Lộc Xuân

Thứ Hai, 13/04/2020 11:22

.Truyện ngắn. ĐẰNG MIÊN

Khương mang con bé đi.

Những bàn chân dò dẫm xuống đá, xuống triền đồi trơn trượt như vừa đổ mỡ sau cơn mưa lúc trời trở sáng. Tấm tách, nặng những giọt sương từ những chiếc lá đổ xuống nền rừng.

Dốc, dốc mãi. Hết dãy đá là tới lườn còn dốc thân bằng sét thịt, trơ khấc những sống trâu trượt khỏi vành chân. Con bé bám vào Khương, nó bấu bằng cả hai bàn tay múm múp những đốt ngăn ngắn nên không đủ chặt. Nó không biết Khương đưa nó đi đâu, không biết gì nhiều, nhưng trong tiềm thức sâu xa, ý nghĩ sợ rét, sợ đau vẫn luôn tiềm ẩn.

Mảy mặc cho nó cái áo len đỏ thân dài trùm hông ngoài hai áo đông xuân cao cổ. Bên ngoài là chiếc áo khoác mầu thẫm bã trầu có chùm lông hung hung chạy quanh viền mũ. Tất cả được người ta cho trong đợt họ về thiện nguyện ở bản Bò Cày.

Con bé không lạnh trong người. Nó chỉ rét tê hai bàn tay và đôi chân phơi ra ngoài trời, còn người lại toát mồ hôi sau mấy lần vải. Giá kể Khương biết nó lạnh, Khương biết nó nóng, nó khó chịu, chắc Khương sẽ không đưa nó đi.

Khương có thương nó không? Nó thì nó thương Khương. Mỗi khi Khương ở ngoài rừng về, với con dao đeo bên hông đã trĩu xệ và gánh cây lớn trên vai, không nhìn thấy thì thôi, còn nhìn thấy, dù đang mải chúi đầu vào mấy món đồ linh tinh Mảy bày cho, nó nhất định sẽ đi ra chỗ Khương, hai tay từ từ túm áo Khương lắc. Nó cũng muốn đưa tay di cái giọt nước to đùng đang chạy xuống mặt Khương nhưng Khương toàn gạt tay nó ra. Khi ấy mặt Khương xạm hơn khi thường, Khương lùi lại và Mảy đã ở bên nó, nói gì đó, chỉ chỉ tay dẫn nó vào nhà.

Nó lên chín, ngộc nghệch, ngồng nghềnh… Nó biết nói từ “Mảy” dù còn lọng ngọng nhưng không biết nói từ “Khương”, vì từ “Mảy” dễ thoát ra khỏi miệng còn từ “Khương” thì không, cứ chèn tắc, ngắc ngứ nơi cuống họng. Nhớ khi nó tập, cố mãi mới được từ “ương”, Mảy cười, nhưng Khương mặt rắn đanh lại làm Mảy phải nín thinh. Nó còn tập nữa, cho đến khi Khương đập toác cái ba ba hứng rượu vào cột nhà. Mảy ôm nó, che cái lưng ra phía ngoài, tay bịt miệng cho nó không còn tập. Từ ấy nó không nói “ương” nữa, nó chỉ biết “Mảy”, “Mảy”, dù âm phát của nó chỉ là “ảy”, “ảy” mà thôi.

 

*

* *

Hôm nay Khương mang nó đi bỏ! Khương chịu không được cái mặt thóp trên đầu, phình dưới má của nó. Mảy gọi nó là cái gì? Cái gì? Khương không nhớ nữa. Hình như không gọi nó là cái gì vì từ lúc nó ra đời, thấy đầu nó to dị thường, Mảy chỉ khóc ngất. Suốt nhiều tháng ròng, Mảy ôm nó, xoa vo cho đầu nó tròn và giấu mình, giấu mọi người ngồi trong xó vách. Nhưng đầu nó chằng bao giờ bé lại bình thường cả. Mảy khóc, rồi không khóc. Mảy lùi lụi.. Mảy tập cho nó ăn, tập cho nó đi. Mảy bày đồ cho nó chơi bằng mấy bắp ngô khô và mấy cái ghế con, mẩu con con bằng gỗ. Mùa gặt, Mảy đặt thêm vào tay nó một cái sào dài, bảo nó hua hua lúc gà vào quấy. Nhưng chẳng mấy khi nó nhớ hoặc có khi nó lại ành ạch đuổi theo mấy con gà khắp sân. Khương giận. Nó là con đẻ của Khương nhưng Khương chưa nhìn nó đến một lần. Không chỉ vì Khương không mang nặng đẻ đau như Mảy mà vì người ta xì xồ chỉ trỏ Khương khiến Khương không còn dám mang mặt đến nhà ai dự đám. Qua nhà Khương, người ta cũng tránh. Thầy giáo đã bảo nhà Khương không có ma, con bé bị bệnh thôi nhưng người bản vẫn sợ, vẫn lánh xa và gạt Khương ra như sợ con cùi con hủi.

Không có nó nữa thì Khương thoát tội nợ. Không có nó thì Mảy lại vui vẻ như xưa, lại đẻ cho Khương những đứa con khác. Không có nó thì dân bản lại nhìn Khương như cũ, lại trọng Khương vào những việc đình đám lớn lao. Ông Khày, pá Khương từng là bộ đội, từng vào sinh ra tử khắp mặt trận từ khi quân lên vùng đất này cho đến khi đất nước thống nhất. Ông trở về, tương đối lành lặn, hay đau đầu lúc trái gió trở trời nọ kia thì ai chẳng thế. Ông lấy vợ, sinh Khương và năm người con gái khác. Là đảng viên, ông được trọng vọng, làm trưởng làng. Rồi Khương trưởng thành, Khương kế ông, cũng được trọng vọng, nể vì. Rồi nó ra đời, cuộc đời Khương chìm trong màn sương, giăng trắng núi trắng rừng, giăng xám tro ủ dột. Khương ghét con bé. Ghét nó vì nó! Ghét nó vì nó là con Khương!

Hoa đào đã điểm những cánh đầu tiên. Bật ra từ lớp vỏ xù xì những chồi lá và những mầm hoa đã bắt đầu quậy cựa. Những cánh sớm đã bật ra đơn lẻ, một mình. Màu hồng nhạt phai, trắng trong lớp mù, nhìn thật kĩ mới ra màu phớt đào nhè nhẹ.

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Con bé không biết Khương đưa nó đi đâu. Lần đầu tiên Khương cho nó ra ngoài. Đi khe khẽ không báo cho Mảy biết. Nó mong Mảy sẽ đi cùng, Mảy sẽ dìu nó đi, hoặc Mảy sẽ không để chân nó lạnh. Đôi dép nó đeo đã bị tuột ra bên kia đầu dốc. Lúc ra khỏi nhà, đường trơn trượt, Khương cho nó đi lại hai lần nhưng rồi vẫn thế. Lần này Khương không đi lại cho nó nữa, Khương quẳng đi luôn. Cả chân Khương lẫn chân nó đều trơn trượt trên đất. Những cơn mưa bụi giáp tháng chạp thấm đẫm không khí một màu trắng nhờ đục, rắc đẫm ngày đẫm đêm. Giá kể không có con bé, mưa cũng không đến nỗi làm Khương khó chịu. Giờ thì tại cả con bé, tại cả mưa, tại cả Mảy, tại tất cả… Khương ứ tận trong gan phổi, cả người bừng bừng như phải bả, phải sốt.

Khương với Mảy lấy nhau tám năm hơn mà chưa đứa bé nào ở với bụng Mảy quá năm tháng. Đến nó, nhen nhóm, vui lắm, giữ gìn, để rồi đủ ngày đủ tháng nó ra và…

Khương không muốn nghĩ nữa. Nghĩ rồi lại thấy khổ. Thấy nỗi bất hạnh đeo bám cuộc đời Khương. Nỗi bất hạnh dưới thân hình một đứa trẻ. Nó cứ nằm mãi, nằm mãi với cái đầu nặng trịch. Bốn tuổi nó mới biết ngồi. Cái ngồi đổ về đằng trước hoặc ngật ra đằng sau vì cổ nó không giữ được cái đầu quá khổ. Rồi Mảy tập, tập mãi, nó biết đi, chắc lúc đã lên sáu lên bảy gì đó. Khương không nhớ, mà hình như cũng không có gì để nhớ vì Khương bỏ vào rừng rất lâu. Khương không muốn nhìn thấy Mảy, nhất là không muốn nhìn thấy nó. Nên khi Khương về nó đã đứng dựa được vào vách, rồi đã đi được ra sân, đã cười mắt him híp theo tay chỉ của Mảy. Và khi nó đi được ra ngoài, lời ác ý nhiều bằng bao nhiêu năm cộng lại. Khương bỏ vào rừng miết vì thường ở nhà Khương sẽ say hoặc không chủ định mà muốn đánh nó. Và Mảy sẽ khóc, hoặc giơ lưng ra chịu cho Khương đánh, hoặc chống lại Khương... Kết quả nào cũng chỉ có Mảy bị đau, bị tổn thương và Khương cũng vậy...

Khương lên rừng để mặc mẹ con Mảy ở nhà. Như thế dễ thở hơn với Mảy, với Khương và với cả con bé. Nhưng giả thử không có con bé thì sao? Một lần Khương nghĩ vậy. Ý nghĩ thoát nhanh ra khỏi đầu như con rắn trườn nhanh qua vết đá. Vết đá trở đi trở lại, mòn vạch trong Khương cái ý định sẽ bỏ nó đi, bỏ nó thật xa. Qua khỏi lưng dốc này sẽ rẽ vào rừng. Vào sâu trong ấy con bé sẽ lạc lối ra. Nó không thể trở về. Mảy cũng sẽ không thể đi tìm nó. Từ ngày có con bé Mảy đã bỏ đi rừng, Mảy đã quên lối như con trâu nhà chẳng biết đường đi vào rừng nữa.

Bàn tay con bé nặng trĩu vạt áo Khương. Chúng đã lạnh tê và co quắp thành đóng khớp. Chân con bé không còn bước được nữa. Chúng ríu lại rồi cứng đơ sau nhiều lần ngã vập ngã dúi. Cái đầu lưa thưa tóc cắt ngang qua gáy chụp vào thóp như một bộ tóc giả giờ ướt lượt thượt, dính bết bùn. Cái lạnh ngấm vào trong qua lớp áo ướt bùn cũng nhúng nhèm như vậy. Nếu không có nó… nếu không có nó… Ý nghĩ ấy cứ trở đi trở lại đẩy Khương kéo nó đi. Chỉ cần qua khỏi lưng dốc này, chỉ cần rẽ vào rừng lớn kia, nhất định nó sẽ lạc, Mảy sẽ không thể tìm và Khương sẽ trở về nhà như vừa đi rừng mọi bữa…

Con dốc trở nên hung dữ, dựng ngược trước mặt con bé. Rồi rừng mở ra, ngàn ngạt cây chắn ngang chắn dọc. Những dây leo bò xoắn ốc ngược từ ngọn tới rễ, từ rễ lên cành. Kéo chằng kéo chịt những thân cây phải hơn một người rồi tới hai, ba người ôm mới xuể. Rừng phả ra hơi lạnh, lạnh hơn ngoài khoảng đất nó đang đi ngoài này. Khương không để ý thấy nó lạnh, nó ngã, giờ cả đau nữa. Nó chỉ ự ự được qua cái lưỡi ngắn nên Khương không biết nó kêu gì. Và hình như những tiếng kêu ấy chỉ càng thúc Khương kéo nó đi nhanh hơn, dữ hơn. Nó không biết điều gì đang xảy đến. Nó sợ. Nó nhớ Mảy. Nó nhớ cái bếp nhà ấm Mảy luôn để lửa cháy những ngày gió thổi.

 

*

* *

Vượt qua quãng dốc này một bên sẽ là đường vào Bò Phầy, một bên vào rừng. Con bé đã ngồi bệt xuống đất. Nó giương đôi mắt với cái đầu húp híp nhìn Khương. Lần này thì Khương bất lực, không thể kéo nổi nó đứng lên. Bao nhiêu suy nghĩ dồn vào Khương như dồn một con thú vào chân vách. Khương đi tới đi lui. Khương nhìn nó rồi nhìn khoảng rừng đổ mưa trước mặt. Dưới chân, đất nhão ra. Con dốc vắng chẳng ai đi vào ngày mưa rét nhưng Khương cũng muốn thật mau tránh khỏi nó. Mảy có thể đi tìm, và ai đó có thể bắt gặp. Khương có thể sẽ phải dẫn nó về, và việc ấy làm Khương phát sốt.

Chân Khương trượt đi. Một, rồi cả hai chân không còn đứng vững. Phía bên này dốc con bé vẫn ngồi dựa vào bờ vách. Phía bên kia không còn trông rõ người Khương. Rừng vẫn chìm trong màn nước lạnh, lâu lâu rúc lên tiếng chim trốn giá dưới gốc cây. Mắt Khương tối lại. Cả thân mình không còn sức lực văng đi. Độ gần dứt một hồi tiếng chim kêu lần nữa Khương va đánh uỵch. Phía trên chỉ còn là một màn tối mờ.

 

*

* *

Con bé chỉ chỉ tay. Những ngón múp míp của nó hua sang phía bên kia sườn dốc. Từ lúc Khương rơi xuống đấy không biết bao lâu, con bé không có khái niệm về thời gian, nó chỉ thấy đói và rồi thấy sợ. Nó chưa ở một mình vắng Mảy lâu đến thế. Khương cũng không còn nhìn thấy nữa. Chỉ còn nó một mình. Mưa cũng đã tạnh và trời hơi có nắng. Mặt trời không nhìn rõ qua những lớp mây xám mờ nhưng cái lạnh cũng lùi dần đi. Nó cố đứng lên, hình như bàn chân bớt giá. Bước chân của nó toan nhoài về bên phải rồi lại nhoài sang trái, định đi tiếp về bên kia con dốc rồi xây lưng ngược về phía sau. Thực ra, bước trái hay bước phải, trước hay sau với nó đều không khác nhau. Nó không có khái niệm về trước sau, bên này hay bên nọ. Nhưng trong tâm trí nó, Khương đang ở đây, bên dưới sườn dốc. Nó đã thấy Khương trượt xuống đấy, như cái lần nó trượt xuống khỏi cầu thang.

Bất giác con bé rờ xuống chân. Cái ngã lần trước để lại cái đau như người phải bỏng nhìn thấy nước sôi thì sợ. Con bé lại ngồi xuống, nó không biết phải làm gì. Nếu mà có Mảy, Mảy sẽ chỉ cho nó.

 

*

* *

Mảy thức dậy giữa lúc cơn mưa còn đổ nặng hạt. Thứ mưa báo xuân thường khi xưa vẫn mang cho Mảy niềm vui. Vì như mọi người, Mảy chờ xuân tới, đón cái rạo rực của đất trời, của cỏ cây muông thú với những cành đào, cành mận tắm mình khoe trước nắng. Nhưng bây giờ, hay lâu rồi Mảy không còn chờ xuân. Tháng ngày của Mảy không nhiều thay đổi từ khi có con bé. Nó bàng bạc một màu sương buồn, vì Khương không thương con bé, không thương Mảy như thuở xa xưa.

Ngày Mảy mười hai, Khương đã nhờ thầy sang đặt đám. Pá mế Mảy cũng ưng vì nhà Khương có pá Khày làm rạng danh cả vùng cả bản. Nhà Khương lại to nhất vùng với những cây cột lim chắc lẳn hơn một thân người ôm mới xuể. Dưới chân cột kê bằng chân đá hoa xanh, lâu ngày lên nước, cả cột cả chân kê ánh hoa sáng bóng.

Cái nhà ấy sau mấy năm chạy chữa cho Mảy, cho Khương đã chỉ còn là một cái nhà cột to hơn gang tay Mảy ít nhiều. Nhưng Mảy không màng lắm chuyện nhà cột to hay cột nhỏ. Điều khiến Mảy chảy nước mắt hằng đêm là Khương chẳng còn như xưa, như cái hồi theo Mảy đi học qua năm con đồi, hát Thương căn shíp vằn tàng cũng sẩu - Bố thương căn lườn tở kéng lườn nủa cũng quay (Thương nhau đi mười ngày đàng cũng gần - Không thương nhau nhà dưới cạnh nhà trên cũng xa), quyết ưng cái bụng bắt Mảy nghỉ học lấy Khương suốt gần tháng trời mà không biết mỏi.

Mảy nhớ giữa mùa tháng tám pá Khày dẫn người sang dạm mối. Pá Mảy là em nhành dưới, gọi pá Khày là anh thúc bá, lại có thầy tào đứng đầu tộc dẫn sang nên ưng lại càng ưng. Ở bản Bò Cày, người bản chưa tới mấy chục nóc nhà nên anh em trong họ dì chú lấy nhau chẳng phải là việc hiếm. Nhất là khi Mảy xinh nhất bản còn Khương là con nhà gia thế lại thích Mảy một lòng.

Mảy nhớ khi Mảy nghỉ học để chuẩn bị lễ hồi môn về nhà chồng, thầy Tính có đến. Thầy động viên, thầy nói gì đấy đến việc nên để cho Mảy đi học, nên để cho Mảy trưởng thành và anh em đồng tộc lấy nhau không tốt nhưng người lớn cả hai bên đều không ưng bụng nói lạnh cho thầy đi. Từ khi những đứa trẻ đều không chịu ở trong bụng Mảy mà bỏ đi sớm cho đến khi con bé thành hình như bây giờ, mười mấy năm, có đôi ba lần lời nói của thầy trở lại trong giấc mơ của Mảy. Nhưng khi tỉnh dậy, mọi thứ lại là một màn sương u mờ trong tâm trí. Hôm nay Mảy quyết định xuống lại trường gặp thầy để hỏi vì sao.

Trong bản Mảy, những đứa trẻ con cũng không khôn lanh như lũ trẻ Mảy gặp khi ra chợ huyện. Nhưng Mảy nghĩ do chúng học ít, chúng không được ăn ngon mặc đủ và không được chăm chút như người ta. Như con bò con bê cũng vậy. Con nào được ăn cỏ tốt, được chải lông mềm cùng béo mượt khôn lanh. Con nào rơi phải nhà nghèo, bộ da vàng lợt lạt trông lủ đủ lù đù.

Mảy khe khẽ ra khỏi nhà lúc con bé còn ngủ và Khương vẫn ngáy khè khè bên gian vách. Mảy tính chỉ đi độ một thôi giờ, chừng non hoặc hơn hai nồi cơm rượu chín Mảy sẽ về đến nhà. Khi ấy con bé sẽ vẫn còn ngủ, nó thường vẫn ngủ cho tới khi Mảy đánh thức. Thầy Tính học nhiều con chữ, thầy nhất định sẽ nói cho Mảy hiểu được vì sao...

 

*

* *

Con bé lay vai Khương. Chẳng biết nó lần mò thế nào mà đã xuống được nơi Khương lăn xuống. Khương mở mắt nhìn lên, thấy mặt trời rọi ở đỉnh đầu và khoảng dốc phía trên thì ra không xa lắm. Khương lại mệt mỏi chìm trong giấc ngủ chập chờn. Đã hàng tháng nay Khương không ngủ. Cái ý nghĩ bỏ con bé vào rừng trở đi trở lại giày vò. Khương không phải là người máu lạnh, nhưng cái khổ quá, cái bế tắc quá làm con người ta quẫn trí. Hàng đêm, từ ngày con rắn độc ấy bò lướt qua đầu, Khương cứ nhìn chòng chọc lên những cây kèo, cây cột vắt ngang đỡ mái. Một con rắn, một nghìn con rắn, bò dọc bò ngang. Cái viễn cảnh như xưa hoặc ít nhất là cái gánh nặng không còn con bé được trút bỏ để những nỗi sợ hãi, dằn vặt biến mất mỗi khi trời sáng. Khương nằm thiêm thiếp. Giấc ngủ không bị chói nắng bởi con bé đã dùng cái bóng của mình che bớt mặt trời. Không biết nó có ý thức được việc mình làm nhưng cái bóng ngộc nghệch của nó đổ lên mặt Khương một khoảng râm dìu dịu. Mặt trời ngày đông cũng hiền lành, Khương ngủ say cho tới khi con bé lại lay lay lần nữa.

Khương mở mắt, chống cả hai tay để gượng ngồi lên. Một cơn đau từ mạng sườn ấp lại, nhói buốt kéo lên tận đỉnh đầu. Khương đưa tay rờ ngực, rờ mạng sườn. Có lẽ là gãy xương. Khương nhăn mặt nén cái đau. Con bé từ từ đưa tay rờ theo tay Khương. Khương không đủ sức để gạt tay nó ra, cũng không có ý nghĩ gạt tay con bé. Bàn tay vô hại, chậm chậm, rờ rờ, chẳng đủ để làm Khương đau. Có lẽ đó là bàn tay chẳng thể làm tổn thương được ai. Từ trước tới nay, chỉ có Khương và người ta làm đau con bé. Khương thấy sống mũi mình cay xè. Những búp tóc trên mặt con bé bay bay. Nắng lên và gió đã làm khô mái tóc ướt nhẹp khi sáng. Khương thấy nó cười, cái miệng và cả đôi mắt đều cười. Một điệu cười riêng, ngô nghê nhưng vô hại.

“Ương”… “ương”… Không biết từ đâu, những âm thanh ấy lại thoát ra khỏi miệng nó. “Au”… “au”…

Một dòng nước mắt chảy tràn xuống má Khương. “Ương”… “ương”… “au”… con bé lại lầm bầm. Khương thấy như miệng nó thổi. Mảy đã từng làm thế mỗi khi nó đau. Khương bặm chặt môi, nước mắt lại trào cay xè hốc mắt.

Con bé ngước lên. Nó từ từ đưa tay chạm dòng nước trên mặt Khương. Giọt nước tụ lại trên ngón tay múm múp của nó, trông nghiêng như giọt sương trên búp lá. Phải rồi, “Sương”, Khương sẽ đặt cho nó là Sương. Khương sẽ dạy cho nó nói. “Mảy” là “mế” và “Khương” là “pá”... “pá Khương”...

Gió trên cao thổi những âm thanh vi vu như tiếng sáo tiếng đàn, tiếng quả nhạc gọi hội lồng tồng khi trầm khi bổng. Khương chống tay để con bé đỡ mình. Đường lên không còn trượt. Nắng đã thổi khô đám đất để hai pá con bước dễ hơn. Đâu đó có tiếng chim rừng gọi hoa đang nở. Những mầm cây tách vỏ dưới nắng gọi lộc

Đ.M

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)