Đại gia cơm nắm

Chủ Nhật, 03/05/2020 09:31

.Truyện ngắn. ĐOÀN NGỌC HÀ

Cha tôi ở tình trạng lúc tỉnh, lúc mê. Nhưng rất lạ, hễ tỉnh là ông choàng mắt, đôi vai gục gặc như muốn vùng dậy đi làm và hỏi tôi, cái túi đồ nghề đã mang về chưa, hử? Con đừng để mất đấy. Bác sĩ điều trị kéo tôi vào phòng riêng, nhìn với vẻ cảm thông bảo ông nặng lắm, gia đình nên cho về.

Chỉ nghe được có thế, tôi òa khóc. Khóc như một đứa trẻ.

Mười chín tuổi, tôi đỗ Đại học Bách khoa. Cha tôi bảo, dẹp nhé, không học hành gì cả. Bấy nhiêu năm trời, tính ra vài trăm triệu, lại không có việc, học mà hốc cứt à. Mai, đi với tao, uốn cái xác xuống mà làm ăn. Mẹ tôi cúi mặt nhủ nhỉ, không ai như bố mày, thiên hạ người ta “hốc cứt” cả đấy. Ông nghiến răng, đấm đùi, mẹ mày đừng có nống cho nó. Mai, lên tỉnh làm với tao, thế thôi.

Tính cha tôi nóng, sáng hôm sau, ông xách túi đồ nghề thợ xây ra cổng, bảo tôi chở đi. Xe đang bon, ông đập vai tôi, bắt dừng lại, lồng lên chửi, tiên sư thằng hủi, đi như thế chết tiền xăng. Đưa tao. Ông cầm lái, khẽ nhích một cái, xe đã vọt bắn lên như một mũi tên. Tôi rùng mình. Cha tôi vẫn đi với tốc độ ấy, vừa kịp giờ làm, lại vừa tốn ít xăng (như ông nghĩ). Không bao giờ ông ăn hàng quán, trong túi đồ nghề, cùng với mấy cái bay thửa bằng thép luyện kim sáng loáng mà ông rất thích, bao giờ cũng có một quả cơm nắm với muối vừng lạc. Sau giờ làm, cha chùi tay vẽ cơm đưa tôi. Nhai xong, cha con làm ngụm nước đun sôi đựng trong chai Lavie là cạn bữa. Mẹ tôi thường bảo, thỉnh thoảng lén bố mày đi ăn bát phở đỡ xót ruột, con ạ. Tao lấy bố mày khổ một đời vì cái ông xỉn xo quá quắt. Cứ như cái ông Cơ, cũng làm thợ như bố mày nhưng hắn ăn như phá, uống như thùng mà vẫn giàu có. Thật ra, nếu không đi làm, ở nhà cũng chết nhục vì cha tôi lắm điều. Ông thường mắng tôi là thằng lười như hủi, còn hai đứa em tôi, ông nhiếc là lũ “ròi cơm, bọ mắm” chuyên ăn hại, đái nát, đến mẹ tôi còn có bận ông nghiến là con đĩ hoang tàng, lấy của rửa trôn, lấy l. rửa mặt. Ở cái nhà này, ông bảo, rời tao ra thì đi ăn mày. Ông riết róng đến nghẹt thở. Mọi sự chi tiêu trong nhà, ông tính đến từng xu.

Tốp thợ của chúng tôi có mười bảy người. Ông Cơ cầm quân, cha tôi là thợ giúp việc cho ông Cơ. Ông Cơ năm hai tuổi, hơn cha tôi bốn tuổi, người xương xương, cao như cây sào đo, ăn nói chổm chảm nhưng có nhiều mánh khóe, chủ yếu giao hảo, tìm việc và luôn say lử đử, lại thêm cái tính bờm xơm do thường xuyên tiếp xúc với những “mệnh phụ nặng mông” lắm tiền. Cha tôi mới là tay thợ cả. Ông vừa làm vừa tính việc cho ông Cơ. Mười bảy người thợ, mười bảy tay bay xoang xoảng tiếng tăm. Người nào bắp chân cũng thăng lẳng, đỏ sậm như hoa chuối chửa, ít nói, đi bần bật, làm như trâu đất, tóc húi cua, bàn tay bè bè, ngón dùi trống đui hết móng vì vôi vữa ăn. Họ cầm bay như cầm đũa thần. Riêng tôi còn lọng ngọng, có bận bị “ăn” chiếc bay như chém của cha tôi khi đặt gạch. Ấy là còn may, chưa bị ông giật ném phăng đi. Ông mà ngứa mắt lên thì chớ chết. Ông hét đám thợ chuyên “uống nước lã, ở nhà bạt” làm từ bảnh mắt, mồ hôi trộn vôi vữa kệp áo. Làm và làm. Làm, ăn ngay trên giàn giáo. Làm, đái ngay trên giàn giáo. Lông lốc. Không kịp thở. Làm như những con bọ bám vào lưng trời chót vót mà xây tổ, những con bọ người có đôi cánh là đôi tay. Nhiều lúc trông xuống thấy mình lẫn vào mây. Rùng rợn. Chỉ nhỡ một tẹo là toi mạng. Mạng thợ xây như cái lá. Lại sợ nhất là sự gắt gao của cha tôi. Thì đã bảo, cha tôi là một tay thợ cả, người ông săn chắc như tảng thép, bao giờ cũng lấm láp, râu ria mọc tung hê, con mắt vùi dưới bụi lông mày cồn cào, thỉnh thoảng lóe lên dữ dằn. Con mắt của sự nghiêm ngẳn. Con mắt của công việc. Con mắt của sự tinh xảo. Ông leo giáo như một con thằn lằn, nắm từng chi tiết nhỏ, không được như ý là ông chửi. Gừ gừ, ông liếc soi từng công đoạn, hễ trái mắt, ông bắt dỡ tung ra làm lại. Ông treo mình ở tầng thứ chín bé choắt như một con chim chao cánh hết ô cửa này đến ô cửa khác. Trời nắng như lửa. Những giọt mồ hôi đôi khi pha máu của ông từ trên cao rơi xuống lộp độp to thô lố như hạt mưa trước trận giông sắp tới. Không ai dám phản đối vì ông là con người sòng phẳng, không xén một xu của thợ. Tiếng nói của ông còn uy hơn ông Cơ gấp nhiều lần.

Đám thợ “trâu đất” nổi danh về xây biệt phủ - cái “chum vàng” của Thượng Đế đánh rơi, họ là những người xây lại trời, những kẻ làm lại đất. Ở cái thời biệt phủ lên ngôi, đi đâu cũng thấy biệt phủ đỏ trời, cái sau to rộng hơn, lộng lẫy hơn cái trước. Cái trước thấy “kém miếng” lại đập đi xây lại to đẹp hơn cái vừa xây... Cứ thế, họ làm không hết việc, tiếng tăm vang khắp xứ Bắc. Biệt phủ dưới tay họ mọc lên như chiêm bao. Có những biệt phủ lộng lẫy như một quả núi, vào không biết lối ra, cung nọ đài kia rờ rỡ, đá xẻ nguyên khối đỏ như máu tươi. Có những biệt phủ khổng lồ chềnh ênh lên một cái hộp thép sáng lấp lánh tựa một ngôi sao vừa tụt xuống, gia nhân tấp nập, xe cộ vào ra như một cung điện. Nghiệp nề không phải là cái nghiệp chùi đít thiên hạ đâu nhé! Nghiệp nề tôn cha tôi là trạng. Trạng Nề! Ông bảo tao đéo là gì cả, tao chỉ có cái bay vả vào thiên hạ mà kiếm tiền. Thời biệt phủ nở như hoa, bỗng sinh ra đám cò nề bay như ong tìm đến đám thợ có cha tôi. Ông Cơ ra bộ khủng khỉnh nâng giá triệu rưỡi trên mét vuông. Cha tôi bảo đắt. Ông Cơ chửi, sư bố anh, thế mới bõ là đám thợ có “thương hiệu”. He he. Thời buổi bão táp này, anh còn nể cái chó gì. Chẳng qua anh chỉ là cái thằng nông dân đít đen vắt máu ra mà xây nhà cho bọn giàu sang ở chứ đếch gì. Tiên sư anh, ngu lâu.

Cha tôi ngơ ngác không hiểu.

 

*

* *

Do tính chắt bóp cộng với tiền công trình vào như nước nổi, nhà tôi vọt tóe lên giàu. Liệu lo xong cái nhà hai tầng cho mình ở quê, cha tôi tìm mua két, thuê thợ trói nó vào chân cầu thang bằng sợi xích nặng ba tạ rưỡi sáng rậc. Mẹ tôi mỉm cười. Cha tôi cùn cụt xách túi đồ nghề, cơm nắm ra xe và theo thói quen, mắng mẹ tôi như tát nước vào mặt, chỉ biết ngửa lên mà ăn, không biết giữ thì đâm đầu xuống chuồng chồ mà chết quách đi. Mẹ tôi lại thụi mặt xuống cười lặng. Một hôm, tôi về thấy mẹ lên váy hoa, nửa dưới xùm xòa như thác, nửa trên chỉ treo tí dây con con, trông vừa ngây thơ vừa buồn cười, vì nó chẳng khác một pho tượng gốm sứ đậy vải, chỗ nào cũng như đấm vào mắt. Ở quê bây giờ, những nhà mới xấc lên đều có cái sợi dây lơ lửng trên tầng cao, váy vung bay loạn xạ như cờ quạt đón vua. Nhà nào không có cờ quạt đón vua thì coi như nhà ấy không có đàn bà. Cha tôi về thấy mẹ tôi ăn mặc thổ tả như thế, liền giật phắt, vo tròn thành một cục ném đi. Mẹ tôi nồng nỗng cắn vào vai cha tôi, mặt đỏ phực như mào gà, ghì lấy cha tôi. Cha tôi vục vặc ỏm nhả, tông môn cái giống khỉ, tao định tậu cái lô đất ở đầu làng, mẹ mày ở nhà đừng rớn lên mà đùa của. Mẹ tôi vốn dịu dàng nhưng lại rất vô tư trong chuyện tiền nong. Thỉnh thoảng bà vẫn lén cha tôi đi chùa, đi biển với đám mấy bà kiềng đeo trễ vú. Cha tôi về luôn. Có thể cha tôi sốt ruột bởi khổ một nỗi, mẹ tôi vốn đẹp, bây giờ càng nở ra, đẹp đến nhức mắt. Bà lại hay nhờn với cha tôi nữa. Thỉnh thoảng bà còn nũng làm ông không thể cáu lên được. Đến là buồn cười, sập gụ không nằm, đêm sáng trăng, bà ra trải chiếu nằm ở ngoài hiên tầng hai. Cha tôi quát vào, bà ưỡn ẹo, cha tôi đành phải ra theo. Trong khi cha tôi “lào thào” vì sợ ngượng thì mẹ tôi lại ngang nhiên nói to tướng ngay trong lúc họ “lên thiên đàng”. Nằm trong nhà tôi nghe rõ mẹ tôi rỉ rỏ, làm công nhật đấy à, nữa lên nào... Thì ra trăng sáng quá mà cha tôi thì “hà tiện”. Tiếng phì phò của cha chen tiếng mẹ tôi hổn hển “thế thôi à?”. Cha tôi xẵng, khỉ, rồi lệch kệch tiếng bước chân đi xuống cầu thang. Bực mình, mẹ tôi nguýt một tiếng rõ dài, đuổi theo tiếng bước chân của ông: Rõ đồ vô dụng.

 

*

* *

Người đàn ông ấy vẻ mặt hậu hĩ, râu xối như vẽ, đổ cả răng ra cười, bắt tay chúng tôi. Rõ thật là một con người hào hiệp, từ tâm đến độ gật ngay cái giá đỏ ngòn khi ông Cơ vắt vẻo đặt ra: Mười tám! Còn hơn cái giá ấy nhiều lần khi chủ nhường hẳn tầng trệt căn hộ ba tầng cho thợ. Làm giá xong, cô vợ ở nhà sai ô sin thu xếp cho chúng tôi thật chu đáo chỗ ăn nghỉ. Đời thợ chưa bao giờ được đế vương đến thế. Tự dưng chúng tôi rơi tõm vào một thiên đường. Xong buổi làm là lăn vào bể bơi tắm mát như suối. Ăn uống toàn cơm tàu, mực chiên, chim rán mới ghê. Cô chủ nịt PoPe đỏ đến nửa đùi. Mê hồn. Thấy cả vầng trăng nứt, thấy cả sự giàu sang, phóng dật đến mê sảng, thấy cả sự đài các và hơ hớ đến không chịu được, giời ạ! Thỉnh thoảng hai mẹ con cô chủ vẫn đu đưa, thơ thẩn xuống đám thợ. Thằng bé con tên Bíp. Thằng Bíp oai oái leo cẳng ông Cơ trong khi ông Cơ đánh võng cổ nói chuyện với cô chủ. Có lần, cô chủ trót đánh rơi chiếc quạt, ông Cơ vội cúi xuống rón rén nhặt lên rồi khẽ quạt vào mông cô chủ mấy cái cho mát. Mông cô chủ lúc ấy vổng lên vẽ ra cười. Đấy là phép giao tiếp cực kì hiện đại với anh giàu. Cừ khôi thật. Lúc này, tôi thấy ông Cơ là một nhà ngoại giao có cỡ chứ phải đâu chỉ là một lão nát rượu lử đử?

Minh họa: Lê Trí Dũng

Công trình đang được đà thì ông Cơ ở đâu xộc về vò đầu kêu hớ. Rõ thật là một lũ bò đội nón. Có quyền chém mà không biết chém. Cái giá của chúng ta còn ăn mày lắm. Thằng cha này hét đến ba mươi nó cũng ô kê. Tao biết nó thừa sức để xây vài trăm cái biệt phủ khủng nhất vùng này. Tao còn biết tỏng nó cầm đầu tập đoàn kinh tế sân sau của vị quan chức khơ khớ hái ra bạc. Hậu cung của nhà nó, tao dòm thấy phải đến mấy cái két bạc. Chúng mày làm hộc tiết được đồng công phỏng có bằng cái lông của con mụ chủ? Thôi nhé. Tiên sư chúng mày, kéo thằng cha ấy về mà hạch cho kì được! Cha tôi bảo, thời nào chả có vua quan và ăn mày. Ăn mày thì đừng đòi xôi gấc. Chúng ta là ăn mày tuốt tuột. Ăn mày thì yên phận ăn mày đi. Đừng ngáo lên mà ăn cứt. Được một lúc, ông Cơ thôi, nằm dài, thở phù lên trần nhà. Cái ông này đã lười làm lại còn lắm sự tinh tướng, chuyên ăn cơm muộn, tôi liên tục phải đi gọi. Thì ra, cứ nhập nhoạng tối, “bố ta” lại bò lên gác hai để rình xem con mụ chủ tắm. Khổ thế, cứ phải nhìn thấy cái hẽm của nó thì mới yên. Lúc về, bao giờ ông cũng ngửa cổ đổ rượu rồi chửi đổng “cha bố cái của giời”. Cha tôi cười đánh khấc một cái bảo chửi làm gì, không được ăn cũng chửi, hèn. Ông Cơ cũng cười rú lên cậc cậc như con gà trống gõ sỏi.

Ngày nước rút công trình.

Rượu đổ vào mười bảy cái cống. Tối đến thì cuộc “đổ rượu” càng lu bù. Đám thợ, cả ngày vắt mồ hôi, đêm về vắt ngang chén rượu. Cô chủ ném cho cái đùi dê béo ních thơm phức. Đám thợ cho hỏa lò rực lên. Bóc sả xào lăn bột ớt, ái cha cha. Quát bảo nhau đi tìm ông Cơ. Đâu rồi, cái lão chết dịch này. Khổ thế không biết, động một tí là đi dòm cái hang “vô thiên vô địa”. Tao đây. Ông Cơ kiệu cái đầu gà phờ phạc đi vào, cổ thõng ra đu đưa như chão. Sau một chuyến đi dài dài về, ông ta bỗng khác hẳn. Mặt lầm lầm. Mắt quăm quắm. Thỉnh thoảng lại gầm lên như sấm. Hôm rồi, con mụ chủ phát hiện có đôi mắt nhìn trộm mình thì lao cái chậu tắm chụp lên đầu ông. Tức điên lên được. Nhục như con chó. Nhục quá mất rồi. À thì ra cái con ấy nó không biết điều một tẹo nào. Nó giàu quá. Nó sung sướng quá. Nó nhơn nhơn. Nó đĩ đởm. Nó cứ nhem nhem cho nhịn thèm. Thế mới xỏ lá kềnh chứ. À thì ra mày khinh ông chứ gì. Thằng thợ xây khố rách áo ôm chứ gì… Tao bảo này, bọn bay. Lão chiêu ngụm rượu, lùa thêm đĩa dê tái lăn béo vào miệng. Tao bảo này, bọn bay. Lão ục một cốc to rồi ngất cổ lên đùng đùng phán. Khác với mọi lần, lần này lão phán cực kì dữ dội và gay gắt:

- Mai, nghe tao, nghỉ việc. Bỏ mẹ nó công trình đấy. Mặc xác nó!

Tất cả ngơ ngác. Họ biết tỏng cái bài vòi muôn thuở của ông Cơ. Cha tôi gắt:

- Trẻ con.

Ông Cơ quay ra quát bố tôi:

- Trẻ con cái gì? Anh ngu!

- Ừ tôi ngu nhưng tôi không đểu, không lừa gạt người ta là được.

Choang. Chai rượu sáu lăm quật mạnh xuống mâm tung tóe. Một mảnh chai cắm vào má một anh thợ làm chỉ nhà, máu chảy nhỏ giọt. Mấy người thợ quây quanh bàn đều bị “quả đạn rượu” thiến vào cổ, vào tay. Cha tôi cũng bị một mảnh thủy tinh nhỏ bắn vào mắt đang cúi xuống dụi. Được đà, ông Cơ hét như xung trận:

- Tất cả nghe tao, nghỉ việc! Chúng mày có biết cái thằng làm quan tỉnh ở Đoài, mấy tháng trước ta làm cho nó không? Cái biệt phủ chạm trời ấy, khi bị dân tình khui ra đưa lên mạng, mẹ sư, nó leo lẻo cái lỗ mồm kêu là “lao động kinh doanh lành mạnh”, là “vợ con phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm thối cả móng tay mới có!” ối i a, “nhà tôi phải làm chổi đót, rửa bát thuê, quét rác thuê quần quật ngày đêm”… Chúng là đám chuột trong bồ thóc thì chúng ta cũng chỉ là đám bọ chét thôi. Nghe đây, tao mới có một mối, chủ nó trao nửa tiền, làm ngay. Giá cả không bèo bọt tí đếch nào. Mai, tất cả cuốn giáo, dỡ rạp, a lê quay. Thế nhé.

Cha tôi cậy từ con ngươi ra một mảnh thủy tinh nhọn như đinh, máu vẫn rỉ xuống sống mũi:

- Ông cứ chửi nữa đi. Tôi ngu, ừ được. Nhưng bỏ việc thì không bỏ. Anh em cứ làm.

Ném cái đầu ra cửa, ông Cơ trợn tròn hai mắt vơ lấy cái chảo đong đầy thịt dê béo đang sôi lên ngùn ngụt toan vật tiếp. Nhưng hình như hơi rượu đã nhạt, lại thấy anh em đều ngả về cha tôi, ông bèn buông thõng đôi tay vượn ngừng trận cáu rồi rũ đầu xuống, hộc lên từng cơn cho rượu, dê béo tuôn ra.

Cho đến một đêm, ông Cơ đã rình hẽm xong về ngủ, cha tôi cũng đã được một giấc thì chợt thấy tầng hai lửa táp loa lóa. Tiếng cô chủ bật gào lên não ruột và thằng Bíp khóc thét. Cha tôi vùng dậy, cầm chiếc chăn chiên nhúng vội vào thùng nước chạy lên. Đám thợ nhổm cả dậy. Lửa đã hù lên phần phật xiên vào cửa sổ, cửa ra vào của phòng ngủ cô chủ. Trong ánh lửa, thấp thoáng bóng người lẩn nhanh vào bóng đêm. Những lưỡi lửa ma quái thè ra. Lửa càng vỡ ra réo lên đỏ ngòn. Cha tôi băng lên. Chiếc chăn chiên dấp nước xòa ra. Thằng Bíp giãy đùng đục trong đống lửa. Người đàn bà chồm tới ôm lấy con. Cha tôi lao vào, cả cái lưng to bè bè của ông cùng chiếc chăn chiên che lửa cho hai mẹ con, đẩy họ ra ngoài.

Chuyện kinh hoàng.

Đường dây làm ăn mờ ám của anh chủ - sân sau một quan chức có cỡ đang bị điều tra. Một vụ án kinh tế long trời. Đã hơn nửa tháng nay, anh ta biệt vô âm tín. Đám thợ xây “trâu đất” chúng tôi cơ hồ mất trắng. Đám người chuyên leo lên trời xây cất gục rũ, đấm ngực tức tối. Nửa đêm, họ đưa cha tôi vào viện cấp cứu. Ông Cơ giãy lên đành đạch kêu trời. Ông khóc bật lên hụ hụ bảo phải về quê gấp báo cho mẹ tôi biết tin dữ. Tôi bảo điện rồi. Ông Cơ chửi rầm rĩ. Cha tiên nhân cái thằng bạc, thằng thất đức. Nạn tày trời như thế mà điện thôi à. Ngày hôm sau chưa thấy mẹ lên viện, tôi xộc về, đùng đùng đạp cửa vào nhà. Ông Cơ còn vẫn cởi truồng từ cửa buồng mẹ tôi lọng khọng bước ra...

 

*

* *

Bây giờ thì tôi càng khóc dữ. Cha tôi vừa chìm trong một cơn hôn mê bỗng mở mắt, lần này ông nằm yên, không vục vặc muốn trở dậy được nữa. Lào thào, cha gọi tôi. Tôi cúi xuống. Hình như tất cả sinh lực còn lại, ông trút vào tiếng nói cuối cùng, đứt quãng: “Con giữ cho bố cái bay... Mai bố đi làm!” Tôi gào gọi cha. Phòng cấp cứu bỗng chật cứng những bắp chân đen đủi của đám thợ. Cả một đám người lấm láp gầm gừ. Những gương mặt hiền lành giờ rắn cấc lại, đỏ bầm lên dữ dằn. Tiếng gào thét bảo mang cái xác đi đòi tiền, đòi đền mạng. Giời đất. Bắt đền ai được bây giờ. Xác cha tôi bị lật lên xoay tròn trên những tảng đầu nhấp nhô, dồn đẩy ra cửa rồi lại quay trở lại. Một bụm nước bọt từ miệng cha tôi trào ra. Đám người khốn khổ không còn biết đi đâu, vỡ ra cửa trông y như chiếc lá vật vờ trôi trên mặt nước bão tố

 

Làng Đông. 2019

Đ.N.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)