Sét đánh bờ phai

Thứ Ba, 17/03/2020 09:14

.Y PHƯƠNG

Trong lần gần đây, tôi về quê dự đám cưới người cháu. Chiếc xe đang đi, bỗng nó khựng lại ở đầu cầu suối Khưa Riềng, nơi có con phai nhỏ đắp đập dẫn nước vào ruộng. Chiếc xe không chịu đi nữa. Thằng con tôi bật lại công tắc, máy chỉ kêu ặc ặc. Nó vẫn không chịu nổ. Chả hiểu sao. Từ đây lên đến nhà ông bà, chỉ còn vài trăm thước đất, chưa đầy cây số.

Tôi lơ đãng nhìn dòng nước xanh biếc. Nó lười biếng chảy, vì nơi đây đang vào mùa cạn. Nước vật vờ trôi đi như bà già ngủ gật. Vài con vịt bầu trắng tóa lóa giống như bầy thiên nga đang đùa giỡn tắm mát. Con nọ leo lên lưng con kia khiến chúng ngã nhào tòm tõm xuống nước. Chúng bật lên tiếng cười cạp cạp khô giòn. Nhờ có đàn vịt láo tháo đùa nghịch, cây cỏ đất đá hai bên bờ sông sống động tươi tỉnh hẳn.

Quãng suối này gợi cho tôi biết bao kỉ niệm cái thời con trẻ. Suối no nê tiếng khóc, tiếng cười của biết bao lớp người làng tôi. Đấy là nơi hò hẹn của đám trai gái làng Hiếu Lễ. Chiều hè, họ để nguyên quần áo ào ào nhảy tùm xuống tắm. Nước suối làm ướt thượt lượt tất cả các “cơ quan đoàn thể”, chỉ trừ tiếng cười vẫn giòn tan nóng sốt. Còn những đêm sáng trăng, trai gái đưa nhau ra đây tình tự. Họ thò những ngón chân xuống nước mát. Dòng nước hôn lấy hôn để những ngón chân trần vừa đi qua một vùng cỏ thơm.

Trong lúc chờ con sửa xe, tôi tha thẩn ngồi chơi với đám cỏ. Cỏ xanh mượt trên bờ suối mướt mát như tóc. Vô tình tôi nghe cỏ thì thào kể lại chuyện cũ.

Nếu mày mà không ưng lấy thằng Đàm Văn Phiến ở bản Khưa Hoi làm chồng, thì tao chém đứa con gái tao là Nông Thị Pứng, đứt hẳn ba khúc, đem vào chảo trâu nấu cao thay ngựa bạch. Nghe rõ chưa? Pứng! Dạ!

Đấy là lời pỏ pa nói với cô con gái Pứng. Cô gái đang để tóc đuôi gà. Giọng căng như dây cung để trên gác bếp. Khi đó Pứng mới mười hai tuổi mụ chứ mấy. Mười hai tuổi so với thời bây giờ, các cháu tôi đang học lớp năm lớp sáu, bậc tiểu học. Những đứa trẻ miệng còn hoi sữa mẹ. Nhiều người, ngay cả tôi đây, cũng không thể nào hình dung nổi cảnh cưới xin ngày ấy nó như thế nào.

Cô con gái Pứng sợ xanh cả tóc gáy. Bèn lấm lét quay sang nhìn mẹ để cầu cứu. Mẹ liền bảo: Nhớ ngày gia đình pa đòi cưới, mẹ mới vừa lên chín tuổi, con gái ạ. Nay con vừa đủ mười hai, nghĩa là con làm vợ “già” hơn mẹ những ba tuổi cơ. Con ơi. Phận làm gái không thể khác, phải vâng lời pa con thôi. Mỗi lời pa nói là một vết dao chém đá. Thật đấy. Không đùa được đâu. Nghe pa đi con.

Câu chuyện này xảy ra cách nay đúng bảy chục mùa hoa bjooc phón. Hồi ấy tôi chưa ra đời. Cha mẹ tôi đang còn ngâm thơ “vạng lài” bên đống rơm khô. Thân xác tôi đang liêng liêng đâu đó trong rừng hoa phặc phiền. Chính câu chuyện tôi đang kể, từng nở ngay trong gan ruột của ngôi nhà cổ này, chứ đâu xa xôi gì. Tôi phải gọi cô gái Pứng mười hai tuổi kia bằng bá. Chị gái cả của cha tôi mà. Chuyện thật một trăm phần trăm. Chứ chả phải thêu thùa đem ra phét lác mua vui.

Khi ấy, làng trên xóm dưới đều cùng cảnh ngộ. Cả mường cả tổng tảo hôn đầy như đá sỏi. Đá sỏi thành đôi. Nên người ta chẳng lấy làm sửng sốt, lạ lẫm. Số là hai bên dòng họ, đôi bên gia đình, cha mẹ là những người bạn bè quen biết hoặc thân thiết. Hoặc họ cảm thấy gia cảnh mình cũng xứng đôi với bên ấy. Họ bèn nhanh nhảu hứa hẹn gả con cho nhau. Gả con từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Đấy là kiểu hôn nhân dã thú. Một hủ tục đã bị cả xã hội hiện đại lên án phê phán. Ngày nay không còn tái diễn nữa. Thật là phúc đức.

Thời bấy giờ, các cô con gái bị cha mẹ bắt lấy chồng sớm. Các chàng trai bị cưới vợ thật chóng, để ông bà có tí cháu bế. Bởi họ nghĩ rằng người bé rồi sẽ trở thành người lớn. Tính dư mưa nắng ra, lên thêm ba năm nữa là chúng nó đẻ con, làm mẹ dần đi là vừa. Nên nhiều đôi cưới nhau xong, về đến nhà chồng, thấy đói, liền tranh nhau vục nồi cơm nguội. Cảnh vợ chồng nhí đánh nhau chí chóe tranh cơm nguội diễn ra, đâu có lạ gì. Hàng ngày họ vẫn xưng hô mày tao chi tớ. Họ chả biết xấu hổ là gì cả. Vợ chồng cùng trần truồng, nhảy tùm xuống sông Khưa Riềng cùng té nước. Họ làm ướt hết một buổi chiều mùa thu mây trong. Đúng là vợ chồng trẻ trâu không sai.

Minh họa: Tô Chiêm

Khi bá tôi mười bảy mười tám, xinh tươi như bông hoa hồi tám cánh. Bá không dám soi gương vì thấy mặt mình quá đẹp. Bà bá đâm ra sợ. Nhỡ nó bị nước sôi lửa bỏng thì sao? Nhỡ nó bị nhọt mọc như ốc nhồi trên mặt thì sao? Trời vốn ghen với người đẹp xưa nay. Hồng nhan bạc mệnh mà.

Vậy nhưng, hai má cứ trắng hồng như quả đào tiên. Cặp mắt lúc nào cũng ướt và lóng lánh sáng. Tóc đen mượt chảy dài đến khoeo chân. Mỗi lần đi chợ, hay dự hội háng toán, mười lần thì cả mười lần làm bà bá tôi hoảng hốt. Hốt hoảng bởi có quá nhiều chàng trai thi nhau liếc. Kinh khủng chưa. Liếc và liếc. Liếc làm lác cả mắt. Liếc làm nổ cả con ngươi. Họ vẫn lẵng nhẵng đi theo sau bá tôi như một cái cán gáo. Cái cán gáo biết rõ năm rõ mười là bá tôi đã có chồng. Nhưng bá chưa một lần sinh con. Chưa một lần cầm tay chồng thì làm sao có con được. Các chàng trai si tình vẫn cứ lục tục nhúc nhắc bám riết lấy bá.

Trong đám trai làng ấy có một người tên là Lục Văn Nèn. Anh giai Nèn là người nhút nhát nhất hội. Lúc nào Nèn cũng đi sau, nấp vào lưng bạn bè. Anh chàng này rất hay xấu hổ đỏ mặt. Con trai gì mà bẽn lẽn hơn con gái. Thương quá nhỉ. Chàng cứ đưa ngón tay lên vuốt mái tóc chải đít vịt, sửa chiếc mũ nồi hoài à. Trong khi chúng bạn của chàng tung ra mười hai mẹ sức để tán đổ bá tôi. Họ tán như nổ súng kíp liền tù tì và cười cười nhóc nhéc. Khẩu súng cứ nổ ríu rít, hàng trăm viên đạn “mác xá” bay ra khỏi nòng. Làm bá tôi bỏng rát cả hai bên má bồ quân.

Bá tôi lại đem lòng mía mật mà thầm yêu trộm nhớ chàng trai Lục Văn Nèn. Các phiên chợ Co Xàu, Thông Huề, Pò Tấu nối tiếp nối tiếp nhau làm bá tôi thấp thỏm mong chờ chàng trai tên là Nèn ra chợ. Thật tội nghiệp. Đây mới là mối tình đầu chính thức của bá. Và hình như chàng Nèn cũng đoán biết có nàng Pứng đang để ý đến mình nên chàng lúng túng lóng ngóng như gà mắc tóc rối. Trong bụng chàng như ngàn hoa rung rinh bướm ong. Vừa sợ vừa thích.

Từ đó, những lời nhắn gửi thập thò đi qua đi lại bằng một phong bánh khảo. Bên trong bánh khảo có một phong thư tình. Trong bức thư tình lời lời thương nhớ nhớ thương day dứt. Nhìn thấy nhau hàng ngày mà không dám ngỏ lời. Chả là nhà chàng ở ngay bên kia suối nước trong, đó là làng Nà Ngườm, chứ có đâu xa. Chiếc phai được người làng xây tạm bằng những hòn đá đầu lâu, tròn thu lu, nhẵn thín. Từ bờ bên này sang tới bên kia phai có vài bước chân, mà chênh vênh dễ sợ. Không sợ sao được. Nếu xảy chân một bước thì ngã ùm xuống nước. Dòng nước trong xanh sủi bọt ầm ào chảy xiết. Vào mùa lũ con suối hung dữ như những con hổ đói mồi.

Rồi ông nội tôi tình cờ phát hiện. Tình yêu sấm nổ sét đánh của bá tôi đang có nguy cơ đứng trước cơn nổi giận cháy trời. Hai bên thông gia liền bàn tìm cách phá đám, không cho bá tôi đi ra khỏi làng. Cấm tiệt các chàng trai lạ vụng trộm kia bước chân vào bản. Nhưng trò đời phàm những gì cấm đoán càng làm cho người ta tò mò thích thú, muốn khám phá xem nó ra sao. Thế là bá với anh chàng Nèn yêu nhau ngày càng trở nên thắm thiết, sâu sắc hơn. Thay vì những nhắn nhe tình tứ, họ có những cuộc hẹn hò đêm trăng tình tứ, đầy mạo hiểm.

Ngay lập tức, ông nội tôi cho người làng làm ngay một cái cũi bằng gỗ xả cài. Cái cũi dùng để nhốt bá tôi ở trong đó. Vỏ cây gỗ xả cài có bột mịn như tro, gây ngứa từ chân đến tóc. Chả ai dám chặt cây xả cài mang về nhà làm củi. Kể cả lửa cũng thấy ngứa ngáy nhột nhạt khó chịu. Bà bá tôi nằm ngồi giữa đám bột xả cài nhung nhúc như chấy rận như giòi bọ. Nhưng bá tuyệt đối không van xin kêu khóc. Năm ngày, rồi nửa tháng qua đi. Bá tôi không ăn một miếng cơm, một miếng rau nào vào bụng. Bà chỉ khẽ rên khi nào thật khát, muốn xin ngụm nước lã cầm hơi. Người bà lả đi như cây ngô dưới nắng chang chang giữa trưa mùa hạ.

Có một đêm đen kịt như sơn ta, bỗng chàng Nèn âm thầm lén chui tọt vào chuồng trâu nhà ông nội tôi. Chàng nhẹ nhàng gỡ tấm ván sàn lát cũi, rồi thì thầm háp háp giọng vịt đực nói gì với bá. Một lúc sau, hai người lẻn ra khỏi nhà. Đi được một nửa quãng đồng, trời bỗng dưng ì ầm nổi lên cơn giông. Sấm chớp rạch nát bươm cả cánh đồng lúa đang kì thai nghén làm đòng. Hai người cứ đội mưa cắm cúi theo vệt sáng sấm chớp. Họ dìu nhau lội qua con phai ngăn suối. Tim nàng thì thùng đập lên ngang cổ rồi lên đến tóc. Nước mấp mé dâng lên tận đỉnh đầu chàng. Đi đâu về đâu chàng ơi. Nàng vừa thở vừa vuốt nước mưa hỏi Nèn. Còn chàng thì đóng môi im lặng. Giữ chặt con tim khỏi bay ra lồng ngực. Dòng nước êm ru sáng trắng như dải bạc. Dải bạc chảy đi miết đi miết. Vừa đi, ánh bạc vừa tan ra, hút vào miệng đêm đen ngòm. Tiếng nước va vào nhau bật ra tiếng khe re lập cập như người chết rét. Tiếng bá tôi thổn thển “Thôi em không đi nữa. Em sợ. Pứng nghĩ, rồi đây mọi người sẽ đồn em bỏ chồng mà đi theo giai. Dù sao em cũng đã có cưới xin, dẫu là tảo hôn. Nèn à”. “Thôi mà. Cố lên chút nữa. Nèn không cho Pứng nói đâu. Người gì mà nhát gan hơn chó con thế hả. Sao bảo khi yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Đây mới qua một khúc sông nho nhỏ mà đã chùn chân không muốn bước nữa. Thế là sao. Yêu nhau ban ngày ta còn dám. Ta ở với nhau một đêm không được sao. Chỉ một đêm nay thôi. Hãy nhìn chim trống yêu chim mái. Chúng có nhà đâu mà vẫn sống rù rì sinh con đẻ cái. Chả lẽ mình là người mà thua chim trời sao hả Pứng?”. “Ồ không. Em không nghĩ thế. Nhưng mà anh thì... đương trai, chưa…”. “Thôi mà em. Nói nhiều thì thóc lép. Ta gắng đi thêm một lúc nữa, sắp đến nhà anh rồi. Kia kìa, chỗ có bóng cây gật gù trước cửa là nhà của chúng mình đấy”.

Dòng suối hung hãn trôi về đâu trong đêm đen này. Người thì nôn nao lòng hỏi dạ đi tiếp hay ở lại. Hỏi trời hay hỏi suối được nhỉ. Trời thì ở rất xa. Suối thì đang rất gần. Hai thân hình dặt dẹo dìu nhau đi trong mưa giông. Người con trai cúi xuống ghé vai. “Em lên lưng anh cõng”. “Không. Em cũng có chân. Em tự đi được”...

... Xong rồi pa ơi. Tiếng thằng con giúp tôi căng mắt nhìn thực tại. Câu chuyện của bá dập dềnh miên man trôi đi trong mắt. Tự nhiên tôi thương bá vô hạn. Một thời hôn nhân không tình yêu dã man như thế đó

 

Y.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)