Ngôi nhà có những linh hồn

Thứ Sáu, 17/06/2022 10:52

. VŨ NGỌC THƯ

Trước khi nhận lời anh, em muốn anh biết một chỗ. Em bảo tôi thế. Tôi nổ máy. Chiếc HONDA 50 phân khối cũ rích của bác họ cho bố tôi ngày mới giải phóng Sài Gòn nổ pành pành ra ngoại ô theo em chỉ dẫn. Tôi rẽ bên trái lại quành bên phải, mãi sau mới dừng trước một cánh cổng. Con chó sủa vang rồi rên ư ử, cái đuôi ngoáy tít mừng quýnh. Em mở khóa. Con chó nhảy chồm lên, hai chân trước quặp cẳng chân em ngúc ngoắc. Em quát nhẹ, nó lẳng lặng bỏ đi, cứ vài bước lại ngoái lại. Với tay bật công tắc điện gắn ở đầu nhà, khoảng vườn bừng sáng. Một khuôn viên đẹp với hoa lan rực rỡ lấp lánh. Cây cảnh kê trên những chiếc đôn thành hàng thẳng tắp. Ta vào nhà đã anh. Tôi bước qua bậu cửa gỗ. Chính giữa ngôi nhà gỗ là chiếc bàn thờ đã cũ. Em châm một nắm hương, đưa cho tôi ba nén. Anh thắp hương cho các anh ấy đi. Sao lại các anh ấy. Tôi tò mò hỏi. Em có vẻ không bằng lòng, tiếng nhẹ nhưng hơi gằn gằn một chút. Thì anh cứ làm như em bảo đi mà. Tôi cắm ba nén vào bát hương rồi lùi lại, thấy em đứng lặng thành kính.

Minh họa: Hải Kiên

Em là ai? Sao mấy năm quen, tôi không tìm hiểu hết? Ngôi nhà và con chó rên ư ử. Chắc phải thân lắm nó mới mừng đón em như thế. Khuôn viên đẹp như vườn hoa kia nữa, rồi bát hương… Em đứng, lặng chìm vào làn khói đang cuộn tròn bay lên. Ta ra ngoài ngồi nói chuyện đi anh. Tiếng em cắt ngang dòng suy nghĩ, tôi bước theo em chợt ngoái đầu nhìn lại. Những chấm đỏ đầu nén hương, làm cho khoảng ban thờ rực đỏ, khói phảng phất bay. Xoắn vào cuộn đưa thẳng lên trên.

Bộ bàn ghế xi măng sơn nâu người ngồi nhẵn. Tôi ngồi xuống đó. Anh uống trà hay nước lọc. Quay sang tôi em hỏi. Cho anh chén trà cho tỉnh. Chắc hôm nay anh được nghe nhiều chuyện kì bí lắm đây. Tôi nhìn em, thả câu thăm dò. Không có gì kì bí lắm đâu anh. Tất cả là chuyện thật. Thật mà lại rất đời thường. Em vừa tráng ấm vừa trả lời, khuôn mặt bình thản. Bình thản như chả có việc quan trọng như em nói. Còn tôi, tôi biết mình sắp được nghe một bí mật. Về ngôi nhà, và cả cuộc đời em. Người mà tôi cứ nghĩ mình hiểu kĩ lắm rồi.

Hôm ấy đang mùa hè. Em cầm xuyến nước lên rót vào chén, bắt đầu kể. Năm ấy nóng hơn những năm khác nhiều. Chiều thứ bẩy em tranh thủ về nhà. Đã ba tuần em không về thăm bố mẹ. Bước lên xe, may còn một ghế trống. Trời nóng, người đông, mùi mồ hôi nồng nặc. Bác tài mở hết cửa kính mà cũng chả mát thêm được tí nào, thỉnh thoảng gió còn đẩy hơi nóng của đường nhựa hắt lên rát rạt. Chiếc xe chồm chồm trên con đường gập gồ như con ếch chỉ chực nhảy khỏi mặt đường. Như bao chuyến xe khác, càng chạy người trong xe như càng tóp lại. Ai cũng lim dim gà gật. Em ngủ li bì bù cho những đêm ôn bài vì sắp thi tốt nghiệp. Chả biết xe chạy được bao lâu thì thấy tiếng người kêu lên. Có người ngất. Xe tạt vào bên đường. Một người trong bộ quần áo bộ đội cũ nhàu, loang lổ đất núi, tóc rậm, râu lâu ngày không cạo lởm chởm, đôi mắt đang trừng trừng đảo lộn được khênh xuống. Hai bàn tay nắm chặt cố gắng lên gân. Hai chân co lên rồi lại duỗi thẳng. Nhiều tiếng nói ồn lên. Xem có giấy tờ gì không. Là thương binh. Thẻ đây này. Có tiếng xuýt xoa. Khổ thân. Bây giờ phải đưa vào viện. Bác tài giọng dứt khoát. Nhanh lên đi. Mọi người nhốn nháo.

Ôi cái ông Tuấn này, chúng tôi cấp cứu như cơm bữa. Bác sĩ trực phòng cấp cứu giọng nhẹ tênh khi nhìn thấy bệnh nhân. Cứ để anh ta đấy, tôi lo cho.

Định mệnh sắp đặt hay sao, mà em lại gặp anh ấy. Vẫn trên chuyến xe từ thị xã trung du về. Xe gần chạy em mới lên và cũng một ghế trống như chờ sẵn. Sắp xếp hành lí cho gọn, ngồi xuống, lúc nhìn sang người bên cạnh em khẽ giật mình. Dù bộ quần áo bộ đội tươm tất, mái tóc cắt cao, cằm nhẵn không một sợi râu, em vẫn nhận ra. Anh đang nhìn ra ngoài, đôi mắt không rời những quả đồi nhấp nhô đang lùi dần lại phía sau. Cũng tại cái mồm em nữa. Cái mồm hóng chuyện. Mẹ em thường bảo thế. Giá như em không bắt chuyện thì anh ấy đâu có biết. Anh vừa quay vào em đã cất tiếng. Em chào anh Tuấn. Đôi mắt mở to nhìn em ngỡ ngàng, giọng anh ấp úng. Em là…. Em là Huê. Anh đấm tay lên đầu, cố tìm ra một cô Huê đâu đó. Cái đầu này càng ngày càng có vấn đề rồi đây, nên không nhớ được nữa rồi. Anh cười, rất tươi và ngọt khác hẳn mường tượng hình ảnh của dân anh chị hôm trước, mà nếu gặp ngoài đường một mình chắc em không dám đến gần, khi em nhắc lại chuyến xe hôm trước. Giọng cười ấy, đến giờ em vẫn còn như thấy ẩn vào mình. Mặc dù sau này bao lần em được nghe tiếng cười ấy, nhưng hôm ấy, sao mà nó lôi cuốn, quyến rũ vô cùng. Nghe nó, người ta có thể đặt niềm tin của mình vào ngay được.

Nhà em cũng ở thị xã à. Nếu không vội, vào anh chơi. Này một cảnh quan đẹp đấy nhé. Không biết có phải vì câu anh nói, hay vì tiếng cười, vì anh đang xách hộ em túi đồ mà xuống xe chân em cứ líu ríu bước theo.

Và em đã đến nơi mà chúng ta đang ngồi đây.

Ta vào nhà đi anh. Tháng mười rồi, cứ sương xuống là trời lạnh. Em lại thắp hương. Mùi hương phảng phất, ngôi nhà ấm hẳn lên. Tôi nhìn bát hương, chân hương đầy cao lên tầng tầng chứng tỏ được thắp đều đặn. Đĩa quả tươi như vừa mới hái ở cây vào. Hương hoa huệ phảng phất. Ngôi nhà âm trầm trong đêm chớm mùa đông càng thêm trầm lắng. Rót cho tôi chén trà, em cũng rót cho mình một chén đưa lên môi.

Yên tĩnh. Tôi lặng lẽ nhận từng lời em thả vào đêm. Thời gian rảnh em chỉ biết đến đây. Mà anh bảo không đến sao được, cảnh đẹp thế này mà. Mỗi mùa một loài hoa nở. Có loài thơm, có loài chỉ có sắc. Anh Tuấn bảo, hoa thơm là khoe hương ra ngoài, không thơm là ủ hương vào trong. Hoa là thanh xuân. Tất cả thanh xuân đều đẹp. Hãy tận hưởng những ngày thanh xuân đi cô bé ạ. Người lớn chả sung sướng gì đâu mà mong muốn… Nói đến đấy, anh ấy chợt thở dài và bước đi. Cái dáng như lao về phía trước. Bàn chân rê rê vấp vào bậu cửa. Tự nhiên em thấy lòng mình nặng chìm. Nặng như có khối đá đè xuống.

Cây bỏ đi vào tay anh ấy uốn tỉa thành cây đẹp. Đã nhiều lần em nhìn anh ấy làm cây mà say mê như xem biểu diễn nghệ thuật. Em nhận ra mình cũng có đam mê với cây cảnh. Được làm cây với anh ấy em rất vui. Chiếc ghế cao bắc, anh cắt tỉa cành trên. Em cắt tỉa cành dưới. Cô bé thấy không, cây được cắt tỉa, như sống nề nếp thì sẽ đẹp. Con người cũng vậy. Không chịu rèn mình, buông thả thì cũng vứt đi. Em biết ý anh ấy muốn nói gì. Em cũng biết trong anh ấy là con người sống mực thước, tình thương, có trách nhiệm. Một con người sống bằng nghị lực. Nghị lực chỉ những người lính như anh ấy mới có. Càng ngày em càng thấy mình gần anh ấy hơn. Anh như ngọn lửa của ngày lạnh giá. Trong em có gì đó như mầm cây nhú lúc cuối thu, khi ngoài kia cây trút gần hết lá.

Minh họa: Hải Kiên

Dần dà, tôi nhập vào câu chuyện của em như vai trò của người lia máy quay ghi lại. Còn em, rõ ràng đang trôi vào câu chuyện của mình, tâm sự cùng nhân vật…

Một lần đang làm cây, anh ngồi thụp xuống. Em tưởng anh muốn nghỉ chút, nhưng rồi anh ngã vật ra. Em chạy lại đỡ, anh còn kịp nói. Nếu co giật nhẹ thì giữ, nặng thì trói vào nhé. Như hôm trên chuyến xe ngày nào, đôi mắt anh trừng lên dữ tợn. Những luồng đỏ chạy trong hai hốc mắt như ngựa lồng mỗi lúc nhanh. Hai tay không chỉ co lên duỗi xuống nữa mà đập xuống giường rầm rập. Người vặn cong rồi lại gồng lên, lăn vào lăn ra. Miệng sùi bọt, răng nghiến chặt bật những tiếng phù phù. Mặt em xanh xám. Cuống lên. Người bủn rủn. Em cố giữ mà không được. Anh bảo trói nhưng em không nỡ. Vả lại mình em cũng chả làm được. Sao lúc ấy anh khỏe thế. Em chạy sang nhà bên cạnh cầu cứu. Cậu ấy vẫn bị thế đấy. Cái vết thương đầu nó hành hạ từ ngày về đến giờ. Không biết đến bao giờ nữa. Anh hàng xóm dùng chiếc dây vải để sẵn chân giường vừa trói vừa giải thích. Em chợt nhớ đến câu ông bác sĩ hôm ở viện. “Cái ông Tuấn này chúng tôi cấp cứu như cơm bữa ấy mà”. Có phải đưa anh ấy đi viện không anh. Em hỏi. Mình cứ theo dõi, nếu cậu ấy tỉnh lại thì thôi, còn không thì phải đưa đi đấy. Nhìn anh vặn xoắn. Nước mắt em cứ chảy ra không thể ngăn được. Nếu hôm nay chỉ có một mình anh…

Hai tiếng đồng hồ co giật, nhấn chìm sức, chỉ thấy người anh vặn nhẹ dần rồi nằm im. Cởi sợi dây trói mà xót xa. Mỗi nút cởi xong, em thấy như nó đang thắt lại vào mình. Thương, khâm phục, kèm thêm chút buồn. Nỗi buồn vu vơ phảng phất tự ập vào. Đêm ấy ngồi nhìn anh thiêm thiếp, tóc rối bù sau những cơn vật lộn, mặt hốc hác mà lòng em như có kim đâm. Chỉ có mấy tiếng đồng hồ mà anh như người khác. Không còn là Tuấn sâu trầm đầy bản lĩnh, lúc nào cũng cố gồng mình để tỏ rõ. Nằm lép kẹp. Rũ như tàu lá chuối hơ lửa. Mềm oặt. Vuốt những sợi tóc như vò, bắt gặp những sợi bạc xen trên mái tóc đen quăn, Mái tóc quăn như bị vò nhàu xoăn tít. Ngày bé bà em bảo tóc xoăn là những người vất vả. Không biết có phải anh cũng vậy không? Chắc anh vất vả thật…

Anh vẫn thắc mắc câu em bảo anh thắp hương cho các anh ấy đi, đúng không? Em bất ngờ ngừng kể quay sang tôi. Những ngày đầu em cũng vậy. Ngày nào anh ấy cũng thắp hương. Không phải một lần mà mấy lần. Có khi chả tính được, vì cứ vào nhà lúc nào là anh thắp lúc ấy. Rồi anh đứng như tượng đá. Không ít lần nước mắt lặng lẽ lăn trên má. Thấy anh ấy trầm lặng mỗi khi đứng thắp hương. Em nghĩ đấy là nơi linh thiêng với anh ấy lắm nên không dám hỏi.

Mấy ngày bận việc riêng không ra được thấy cồn cào sốt ruột vô cùng. Đến khi xong công việc, em phóng xe đạp ra. Tới nơi, cửa nhà vẫn mở, nhưng không bật đèn. Ngôi nhà đặc quánh khói hương. Ngọn đèn sắp cạn dầu leo lét nhập nhòa. Mâm cơm trên ban thờ nguội ngắt. Tàn hương rụng vào bát canh, đĩa sào, phủ một lớp. Anh ngồi rúm nơi góc chiếc ghế dài. Hai hố mắt như lõm xuống. Tiếng khùng khục, khùng khục nơi cổ không thoát ra được. Vai anh rung rung. Anh như gốc cây khô đang trút nốt giọt nhựa cuối cùng. Như cây cột trống đã mục chân ngoài trời, nhìn vững chãi đấy, nhưng chỉ chút gió vặn là sập. Tiếng khóc bị ghìm lại, dồn nén. Em lao đến ôm chặt lấy anh, và em cũng khóc. Hai tay nâng mặt em lên, anh thì thào. Chín người chết để cho anh được sống Huê ạ. Cả tiểu đội mười người hứng trọn một quả bom trên điểm chốt. Chín người chết, em biết không? Tiếng anh sệt lại trong cổ. Hai bàn tay siết chặt má em lắc lắc. Đầu em vặn bên này rồi lại vặn sang bên kia. Cứ như em bị tra khảo, vì những đồng đội của anh hi sinh.

Anh bừng tỉnh khi em gọi. Cầm tay kéo em gồi xuống ghế. Ngửa cổ tợp một ngụm rượu. Giọng anh chợt thật trong, nghe rành rọt từng câu một.

Đấy là trận đánh không cân sức. Bọn anh chỉ có một tiểu đội, địch một đại đội xông lên. Các anh có lợi thế ở trên cao, có chiến hào, địch phơi mình trong khoảng trống. Mười người trong tiểu đội trải dài, người này cách người kia năm mét. Địch ở xa thì bắn tỉa, xông lên gần thì siết liên thanh. Lúc này tiểu đội không chỉ lo thiếu quân số, mà còn lo thiếu đạn để đánh lâu dài, vì vậy bắn cũng phải tiết kiệm. Bắn là phải trúng, phải tiêu diệt, ít nhất là một tên. Địch dựa vào quân đông, nên tấn công dồn dập. Hai ngày bọn nó không lên được đỉnh đồi, dù số lượng quân gấp mấy chục lần. Hai ngày bọn anh chỉ có lương khô và nước lã. Nước lã cũng không còn. Khoảng bốn giờ chiều. Mọi người đoán thế, vì mặt trời đã ngả xuống chân đồi. Không thấy địch tấn công, mọi người bảo nhau, chắc nó chuẩn bị cho ngày mai. Chợt có tiếng máy bay trên đầu. Ba chiếc F4 lượn vòng rồi bổ nhào xuống trút bom. Công sự chạy dài để đánh địch xông lên chứ không có nắp che bom. Những quả bom nổ chát chúa xung quanh. Mọi người nằm rạp xuống chiến hào. Bom nổ đằng trước đằng sau. Khói lửa mờ mịt không còn nhìn thấy xung quanh và cả trên không trung. Rồi tiếng máy bay xa dần, ai cũng cứ ngỡ đã qua đợt không kích. Bất ngờ, có tiếng rít vút qua. Một quầng lửa nhoàng sáng. Trời đất quay tròn, quay tròn tắt lịm.

Anh thấy mình bị dìm xuống, đất đá đè lên. Từng cái xương trên người như muốn rời ra khỏi cơ thể. Đầu đeo đá. Những dòng nước ào ào đổ xuống người. Đất trên người nhão dần nhão dần, lỏng ra. Anh cựa mình. Cả cơ thể như không chuyển động. Cố vặn mình lần nữa, lần nữa. Dòng nước thấm xuống dưới lưng làm cho đất trơn hơn. Bấm hai tay vào đất nhoài nhoài nhích từng tí một, tí một. Rồi cũng thoát ra được lớp đất vùi. Trời vẫn đang mưa. Có lẽ anh tỉnh lại được là nhờ cơn mưa ấy. Đêm nhờ nhờ. Không gian yên ắng. Trườn thêm tí nữa. Một ụ đất chắn ngang. Cố trườn lên trên đó. Một cái hố sâu và rộng như cái ao làng lõng bõng nước. Mùi khói bom còn phảng phất. Mùi khói làm anh nhớ lại tất cả. Có một chỗ trên đầu buốt. Quờ tay lên thấy bầy nhầy nghĩ là bùn đất. Khi đưa tay xuống thấy tanh tanh. Máu. Mình bị mảnh bom vào đầu. Nhoài thêm một tí nữa. Trời đất lại quay cuồng và từ từ sập xuống.

Khi tỉnh lại, anh đã nằm trong bệnh viện. Anh được biết chín người bạn đã hi sinh. Đơn vị chỉ tìm thấy xác của ba người. Còn lại sáu bị chôn vùi hay bay mất. Bát hương kia là nơi thờ chín người đồng đội ấy. Ngôi nhà này có anh và chín linh hồn nữa đang trú ngụ. Hôm nay là ngày giỗ các anh ấy… Mắt nhìn đăm đăm vào bát hương, anh đứng dậy châm mấy nén hương cắm vào bát, tay chắp, đầu cúi. Em cũng làm theo và nhận ra, chốn linh thiêng không chỉ ở đình chùa, mà nó ở ngay trong chính ngôi nhà này. Ngôi nhà có những linh hồn.

Em còn nhớ chuyến xe anh bị ngất chứ. Hôm ấy anh ở chỗ nhà mẹ của Kỉ. Một trong chín người hi sinh. Địa phương xây cho mẹ ngôi nhà tình nghĩa. Anh lên góp sức một tí cho đỡ hổ thẹn với người đã khuất. Quê Kỉ có bao kỉ niệm với anh. Em lại nhớ hôm gặp anh lần hai. Anh cứ ngoái nhìn miền quê đồi núi mãi là vì thế. Anh đứng dậy, với tay lên ban thờ lấy một tờ giấy đưa cho em. Đây là tên các anh ấy. Nếu anh có việc đi dài ngày, em ở nhà thay anh. Lúc thắp hương thì gọi tên các anh ấy nhé. Anh nhìn em như nhìn lần cuối. Em hoảng sợ ôm chặt lấy anh lắp bắp. Anh đừng đi. Đừng bỏ em. Anh Tuấn. Em sẽ ở bên anh mãi mãi, suốt đời này. Vừa nói em vừa ôm anh chặt thêm. Anh cũng vòng tay ôm lấy em. Đã bao ngày nay cái mầm nhú mà em hình dung, mơ ước là đây. Em không thể để mất nó. Môi em hôn lên đôi mắt cạn khô, đôi má lõm vì đày ải nắng mưa, khi chạm đến cái đích của tình yêu, thì cũng là lúc em siết chặt hơn.

Em không tưởng tượng được, cũng lúc ấy anh lại phản kháng mạnh nhất. Không được Huê. Cố gỡ tay em ra, giọng anh cương quyết. Sao không được. Em gắt lên. Anh chưa vợ, em chưa chồng, sao không được. Anh bảo không được là không được. Sau này em sẽ hiểu. Em không đợi sau này. Em cần tình yêu của anh, ngay bây giờ. Em day day cho bờ môi sâu hơn. Bốp. Một luồng sáng nảy ra từ đôi mắt em. Có lẽ nó cũng như luồng sáng của quả bom mà anh ấy đã nhận thấy. Em buông tay. Thoáng nhìn anh trong tích tắc, rồi vùng chạy.

Lòng tự trọng bị tổn thương cùng hờn dỗi, em nằm ba ngày không dậy, tay thỉnh thoảng lại sờ lên chỗ má bị tát. Nhưng rồi em thấy nóng ruột. Nóng cồn cào. Lại vớ vội cái xe, đạp lấy đạp để. Cổng khóa. Con chó nằm ngay bên trong thấy em cũng không thèm mừng. Mấy chậu cây đã bắt đầu héo, những bông lan rũ xuống vì thiếu nước. Bước vào nhà nhìn khắp nơi không có anh ấy. Một tờ giấy để trên bàn, em cầm lên đọc. Huê. Anh đi có việc, có lẽ lâu mới về. Em trông nhà và chăm vườn nhé. Gặp người mua cứ bán. Giá anh đề sẵn ở gốc để em biết. Còn ít tiền trong tủ anh để em lo việc làm. Mở tủ. Em bới tung các thứ. Những đồng tiền bay lả tả khắp nền nhà. Cuốn sổ y bạ cũ ố màu. Em vội mở. Ngay trang đầu và cũng là trang duy nhất của cuốn sổ y bạ có chữ bác sĩ ghi: Vũ Văn Tuấn. Vết thương sọ não vùng chẩm. Ảnh hưởng dây thần kinh. Hay bị choáng, ngất. Máu nhiễm DIOXIN. Nếu xây dựng gia đình thì không nên sinh con”.

Em buông quyển y bạ, ngồi phịch xuống ghế. Anh. Sao phải thế hả anh. Hạnh phúc đâu cứ nhất thiết phải có con. Mà muốn có, mình cũng có cách mà anh. Sao phải làm vậy hả anh? Sao phải chọn con đường cùng ấy hả anh?

Sáu tháng em đi tìm anh ấy nhưng bặt vô âm tín. Em khẽ thở dài nhìn tôi. Năm năm em đã ở đây để đợi anh ấy về. Một lời nhắn, hay một thông tin nào đấy về anh ấy. Ở đâu xa chân trời góc biển em cũng đến đón về. Tất cả hi vọng của em năm năm qua đã thành vô vọng.

Giờ thì anh biết. Vì sao năm năm qua em không nhận lời của anh rồi.

Chiếc bật lửa trong tay em lóe sáng. Mấy nén hương bắt lửa. Tôi cũng đứng lên, tự tay mình thắp và cắm vào bát hương. Mắt tôi trân trân nhìn những dòng tên đã ám khói: Vũ Đình Chiến. Đinh Xuân Trung. Vũ Đình Mông. Đỗ Đức Kỉ… Những dòng tên nhòe dần, vì dòng nước mắt tôi đang chảy xuống. Bên tôi em cũng đang thổn thức.

*

*         *

Hai vợ chồng tôi quyết định dành những ngày gọi là tuần trăng mật để đi tìm anh. Bắt đầu từ chỗ những đồng đội của anh. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi khắp mấy tỉnh Đông Nam bộ. Lặn lội vào những làng vùng sâu của núi rừng nhưng vẫn không một tin tức gì về anh cả.

Lại năm năm nữa qua. Bây giờ ở đây đã có thêm một thành viên - con của vợ chồng tôi. Cây vẫn xanh tốt. Hoa lan vẫn khoe sắc màu rực rỡ. Tôi giờ đã là nghệ nhân cây cảnh. Thỉnh thoảng những người bạn chiến đấu của anh đến thăm vườn. Ai cũng nhắc tới anh. Chúng tôi đã làm ngôi nhà nhỏ để ở. Ngôi nhà cũ chỉ là nơi dành cho những linh hồn. Mà ngày nào Huê đi làm về cũng bày lên đĩa quả, còn đĩa hoa tôi đã hái sẵn ở vườn nhà.

Huê mở cổng, không kịp hạ chân chống chiếc xe. Nó đổ kềnh, bánh quay tít. Huê ôm lấy tôi. Tìm thấy rồi anh. Thấy rồi anh ơi. Em òa khóc. Khóc nức nở. Tôi ngỡ ngàng. Thấy gì cơ. Mà sao lại khóc. Lúc ấy em mới nhẩy quấng lên. Nước mắt vẫn ròng ròng trên nụ cười hân hoan. Thấy anh Tuấn rồi. Tôi cũng quấng lên như em. Hai vợ chồng cầm tay nhau cùng nhảy. Con bạn em nhờ, ở một bệnh viện huyện miền núi. Mãi vùng sâu của tỉnh Đồng Nai báo cho em. Một người tên Tuấn. Vết thương sọ não bị ngất trong rừng. Dân người ta bắt gặp, đưa vào viện. Lục tìm trong ba lô, bộ quần áo Tô Châu rách bươm. Mấy bộ hài cốt liệt sĩ bọc cẩn thận vải đỏ. Khi ngất tay vẫn ôm chặt chiếc ba lô. Giờ sao em. Tôi cũng cuống quýt. Còn kịp anh ạ. Mình đi vào mất ba ngày. Về ba ngày. Hôm nay là hai hai. Hai tám tết mình về đến nhà. Anh ấy sẽ được ăn tết ở nhà anh nhỉ. Tôi lặng lẽ gật đầu. Anh ấy sẽ được ăn tết ở nhà. Nhất định thế.

Chẳng ai bảo ai mà cả hai chúng tôi cùng bước vào ngôi nhà. Những chấm đỏ trên đầu nén hương lại đang vẽ những đường khói lên trời.

V. N. T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)