Tấm bia chùa Jorin-Ji

Thứ Hai, 09/05/2022 00:52

. PHÙNG VĂN KHAI
 

Góc phố thủ đô Tokyo đêm khuya cuối năm 1908.

Trời mưa tuyết lớn, gió đêm hoang lạnh. Dãy phố nhập nhoạng ánh đèn đường loang lổ tuyết bay. Những vũng nước đọng đen sì, thi thoảng bóng con chuột già hôi hám thập thò miệng cống. Trên con đường ngập rác, phía bên lề, một bóng người loạng choạng cố nhoài về ánh đèn phía trước. Bỗng chiếc bóng lảo đảo rồi đổ sụm xuống. Từng đợt gió tuyết thông thốc thổi trùm lên.

Phía góc đường lóc cóc chiếc xe ngựa mui trùm đen thẫm dập dềnh cô độc. Người đánh xe căng mắt nhìn về phía ánh đèn cuối phố nhập nhoạng ma trơi. Bất giác, bánh xe vấp vào hòn đá, chiếc xe nảy lên nghiêng về một phía. Bỗng trong xe có tiếng đàn ông thảng thốt vọng ra:

“Bác Chen! Hình như có người vừa gục xuống chỗ ánh đèn. Ta hãy mau tới đó”.

Người phu ngựa lặng lẽ đáp vâng gọn nhỏ rồi ra roi thúc xe ngựa tiến lên.

Người gục ven đường là một thanh niên gầy gò, khuôn mặt tái nhợt lạnh toát. Hơi thở yếu đến mức người đánh xe phải hai lần đặt tay lên mũi mới cảm nhận được.

Đích thân người đàn ông trong xe bước xuống xem xét rồi cứ thế bế thẳng lên xe.

Chiếc xe lại lóc cóc lên đường.

Hơi ấm trong lòng xe khiến cậu thanh niên từ từ tỉnh lại.

Dường như đã ý thức được hoàn cảnh của mình, cậu thanh niên khẽ mở mắt quan sát một lượt rồi yếu ớt hỏi:

“Các người bắt tôi đi đâu?”.

Người đàn ông chăm chú nhìn, gật gật đầu nói:

“Cậu tỉnh rồi. Hãy yên tâm nghỉ ngơi thêm. Tôi là bác sĩ, không phải là cảnh sát. Giờ này đang mưa tuyết, chẳng có cảnh sát nào đâu”.

Ánh mắt người thanh niên dịu xuống. Anh hiểu mình đã may mắn gặp một ân nhân.

Minh họa: Trương Đình Dung

Khu vườn rộng của gia đình bác sĩ Asaba Sakitaro nằm sát bờ tường ngôi chùa cổ Jorin-Ji với vô số cây tùng cổ thụ. Vùng đất Sizuaka nổi tiếng cổ kính với hơn vạn cây tùng vài trăm năm tuổi và chùa cổ Jorin-Ji trên một nghìn năm. Tương truyền, chính hoàng thái tử thời đức vua Kawa đã sớm xin vua cha cho phép dời ngôi thái tử để đến dựng chùa Jorin-Ji tu tập. Vua cha nổi trận lôi đình đuổi thẳng kẻ dám từ bỏ vị trí trọng yếu của triều đình. Mãi khi về già, vua mới hối hận cho gọi con vào diện kiến, lúc này thái tử đã là một đại tông sư danh tiếng. Câu chuyện như một huyền thoại nghìn năm phủ bóng cổ tự, cổ tùng xứ Sizuaka.

Trên chiếc bàn gỗ thô mộc chính giữa khu vườn, hai tách trà nghi ngút tỏa hương thơm. Sau mấy hôm tuyết rơi, trời đột nhiên hửng nắng. Nắng trong vườn làng Asaba ánh xanh sắc cổ tùng. Tên làng trùng với tên bác sĩ Asaba.

Chàng thanh niên thần sắc đã khác hẳn buổi đêm mới đến. Sau bốn ngày tĩnh dưỡng, dưới sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ Asaba và quản gia Chen, người thanh niên đã hoàn toàn bình phục.

Nâng tách trà trong khu vườn nắng xanh ngọc bích, chàng trai xúc động nói:

“Xin đa tạ ân nhân đã cứu lúc ngặt nghèo. Ơn này mong sớm sẽ có ngày báo đáp”.

Vị bác sĩ thong thả đặt chiếc kính trắng gọng vàng xuống, tay cầm tách trà nhấp một ngụm rồi nói:

“Chuyện phải như thế mà. Cậu ở Việt Nam sang đã lâu chưa?”.

Hôm trước, khi về đây, cậu thanh niên đã tạm đưa giấy tờ tùy thân cho quản gia Chen. Phùng Đông - Vân Nam - Thanh quốc - Du học sinh.

Cậu thanh niên thoáng chau mày hỏi:

“Tại sao ngài biết tôi từ Việt Nam sang?”.

“Ồ! Nhìn là tôi biết mà. Các du học sinh Trung Quốc thường ở trong khu phố Tàu riêng biệt. Họ không phải ra đường khi trời mưa tuyết”.

Chàng thanh niên cắn chặt răng:

“Đều là do Chính phủ của Thiên hoàng”.

Vị bác sĩ hỏi:

“Cậu năm nay bao nhiêu tuổi?”.

“Thưa ngài, tôi hai mươi hai, từ Việt Nam đến học đã ba năm”.

Vị bác sĩ lại gật gật đầu:

“Vậy cậu thuộc lứa đầu Đông du theo chủ trương của Phan tiên sinh. Cá nhân tôi rất khâm phục Phan tiên sinh, khâm phục các cậu”.

Người thanh niên nhìn bác sĩ Asaba. Mái đầu hoa râm sợi trắng nhiều hơn sợi đen. Tròng kính cận hiếm khi rời đôi mắt. Hai bàn tay thanh thoát như tay vũ nữ. Và đặc biệt, mỗi câu nói đều như sẻ chia tri thức, kết nối tình thân thiết bao la.

Suy nghĩ một lát, chàng thanh niên nghiêm trang nói:

“Nước tôi mất chủ quyền, dân tôi không có tự do, lại nghèo khổ tối tăm, chúng tôi mới phải rời cố quốc mượn danh người Trung Quốc sang nước ngoài học tập. Ai cũng cố sức học thành tài để sớm trở về Tổ quốc đặng chung vai gánh vác việc nước giúp nhân dân bớt lầm than đói khổ. Việc học đang thành, đột nhiên Chính phủ Nhật hoàng nghe lời xúc xiểm của người Pháp trục xuất chúng tôi. Ở xứ sở Thiên hoàng còn đảo điên như thế, người Việt Nam chúng tôi biết tìm công lí ở đâu, biết nhờ cậy vào đâu?”.

Vị bác sĩ im lặng lắng nghe. Không thể nào tin đó là lời nói của chàng trai hai mươi hai tuổi.

Bác sĩ Asaba xúc động nói:

“Cậu Phùng! Cậu quả là người ái quốc. Cụ Phan có được lứa thanh niên hiểu biết, dám hi sinh như các cậu, lo gì việc lớn không thành”.

Chàng thanh niên bỗng nhìn ra xa, giọng nhuốm vẻ quan hoài bi phẫn:

“Tôi rời nước đã ba năm. Gia sản giờ đây cũng đã tiêu tán hết. Bạn thân tôi, Trần Đông Phong, hai tuần trước treo cổ tuẫn tiết ở gốc cổ tùng thư viện Đông Văn, các báo đưa tin hẳn ngài đã biết. Bản thân tôi đã phải đến bước đường xin ăn từng bữa, may mà gặp được ngài cứu giúp không thời chưa biết ra sao. Cụ Phan hiện đang gặp khốn do giới chức bủa vây, chưa biết bao giờ xong kiếp nạn...”.

Bác sĩ Asaba như thấu hiểu cơ tâm người trẻ tuổi, ngài đứng dậy, đặt đôi tay thanh thoát lên vai họ Phùng:

“Cậu Phùng! Cậu còn trẻ đã phải bôn ba sóng gió thế này thực là ông trời sớm thử lòng kẻ sĩ. Ta cũng đã đọc kĩ lá thư hai vạn chữ của Phan tiên sinh gửi ngài Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Thiên hoàng. Lòng ta buốt nhói từng chữ, từng câu của Phan tiên sinh: “Cớ sao Chính phủ Thiên hoàng vô cớ nhục mạ, trục xuất người da vàng gần gũi chủng tộc mà cúi luồn, phụng thờ người Âu Mĩ khác xa máu mủ giống nòi. Lẽ nào đạo lí Thiên hoàng lại hạ thấp giống mình như thế…”.

Nói đến đó, vị bác sĩ nghẹn đi.

Hai tách trà nguội đắng hầu như còn nguyên vẹn.

*

*        *

Luôn mấy hôm, căn nhà lớn của bác sĩ Asaba khá nhiều nhóm người đến chuyên chở đồ đi. Toàn là những thứ nếu không phải cổ vật lâu năm cũng là những thức đồ sang trọng. Cứ nhìn vào mắt lão quản gia Chen là biết. Lão ngẩn ngơ như mất hồn khi nhìn từng bức tranh quý, bình gốm nạm bạc, đồ gỗ mạ vàng gia bảo, cả một số máy khám chữa bệnh, không hiểu sao bỗng bị chủ nhân gọi người tới bán đi.

Chỉ có căn phòng thư viện nhỏ chứa đầy sách của ngôi nhà là đám người mua đồ không đặt chân tới.

Ngày nào cũng vùi đầu trong thư viện nhỏ, nơi có đủ thứ sách quý mà có nằm mơ, thanh niên họ Phùng cũng không dám nghĩ tới. Ngay cả tàng thư Đông Văn các, nơi tụ tập của Hội Đông du các đầu sách quý e rằng cũng thua sút nơi đây.

Khi đồ đạc quý giá trong ngôi nhà lớn đã vợi đi đến bảy, tám phần, cũng là lúc bác sĩ Asaba cho mời họ Phùng xuống phòng khách.

Vị bác sĩ ăn mặc chỉnh tề dường như chuẩn bị lên đường.

“Cậu Phùng! Cậu xem cái này trước đi đã”.

Thư của Phan tiên sinh!

Như có một luồng điện chạy suốt người, họ Phùng trang trọng mở thư ra đọc.

Gương mặt đầy biểu cảm, chàng thanh niên xúc động nói:

“Thì ra ngài đã sớm quen biết với Hội trưởng của chúng tôi. Lá thư cầu viện này quả đã làm khó cho ngài”.

Bác sĩ Asaba gỡ tròng kính xuống:

“Phan tiên sinh cần tiền để đưa anh em về nước. Tôi cũng có trách nhiệm một phần. Tôi sẽ làm hết sức để giúp Phan tiên sinh”.

Người thanh niên chợt như choàng tỉnh. Số tiền cầu viện trong thư là rất lớn. Thảo nào luôn mấy hôm nay, bao nhiêu đồ đạc quý giá trong căn nhà đã phải bán đi. Đầu óc họ Phùng lại chợt nhói lên. Khi nhóm Đông du đầu tiên đến Nhật, đã có nhiều ý kiến gay gắt về việc học rải đều các ngành thay vì chuyên chú quân sự vũ trang. Chính cụ Phan đã nhiều đêm mất ngủ mới tạm thời đồng ý. Nghe đâu, chủ thuyết từ cầu viện vũ khí khí tải chiến cụ sang cầu học để nắm vững nền tảng kĩ trị toàn diện chính là của một vị bác sĩ bạn thân của bá tước Suky - người rất có quyền lực ở Tokyo, cũng là người bảo lãnh Hội Đông du. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hàng trăm thanh niên ưu tú Hội Duy tân qua thực học mới nhận thấy phương lược của vị bác sĩ chưa biết mặt kia là chí lí.

Thanh niên họ Phùng nhìn thẳng vào bác sĩ Asaba:

“Thì ra chủ trương cầu học không cầu viện của Hội Đông du khởi phát chính từ ngài. Ngài chính là ân nhân của đất nước chúng tôi”.

Bác sĩ Asaba khiêm nhường nói:

“Cậu Phùng! Chỉ là một ý kiến nhỏ theo tập quán chuyên môn của ta, nào có đáng gì. Cái quan trọng là Phan tiên sinh đã cảm nhận được xu thế thời đại là hướng tới văn minh, phồn thịnh. Có điều, không phải ai cũng nghĩ giống chúng ta”.

Họ Phùng run giọng nói:

“Thưa ngài Asaba! Ngài bán cả gia sản viện trợ hết cho chúng tôi. Mai này còn đâu máy móc để ngài hành nghề nữa?”.

Vị bác sĩ cười hiền:

“Cậu biết đấy! Tôi đã cố hết sức mình. Tất cả được gần hai mươi ngàn đồng. Tôi hôm nay sẽ đến gặp biếu hết cho cụ Phan. Chỉ tiếc rằng không gắng thêm được nữa”.

Khi chiếc xe ngựa đã khuất xa con đường đất đỏ in bóng dãy cổ tùng, người thanh niên họ Phùng vẫn còn bần thần mãi.

*

*        *

Bốn năm sau.

Khi viết câu cuối cùng bằng chữ quốc ngữ từ bản dịch do bác sĩ Asaba đối sánh kĩ lưỡng từng chữ một từ hai bản cổ văn chép trên giấy ngự dụng Minh triều cách đây đã trên 400 năm, Phùng Đông kính cẩn đặt trên chiếc bàn gỗ mộc đơn sơ trong phòng khách, giờ đã trở nên rộng mênh mông từ ngày Chính phủ Nhật hoàng khép tội bác sĩ lén bảo trợ Hội Duy tân. Bác sĩ Asaba thời gian gần đây rất yếu. Bệnh cũ tái phát, lại thêm máy móc thuốc men thiếu thốn, đến cả mấy nữ y tá ngày trước theo ông cũng đã rời đi theo lệnh cấm của Chính phủ nên căn nhà rộng lớn giờ chỉ còn ba người đàn ông cặm cụi. Cũng may có công việc cuốn đi.

Sau cuộc lên Tokyo gặp gỡ cụ Phan trở về bị Chính phủ cấm ngặt hành nghề, lại quản thúc luôn tại tư gia, bác sĩ Asaba không hề phản kháng mà lập tức tìm niềm vui mới cho mình bằng biên khảo cổ văn. Lúc đó, ngài bác sĩ mới lục lại gia phả, đọc kĩ, tra cứu vô số sắc phong, trước tác của dòng họ Asaba lừng lẫy mấy trăm năm hầu vua kiến quốc. Đúng là duyên trời run rủi, Phùng Đông trước khi Đông du đã ngót hai mươi năm được tộc trưởng Phùng gia xứ Đoài cho theo nghề bút mực. Cả vùng Sài Sơn, Thạch Thất, Câu Lậu hơn trăm dặm nức tiếng cụ nghè Phùng Hoạt chính là ông nội của du học sinh Phùng Đông nơi xứ Phù Tang.

Đúng là trong họa có phúc. Như bóng với hình, suốt gần bốn năm trời, một già một trẻ, không kể ngày đêm đã đem hết sở học, chữ nghĩa của mình biên soạn lại những bức cổ thư, bản văn, bài thơ, câu xướng họa, tụng phê của các bậc sứ thần Nhật Bản và Đại Việt, trong đó đặc sắc nhất là trước tác thù ứng của hai cụ viễn tổ Asaba Zebo và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Nhiều lúc, bác sĩ Asaba bảo với họ Phùng:

“Cậu Phùng! Mối lương duyên này, chính là các cụ tổ vun vén cho tôi và cậu”.

Phùng Đông rơm rớm nước mắt nói:

“Ngài Asaba! Đúng là một mối duyên trời. Không ngờ từ xa xưa các cụ đã sớm nhìn thấu đại cuộc, thành tâm gắn kết, xiển dương văn hóa, yêu chuộng hòa bình, trọng thị lân bang đến vậy. Âu cũng là để con cháu sau này gắng sức noi theo”.

Vị bác sĩ ôm chàng thanh niên họ Phùng vào lòng. Mái tóc trắng lòa xòa rung lên nhè nhẹ.

Biên soạn, chỉnh dịch xong số cổ thư cũng là lúc bệnh tình của bác sĩ Asaba chuyển nặng.

Biết mình không qua khỏi, vị bác sĩ cho gọi họ Phùng và quản gia Chen:

“Bác Chen! Di chúc tôi đã gửi chỗ luật sư Beto. Tôi mất đi, một nửa căn nhà, nửa khu vườn xin biếu bác”.

Người quản gia trung thành đứng im như tượng. Đôi giọt nước mắt già nua bất giác rịn ra.

“Cậu Phùng! Tôi còn nợ cậu cuộc về cố quốc thăm đền quan Trạng Phùng. Tôi không có đủ thời gian, cậu hãy thông cảm cho tôi”.

Người thanh niên họ Phùng cố ngăn nước mắt xúc động nói:

“Ngài sẽ mau khỏe thôi. Phan tiên sinh vẫn còn hẹn với ngài”.

“Ồ! Phan tiên sinh? Tôi thật tiếc không còn được chứng kiến ngày ngài ấy phục hưng đất nước. Hãy gửi lời chào ngài ấy cho tôi”.

Thanh niên họ Phùng đã để những giọt nước mắt rơi ra.

“Trước mắt, cậu hãy ở lại đây. Di chúc tôi đã đề tặng cậu nửa căn nhà và toàn bộ thư viện Asaba. Hãy thay tôi đợi Phan tiên sinh trở lại”.

Người trẻ tuổi lặng lẽ gật đầu.

*

*        *

Mười năm sau...

Trên bước đường bôn ba làm cách mạng, chí sĩ họ Phan đã vượt qua vô số chông gai, giáp mặt vô số kẻ thù, nhưng ông trời cũng ban cho ngài biết bao người bạn tốt. Khi kiểm điểm lại những tấm lòng tri kỉ trên đất Nhật, chí sĩ họ Phan day dứt và cảm động nhất trước sự chí thành, chí nghĩa của bác sĩ Asaba. Khi ở lúc hiểm nguy, bị Chính phủ Nhật hoàng trục xuất, hàng trăm thanh niên Đông du đứng trước bước ngoặt tha hương, vô thừa nhận, chính số tiền từ gia sản của bác sĩ Asaba đã như một cứu cánh cho Hội Đông du và cá nhân chí sĩ họ Phan.

Sợ rằng mình tuổi tác không vượt bể băng rừng được nữa, hơn mười năm sau ngày rời nước Nhật, đích thân chí sĩ họ Phan tới làng Asaba bày tỏ nguyện vọng được dựng một tấm bia biểu thị sự tri ân của Hội Đông du với bác sĩ Asaba trong chùa Jorin-Ji, nơi suốt cuộc đời cậu bé - bác sĩ Asaba tới đọc kinh niệm Phật.

Tấm bia được dựng trong sự ủng hộ hết lòng của dân làng Asaba và vị sư trụ trì chùa Jorin-Ji. Đặc biệt, điều cụ Phan không ngờ nhất, người nhiệt thành hăng hái nhất lại là một người Việt Nam mang dòng máu họ Phùng. Người họ Phùng này chính là lứa thanh niên Đông du đầu tiên do cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ đưa sang từ gần hai mươi năm trước. Mái tóc người thanh niên Đông du ngày nào xanh nhưng nhức giờ đã bạc đến non nửa khiến cụ Phan càng muôn nỗi ưu tư.

Tấm bia được dựng lên. Thấm thoắt đã trăm năm có lẻ.

Không biết bây giờ, tập bản thảo cổ văn của ngài Asaba và vị họ Phùng dày công soạn dịch lưu lạc ở nơi đâu?

P.V.K

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)