Cầu vồng đôi

Thứ Tư, 15/04/2020 11:29

.Truyện ngắn. NGUYỄN THẢO NGUYÊN

Hai người đàn bà ngồi bên nhau, cạnh ngôi mộ của người đàn ông đã một thời được người đời gọi là chồng chung của họ. Tấm mái lửng xây trên đầu ngôi mộ không đủ lớn để che kín hai người và nắng chiều rọi lên in bóng đổ dài dưới đất. Họ ngồi im thật lâu. Từng lúc, những cơn gió tháng bảy đưa về thổi tung những ngọn bông của đám lau mọc hoang bên bờ sông, thảy trắng lên những nấm mồ và làm bay tàn của mấy cây nhang đốt cắm trước mộ đã cháy quá nửa. Thế mà hai người vẫn chưa mở lời được với nhau. Vẻ như họ muốn để thật lắng đọng những tình cảm trong lòng mình lúc này. Bởi hình ảnh về những ngày tháng trước đây đã in dấu quá lớn và họ sợ mình có thể không kìm được cảm xúc bản thân khi khơi gợi lại.

Cuối cùng, bà cụ lớn tuổi hơn cũng lên tiếng:

- Lẹ quá! Trước đây có nằm mơ chắc cô cũng như tui không thể tin rằng rồi chúng ta gặp lại trong hoàn cảnh như thế này. Ba mươi năm mà cứ tưởng như mới ngày nào thôi. Thời gian trôi nhanh giống như đám bông lau đang bay vút trước gió đó, cô há?

Bà nhỏ tuổi hơn hướng mắt vào những mảng bông lau đang chấp chới theo ngọn gió rồi ngước nhìn gương mặt của người ngồi cạnh mình. Xong bà im lặng nhìn xuống và trong ánh mắt có nỗi u buồn, chịu đựng.

- Cô vẫn ít nói như ngày nào. Mà cũng lạ! Trước đây có nhiều lúc tui nghĩ cô ít nói vậy mà làm thế nào ổng gần gũi được, lại còn...

Bà lớn ngừng lời. Dường như bà nhận ra có điều hơi thiếu lịch sự khi thể hiện nỗi hờn trách của mình đối với người phụ nữ vừa gặp lại sau thời gian quá lâu. Ngừng một lát, bà nói tiếp trong tiếng thở dài:

- Tui lại khác cô, nói nhiều quá! Mà suy cho cùng chúng ta đều mắc nợ. Không biết kiếp trước chị em mình đã làm điều gì thất đức với ông ấy?

Bà hướng mắt về phía dòng chảy của con sông dọc theo bờ của mảnh đất được dùng làm nghĩa địa trong cái xóm nhỏ ở làng quê vùng châu thổ này. Tâm tư bà cũng đang trôi theo dòng chảy đó để trở về con sông quê xa xưa cạnh bến chợ, thời điểm có người con gái hàng năm vào giữa mùa mưa cứ đêm đến thả mộng mơ theo lời ca của anh bán chiếu dạo neo ghe dưới bến: Hòòòòo…ooơơơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm cô không gặp, hòòòòo… ooơơơi, tôi gối đầu mỗi đêm…(1).

 

*

* *

Ổng quê ở tận Hòn Đá Bạc trong Cà Mau, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cứ mỗi năm khoảng một hai tháng chèo ghe đến quê tui bán chiếu. Khoảng ba năm làm quen, tụi tui thương nhau. Gia đình tui không biết cho đến khi ổng cậy người cậu ruột đến xin hỏi cưới tui. Cha má tui không chịu, bảo lấy chồng buôn bán sông nước trôi nổi rồi sẽ cực khổ chứ chẳng sướng ích gì. Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi! Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê. Má còn nói theo chồng xa xứ biết tới chừng nào mới về thăm nhà. Gì thì tui cũng là con gái duy nhất trong gia đình. Mà nhắc để thấy thương ông bà cụ hơn, cố chặt lòng vì lo cho con nhưng thấy tui dằn vặt suốt gần hai năm trời cũng xa xót. Đến mùa chiếu năm đó khi ổng vừa mới ra cập ghe bến chợ, cha tui kêu biểu ổng về quê báo người nhà ra để bàn chuyện cưới.

Dẫu sao thì cha má cũng còn khó chịu trong lòng lắm nên vào ngày cưới, lúc tiễn tui xuống ghe về quê chồng hai người không có ra, nhưng cũng sai anh Hai tui lén đưa tui chiếc túi vải. Khi ngồi trên ghe rồi mở ra, thấy trong đó đủ cả: đôi bông tai búp mù u, dây chuyền, cặp nhẫn cưới, một chỉ vàng rời kèm theo một trăm đồng. Khi ấy khoảng hai năm sau khi nhà nước đổi tiền đợt hai, nên số tiền đó lúc bấy giờ là khá lớn. Ngồi trên ghe nghĩ thương cha má mà tui cứ khóc hoài nhưng không dám quay nhìn lại. Người ta nói cô dâu theo chồng mà ngoái đầu nhìn lại nhà mình thì sau này ở với chồng không bền.

Minh họa: Tào Linh

Mất gần cả ngày chạy ghe, đến tối mịt mới tới được quê chồng. Nhưng tui cũng không phải ở đó làm dâu mà chỉ khoảng một tháng, sau khi có thời gian làm quen bà con bên chồng, tui theo ổng đi ghe. Tui bàn nếu ổng quen nghề bán chiếu không bỏ được thì cứ giữ nhưng tìm mua ít đồ tạp hóa để tui bán dạo thêm. Bây giờ trên ghe có thêm người rồi. Với lại còn chuẩn bị sau này có con nữa. Ổng nghe lời tui bỏ nghề chiếu. Mấy năm đầu cùng buôn bán cũng chỉ tạm sống qua ngày. Cho đến trước khi cuộc sống khá giả, tui không có ý định quay về nhà cha má vì không muốn người thân nhìn thấy cảnh lam lũ của mình. Có trở về trong hoàn cảnh như vậy chỉ làm họ xót xa thêm thôi, mặc dù nhiều khi thấy nhớ nhà dữ lắm. Ổng tinh ý nhận ra:

- Thôi, mai mốt mình về thăm cha má nghen em?

Tui không chịu. Một phần cũng vì không muốn chồng khó xử khi tiếp xúc với gia đình bên vợ vốn không có thiện cảm với ổng. Bây giờ gặp lại có thể mối ác cảm đó sẽ càng lớn khi họ thấy đứa con gái trong gia đình được gả theo chồng lại trở nên cơ cực hơn. Nài nỉ tui hoài không được, ổng đề nghị:

- Hay mình chờ trời tối rồi âm thầm đến neo ghe ở bến gần nhà nghe ngóng. Biết cha má với gia đình mạnh khỏe rồi thì mình đi cũng an lòng, nghe em!

Vì thương mà ổng cố làm mọi việc cho vợ tui đồng ý dù biết đó cũng là kế “hoãn binh” của ổng. Trong thâm tâm lúc nào tui cũng nghĩ chồng rất thương mình, tình thương đó càng lớn hơn trong suy nghĩ của ổng rằng sống với nhau mà chưa làm được gì cho tui. Nói vậy thôi chứ tui đâu có đòi hỏi tiền bạc vật chất gì nhiều, chỉ cần có suy nghĩ đó của ổng cũng đủ làm tui hạnh phúc rồi. Ổng tính khi neo ghe gần nhà có thể nghe tiếng cha má hay của ai quen thế nào tui cũng không cầm lòng được mà chịu lên bờ. Nhưng cũng vì thương chồng mà tui cố nén. Ngồi trong khoang khóc thương cha má và chịu đựng đến gần sáng, tui nói ổng lui ghe. Tội nghiệp! Đồ đạc ổng mua sắm định biếu cha má và anh của tui đành ghé gửi người quen ở bến chợ nhờ họ hôm sau đưa giùm. Cứ năm, sáu tháng chúng tôi về “thăm nhà” kiểu như vậy. Mà mấy lần sau phải cẩn thận hơn, chỉ dám đậu ghe vào lúc thật tối trời và neo ở phía xa thôi. Vì cũng sợ cha má cho người để ý rồi phát hiện ra.

Cho đến khi tui có bầu sắp sinh thằng con trai đầu thì tình hình có đổi khác, cha mẹ nghĩ lại cho người nhắn gọi về. Tụi tui tính trong hoàn cảnh ấy chỉ còn cách về với gia đình là tốt nhứt và cũng không thể để tui sinh đẻ trên ghe. Cũng ngộ, không biết có phải do sinh thằng con hợp tuổi với mình mà sau đó tụi tui dựng quán ở bến chợ bán buôn thật mau mắn. Rồi ít năm sau, tui lại mang bầu con nhỏ kế. Cứ tưởng cuộc sống của gia đình mình êm đềm trôi qua như thế cho đến khi cô thỉnh thoảng đến lấy hàng ở quán tui. Cảm thông hoàn cảnh neo đơn của cô, nhiều lúc tui để ổng phụ giúp cô mà không mảy may nghi ngờ. Cô nhỏ hơn đến mười tuổi lại gọi ổng bằng chú, chỗ cô ở cũng xa cách tui đến mấy giờ đi ghe.

Cho đến khi tui hay được thì hai người đã có con với nhau rồi. Ớt nào chẳng cay cô, mà khi ấy tui mới biết mình cay dữ! Ổng năn nỉ và xin được ở lại nhưng tui rất kiên quyết. Buổi sáng, ổng chạy ghe buồn bã ra đi. Sau này nhiều lúc nghĩ lại hồi đó, ở cái tuổi gần bốn mươi cũng không thể nói được mình khôn hay dại. Cũng thấy có phần hả hê vì thỏa mãn được tự ái của mình. Nhưng đến đêm, nằm với con thơ nghĩ thấy mình dại vì đã đẩy chồng xa mình và con hơn. Nói gì thì nói, dù có giận đến đâu cũng nghĩa vợ chồng. Nhiều đêm thấy nhớ hơi hám của ổng buồn không ngủ được. Muốn nhắn kêu về nhưng lại tự ái và sĩ diện. Đến một hôm con bé nhà tui bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện. Chờ con ổn định xong, tui nhờ bà ngoại nó trông giùm và buộc lòng đến nhà cô. Nghĩ ông bà mình nói đúng, chén nước đổ đi không làm sao hốt đầy lại được. Sau mấy tháng trở về, để ý thấy ổng vẫn tròn trách nhiệm với gia đình. Song cũng dễ nhận ra ổng không còn sự tự nhiên của ngày nào thường thấy mà xen vào đó là nỗi dằn vặt, ưu tư cho dù tui biết đã cố gắng kìm nén. Cha má tui cũng nhìn thấy điều đó. Má nói:

- Con coi tính với nó xem thế nào! Chứ thân xác nó ở đây mà tâm hồn đâu đâu thì làm sao gia đình yên ấm được. Lựa lúc thuận tiện, mà con cũng dẹp bớt tự ái của mình mới xong, bàn với nó rồi cùng nhau giải quyết chuyện hai bên cho êm thấm. Đàn ông năm thê bảy thiếp cũng không phải chuyện lạ. Chắc đó cũng là duyên phần của con.

Mấy tuần sau, xem chừng ở tôi không có chuyển biến gì, bà nói thêm:

- Dù muốn hay không thì chồng con cũng phải có trách nhiệm với con của nó. Đàn ông phải vậy con à! Cũng phải để nó qua lại thăm con. Nỗi dằn vặt lâu nay cũng coi như là sự trừng phạt sai lầm của nó rồi. Nhưng mình cũng đừng để nó thất đức thêm, sau này con cái sẽ nhận hậu quả từ việc làm của cha nó.

Cuối cùng, tôi cũng nghe lời cha má để ổng đến nhà cô. Sáng sớm ổng đi, đến tối, cả nhà ngạc nhiên khi thấy ổng trở về mà mặt mày buồn lắm. Biết có chuyện bất thường, tôi gạn hỏi thì ổng nói cô đã bỏ xứ đi rồi!

 

*

* *

Bây giờ kể lại em cũng không biết vì sao mình thương nhưng từ những ngày đầu, tâm tư em thấy mình gần gũi với ảnh. Có thể do hoàn cảnh của em và ảnh có điểm giống nhau, em cũng mồ côi cha từ còn rất nhỏ. Má em thường xuyên đau yếu, một mình em mở cái tiệm nhỏ để buôn bán lẻ lo cho hai mẹ con. Không thì cũng chẳng biết phải làm gì khác bởi nhà không có đất đai. Chừng biết mình có thai em lo lắm. Sợ má biết chuyện lỡ lầm của con gái rồi buồn rầu sinh bệnh thêm, sợ gặp lại chị trong tâm thế mình là kẻ phá hoại gia cang của người khác. Cũng sợ nếu gia đình chị gây khó khăn mà em không tự bảo vệ được thì hổng biết còn ai lo cho má. Nỗi sợ cứ lớn dần cùng cái thai trong bụng em. Như ông bà mình nói cây kim trong bọc còn có ngày lòi ra, nói chi đến cái tiếng chửa hoang. Vài lần ảnh lén chị xuống thăm em. Dù rất nhớ và mong gặp mặt nhưng em cũng chỉ dám để ảnh ngồi chơi đôi tiếng rồi hối thúc ảnh về vì e chị hay được.

Khi con trai em được hai tuổi, một buổi trưa, nhìn thấy ảnh lui cui cột ghe ngoài bến. Ảnh bảo bây giờ không còn biết phải đi đâu. Nói thiệt dù có mừng gặp lại ảnh nhưng khi nghe đã có sự đổ vỡ gia đình của chị, trong lòng em cứ luôn đeo mang một sự lo lắng khó tả. Cả những khi nhìn thấy ảnh đùa giỡn với con trai, linh tính về một sự bất an sẽ đến với gia đình mình luôn chập chờn trong đầu em. Dù ở nhà em nhưng tâm hồn của ảnh dường như đã để cả ở chỗ người vợ lớn, chỉ trừ lúc ảnh nô đùa với con trai thôi. Dù sao thì em cũng thấy an ủi rằng con em cũng có khoảng thời gian được sống trong tình cảm của cha nó. Mà cũng chỉ được hơn nửa năm thì chị đến nhà em. Rồi sau đó mấy hôm ảnh trở về với chị.

Cho đến nay hơn ba mươi năm, giờ ba người gặp lại thì ảnh nằm trong lòng đất rồi.

Em đã cố quên mọi việc để lo cho má và con. Cũng khổ, khi đó thằng con em đã quen hơi cha của nó rồi. Đến giờ ăn, giờ ngủ nó cứ đòi chờ gặp cha. Một buổi chiều vì bận bán hàng cho khách, em nhờ bà ngoại lấy cơm cho cháu ăn khi nó kêu đói. Chừng đưa cơm ra nó cũng không chịu ăn mà quyết bỏ ra bến ghe nói ngồi chờ cha về ăn luôn. Khi đó vào tháng mười, nước lũ trên đầu nguồn đổ về cuồn cuộn. Đường đi trơn ướt do mấy ngày qua nước lũ lên và liên tục bị những trận mưa giông chướng lớn cuối mùa. Trời chiều không nắng và ngoài bến cũng vắng người, em nhờ má ra ngồi trông nó và định dọn hàng sớm rồi ra dỗ nó vô. Lui cui đến lúc xong việc em bước ra cửa nhìn về phía bến ghe thì chân quỵ xuống trong nỗi kinh hoàng không thể tin vào mắt mình. Nước đã xóa mất bến ghe và lan sâu vào đường đi, một mảng đất lớn đã bị lở sụp xuống từ lúc nào. Cả hai bà cháu cũng không còn nhìn thấy đâu.

 

*

* *

Ánh nắng chiều giờ đã nghiêng hơn chiếu lấp lánh lên những mảng bông lau trắng đang chập chờn bay theo gió từ hướng ngoài sông thổi vào, rơi phủ trắng trên các nấm mồ. Câu chuyện vừa rồi vẫn còn nguyên vẹn ở bà lớn cảm giác kinh hoàng, dù bà đã nghe những người ngay tại bến lở kể lại vào một lần bà tìm đến đây; chỉ hai ngày sau khi chồng bà buồn bã trở về từ nhà người vợ nhỏ. Họ nói sau sự cố có đoàn đến khảo sát kết luận một cái hàm ếch lớn luồn trong lòng đất đã được tạo ra do sóng dập bờ khi ghe, đò ra vào lâu ngày, cùng mưa lũ liên tục. Vì đây là một bến nước sâu, lại thêm mấy cái bạnh rễ to của hai cây gòn mọc ven bờ gần đó che khuất tầm nhìn nên người ta đã không phát hiện ra.

Bà lớn đưa tay chùi mắt và khẽ liếc sang người bên cạnh.

Sao không thấy giọt nước mắt nào? Chỉ có nét thất thần trong đôi mắt của bà nhỏ đang hướng ra dòng chảy của con sông dọc theo bãi nghĩa địa mà hai người đang ngồi. Bà lớn tự hỏi có phải do người phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp ngày nào đến giờ vẫn giữ nguyên khả năng nhẫn nhục, chịu đựng và cố nuốt những ai oán vào lòng. Hay đôi mắt đó từng đổ lệ quá nhiều, giờ đã cạn nguồn cho những tiếng khóc?

Tiếng nói của bà nhỏ lại vang lên. Giọng bà vẫn như xưa, vẫn nhẹ êm như tiếng gió bên tai người nghe nhưng sao bà lớn có cảm giác nó giống như những mũi đinh sắt nhọn cứ từng chiếc găm vào tim bà.

- Em đã không tìm được xác con của mình. Khi nước rút đi người ta nhìn thấy xác của má em bị dòng nước xoáy đẩy vướng vào cái khe, được tạo ra bởi bờ đất còn lại với thân cây đổ nằm dưới sông chắn ngang và tóc của bà quấn vào các rễ cây đó. Tội nghiệp lắm chị ơi! Hai bà cháu chịu đói lạnh đi vào cái chết. Lúc làm đám cho má, em đem thả cái mền xuống sông để nó trôi tìm đắp cho con em. Đó là cái mền anh ấy mua cho con lúc em có bầu sắp sinh, ảnh mua cùng lúc với chiếc khăn choàng cổ tặng em. Trong cuộc tình của chúng em, đó là hai kỉ vật duy nhất mà mẹ con em có được từ ảnh.

Bà lớn nhớ lại ngày bà tìm đến nhà bà nhỏ, khi ấy người đàn ông đã cố tình lánh mặt. Người mẹ trẻ ngồi tiếp bà mà trên cổ có choàng chiếc khăn bông, đứa bé trai đang nằm ngủ say cạnh đó và trên bụng nó có chiếc mền nhỏ được gấp lại đắp qua. Chiếc khăn bông hàng chợ được choàng một cách cẩn thận và nâng niu trên cổ của chủ nhà. Linh tính phụ nữ đã mách bảo với bà rằng đó chỉ có thể là chiếc khăn mà chồng bà mua tặng cho cô ta trong mối tình mà bà cho là tội lỗi của họ. Ý nghĩ từ linh tính đó làm cho bà thấy chiếc khăn như đang nhảy múa, trêu ngươi. Nỗi tức giận trào dâng khiến đến lúc ra về bà không kìm được. Bà đưa tay giật phăng chiếc khăn đó lôi đi trong tiếng hét oán hờn và cay nghiệt của mình: “Cô tự hào với cái này lắm hả? Nó chỉ chứng minh cho tính cách đĩ thõa của cô thôi!”.

Bây giờ bà khẳng định linh tính đó đã không đánh lừa bà. Ngày ấy, bà đã cướp kỉ vật duy nhất trong tình yêu của người phụ nữ mà giờ này bà thấy đáng thương hơn hận. Và suốt ba mươi năm qua người phụ nữ đó vẫn cố gượng để sống với hồi ức tình yêu của mình, cho dù kỉ vật cuối cùng để bấu víu đã không còn.

Bà lớn tiếp tục nghe tiếng gió êm bên tai:

- Em nghĩ sẽ không thể sống được nếu tiếp tục ở lại miền đất quê mình, bao nhiêu hình ảnh gợi sự đau xót quặn lòng cứ vây lấy em từng ngày. Lo làm mộ cho má xong, em theo bà mợ sang Nam Vang. Lâu nay mợ vẫn đi ghe chở đồ qua lại buôn bán bên đó, em sang đấy ở hẳn để trông coi quầy hàng cho mợ. Đến ngày giỗ chung của hai bà cháu em về lo cúng kiếng rồi ra bờ sông đốt nhang cho con. Nói thiệt, nhiều khi nhớ ảnh chịu không được, em xin mợ ít ngày để trở về rồi tối lén ngồi ghe đến bến chợ gần nhà chị. Có khi rất gần và em cảm giác như mình đã chạm được đến ảnh. Cũng ngộ! Em lại làm cái việc mà trước đây ảnh với chị đã từng làm, khi hai người vừa cưới nhau xuôi ghe đi buôn và đêm lén về thăm nhà cha má chị. Vẫn thấy nôn nao mỗi lần về, mặc dù chỉ ngồi trong đêm để nghe tiếng nói của người mình thương trong nỗi buồn với biết bao dằn vặt. Về để nghe tiếng con của anh chị mà nhớ đến con mình. Sau này khi ảnh đã nằm đây cũng có những đêm em về, để đốt cho ảnh cây nhang rồi cùng ngồi lặng im trong khoảng không gian cô tịch này.

Bà nhỏ dừng lời và lại nhìn về phía bờ sông. Có tiếng thở dài của bà lớn:

- Đúng là cay nghiệt! Ổng luôn dằn vặt và tự trách mình vì cái chết của con trai ổng với má cô, cả sự bỏ đi của cô nữa. Chờ đợi thương nhớ bao năm, ổng đâu ngờ có lúc cô đã ở thật gần với ổng như vậy. Giá như cho đến trước khi bị bệnh mất, ổng được gặp cô thì lúc ra đi tâm tư đã được thanh thản hơn.

Bà lớn lại hỏi sau một lúc yên lặng:

- Hỏi thiệt cái này, hồi ấy cô còn trẻ chỉ chưa đầy ba mươi, sao không tìm chỗ có thể thương yêu, tin cậy được để nương tựa nhau nơi đất khách quê người?

Bà nhỏ quay nhìn bà lớn, vẫn ánh buồn:

- Tin cậy? Chắc cũng có thể tìm được. Còn thương yêu thì… cũng đâu dễ đặt tình yêu của mình cho người khác, chị! Em nghĩ chỉ một lần duy nhất trong đời em trao gửi tình yêu của mình vào một người đàn ông, mà nói điều này nghe thật xót xa và không phải với chị. Cho dù sự gửi gấm tình cảm đó mang lại cho em không ít bất hạnh nhưng em không ân hận.

Bà lớn cảm thấy bất ngờ. Suốt ba mươi năm nay bà đã không gặp lại người phụ nữ này. Bà cứ đinh ninh thời gian trôi qua dù có thể không làm mất hẳn, nhưng ít ra cũng đã phôi phai kỉ niệm và nỗi niềm trong lòng người ra đi. Nhưng đối với người ngồi cạnh bà lúc này thì không phải vậy. Bây giờ bà càng thấm thía rằng trong cuộc sống, những ứng xử mà người đời có thể cho rằng mình đúng nhưng sự thật thì không hẳn. Bà ước giá như thời gian có thể quay trở lại, chắc chắn bà sẽ có những hành xử khác.

Gió trở mạnh hơn và hai người nghe có cả hơi lạnh trong nó. Vài đám mây di chuyển qua trên đầu họ tạo ra những mảng tối trên bãi nghĩa địa.

- Sợ có mưa quá hả cô?

Bà nhỏ chưa kịp trả lời. Cơn mưa rào đã ập đến.

- Chị vô ngồi chung với em đi!

Bà nhỏ vừa nói vừa mở nhanh chiếc áo mưa lôi ra từ trong giỏ bà mang theo. Có vẻ hơi ngượng ngùng một thoáng nhưng rồi bà lớn cũng làm theo.

- Thiệt khổ! Giờ lớn tuổi rồi trở nên quên nhớ thất thường. Tụi nhỏ dặn mùa mưa đi đâu nhớ mang theo dù hay áo mưa mà có mấy khi nhớ đâu. May mà còn có cô.

Nhận ra một chéo vạt áo của bà lớn còn bị hở, bà nhỏ nép sát người vào và kéo góc áo mưa dành nhiều hơn cho bà lớn.

- Chị che cho kín lại! Đừng để bị ướt. Lớn tuổi dễ bị nhiễm lạnh lắm. Em còn trẻ hơn nên không sao đâu, nhỏ hơn chị đến mười tuổi lận mà.

- Ừ! Thì đúng như cô nói nhưng cũng đừng có ỷ lại. Cuộc sống cho thấy chênh lệch về sức khỏe của khoảng cách mười năm tuổi ở lứa về già cũng ít thôi, chứ không quá lớn như chênh lệch nhan sắc giữa cô với tôi ở lứa tuổi ba mươi và bốn mươi trước đây đâu!

Họ nhìn nhau cùng cười.

Bà lớn lại cảm thán:

- Nói chứ tuổi già luôn rệu rã với bao bệnh tật, còn ham muốn gì nữa mà hơn thua với tranh chấp như thời son trẻ nữa cô.

Cơn mưa rào đi qua cũng thật nhanh như khi nó đến. Vẻ như cũng không có gì thay đổi trong khoảng không gian họ đang ngồi trước và sau cơn mưa, trừ những lớp hơi nước khá dày còn vương lại trong không khí. Điều đó là chắc chắn vì một lúc sau có tiếng của bà lớn:

- Cầu vồng đôi kìa cô!

Theo hướng tay chỉ của bà lớn, bà nhỏ nhìn thấy hai chiếc cầu vồng nằm song song và vắt qua bầu trời phía trên các đám lau cạnh bờ sông. Chiếc hơi ngắn hơn nằm phía dưới. Hai chiếc cầu vồng càng trở nên sặc sỡ hơn theo độ sáng tăng lên của ánh nắng chiều sau mưa. Rồi cũng thật bất ngờ, như một sự vỡ òa của cảm xúc bị dồn nén suốt ba mươi năm, bà nhỏ chợt gục đầu vào vai người ngồi cạnh. Bà lớn nghe có tiếng nấc nghẹn cùng những giọt nước mắt rơi xuống ấm vai mình...

Trong lúc ấy gió vẫn thổi. Những mảng bông lau trắng vẫn tiếp tục bay rơi trên những nấm mồ, lên cả mái đầu bạc của hai người phụ nữ đang ngồi tựa vào nhau trầm mặc trong bóng chiều

 

N.T.N

 

-------

1. Bài ca cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu.

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)