. NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN
1.
Hình như có ai vả vào mặt Lỡ. “Mở mắt ra đi, ráng mở đi, đừng có nhắm.” Lỡ cố, nhưng đôi mi như đang có hai hòn đá trì nặng xuống. Thêm một cái lay mạnh “Đừng ngủ, ngủ là chết luôn bây giờ…” Cơn đau thân dưới khiến mọi giác quan của Lỡ tê liệt. Cơn gió thổi qua đưa mùi máu tanh tanh ngang mũi Lỡ. Lỡ không biết mình nằm đâu, đá dăm đâm vào da thịt đau rát, chắc là Lỡ đang nằm vệ đường. Mấy cái lay mạnh làm Lỡ mở mắt nhưng đất trời như bị quăng vào một cái lọ đóng chặt nắp có nhìn thấy gì đâu. Một bàn tay nham nhám sờ lên mặt Lỡ “Cố lên, ráng mở mắt ra đi...”
Tiếng cọ xát của bánh xe ô tô xuống nền đường do phanh gấp. “Đồ điên, đi đứng thế à, muốn chết hay sao mà lao ra giữa đường thế.” “Làm ơn, làm ơn anh ơi, có người tai nạn nằm ở đây, làm ơn chở đi cấp cứu chứ không người ta chết mất…” Lỡ nghe có tiếng mở cửa, có ánh sáng lia thật nhanh trên mặt mình, nhưng rồi nhanh như cắt, tiếng sập cửa ô tô rất mạnh, tiếng xe lạo xạo rồ ga như bỏ chạy trên đá dăm.

Minh họa: Hải Kiên
“Quân bất nhân, thấy người ta gần chết mà nỡ lòng nào đi luôn”. “Này, mở mắt ra, đã bảo đừng có nhắm mà…” Giọng người đàn ông run run tuyệt vọng. Bàn tay nham nhám lại vả vào mặt Lỡ. Chiếc xe ô tô lúc nãy đã qua chừng mười phút mà đoạn đường không hắt lên thêm một ánh sáng nào. Lỡ nghe tiếng gào trong gió “Có ai không, có ai không, cứu người đi…” Đáp lại chỉ có tiếng gió thổi u u qua những tán cao su. “Alo, có người bị tai nạn nặng nằm ở đoạn đường cao su T24… Đúng, con đường đang thi công mới đổ đá dăm đó, bị nặng lắm, đến ngay đi… Trời ơi, không có xe cấp cứu à, phải đợi bốn mươi phút à, người ta chết mất...”
“Alo, Thành à, mày gần đường cao su T24 không, đoạn khúc cua vắng vắng ấy, có người bị tai nạn nặng lắm, mày chạy xe đến chở đi bệnh viện giùm tao. Nhanh lên, nhanh lên nghe…” Có giọt nước mắt nóng hổi rớt trên mặt Lỡ. Có giọt mặn chát rớt trên đôi môi khô khốc của Lỡ. Đôi tay lay lay vào người Lỡ “Đừng có chết, mở mắt ra đi…” Người đàn ông gí sát khuôn mặt mình vào mặt Lỡ, Lỡ ngửi thấy mùi thuốc lá hôi rình. “Đừng chết, đừng chết…” Người đàn ông gào lên tuyệt vọng. “Mẹ kiếp, sao không có ai, không có chiếc xe nào thế này…”
Một quãng rất lâu, Lỡ nghe tiếng xe lăn trên đường đá lạo xạo. Người đàn ông buông tay Lỡ, chạy ào ra giữa đường. Lỡ nghe có cánh tay rắn chắc luồn dưới cổ, một cánh tay khác đỡ đôi chân. Cơn đau dội lên. Lỡ được đặt lên băng ghế phía sau. Xe chạy đi. Lại bàn tay nham nhám chạm vào Lỡ “Xíu nữa là tới bệnh viện rồi, đừng có ngủ”, “nãy có gã ô tô dừng rồi mà thấy người tai nạn nó đi luôn mới ác chứ.” Một giọng khác ồm ồm “Làm cái nghề tài xế, lỡ có kẻ chết trên xe coi như bỏ nghề, ai mà dám…” Tiếng được tiếng mất, rồi Lỡ thiếp đi, mơ hồ thấy những bóng người áo trắng chạy vội vã…
2.
Mở mắt ra Lỡ chỉ thấy một màu trắng toát. Bình dịch truyền nhỏ từng giọt nước chậm rãi. Trên người chỉ phủ hờ một tấm ga màu trắng lạnh ngắt như người ta phủ trên xác chết. Mình chết rồi sao? Có tiếng lách cách mở cửa, y tá đẩy xe thuốc vào.
“Trần Lỡ tới giờ chích thuốc.”
Một mũi thuốc tiêm vào bắp tay Lỡ. Một mũi nữa tiêm vào dây dịch truyền. “Giảm đau đó, không có giảm đau không chịu nổi đâu”, y tá nói khi thấy ánh mắt Lỡ nhìn chằm chằm vào cây kim.
“Tôi bị gì vậy cô?”
Y tá cầm tờ giấy trên tay, đưa lên đọc. “Trần Lỡ, gãy xương đùi, gãy xương chậu, dập lá lách, tổn thương phần mềm.” Trước khi y tá đẩy xe đi còn quay lại nói với Lỡ “Người nhà anh chắc giờ đang xếp hàng lấy cơm từ thiện trước cổng á. Chắc xíu họ lên.”
“Người nhà.” Tâm trí Lỡ chưa kịp định hình được hai từ đó. Ai nhỉ? Bà ngoại chăng? Nhưng ngoại ở dưới quê đâu biết Lỡ bị tai nạn. Mà có biết thì chắc là ngoại cũng chẳng chịu ngồi xe đò lên chăm Lỡ. Lỡ nhớ ngón tay trỏ dính mủ chuối của ngoại dí dí vào trán Lỡ mà nói “thứ mày ai mà thương cho nổi.” Không phải bà chắc là má? Mà má lại càng không có khả năng tới đây.
Cổ họng Lỡ đắng nghét khi nghe mấy chữ “người nhà”. Lỡ lớn lên bằng những lời than vãn và những tiếng chửi ai oán của ngoại. Nhà ngoại nối với đường lộ bằng một bờ ruộng ngắn. Mỗi ngày chuyến xe đò đi về hai lượt để lại một lớp bụi mù trên đường. Mấy đứa trẻ con đạp xe đi học, ríu ran như chim đạp vù qua đoạn đường trước nhà.
Mỗi năm một lần, có khi hai hay ba năm gì đó, chiếc xe đò sẽ dừng lại trước nhà ngoại, bước xuống xe là một người phụ nữ son môi đỏ chót, tóc khi thì nhuộm màu này màu khác như con tắc kè. Hồi nhỏ xíu, lần đầu tiên thấy chiếc xe dừng lại Lỡ đã ngạc nhiên như đứa con nít lần đầu thấy lồng đèn. Lỡ đứng vịn bờ rào, giương đôi mắt nhìn người phụ nữ đi đôi giày cao gót bước qua mấy cục đá thổ chu gồ lên trên đường đi vào nhà. Lỡ nép qua một bên, Lỡ nghe thấy mùi nước hoa nồng nặc và mớ da thịt lộ ra ở bộ đồ thiếu vải.
“Mày ăn mặc kiểu đó thì đừng có về đây nữa. Giống đĩ đứng đường.” Bà ngoại cầm cái cây vụt mấy con heo trong chuồng nói vọng ra.
“Kệ tui đi má. Ai ngứa miệng nói thì kệ họ đi. Tui không quan tâm đâu.”
Người phụ nữ miệng cong lên như chữ O đưa mắt nhìn quanh. Rồi đôi mắt quét lên người Lỡ, định mở miệng nói gì đó nhưng lại thôi. Bắt gặp ánh mắt nhìn mình, Lỡ vội cụp ngay mắt xuống như con mèo bị người ta phát hiện ăn vụng.
“Má mày đó, không nhận ra hả thằng kia.” Bà ngoại lại nói vọng ra trong tiếng oàm ạp của mấy cái mõm heo háu ăn đang vục xuống máng.
“Má.” Lỡ lẩm nhẩm trong miệng. Má, có phải là má như của thằng Tí xóm trên hay cõng nó đi qua khúc ruộng đầy sình. Hay như má của thằng Bo hay mua cho nó mấy que kem mát lịm ở nhà bà Tám bán tạp hóa. Nhưng sao má Lỡ không giống những người kia. Lỡ len lén đưa mắt nhìn, rồi lại cụp ngay xuống khi có đôi mắt sắc sảo nhìn Lỡ.
Má về buổi chiều, buổi tối đã có xe máy đến nhà chở má đi chơi. Má lấy cái gương nhỏ xíu mẻ một góc của bà ngoại đưa ngang mặt tô son. Màu son đỏ chót, còn đậm hơn lúc chiều. Má mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn, leo lên xe máy, rồ ga đi. Bà ngoại bực bội lẩm bẩm trong miệng. “Thứ đĩ, rồi lại bụng mang dạ chửa, lại lòi ra thêm một thằng Lỡ, thằng Lầm nào rồi quăng cho tao nuôi.” Tiếng chửi lọt vào tai Lỡ. Lỡ lủi ngay ra sau hè, Lỡ biết xớ rớ kiểu gì bà cũng chửi luôn Lỡ.
Đêm đó Lỡ đâu có ngủ, Lỡ chờ tiếng xe máy chở má về nhà. Lỡ giả vờ nhắm mắt. Lỡ nghe tiếng lạch cạch mở cửa. Tiếng giường tre bên kia kêu lên cót két. Tiếng vén mùng. Rồi thôi, chỉ có vậy… Lỡ nghe mặt mình ươn ướt, sờ lên đã thấy mình khóc tự hồi nào. Lỡ đã nghĩ, lần đầu tiên má về chắc má sẽ xoa xoa lên đầu y như má thằng Bo thằng Tí. Hay không xoa đầu cũng được, má sẽ kéo Lỡ lại coi Lỡ lớn chừng nào, rồi má dắt ra nhà bà Tám mua cho một que kem. Đêm đó Lỡ ngủ với nước mắt.
Sáng hôm sau má đi lại. Má đứng trước con đường chờ chiếc xe đò tới. Bà ngoại vẫn không ngừng lẩm bẩm “Mày về rồi đi như người ta giựt nợ, sao không ở chơi với thằng Lỡ.” Má quay lại nhìn Lỡ, định nói gì đó nhưng lại thôi. Lỡ đứng núp sau cái cửa sổ gỗ nhìn ra đường. Lỡ thấy má thở dài mấy cái. Đôi môi má vẫn đỏ, mấy móng tay cũng đỏ loét đứng vẫy vẫy chiếc xe dừng lại.
Từ hồi má về đến lúc má đi không nói với Lỡ tiếng nào.
Rồi thỉnh thoảng, một hai năm chiếc xe đò lại dừng trước nhà đưa má quay về. Lỡ đã cao hơn hàng rào tre nhưng má đâu có thấy. Má vẫn bước ngang qua chỗ Lỡ đứng. Mùi nước hoa vẫn nồng nặc bay qua mũi Lỡ. Má ngồi xuống cái chõng tre, đôi tay sơn móng đỏ chót lấy mớ tiền cho ngoại, lôi trong cái bọc ra mớ đồ. Má nói thuốc bổ cho ngoại uống đỡ đau lưng, mấy bộ đồ cho ngoại và cho… thằng Lỡ. Lỡ giật mình khi má nhắc đến tên mình. Đôi mắt má hình như có lướt nhìn Lỡ, nhưng chỉ như thế rồi thôi. Bao nhiêu lần về, bao nhiêu lần má mở miệng định nói gì đó với Lỡ nhưng tiếng nói như bị chặn lại giữa cuống họng. Bao nhiêu năm qua đi cái hàng rào tre bây giờ đã ở dưới đùi Lỡ mà má con vẫn xa lạ như người dưng.
3.
Cửa phòng hé mở, người đàn ông đội cái nón cũ mèm bước vào tay cầm hộp cơm. Bộ đồ bạc thếch rộng thùng thình dường như chẳng dính gì đến thân hình gầy nhom của ông ta. Thấy Lỡ đã tỉnh, ông mừng suýt đánh rơi hộp cơm. Ông để hộp cơm trên tủ thuốc, nắn nắn cái tay Lỡ.
“Còn đau chỗ nào thì nói bác sĩ nghe chưa. Hồi đêm tao tưởng bây chết rồi. Giờ thấy bây tỉnh, tao mừng quá. Ờ, mà để tao chạy đi hỏi bác sĩ bây ăn được chưa để tao đút cơm cho ăn nha. Mới xin ở dưới, mỗi ngày đúng 10 giờ phát cơm từ thiện. Nói từ thiện chứ cơm cũng ngon lắm…”
Người đàn ông chưa kịp để Lỡ nói gì đã mở cửa vụt đi. Đêm hôm trước, Lỡ lái xe rời khỏi ngôi nhà đang xây dở dang. Khi nhìn thấy Lỡ co giò đạp cho chiếc xe cũ nổ máy, mấy người phụ hồ còn hỏi Lỡ có lái xe được không. Lỡ cười hà hà, uống có hai ly rượu chút xíu nhằm nhò gì. Nhưng hai ly rượu giải mỏi nhỏ xíu đó suýt chút đưa Lỡ lìa đời. Đường về xóm trọ xa, Lỡ chọn đi tắt qua con đường người đang thi công cho nhanh. Con đường chưa được đổ bê tông, chỉ mới đổ lên một lớp đá dăm lởm chởm. Hơi men làm Lỡ chếnh choáng rồi loạng choạng tay lái đâm sầm vào một chiếc xe tải ngược chiều. Lỡ chẳng biết gì nữa đến khi có người vả vào mặt bảo Lỡ đừng có nhắm mắt.
Người đàn ông quay lại, tay cầm lốc sữa. Bóc một hộp cắm ống hút rồi đưa cho Lỡ, “Bác sĩ dặn ăn đồ mềm trước mai mốt ăn cơm sau”. Nói rồi, ông ngồi bệt xuống sàn bệnh viện, dựa lưng vào tường giở hộp cơm ra ăn. Ông nói mình tên Nhớ. Đêm đó nếu ông không đi tắt qua đường đó thì Lỡ chết rồi. Mớ đá dăm trên đường khiến ông không đạp nổi chiếc xe ràng đầy phế liệu được mà phải dắt. Con đường tối thui, chẳng đèn đóm gì. Chợt chân ông vấp phải Lỡ, suýt té nhào. Ông đá chân chống xe đạp, ngồi xuống coi rồi kêu lên kinh hãi tưởng gặp người chết. Ông đưa tay lên mũi Lỡ mới thấy còn thở. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn pin điện thoại ông thấy chân Lỡ gãy nát, máu đầm đìa trên người.
Ông hoảng quá, chiếc xe đạp cọc cạch của ông làm sao đưa Lỡ đến bệnh viện. Ông cuống cuồng, quáng quàng. May mà ông còn nhớ đến thằng Thành có chiếc xe bán tải. Thằng Thành bặm trợn xăm trổ đầy người mà tốt bụng lắm. Nó trả viện phí cho bây chứ ai, chứ mua phế liệu từng bữa như ông làm gì có tiền. Rồi ông đưa đôi mắt như biết ơn nhìn Lỡ “may mà bây sống, nếu mà bây chết chắc tao suốt đời không yên…”
“Chết thì thôi chứ có gì mà tiếc chú.”
“Bậy, con kiến còn đáng sống chứ huống chi con người!”
Mấy hột cơm dính trên miệng, người đàn ông đưa tay rờ rồi bỏ vào miệng. Có hột rớt dưới đất, ông lượm lên ăn ngon lành. Ông nói ở bệnh viện buổi sáng có phát cháo, trưa chiều phát cơm, ngày nào cũng có. Mấy nay ông không làm ra đồng nào, cũng may nhờ mấy chỗ phát cơm mới có cái bỏ bụng.
4.
Bà ngoại có thói quen vừa đưa ngón trỏ dí dí vào trán Lỡ vừa thốt ra những lời như xát muối. Ngón tay ngoại chai cứng, dính đầy mủ rau đen thui, có khi còn dính cám heo hôi rình. “Giống chi mà giống ác nhơn. Sao không giống bên ngoại mà lại đi giống cái dòng họ ác nhân thất đức đó…” Đến khi hơn mười tuổi Lỡ mới hiểu mấy câu “dòng họ ác nhân thất đức” hay thốt ra từ miệng ngoại. Người làng mỗi khi thấy Lỡ cũng tặc lưỡi “mấy đứa con nít sinh ra trong uất hận giống như tạc như lột vậy đó.”
Mười bốn tuổi má sinh Lỡ. Mười bốn tuổi là bằng chị Mai, học lớp tám, nhỏ xíu, vẫn đạp xe ríu ran đi học qua nhà Lỡ mỗi ngày. Ngoại kể với người bà con lâu ngày ghé chơi nhà, hồi đó con nhỏ ngu, bị người ta dụ dỗ chỉ bằng một que kem. Thằng già khốn nạn đó dụ nó chỉ bằng một que kem thôi. Trời đất, một que kem. Ngoại chảy nước mắt ròng ròng! Tội nghiệp con nhỏ, có biết gì đâu. Có bầu cũng không biết, thai đạp trong bụng cũng không biết. Đến khi bụng căng cứng nó tưởng ăn cái gì bậy bạ không tiêu mới đi khám. Nó ngơ ngác như con mèo con khi y tá nói rằng nó có bầu năm tháng rồi. Nó bỏ học, nó câm lặng, nó cào cấu cái bụng như con mèo ngứa móng cào sồn sột lên thân chuối ngoài vườn.
Ngoại quẹt nước mắt, đến hồi có bầu rồi nó vẫn ngu, vẫn đâu có nói cho tao biết thằng nào hại đời nó. Sau này tao mới biết nó bị thằng khốn nạn đó dọa giết. Trời ơi! Thằng đó dọa nếu kể ai nghe nó sẽ lụi con nhỏ một nhát. Chỉ đến khi đẻ ra tao mới giật mình thấy giống như lột, như tạc thằng Hai trưởng thôn. Mà cái thằng đó hơn năm chục tuổi rồi chứ có ít đâu! Hồi đó ai tới dòm mặt thằng cu mới đẻ cũng giật mình, cũng nhìn nhau lẩm bẩm. Tin đồn lan trong xóm còn nhanh hơn người ta đem vỏ trấu rải nơi đầu gió.
Người ta gây ác còn không biết xấu hổ, bà Hai vợ trưởng thôn chống nạnh tới chửi con nhỏ. Bả nói con nít quỷ, con nít ranh mới mười mấy tuổi đầu đã dụ dỗ đàn ông! Ai đời con gái mới lớn đi học thả tóc dài, thấy đàn ông là cười tít mắt. Tao uất ức đến mức không nói được lời nào, chạy vào nhà cầm hũ mắm ra tạt vào người bà Hai. Bà ta la lối một hồi rồi quay về. Khúc sau, nghe tiếng thằng Lỡ khóc ré trong buồng mới chạy vào coi thử. Điếng người giật thằng nhỏ đang bầm tím trên tay nó, tay kia nó siết chặt cổ thằng Lỡ. Nó không cho Lỡ bú, nó không dỗ mỗi lần thằng Lỡ khóc, nó ngây ngây dại dại. Chừng mấy ngày sau, nó bỏ thằng Lỡ đỏ hỏn cho tao nhảy xe đò đi biệt.
Qua những lần ngoại kể chuyện với người này người kia ghé nhà, qua những lời xì xào to nhỏ, Lỡ cũng biết được gốc gác của mình. Người làng nhiều người thương Lỡ. Nhưng cũng có nhiều người miệng lưỡi như cắm miểng chai. Mấy người đàn bà đó hình như chưa bao giờ nghe tới hai từ “tổn thương” nên cứ đem chuyện gã trưởng thôn làm con nhỏ lớp tám có bầu đem ra bàn luận mỗi khi rảnh rang. Cái cách họ kể lại câu chuyện y như mấy con gà bươi đi bươi lại đống rác. Thậm chí họ còn không bụm miệng lại mỗi khi Lỡ đi ngang. Những lời móc mỉa có khi lọt vào tai ngoại. Ngoại chống nạnh chửi họ, rồi ngoại khóc, ngoại chửi má ngu, chửi cả Lỡ làm đời má đời ngoại khổ. Ngoại cũng khui đi khui lại vết thương của mình, vết thương của Lỡ. Lời người nói nhẹ như gió sượt qua mang tai, chỉ có ngoại, chỉ có Lỡ là nghe như có ai cầm kim chích vào da thịt mình.
5.
Ông Hai trưởng thôn hay bỏ áo vào quần lái xe đi họp. Ở cái làng của Lỡ, gặp ai ngoài đường cũng mặc đồ lao động bạc thếch chứ có mấy ai đạo mạo, chỉn chu như ông. Ngoại nói, con người ta hay lầm bởi cái vẻ bề ngoài lắm. Cái bộ đồ ăn mặc chỉnh tề, cái giọng nói ngọt, cái cung cách có ăn có học đó lừa được bao người. Khốn nạn, còn lừa mấy đứa trẻ con vắt mũi chưa sạch bằng cái trò mua kem, mua kẹo. Ngoại kể con Như xóm trên đó, mười ba tuổi, bị người ta bắt gặp ông chở ra bãi cỏ chăn trâu đầu làng. Con Như hồn nhiên kể ông Hai chở nó ra đó hai lần rồi, lột áo nó lên, kéo quần nó xuống... May thay Như chưa có bầu, cuộc đời còn làm lại được. Còn má Lỡ, khi bác sĩ lấy Lỡ ra khỏi bụng má thì cuộc đời má cũng trống huơ trống hoác.
Ông Hai không có đứa con nào, nghe đâu do bà Hai vô sinh. Có lần Lỡ đi trên đường làng gặp ông lái xe máy đi đâu về. Ông xẹt qua, rồi vòng lại. Ông dừng xe máy trước mặt Lỡ, đưa tay vào túi lôi ra mấy viên kẹo chìa trước mặt Lỡ, Lỡ cầm lấy ném xuống ruộng. Ông nhếch mép cười khi nhìn Lỡ từ đầu xuống chân. Cái cười làm Lỡ sợ, Lỡ co giò chạy. Ông cười hềnh hệch sau lưng “chạy đi đâu thì mày cũng là con tao.” Lỡ bịt tai, cắm đầu cắm cổ chạy. Nước mắt nhòe nhoẹt.
Hồi Lỡ học lớp năm, có lần vợ chồng ông Hai đến nhà. Ngoại đang cho heo ăn sau nhà, đánh rơi cái thau trên tay làm cám heo văng tung tóe. Ông Hai chắp tay sau đít, đứng nhìn Lỡ đang nép sau cánh cửa gỗ. Bà Hai khinh khỉnh đi ra sau nhà nơi ngoại đứng như chết trân khi thấy vợ chồng họ dám đến nhà. Bao nhiêu năm nay, gặp ngoại là họ lủi nhanh như chồn. Bà Hai tặc lưỡi, ngó nghiêng nhà cửa bảo rằng thôi thì chuyện ngày xưa đã lỡ, bây giờ thằng Lỡ lớn ông bà muốn đón về nhà nuôi. Dù gì cũng là máu mủ, nhìn thằng Lỡ xem, nó giống y xì ông Hai thế kia thì cần gì đi xét nghiệm, ông bà lại không con, cái cơ ngơi to đùng kia sau này cần người lo hương hỏa, kế thừa…
Lỡ điếng người, tay nắm chặt cánh cửa như sợ ông Hai kéo mình đi. Chợt Lỡ nghe tiếng bà Hai la oai oái.
“Ôi trời đất ôi, ôi cha mẹ ơi, nóng quá, hôi quá, bà già này điên rồi trời ơi!”
Lỡ nhìn ra. Ngoại điên cuồng múc cám heo tạt vào người bà Hai. Ngoại tạt trên đầu, trên cổ. Bà Hai lấy tay che mặt che đầu, vuốt vuốt mớ cám heo dính trên mắt cắm cổ chạy. Ngoại múc một thau cám chạy ra sân, nhắm ông Hai mà xối. Ông Hai quá bất ngờ, rồi cũng cắm đầu chạy khỏi nhà Lỡ.
Sau lần bị tạt cám heo, vợ chồng ông Hai chẳng dám tới nhà ngoại lần nào nữa. Nhưng họ lại đi rải trong gió những lời xì xào. Họ bảo lá rụng về cội, mai mốt Lỡ lớn kiểu gì chẳng về với nhà, dù tanh hay hôi thì cũng máu mủ ruột rà. “Máu mủ ruột rà”, mỗi lần nghe tới mấy từ đó ngoại lại lên cơn lôi má, lôi Lỡ ra chửi, rồi ngoại ngồi bệt xuống đất mà khóc.
Lỡ ghét soi gương. Mỗi lần soi gương là mỗi lần thấy gương mặt gã đàn ông kia hiện ra. Vì Lỡ quá giống, nên má chưa một lần kéo lỡ vào lòng. Rồi có bữa ngoại giật mình hỏi, có thật là bây lớn rồi sẽ về với họ không? Lỡ gào lên rằng Lỡ không muốn!
Ước gì Lỡ rút cạn máu trong người mình để trả lại. Lỡ đâu muốn mình được sinh ra như thế! Khi Lỡ bị xe tông, mùi máu tanh xộc lên mũi. Lỡ nhắm mắt, chảy hết, chảy hết đi. Lỡ muốn từng giọt từng giọt chảy khỏi người mình. Rồi người Lỡ sẽ nhẹ bẫng, từng tế bào của Lỡ không dính dáng gì đến người đàn ông kia nữa!
6.
Lỡ xuất viện, bác sĩ bảo Lỡ phải tập vật lí trị liệu đến nửa năm mới có thể đi lại được. Sau khi biết Lỡ một thân một mình ông Nhớ đã nằng nặc bảo Lỡ về ở với mình. Ông nói người bây yếu nhớt, về nằm nhà trọ ai chăm. Không gặp thì thôi, đã lỡ giúp thì giúp cho trót.
Nhà nhỏ như chuồng bồ câu, dựng tạm bợ trên một miếng đất trống. Chỗ nào cũng ngổn ngang phế liệu, thùng carton, chai nhựa… Mỗi lần vào nhà nằm phải đạp trên mớ đồ mới vào được tới giường nằm. Ông Nhớ cười nhe hàm răng vàng ệch màu thuốc lá bảo để đó tao dọn cho gọn lại. Ông nói Thành cho ông dựng nhà ở ké trên đất của Thành chứ nghèo với bệnh như ông thì làm gì có nhà. Ông tặc lưỡi khi nhắc tới Thành. Cái thằng có mấy mẫu cao su, giàu dữ lắm mà đeo biết bao chuyện buồn trên người. Suốt ngày lo làm ăn, tới hồi vợ kéo va li bỏ theo thằng khác mới biết mình bị cắm sừng mấy năm. Vợ đi rồi, Thành càng làm bục mặt để chu cấp cho thằng con thiếu tình thương của mẹ. Nhưng thứ thằng con cần đâu chỉ có tiền. Đến hồi thằng con giãy đành đạch lên vì sốc thuốc phiện Thành mới sực tỉnh. Nhưng tỉnh lúc đó thì cũng đã muộn rồi. Thằng con chết khi mới học lớp mười một. Ông Nhớ tặc lưỡi, đâu phải ai giàu cũng sướng!
Bữa xuất viện, Thành lái chiếc bán tải tới bệnh viện chở hai người về nhà. Thành phanh bộ ngực có xăm hình con hổ dữ tợn, trên cổ có đeo sợi dây chuyền bự như dây xích. Thành ăn cục nói hòn, giọng nói ồm ồm khiến trẻ con nghe được vội túm lấy áo mẹ. Khi ngồi trên xe, Lỡ nói mai mốt Lỡ đi làm có tiền trả lại cho anh. Thành khoát tay “Khỏi, tiền ăn không có mà bày đặt trả...”
Ông Nhớ kê ba cục gạch làm bếp. Khói bốc lên u sù mỗi lần ông cúi xuống nhen lửa nấu cơm. Lỡ còn yếu, ông nấu cơm ngày ba bữa bưng lên tận giường. Lỡ hỏi tuổi, ông nói không biết nhưng chắc tầm năm mươi. Tại nghèo khổ, bệnh tật nhiều quá nên thành ra ông già như người sáu mươi. Ông kể mình mồ côi mồ cút từ khi còn nhỏ, ngay cả một người họ hàng xa cũng chẳng có. Ông nói ai mà chẳng có người nhà, chỉ là ông lạc mất họ từ nhỏ nên bây giờ chẳng biết đâu mà tìm. Lỡ cười méo xệch, nhiều khi máu mủ ruột rà không có còn hơn!
Ông Nhớ móc túi lấy thuốc lá ra ngồi hút. Ông nhìn tấm bạt căng trước nhà bay phần phật trong gió bảo con người không chọn được cách mình sinh ra nhưng đã lỡ có mặt trên đời thì phải sống cho ngon lành. Mặc kệ ông Hai, mặc kệ những lời nói như miểng chai của người đời, bây giờ bây phải sống cho cuộc đời của bây chứ!
Ông Nhớ mỗi ngày đạp chiếc xe cọc cạch đi thu mua phế liệu. Buổi trưa ông quày quả trở về nấu cơm cho Lỡ ăn. Lỡ bây giờ đã có thể chống nạn đi cà nhắc trong nhà. Lỡ phụ ông phân loại lon bia, chai nước ngọt, cột gọn gàng mớ thùng giấy carton để đem đi cân… Một bữa, ông Nhớ ngồi nhai cơm trệu trạo ngó ra con nắng xơ rơ ngoài trời nói mai mốt mua thêm cái quạt chứ nắng quá sợ bây ngủ không được. Lúc nào bây khỏe, đi lại được đừng về nhà trọ, ở đây với tao. Mấy nay có bây quen rồi, tới hồi bây đi chắc tao khóc…
Mấy câu nói bâng quơ thôi mà ông Nhớ khóc thiệt, nước mắt chảy xuống cả tô cơm đang ăn. Lỡ nghe sống mũi cay xè. Mười bảy tuổi rồi, chưa từng có ai nói rằng nếu không có Lỡ thì cuộc đời họ sẽ buồn hắt buồn hiu. Má không nói, ngoại cũng chưa từng. Ngoại nói, tại sự xuất hiện của Lỡ mà cuộc đời má khổ, ngoại khổ… Lỡ tụt xuống giường, đi cà nhắc lại chỗ ông Nhớ. Lỡ sụt sịt nhận ông Nhớ làm cha. Cái bữa Lỡ đụng xe nằm ngoài đường, nếu không có ông thì Lỡ chết rồi…
Ông Nhớ khóc, đưa bàn tay thô kệch vỗ vỗ vào tấm lưng gầy đét của Lỡ.
7.
Hai mùa mưa nắng đi qua, cha con Lỡ đêm đêm vẫn nằm với nhau trên cái giường chật chội. Lỡ đã có thể đi phụ hồ trở lại, chiều chiều về phụ cha lặt rau, nhen lửa nấu bữa cơm chiều.
Một hôm khuya khoắt, điện thoại của Lỡ đổ chuông dồn dập. Lỡ lồm cồm bò dậy, quờ tìm điện thoại, màn hình hiện ra số lạ hoắc. Danh bạ điện thoại của Lỡ lưu chỉ mười người. Của má, của ngoại, của mấy người đi phụ hồ chung. Má thì chưa bao giờ Lỡ gọi. Bao nhiêu lần Lỡ cầm điện thoại định nhấn nút rồi lại thôi. Biết nói gì với má bây giờ? Má con người ta có thể hỏi han nhau cơm nước, nói mấy chuyện vặt vãnh còn má con Lỡ đã ngăn cách như hai thế giới. Thỉnh thoảng Lỡ có gọi về cho ngoại. Ngoại đã bớt gay gắt, đã không còn mở miệng nói với Lỡ mấy lời như xát muối… Chẳng biết ai gọi, Lỡ nhấn nút tắt, quăng điện thoại qua một bên.
Điện thoại lại đổ một hồi.
“Alo Lỡ hả con?”
“Lỡ đây, mà ai vậy?”
“Cô Hai nè con, con ơi, ba con bị tai nạn nặng lắm, ổng mất máu nhiều lắm mà ổng thuộc nhóm máu hiếm không có máu truyền cho ổng, con về lẹ đi, không ổng chết mất. Không có máu người ta không làm phẫu thuật được…”
Mấy chữ “Cô Hai nè con” y chang một cái đấm thụi vào ngực Lỡ. Trước mắt Lỡ hiện ra một người đàn bà chua ngoa, mắt lấm lét như mèo. Ông Hai đang bị tai nạn, đang nằm cấp cứu. Một cơn hả hê trào lên trong lòng Lỡ.
“Đáng kiếp, quả báo của ổng đó, cho ổng chết đi…”
Nghe tiếng Lỡ quát to, ông Nhớ lồm cồm ngồi dậy. Lỡ cúp máy, đưa hai tay lên ôm đầu. Bao nhiêu năm rồi, tại sao những con người đó vẫn chưa tha cho Lỡ, vẫn ám lấy Lỡ như hồn ma vậy?
Có một chiều khi Lỡ mười lăm tuổi má trở về. Má vẫn như thế, đôi môi đỏ chót, tóc tai xanh đỏ nhưng từng bước chân nặng nề. Má thả bịch cái ba lô xuống dưới đất ngồi thẫn thờ ở cái chõng tre. Đôi vai trì xuống, má đưa đôi bàn tay được son đỏ choét lên ôm lấy đầu. Đêm ấy má nằm mê sảng, má đòi giết ai đó rồi van xin ai đó đừng giết má… Sau đêm mộng mị đó, buổi sáng hôm sau má lại đứng ngoài đường vẫy xe đi. Người làng đi qua, trẻ con đi học, má cố tình quay mặt đi chỗ khác. Má không muốn ai nhìn thấy má, nhận ra má. Lúc đó Lỡ đứng tần ngần trong ô cửa gỗ nhìn ra. Lỡ muốn chạy ra ôm lấy má, bảo má ở nhà. Nhưng Lỡ trót mang gương mặt của người đã bóp chết cuộc đời của má mất rồi!
“Không nhờ tao thì mày đâu có mặt trên cuộc đời này.” Ông Hai gí sát mặt vào Lỡ, mùi thuốc lá nồng nặc phả vào Lỡ gằn từng lời khi tình cờ gặp Lỡ ngay cái hôm má đi. Ông ta không dám đến nhà nhưng bất cứ khi nào gặp Lỡ cái câu “mày là con tao” bật ra khỏi cửa miệng… Lỡ muốn sao? Lỡ muốn được sinh ra trên cuộc đời này lắm sao? Lỡ muốn là con của một kẻ khốn nạn như ông sao? Lỡ hằn học nhìn ông Hai như con thú bị thương nhìn kẻ đi săn đang cầm mũi tên dính máu…
Chính hôm đó, một ý nghĩ độc ác đã nhen lên trong lòng Lỡ. Ban đêm, chờ bà ngoại ngủ say Lỡ rón rén dậy. Lỡ xuống bếp lấy cái bật lửa nhét vào túi, đi ngang chuồng bò Lỡ đã rút một bó rơm nhằm hướng nhà ông Hai mà bước. Trời tối đen như mực, gió đêm lạnh buốt nhưng lòng Lỡ lại nóng như lò lửa. Lỡ muốn ông ta chết, Lỡ muốn ông ta phải nhận lấy những gì mà mình đã gây ra chứ không phải cứ lái xe đi long nhong ngoài đường. Lỡ đứng dựa vào vách nhà. Chái bếp lợp lá, chỉ cần một mồi lửa lan nhanh, rồi bùng lên, rồi nhấn chìm tất cả. Gương mặt đáng ghét kia sẽ vẫy vùng trong biển lửa…Cái bật lửa trong tay trơn nhẫy vì mồ hôi túa ra đầm đìa. Chợt con chó nhà ông Hai sủa vang, Lỡ hoảng hồn quăng cái bật lửa, vùng chạy.
Sáng sớm hôm sau Lỡ ra trước nhà ngoắc xe đò đi. Lỡ đứng ngay cái chỗ má đứng đợi xe bao lần. Mặt má cũng cúi xuống như vầy, đôi vai cũng nặng nề như bị kéo trì xuống. Bà ngoại sững người khi Lỡ nói “tui đi nghe ngoại, tui không về nữa đâu”. Bà đứng trong sân, ngay chỗ bờ rào Lỡ biết bao lần đứng nhìn má. Ngoại định mở miệng nói nhưng rồi lại im lặng. Chắc bà cũng biết, Lỡ chẳng thể sống nổi ở cái nơi này nữa. Khi Lỡ ngồi lên xe, Lỡ thấy bà đưa tay chùi nước mắt. Từng ấy năm nuôi Lỡ bà có thương cháu mình không khi mỗi lần đưa ngón tay trỏ di di vào trán Lỡ mà nói “mày giống y như thằng cha khốn nạn của mày”?
Lỡ năm nay đã mười tám tuổi. Má Lỡ tính ra mới ngoài ba mươi tuổi. Má trẻ lắm mà như đã đi qua mấy kiếp đàn bà. Má không có chồng, hình như cũng chẳng yêu ai. Má cũng chưa thể một lần ngồi bình thản trước hiên nhà nhìn ra đường như mấy người đàn bà ở quê. Người đàn ông đó đã phá nát cuộc đời của má, của ngoại, của Lỡ. Mỗi lần nghĩ tới tên ông ta thôi nỗi uất hận đã trào lên trong lòng Lỡ. Ông ta tai nạn sắp chết, đang cần dòng máu trong người Lỡ sao? Lỡ cười chua chát, đáng đời!
Ông Nhớ lặng im, lại ra hiên ngồi. Trời khuya lấm tấm sao. Khi điếu thuốc hết, dụi tàn xuống nền đất ông mới cất tiếng. Gặp người lạ tai nạn giữa đường thì nhất định phải cứu, nếu là ông Hai thì càng phải cứu! Cả quãng đời của con không yên ổn rồi nhưng cha biết, nếu bây giờ con không về cứu ông ta thì cả cuộc đời của con sau này chắc chắn không yên… Thôi thì coi như rút máu trong người ra trả nợ sinh thành. Trả xong thì quên đi, thanh thản mà về đây sống với cha…
8.
Sáng hôm sau chiếc bán tải của Thành phanh kít trước căn nhà ngổn ngang phế liệu. Đã được nghe ông Nhớ kể qua điện thoại nên mặt Thành tỉnh bơ. Thành bảo chở Lỡ đi rồi sẽ chở Lỡ về cho ông nguyên vẹn, không sứt mẻ một cọng tóc. Ông Nhớ gật đầu, vỗ vỗ vào vai bảo Lỡ lên xe.
Thành quẹo đường tắt, qua con đường đá dăm lạo xạo. Gió lùa vào cửa sổ, gió lọt qua cửa bên kia bay mất. Thành đưa tay chỉ, khúc đó đúng một năm trước mày bị tai nạn nằm đó. Thấy máu me bê bết tao tưởng mày chết rồi, ông Nhớ mà không gào chắc tao không dám bế mày lên xe!
N.T.N.H
VNQD