Những lối đi tắt

Thứ Bảy, 14/05/2022 00:40

. CẨM HÀ
 

Khi đêm đã khuya lắm, những xác trà đã duỗi nở hết mình sau mấy bận nước sôi thì họ mới lục tục đứng dậy trở về nhà. Tôi ra đóng cửa vẫn còn kịp nhìn thấy những ánh đèn pin loang loáng ở những lối đi tắt qua bờ ao, qua những khu vườn, cũng có ánh đèn vừa đột ngột vụt tắt bởi một khúc khuất của con đường tắt cuối xóm.

Minh họa: Hà Anh

Họ là những người hàng xóm của nhà tôi. Dường như tối nào cũng vậy, cứ độ sau bữa cơm, chẳng hẹn nhau mà họ đều đến, người nọ đến cách người kia cùng lắm mươi phút đồng hồ. Người đến muộn nhất cũng vẫn kịp khi bố tôi bắt đầu rót trà nước đầu ra các chén. Tôi nhận ra họ đến cũng bởi ánh đèn từ các lối đi tắt. Ở quê tôi dường như nhà nào cũng có những lối đi tắt ấy, vườn nhà nọ trổ một lối nhỏ sang vườn nhà kia. Nếu đi theo cổng chính có thể sẽ mất vài phút mới đến được nhau, nhưng đi theo lối tắt ấy thì rất nhanh. Người quê tôi quan niệm lối đi ấy là để phòng khi tối lửa tắt đèn. Tôi từng nhờ vào những lối tắt ấy mà kịp được những người hàng xóm vớt lên khi mải chơi bị ngã xuống ao. Ban trưa, lối đi ấy dành cho lũ trẻ chúng tôi trốn người lớn đi chơi. Chúng tôi chạy xẻ từ vườn nhà này qua vườn nhà khác để đến nơi hẹn, áng chừng quãng giờ người lớn sắp ngủ trưa dậy chúng tôi lại bám theo lối cũ mà về. Những khu vườn buổi trưa im vắng nhưng lối đi tắt chính là con đường xao động nhất của tuổi thơ chúng tôi.

Lúc nhỏ tôi thường cố gắng học xong bài trước khi những người hàng xóm đến bởi những câu chuyện của họ với tôi thật hấp dẫn. Mặc dù đó chỉ là chuyện vụ mùa, chuyện đất đai, chuyện làng xóm và khi vui lên thì họ say sưa bàn chuyện chính trị, xã hội không chỉ của Việt Nam mà càng chuyện thế giới họ càng luận bàn hăng hái. Những câu chuyện ấy chẳng can dự gì đến chuyện học hành, bè bạn của tôi nhưng không hiểu sao trong lòng tôi nhen lên nhiều ước muốn xa xôi bắt đầu từ những câu chuyện như thế.

Tôi đi học xa, luôn chọn khoảng giờ những người hàng xóm đến chơi để gọi điện về nhà. Tôi nhớ giọng nói đều đều nhưng luôn có lí luận của bác Quế, giọng dí dỏm châm biếm nhưng luôn có những câu kết luận chắc nịch của chú Tình, còn giọng chú Thành như thủ thì thầm thì, thích lắng nghe hơn là tranh cãi.

Lần gần đây nhất tôi về thăm quê, những người hàng xóm quen thuộc vẫn đến uống trà nói chuyện như thể đó là một nếp sống không thể khác. Nhưng những lối đi tắt đã vắng đi một ánh đèn. Chú Thành bị đột quỵ sau một cơn đau. Mẹ tôi bảo may mà những người hàng xóm đến kịp, nếu không sẽ còn đáng tiếc hơn.

Nhìn những người hàng xóm trở về trên lối tắt, tôi không nguôi nghĩ về những điều bé nhỏ, những con đường bé nhỏ đã dẫn tôi đến với thênh thang.

C.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)