong những cái ủng đã xỉn màu.
Cánh Miễu Cổn là nơi họ đến. Thời buổi công nghiệp hóa sót lại cánh đầm nước thế này, khác nào một ngôi sao xanh mới phát hiện. Hiếm như bọc vàng rơi. Quả là một cái bọc. Xung quanh kín mít. Mấy khu đô thị rình rịch quây lại. Nước sâu. Chỉ duy loài rêu thân đen huyền như những mớ tóc đàn bà. Đến kì ra hoa, cả khu đầm tựa rắc tấm, li ti những hạt trắng.
Bên đô thị vàng son là cánh đầm nước dịu dàng đến kì khôi. Kia ánh sáng rực rỡ, đây chốn hoang huyền. Kia hoa lệ đùng đùng các cỡ máy móc, hiện đại, đây lặng thinh, gió thì thầm, mây lãng đãng. Đêm, một thiên đường ánh sáng đặt bên hõm tối mù lòa. Vắng vẻ, thần tiên, thỉnh thoảng xoạc ra một cánh cò tung lên như giấy ném.
Họ tìm ra một cái bãi.
Bãi nổi làm nơi trú chân. Cơm nắm, muối vừng. Khi làm việc dưới đầm sâu, lúc nghỉ giữa buổi, họ ăn những nắm cơm bằng cái chuôi dao, gọi là nắm “chim chim”. Họ ăn đứng ngay giữa đầm nước cho tiện và không mất thì giờ.
Họ đến để đun riu.
Có đến vài chục cái riu cả thảy. Mỗi cái gồm một người đun và một người đãi. Tiếp cận mặt nước sâu, tép nhảy ran rá. Đấy là những mẻ riu còn sớ. Cả giang sơn nhà tép mơ màng được đánh thức. Lừ lừ những cái riu rẽ rêu. Đi như mộng, như trôi. Đi như không đi. Đàn ông người khô gầy, đầu chít khăn mỏ rìu. Đàn bà nước chấm mông tròn lịm. Nước ì ọp. Cặp vú mẩy cũng hỗ trợ vào việc đun riu. Khe vú họ cồm cộm một cái phôn. Khi cần, họ ngoảy vú rút ra nghe. Xong lại ngoảy đút vào. Những cái lưng dẻo mềm theo nhịp bước dưới bùn. Bùn ùng ục sủi bọt. Người đãi trên bờ luôn phải giải quyết việc quá tải. Tép mang lên tới tấp ở những cái rổ thưng. Rổ tép! Rổ tép! Những chú tép bị bắt sống, nay bày ra ánh dương tung tóe. Cả một rổ vàng cơ đấy. Không gì thú bằng khi ta được chiêm ngưỡng một rổ tép sống. Tất cả xôn xao, sống động, nhảy theo hình cầu vồng cuộn lên từng cuộn tung hoành. Dập dìu, rổ tép phồng lên từng đợt, thân tép loáng ánh kim cương cuồng siết lam-ba-đa. Giời ạ! Ta tưởng đến một cuộc hoan hỉ thần tiên của một loài chuyên ngủ trong rêu, mặt mũi ngây ngô, nhọn hoắt, râu ria lờm xờm, kiếm cung lẫn lộn.
Nhìn lên bờ, ông Vãng thấy một đoàn xe máy vòng vèo rồi tụ lại bắc loa tay: “Những người kia, lên đây!” “Chúng tôi là dân riu tép!” “Chứ sao! Các người ở đâu, đăng kí tạm trú chưa mà đã lều bạt xòe xoẹt thế kia hả?” Ông Vãng lên bờ vạch hầu bao, vái một cái, thôi các chú thông cảm, con nhà khó, phận tép riu, kiếm miếng cơm mọn, các chú tha cho, xin đa tạ. Ông vái thêm mấy vái nữa, họ mới quay xe đi. Mấy ngày sau lại thấy đùn ra một đám người, váy áo lùng nhùng, cổ đeo kiềng, trắng nõn nòn nòn, họ chỉ mặt những người riu lem luốc mà xoe xóe: “Những người kia, ai cho phép các người đến đồng đất chúng tôi. Mù. Không trông thấy biển cấm à? Đây là khu vực quản lí, kinh doanh cá!” Ông Vãng nhã nhặn: “Xin thưa, đây chúng tôi chỉ kiếm mấy con tép. Riu tép. Được cá chúng tôi thả”. Mấy mụ thi nhau ngoác miệng: “Tép cũng quản lí, nghe chửa”. Mấy lão đứng tuổi nhảy lên chém gió: “Không lôi thôi nữa. Các người lên đi. Tịch thu tang vật”. Được thể, một mụ vắt tay lên: “Đốt riu đi. Cút đi! Dân mút giòi. Tởm. Tởm”. Ông Vãng lại phải vái như tế sao họ mới tha cho. Ai ngờ, ở một ngách phố lại tóe ra một đám nữa. Họ đi như chạy. Váy đen xòe như một đàn quạ. Đàn quạ bu lấy ông già mà xỉa xói. Tứ cố, vô thân, ông Vãng đành đứng im, thu hai tay lại trước bụng cho nước bùn chảy xuống. Đôi vai ông sum lại một cách thiểu não. Nhưng ông vững ở tảng đầu đội trời và đôi chân dài cắm xuống đất. Đôi chân đen bóng, nhọn hoắt. Đôi tay dài dọc của người riu quanh năm lũng lẵng rồ lên từng khúc như củ sắn dây vừa moi ở đất lên. Thế cùng, ông phải vẫy đám riu dưới đầm. Những cái rổ riu to bằng mặt trời nghiêng ngả. Những khuôn mặt tùm hụp gói trong khăn vuông đen. Ủng bùn ròng ròng. Tất cả nhoi nhóc lên bờ. Tanh tưởi. Nhớp nháp. Bùn nước. Rêu cáu. Đám thị dân đen đỏ liền quây lấy họ. Một người đàn bà trong số họ không chịu nổi sự chua ngoa quá quắt của đám thị dân liền vạch khăn vuông: “Này các bà, cùng thì chúng tôi đổ tép trả. Các bà chửi chúng tôi vừa thôi”. Đám thị dân đách đúa chồm lên túm lấy người đàn bà trùm khăn vuông. Mấy rổ tép bị đá lăn lóc. Tép vãi đầy mặt đất. Tội thân, đám tép vô tư nhảy tung tóe. Những người đàn bà khăn vuông đen lặng lẽ cúi xuống vốc lấy rồi nhặt nhạnh từng con cho vào rổ. Đám gây gổ rồi cũng tan. Tan do ông Vãng nhẫn nại. Giữa lúc xô xát, ông vuốt áo, quấn lại khăn trên đầu cho ngay ngắn rồi như một nghi lễ, ông vái liên hồi: “Lạy các bà trăm lạy. Chúng tôi phải lần đến con tép để kiếm sống đã là cái nghề cực lắm rồi. Xin các bà cho chúng tôi được sống”. Chưa yên, ông lại phải lần hầu bao dốc hết số tiền dầm bùn của cả bọn trong tháng để làm giá cho một cuộc thương lượng.
Từ ngày cắm cọc làm lán trên Miễu Cổn, ông Vãng như một thủ lĩnh của đám cư dân riu tép. Gặp mặt nước sớ, tép đông, ông cùng đám đàn bà khăn vuông đen tha về những cái chum sành bụng trâu, miệng bằng cái đấu. Chum đựng mắm cổ truyền đấy. Đến kì mắm giẫy cũng vẫn kín mít. Xưa các cụ làm mắm tép ở những cái chum như thế. Chum mắm miệng trát bùn rơm để ở góc vườn hàng năm vẫn ngon. Nhà ông Vãng mấy đời làm mắm chum sành để ăn và bỏ xuống thuyền chở đi thiên hạ bán. Mắm ngon đỏ rọi chấm thịt ba chỉ. Phải là mắm sống ăn mới thích. Trông bát mắm đỏ như mặt trời mọc, thơm chảy nước chân răng. Cứ ngửi thấy mùi mắm ấy thì đàn bà vú cẩng lên chật yếm, còn đàn ông đũng quần đội vải đi bán. Ông Vãng vẫn bảo vậy. Mắm ấy ăn với gạo tẻ bầu, ngồi xổm cũng đả hết nồi ba cơm. Cả làng làm mắm. Cả làng giao du khắp thiên hạ bán mắm. Bây giờ đám thợ mắm làng Mễ này cố phục hồi lại nghề cũng vì mê cái món ngon cổ truyền quý vàng mười. Bởi vậy, khi cắm cọc ở Bãi Nổi, đầm Miễu Cổn họ hú lên thích thú mê mẩn. Chính cái thích thú ấy giữ họ lại cái nghề khốn khó và u nhục đến tận bây giờ.
Cái tiếng xấu “dân mút giòi” vừa giết họ vừa định danh cho họ. Nghề mắm gắn liền với nghề riu. Riu tép làm mắm đất Mễ. Họ chế mắm như thần. Đồn rằng bàn tay họ có những ngón thơm ngát như hoa đại. Đến kì làm mắm, họ kiêng cữ việc buồng the. Cữ ngặt. Hễ tay rếch rờ nhau mà làm mắm thì cả tổng ngửi thấy cái mùi không lịch sự tí nào. Cho nên mắm Mễ ngon mà tinh khiết. Bây giờ tiếng tăm mắm Mễ bay đến bãi Nổi, Miễu Cổn cạnh thành phố Long Đình. Đầu tiên, ông Vãng chỉ cho làm vài chục chum lấy tiếng với lại biếu mấy ông chức việc Long Đình cho mọi sự hanh thông. Không ngờ tiếng đồn như mộng. Thiên hạ kéo về như mây ngày bão. Cứ hỏi inh lên. Mắm Mễ đâu? Mắm Mễ chỗ nào? Chỗ nào mới chuẩn mắm Mễ? Xe con cần cật đi đường đất đồng tìm đến tận nơi. Eo éo gọi nhau trên mạng. Shipper chạy như ruồi chào hàng. Xe chen nhau rơi tõm cả xuống đồng. Phải phôn cho cần cẩu. Váng thiên địa. Người ta thấy dân sành ăn từ Hà thành, từ xứ Đông, xứ Bắc nhan nhản kéo về. Các cỡ buôn có hạng cắm ăng ten trên mũi xe tìm kiếm. Mắm Mễ đã có mặt ở nhiều nhà hàng, ki ốt. Cuộc đột phá thị trường về một mặt hàng lép vế đang đùng đùng trỗi dậy.
Ông Vãng dang tay đón khách. Cũng là cơ vận. Ông phất tay làm vài trăm chum. Cả đám thợ riu ai cũng ái ngại. Bà Sàng cháu ông Vãng, tay buôn mắm có nghề dậm chân bảo. Sợ cái dân thị lắm, ông ơi, thôi chớ, nó ghen nó kéo ra thì bỏ đời. Đừng bêu thiên hạ. Ngu. Ông Vãng quát, làm cỡ vài trăm chum cho thiên hạ nó biết tiếng dân Mễ. Dân Mễ “mút giòi” đây. Làm thế để nó không coi thường, nghe chửa. Ông Vãng vốn hiền nhưng khi cần ông cũng gớm ghiếc. Diệu kế của ông Vãng là làm hòa. Trước kẻ cậy quyền, cậy của, ông Vãng chỉ còn cách lấy cái lạy ra làm bàn đỡ, lấy cái nhẫn nhục để đối cái vênh váo. Đôi tay ông rất dẻo, lạy thiên hạ thế mà thắng. Mấy trăm chum mắm xếp chật cả khu lán mới dựng.
Đối thủ của họ chính là dân thị thành phố Long Đình. Long Đình có ưu thế được tiếp cận với cánh rừng ung úc sản vật. Dân buôn nhiều như rươi. Dân buôn có cánh bay là là khắp chốn. Những con buôn có hạng lũng lẵng vàng, sát phạt nhau ghê gớm. Họ giàu có đùng đùng. Ăn chơi. Đèn sáng thâu đêm. Đèn chảy ngược lên trời bằng những dòng lân tinh ù ù. Chỗ nuôi chó ỉa cũng rực rỡ nê ông. Thâu đêm suốt sáng, ánh sáng chảy như thác, hát, nhảy. Cả thành phố ùm ùm tiếng tăm với những món ẩm thực nức tiếng. Cao giá và sang trọng nhất vẫn là nước mắm. Nước mắm bào thai Long Đình. Nước mắm được chế xuất từ bào thai động vật theo kiểu người Hoa. Một thời họ chế nước mắm cà cuống giả. Khi bại lộ, họ quay sang món nước mắm bào thai động vật. Ai bảo Thượng Đế sinh ra bào thai làm gì cơ chứ. Nếu biết thế này Thượng Đế sẽ mắng trần gian là một lũ sát sinh. Vì rằng tất cả chó mèo, dê khỉ, trâu bò… loài nào chả có.
Đùng một cái dân thị Long Đình ngã chỏng kềnh vì cái thằng ngụ cư xa lơ xa lắc đến cắm lều, dựng trại làm ra thứ mắm đựng chum sành tanh vẹt. Phi lí hết sức. Long Đình xối xả chửi dân Mễ là dân “mút giòi” chính cống. Bán mắm chuyên bán cả giòi. Lúc vợi mắm ra bán, giòi nổi lềnh bềnh phải lấy đũa gắp vứt đi, vì tiếc nên mút từng con kẻo phí. Rõ tởm.
Điên cuồng, Long Đình thuê cả dân mạng chửi Mễ cho kì thích. Nhưng trò đời, hễ cái gì bị chửi thì lại càng thu hút thiên hạ. Trong khi Mễ tiêu thụ vượt bậc thì Long Đình ngắc ngoải, sản lượng tụt xuống mức mồ mả. Họ đang giãy chết vì đám giòi Mễ cướp hết khách của họ. Đến lúc ấy dân tiêu thụ mới ngã ngửa ra rằng lâu nay mình bị lừa. Họ chửi thế này. Cha tiên nhân cái lũ vô phước nhé, mi nhét vào mồm chúng ông toàn những thứ khắm và độc.
Chết toi rồi. Long Đình mất sạch, cái mất lớn nhất là lòng tin của khách. Họ bàn phải đánh bại thằng Mễ ngay tức khắc. Nó là địch thủ. Nó là xâm lược. Nó bóp cổ chúng ông cho đến chết. Phải đánh đổ thằng Mễ mút giòi. Phải đánh. Phải đánh để lập lại thế tiêu thụ cân bằng. Tiêu thụ. Tất cả cho tiêu thụ! Tiêu thụ là máu thịt, là sống còn. Thế là một chiến dịch chống xâm lược Mễ bắt đầu. Quãng đường xuống Bãi Nổi, thỉnh thoảng một cái xe về lấy hàng bị lăn chòng chọc xuống ruộng sâu hoặc bẹp dí vì đinh nhọn rải thảm. Đường điện xuống Bãi Nổi bị cắt liên tục. Người ta phát hiện chính gã râu xồm chủ nước mắm bào thai Long Đình ở căn lầu ngất nghểu cạnh đầm là chủ mưu những vụ diệt Mễ. Dân Mễ phải đốt săm xe lấy ánh sáng làm mắm. Hễ ló mặt ra đường là bị bọn phố sinh sự, gây gổ. Dấu vết những chai thuốc trừ sâu lăn lóc cạnh đầm nước…
Ông Vãng hừm, nói với cả bọn. Những cái trò vặt. Ta là dân thật hạt, ta không sợ bọn dối trá. Này, các ngươi đừng khinh thằng riu tép, đừng khinh dân tép riu. Bà Túc, cô Túy phì cười. Mình rõ là dân tép riu còn gì. Cứ chịu phận tép riu đi. Thời nào chả có tép riu cơ chứ. Ngoài kia điện nhễ nhại, trong này săm đốt. Tất cả cười phá lên. Người ta đang vật vã với những chum tép. Ánh săm ngầu đỏ. Những cặp đùi trắng bốp vén tới bẹn. Tới tấp đãi tép lốp cốp giã thính, nhào tép, tra muối. Hai tay chế mắm trong chum, họ phải ngửa cổ gãi gáy. Đôi lúc phải lấy mông cọ vào nhau để gãi rồi ùng ục cười hứng tình. Ngoài đầm trăng ngửa mơn mởn. Những đàn ông rít thuốc, xách những chum mắm khổng lồ trong ánh lửa đỏ chóe. Trông như người trong hang động tiền sử. Hoang tàn. Cô độc.
Ông Vãng cởi trần đứng cạnh dàn chum trong ánh lửa loa lóa. Réo lên tiếng điện thoại đoàn Hải Ngoại về cất mắm. Họ đòi 50 chum. Ông Vãng: Không được. Chúng tôi phải bán cho khách vãng lai, khách du lịch, mỗi khách chỉ một chum làm quà. Tiếng gắt, chúng tôi trả lên năm giá, được chưa. Ông Vãng: Chúng tôi không phải dân buôn, một xu cũng không dám móc túi khách. Những đoàn khách tới tấp đến. Dân du lịch lượn lờ xem cái “hang động tiền sử”. Xe tiền tỉ nhoai nhoai vào tận nơi mở mắt xem làm mắm tiền sử, xem những cặp mông nứt bọc ánh lửa hồng. Họ mua chum một, quấn giấy bạc xanh đỏ trang trí quanh cái bụng trâu, cười hô hô. Lạ chứ. Lạ chứ. Bà Sàng ghé tai ông Vãng. Ông ơi, chỉ còn vài chục chum. Ông Vãng: Mỗi đoàn chỉ một chum thôi. Đừng làm mất lòng thiên hạ. Mất lòng thiên hạ là mất nghề, mất miếng cơm ăn, mất tất. Nhớ dành cho đoàn Hải Ngoại chục chum vì họ xa xôi.
Khuya. Ông Vãng giật mình thức giấc vì một thứ ánh lửa như máu trào vào lều. Cháy! Ông vùng chạy. Cả một mảng thành phố bốc lửa. Căn lầu gần kề Bãi Nổi đang phụt ra những vầng máu lên trời. Thành phố như bị lửa chọc tiết. Một thành phố ăn chơi quá đà đang được lửa răn dạy. Tiếng còi hú cứu hỏa. Tiếng kêu cứu.
Đám thợ mắm bùng khỏi giấc ngủ, nhằm tới căn lầu của gã râu xồm đang ù ù bốc lửa. Xối xả, họ chuyên nước từ đầm lên hắt vào những lưỡi lửa đang lan. Ông Vãng thét gọi đám riu xô tới một căn phòng của tòa lầu chủ nước mắm bào thai râu xồm. Vơ được chiếc búa, ông đập cửa rầm rầm. Đám trẻ túa ra trong khi ông Vãng bị một quầng lửa nuốt gọn.
Đám cháy tàn. Người ta kéo ra một các xác đen thui, hấm hóp. Nhìn đôi tay kều cào, bỏng rộp, người ta nhận ra ông Vãng. Ông Vãng! Ông Vãng! Đám đàn bà giật khăn vuông đen xuống hú lên khóc gọi. Vừa lúc đoàn Hải Ngoại sầm sập đến. Ông Vãng chợt tỉnh, chìa tay ra thều thào gọi lấy mắm cho Hải Ngoại. Đám khách hàng thở hộc lên ôm thốc ông Vãng lên xe đưa đi cấp cứu.
Chỉ một ngày sau đấy, vào lúc tang tảng sáng, người ta thấy đám thợ riu ấy lại ra đi, đội trên đầu những lâu đài cồng kềnh tìm những mảnh thiên nhiên còn sót lại.
Đ.N.H
VNQD