Thầy ơi!

Thứ Năm, 19/05/2022 00:17

. TẠ VĨNH HẢI
 

Mấy chục năm rồi, mà mỗi lần qua ngôi trường thân yêu, tôi vẫn thấy bóng thầy như đang đâu đây với bộ quân phục bạc mầu, liêu xiêu bên cây nạng gỗ, lộc cộc gõ vào nhịp thời gian, cùng những giờ cháy hết mình trên bục giảng, như thể con tằm đang nhả đến những sợi tơ cuối cùng, để trả ơn cho trời đất, dẫu nhiều lúc sau tiết học thăng hoa ấy, thầy lại dựa vào gốc phượng ho rũ rượi.

Minh họa: Lê Anh Vân

Đó là hình ảnh của thầy tôi, thầy Vũ Hồng Hải - một thương binh hạng ¼ với cây nạng gỗ và một con mắt, hay nói đúng hơn là thầy chỉ còn lại một nửa cơ thể. Người đã không chỉ trang bị những kiến thức khoa học, xã hội, nhân văn, mà còn truyền thụ cho chúng tôi những kinh nghiệm sống, bài học về đạo lí làm người và ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ...

Với giọng nói trầm ấm đầy sức truyền cảm, các ví dụ trong bài của thầy tuy giản dị, gần gũi nhưng đều chứa đựng những triết lí sâu xa: “Con hỏi sao ba già yếu ư? Bởi, ba đã cho con cả tuổi trẻ và cái cuồn cuộn trai tráng của mình rồi đấy. Con hỏi mẹ sao nhăn nheo ư? Bởi, mẹ đã trao con cả thời thanh xuân và cái hây hẩy má đào rồi đấy. Con hỏi ba mẹ sao thâm thầm ư? Vì ba mẹ, đã gửi lại lũ trẻ cái cười khanh khách giòn tựa bánh đa rồi đấy”… Những lúc thăng hoa thầy tựa một nghệ sĩ trên bục giảng, độc diễn với cây nạng gỗ, “lộc cộc - lộc cộc”, chẳng khác nào một nhạc cụ, đồng điệu hoà cùng giọng nói, lúc vút cao lảnh lót, khi thì thầm, dịu dàng như dòng Sông Cầu lơ thơ uốn lượn…Tiếp tục nhịp điệu của bản trường ca đa sắc màu, đa cung bậc, lại dồn dập hừng hực như tiếng kèn xung trận, với hình ảnh những người lính dũng mãnh băng qua mưa bom bão đạn, rồi đột ngột lắng xuống day dứt, chênh chao với số phận chìm nổi của Nàng Kiều, giằng xé cùng Chị Dậu, chát nặm mồ hôi với anh Hồ Giáo... Có thể nói không ngoa, mỗi tiết học của thầy thực sự là một một giờ “say” đối với chúng tôi. Tất cả như nín lặng để nghe, để nuốt lấy từng từ, từng chữ, những điều đã được đúc rút, được chiết xuất, từ những trải nghiệm trong cuộc đời đầy gió sương, khói lửa của thầy.

Không chỉ là một chiến binh dũng mãnh trên chiến trường, mà thày còn là một nhà tâm lí học, sinh vật học và nông học thực thụ với những kiến thức hết sức phong phú, uyên thâm và thực tế, trong đó có một ý tưởng mà sau đó đã trở thành phong trào trong lớp trẻ chúng tôi thời ấy. Theo thầy, trong lúc đất nước còn khó khăn, gia đình chưa khá giả, để chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng bố mẹ và chủ động cho những chi phí của cá nhân, thì mỗi người nên xin bố mẹ một hai con gà “lập quĩ riêng” cho mình. Vậy là một phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã lan toả ra toàn trường, từ những con gà, con vịt “vốn liếng đầu tiên”, đã có nhiều người tự mua sắm được quần áo, sách vở thậm chí có người còn mua được cả đồng hồ. Đặc biệt, trong số đó có hai anh em một gia đình liệt sĩ đã trở thành điển hình tiên tiến trong mô hình “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” cho cả trường học tập. Số là, hai anh em bắt được một con sáo đá, họ bán con sáo mua được con mèo, rồi bán con mèo mua được con chó và đàn chó dần sinh sôi, họ tiết kiệm mua được con bò cho mẹ…Khó có thể kể hết những gì mà thầy đã truyền thụ, đã trao gửi cho chúng tôi, giúp cho những tờ giấy trắng trở thành những bức tranh sinh động và hữu ích cho gia đình, xã hội.

Minh họa: Lê Anh Vân

Miên man về thầy tôi chợt nhớ, một kỉ niệm thắt lòng trong những năm tháng khó khăn của đất nước, khi một lần chúng tôi đến thăm thầy và đã được chiêu đãi rổ khoai luộc, không chút ngần ngại những “thiên thần” với cái bụng đói meo vừa khanh khách cười nói, vừa vô tư đả đến củ cuối cùng, mà chẳng hề biết đó là khẩu phần cho bữa tối của cả gia đình thầy.

Vậy mà, tựa ngọn nến đã cháy hết mình, ngày chúng tôi tốt nghiệp ra trường cũng là lúc thày không còn gượng dậy được nữa. Cơn bạo bệnh, những mảnh đạn đang rưng rức trong người, cùng những năm tháng hết mình vì sự nghiệp, vì những lo toan cho tổ ấm đã vắt kiệt nguồn sức lực vốn chẳng còn là bao nhiêu trong cái nửa người còn lại của thầy.

Chúng tôi ào đến bên thầy mà thương đến cháy lòng. Thầy nằm đó nhỏ thó, cái hốc mắt sâu hoẳm với con mắt giả như làm khuôn mặt thày càng thêm teo tóp. Nhìn thầy, mà mấy đứa con gái ngồi thụp xuống ôm mặt nức nở. Thầy nắm chặt tay từng đứa, rồi nở nụ cười mãn nguyện, nhìn chúng tôi, thều thào: Sao lại khóc nhè, trái tim thầy vẫn đập kia mà… Giọng thầy yếu dần, rồi lịm đi trong vòng tay của đồng nghiệp và đám trò thân yêu.

Trái tim nhỏ đã đã ngừng đập nhưng bầu nhiệt huyết của thầy vẫn ngày đêm hừng hực chảy trong cơ thể cường tráng, phơi phới khát khao của những đứa trò thân yêu, thôi thúc chúng tôi vươn lên giành những đỉnh cao trong sự nghiệp. Nay những tiến sĩ, kĩ sư, nhà giáo, bác sĩ và người lính…những trang tinh khôi ngày nào, cũng đều đã nghỉ hưu, nhưng những lời răn dạy của thầy, được chúng tôi cụ thể bằng tấm gương về lời nói, việc làm trước con cháu, chắc chắn vẫn mãi là bài học cho lớp trẻ soi chiếu và noi theo.

Trong cái se sắt của tiết thu, giữa chao đảo dịch bệnh, lòng tôi bỗng dịu nhẹ khi nghĩ về thầy. Ngẫm đời, nghĩ mình, hơn lúc nào hết tôi càng thêm trân quí thầy và những người đã không quản gian nan, vất vả hi sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Muốn viết nhiều, kể nhiều về thầy mà lòng cứ rưng rưng, nghẹn ngào mãi hai tiếng “Thầy ơi!”.

T.V.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)