Chứng nhân

Thứ Hai, 21/08/2023 00:03

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

Lạnh rồi, đông đã tới/ Heo hút biên cương nơi đồng đội tôi nằm… Không biết do câu thơ cùng bức ảnh phong cảnh núi rừng quen thuộc mới cập nhật trên trang facebook của Định hay luồng gió lạnh vừa khẽ gõ cửa khiến chiếc điện thoại trên tay tôi run run. Tôi lặng lẽ nhìn sang Định. Vết sẹo nơi gò má Định lại đỏ lên và giật nhè nhẹ. Định ấp chén trà nóng trong tay tìm hơi ấm, lặng lẽ nhìn vào khoảng tối cuối gian nhà.

Gần ba chục năm, cứ đúng vào ngày tháng này, tôi và Định lại nhận được bịch chè của người đồng đội cũ trên Hà Giang gửi xuống. Chè được hái ở Coóc Nghè, nơi những người lính vận tải chúng tôi thường qua và được tự sao bằng tay. Và đúng vào ngày tháng này, bỏ hết mọi công việc, tôi và Định ngồi với nhau. Cổ họng dính xít vị ngọt của trà xuân. Chỉ hai ngồi đối ẩm. Từ trưa tới tận tối muộn, nhạt ấm này lại thay ấm khác. Nhưng lần này thì không thể. Chưa nhạt tuần trà, Định đứng dậy chia tay, nuối tiếc:

- Em về viện đây. Đến giờ bác sĩ kiểm tra rồi.

Chả mấy ngày là không gặp nhau nhưng chỉ có ngày này chúng tôi mới dành thời gian ôn lại những câu chuyện của gần bốn mươi năm về trước. Đành phải để sang năm, tôi dìu Định ra taxi. Định mới mổ lấy mảnh pháo “ma quái” ra khỏi đùi sáng qua. Cái mảnh pháo chỉ bằng hạt ngô, ngày ấy bác sĩ mổ dọc đùi không lấy ra được. Nó lẩn như ma vào các mô cơ, mổ nhiều sợ đụng chạm tới dây thần kinh khác đành phải để làm “con nợ” của mình, như bác sĩ nói vui. Chu du gần bốn mươi năm nó mới bị lạc đường đâm đầu vào xương, bị giữ lại và đã hành hạ người nuôi dưỡng nó một trận tơi bời. Hôm ấy, đang bon bon cùng chiếc xe ba bánh chở đầy hàng bỗng nhiên Định thấy buốt nhói ở đùi. Tấp xe vào lề đường, Định ôm đùi kìm nén cơn đau ngày càng dữ dội hơn. Người dân xúm lại hỏi: “Bác bị làm sao thế?” “Buốt quá!” Định kéo ống quần để lộ vết sẹo dọc đùi. “Chỗ này của bác bị làm sao?” “Mảnh găm vào.” “Thương binh hả?” “Không phải.” “Không phải thương binh mà xe gắn lô gô thương binh, lừa thiên hạ à!” Mọi người lảng dần. May sao tôi đi ngang qua, kịp đưa Định vào viện. Trước khi bước vào taxi Định đề nghị với tôi: “Mai anh trả lại nguyên trạng chiếc xe cho em!” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vì sao?” “Thì em có phải là thương binh đâu.”

Ba năm quân ngũ, dính hai mươi mốt mảnh đạn, ngày xưa lấy ra được mười lăm, thế nhưng Định không có thẻ thương binh. Người ta nói giả danh thương binh khiến nó tự ái. Tôi biết vậy nhưng cũng thấy nóng mặt hỏi dồn: “Bỏ lô gô thương binh xuống thì được, thế còn dòng chữ “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử” thì sao? “Dòng chữ ấy phải để nguyên! Đấy là danh dự của em.” Định nói như quát lại tôi.

“Danh dự của em”, câu nói này của Định tôi đã nghe nhiều lần và lần nào tôi cũng trào nước mắt. Tôi cố kìm để không có một cái ôm thật chặt với nó. Bởi vì chúng tôi đang ở giữa phố đông người.

 

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Định là em của một người bạn cùng khóa đại học với tôi. Ngày tôi nhập ngũ, bất ngờ khi thấy nó đứng phía trước trong hàng tân binh.

“Mày mới mười sáu cơ mà?” - Tôi giật áo nó, thắc mắc.

“Anh nói nhỏ thôi. Em làm đơn tình nguyện, khai mười tám.”

Về đơn vị, chúng tôi gọi nó là Định “đen” hay Định “gấu” bởi nó mới mười sáu mà đã to, vâm như người ngoài hai mươi, da lại đen cháy. Chỉ đến hôm hai anh em ở trong hầm, nghe tiếng đạn pháo réo qua đầu, Định mới khai lí do muốn đi bộ đội. Không vào được cấp ba phổ thông, đến học bổ túc cũng làng nhàng, Định muốn đi bộ đội sớm để khi xuất ngũ sẽ được ưu tiên học nghề.

“Tính toán ghê đấy, nhưng người tính không bằng trời tính, thằng em dại ạ. Từ nãy tới giờ nghe tiếng pháo đã ung đầu chưa, biết có xuống được hay không đây.”

Định không trả lời, đi sang đài quan sát bên cạnh. Khi trở về Định đăm chiêu nhưng không có biểu lộ lo lắng. B trưởng Nguộc đứng ở dưới dốc gọi trung đội tập hợp. Tôi hơi run khi trên đầu mình tiếng reo réo của đạn pháo ngày càng nhiều hơn. Định động viên như người từng trải:

“Tiếng rít này không phải bắn gần mình đâu. Em vừa nhòm kính quan sát, 812 của mình đây còn xa tuyến một lắm.”

Nói rồi nó lặng lẽ xuống. Tôi xuống theo. B trưởng dẫn chúng tôi đến một đống tấm bê tông đúc sẵn giao việc:

“Lính mới mỗi người một tấm thẳng, lính cũ hai người tấm cong. Mấy hôm nay đường qua Coóc Nghè bị chúng nó bắn phá mạnh nên phải đi tầm muộn này. Qua đấy đài quan sát bên kia nhìn rất rõ nên mọi người chú ý. Xong sớm nghỉ sớm.”

Tôi nhìn trời. Không gian âm u, những dải sương mù giăng qua đỉnh 2000 dày đặc hơn. Làn sương mỏng bay ngang qua lành lạnh, tê tê như kim châm lên mặt. Ai dẫn đường nhỉ, mình đã biết điểm đến chỗ nào đâu? Tôi lo lắng nhưng không biết hỏi ai vì mọi người đều sẵn sàng vào việc.

Định quàng chiếc đệm vai lên người tôi, nhắc xoạc chân giữ thế rồi xốc một tấm bê tông đặt lên vai tôi. Gần năm mươi cân, với Định chẳng là gì nhưng với tôi là quá sức. Hai đầu gối chùng xuống, tôi chuệnh choạng bước theo đội hình trung đội. Mấy hôm trước hành quân lên, ba lô đã được anh em mang giúp, vậy mà, nhiều đoạn dốc tôi phải bò như đứa trẻ tập đi mới tới được hầm mình. Hôm nay hai bắp chân vẫn cảm thấy như chẩy nhão ra, buồn buồn, nhức mỏi.

Cố! Gắng chịu rồi cơ thể sẽ quen! Vừa bước tôi vừa tự động viên. Bước chân leo dốc còn run nhưng vẫn lên được. Nhưng khổ nhất là cạnh bê tông đè xuống vai đau như bị cắt, cổ như bị bẻ, còn đầu nhức như búa bổ.

“Nghỉ đã anh ơi!” - Định đi sau tôi gọi.

Có lời như vậy chẳng khác gì quân lệnh, tôi thả ịch tấm bê tông xuống vệ đường, buông người ngồi tựa vào taluy, mồm mũi tranh nhau thở. Còn Định, nhẹ nhàng đặt tấm bê tông lên thành đường hào. Khi Định quay lại, tôi vừa thở dốc vừa hỏi:

“Mọi người đi nhanh quá, giờ đi đường nào?”

“Em thấy bảo cứ theo đường hào.”

“Sao lúc sang đài quan sát về thấy ưu tư thế?”

“Anh nhìn vào trong sẽ thấy, chẳng khác gì cái lò vôi, không biết bộ đội mình sống thế nào.” Rồi Định nhắc tôi: “Lần sau nghỉ anh để lên chỗ cao, lúc đi tiếp không phải mất sức quai lên.”

Zéo... Xoẹt… Oành!

Tiếng rít khủng khiếp rồi tiếp là tiếng nổ dữ dội khiến tôi và Định nhao xuống nằm ép vào vách taluy.

“Còn xa tim lắm.”

Có tiếng nói ngay gần, tôi và Định ngồi dậy. Có mấy người lính vác bê tông đi ngang qua:

“Lính mới, lần đầu thấy pháo bắn gần hả? Chỉ quả sau nữa là quen. Đi nhanh đi, không là trời tối đấy.” - Dù vác nặng nhưng giọng nói và vẻ mặt của họ vẫn như thường.

Trời đột ngột đổ mưa. Tháng mười hai rồi mà mưa còn dữ dội. Mưa rừng không ầm ào như mưa biển mà cả khối nước âm thầm đổ ụp xuống. Người ướt sũng, lạnh cắt da. Bóng tối bất ngờ chụp bưng lấy mắt, trước có ai sau có ai tôi không nhìn thấy, thậm chí tấm bê tông ngay mắt mình cũng không thấy. Tôi lắng tai nghe. Có tiếng thở phía sau.

“Định hả?”

“Vâng, em đây.”

“Tao chẳng nhìn thấy gì.”

“Cứ đường hào mà đi. Chậm thôi. Dốc quá, cẩn thận trơn ngã.”

Chẳng hiểu có phải do tâm lí, nó vừa nói ngã là tôi ngã luôn. Trượt như cầu tụt. Chân tôi đạp vào người đi trước. Có tiếng ái ôi rồi hỏi thằng nào đấy. Tôi dừng trượt nhưng nhiều tiếng ái ôi tiếp nối trong mưa. Định cũng vừa tới nơi nói, may mà tấm bê tông không đập vào người, bảo tôi vác tấm của nó còn nó quay lại tìm tấm của tôi. Rét làm tê dại cả cảm giác đau nhức.

Cỏ tranh trên bờ hào quệt vào mặt như bị dao lam cứa, nước mưa chan vào xót như xát muối. Phía đồi bên, những đường đạn đỏ lừ đan vào nhau nhằng nhịt như tấm lưới rối. Tiếng nổ ục uỳnh như từ dưới lòng đất vọng lên. Hết đường hào từ khi nào tôi cũng không biết. Cái nặng cũng làm tê liệt cảm giác, chỉ tới khi phải đổi vai tôi mới cảm nhận là mình đang vác, các khớp đang buốt nhoi nhói.

“Có phải lính C25 không đấy?”

Tôi giật mình bởi tiếng hỏi bất ngờ.

“Dạ vâng!” - Định đi ngay sau tôi, trả lời.

“Để gọn vào đây. Sao đến muộn thế?”

Lúc này tôi nhìn rõ bóng người, rõ đống bê tông bên đường. Định hạ xong tấm bê tông của mình, đi lại chỗ đó:

“Báo cáo thủ trưởng, cứ vác thế này mấy buổi nữa thì lấy sức đâu mà chiến đấu.”

“Cố lên em, đây cũng là chiến đấu đấy.”

 

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Năm xưa Định khai tăng tuổi để đi bộ đội mà không nghĩ rằng khi xuất ngũ về địa phương điều đó lại chính là lí do để các thủ tục hành chính hành cho Định lên bờ xuống ruộng, phải đi đi về về giữa quê và đơn vị tổng cộng mấy nghìn cây số để làm các loại giấy tờ. Nó như một người biết lỗi, không một lời than vãn. Cứng rắn như Định rồi cũng phải rơi nước mắt khi nộp đơn xin học nghề. Định trình bày, mình là thương binh trong chiến tranh, muốn được học một nghề phù hợp với sức khỏe. Người cán bộ phường gằn giọng :

“Cái tội gian dối về tuổi của cậu chưa qua đâu. Cậu bảo là thương binh thế thì thẻ đâu?”

Định nín nhịn chỉ vết sẹo trên mặt rồi vạch bụng, vén tay áo, vén quần để lộ những vết sẹo, có vết vẫn còn tấy đỏ, trình bày:

“Nói thật, chúng em còn sống trở về mừng lắm rồi, bỏ lại hết các giấy tờ chứng thương.”

“Có hai điều tôi cảnh cáo cậu. Thứ nhất, hồ sơ quân nhân của cậu là tất cả thời gian quân ngũ đều ở C25, phiên hiệu đơn vị vận tải, thế thì chiến đấu cái gì mà cậu bảo bị thương. Thứ hai, trung đoàn cậu là trung đoàn huấn luyện của địa phương phía sau.”

Định muốn thanh minh về sự khốc liệt của chiến trường và tại sao đơn vị có phiên hiệu như vậy nhưng nhìn ánh mắt đắc ý của người cán bộ, Định lặng im.

*

*         *

Mưa đã trút hết nước nên nắng thỏa sức xối. Không biết người tôi được tắm bằng mồ hôi là do độ ẩm cao hay đất dưới lòng hào quánh lại níu bước chân. Là do đi sớm hơn và cơ thể cũng đã chấp nhận cái nặng đè lên vai nên đến đường hào trời vẫn sáng.

“Chè nhiều thế, toàn cây cổ thụ.”

Păn đi trước tôi, dừng lại ngắm nhìn những cây chè trên triền núi. Lần đầu tôi được tận mắt nhìn thấy chè cổ thụ. Không ít cây bị mảnh pháo băm nham nhở, có cây trốc cả gốc.

“Quê em nhiều chè lắm nhưng không có cây to thế này. Mai anh em mình đi hái về sao.”

Tôi hỏi :

“Biết sao không?”

“Biết mà, ở nhà em cũng trồng chè. Sắp có chè xuân rồi. Chè xuân không được nước nhưng xanh nước, uống ngọt và thơm hơn.”

Hết đường hào, tôi đứng tần ngần giữa ngã ba đường. Một hướng hơi dốc lên, hướng kia đi xuống. Định dừng lại, băn khoăn hỏi:

“Hôm qua hết đường hào anh thấy mình đi lên hay đi xuống?”

“Hôm qua khác nào nhắm mắt đi, có biết gì đâu.”

“Đi đường này các quê ơi! - Păn đã đi vượt lên phía trước, vẫy tay nói như đinh đóng cột - Đầu đường hào có cây chè bị gãy tòe gốc, cây ấy đây, em đi rừng đêm quen rồi mà, đi về phía này.”

Tôi chưa kịp nhấc bước thì chựng lại bởi nghe thấy tiếng pháo nổ đầu nòng. Zéo… Trong tích tắc, tiếp theo là tiếng rít gió kinh hoàng xé toang bầu trời. Không biết tôi đã quăng tấm bê tông thế nào để nằm sập xuống. Một quầng đỏ bùng lên trong mắt. Tiếng nổ khủng khiếp đè bẹp tôi xuống.

Khi tôi tỉnh lại, cảm nhận không gian xung quanh mình trống rỗng. Trống rỗng bởi không có một tiếng động nào phát ra. Cảnh vật hình như bị đẩy ra xa hơn. Chuếnh choáng. Tôi chống tay ngồi dậy. Định đang ôm đùi, máu rỉ qua kẽ tay. Tôi tỉnh hẳn, nhào tới. Định xua tay, chỉ về hố pháo cách chúng tôi vài mét.

“Kệ em. Xem anh Păn có sao không?”

Hố pháo giữa đường, đất đỏ bầm thâm, loang những vệt xém đen của thuốc pháo. Păn đâu? Không một vệt máu. Có phải lúc nãy nó đứng chỗ này? Tôi tìm xung quanh. Những mảnh bê tông vỡ vụn cách xa cả chục mét…

*

*           *

Chỉ còn một tháng nữa chúng tôi được xuất ngũ, nếu như Định không tình nguyện đi tải thương thì sẽ không bị thương lần thứ hai.

“Cáng tử sĩ, khẩn trương!” B trưởng thúc giục.

“Nhìn thằng Trung kìa, tải thương lần đầu run thế, tháng trước tao nằm ôm tử sĩ trong khe đá ba ngày vì pháo rát quá không xuống được có sao đâu, đồng đội mình cả. Xuống khu phẫu làm quen đi, để tao thay.”

“Vừa sốt rét xong có leo nổi không? Cuối tháng ra quân rồi.” B trưởng hỏi.

“Để em đi chuyến cuối.”

“Cái lò nung vôi” mà Định ưu tư khi ngày đầu nhìn qua đài quan sát thì nay tám tháng trước khi chia tay cuộc đời quân ngũ, chúng tôi được tôi luyện trong đó. Một mình vác tấm bê tông bảy chục cân leo dốc nghìn mốt, chạy pháo bắn thẳng bây giờ với tôi chẳng là gì. Đạn các loại cõng cả ngày không mệt. Sốt rét, teo cơ, viêm cơ, ghẻ, hắc lào… là bạn gần gũi với lính chốt nhưng xa lạ với tôi. Chỉ duy nhất một lần cõng đạn cối 82 vào hang Làng Lò bị cánh đuôi chọc xước lưng lại cõng luôn thương binh bị nhiễm trùng ra nên lưng sưng tấy hơn tuần là nặng nhất.

Tử sĩ ở tổ tiền tiêu không thể dùng cáng được, tôi và Định phải bó chặt thi thể không còn nguyên vẹn vào võng rồi thay nhau vác. Có lúc bò, tử sĩ đặt trên lưng tôi, Định lom khom giữ bởi phải đi qua khoảng trống mà hai bên chỉ cách nhau vài chục mét, luôn rình rập những đường đạn bắn tỉa. Ra tới chỗ cáng được thì người nhuộm đỏ vì máu tử sĩ cùng với máu từ hai bàn tay, đầu gối của tôi và Định bị đá cứa tướp tơ.

Cáng được tới khe suối, tôi và Định đặt tử sĩ xuống ngồi nghỉ.

Pình! Pình! Pình! Tiếng đầu nòng của cối. Roẹt…! Roẹt… Roẹt! Tiếng xé gió của đạn. Tôi nhao người nằm xuống.

Pành! Pành! Pành! Những khối lửa đỏ lựng, đất đá chùm lên người tôi. Quen rồi. Sau tiếng nổ, tôi chồm dậy nhìn quanh. Định đang vùng vẫy dưới suối. Nước xung quanh nó đỏ lòm. Tôi nhào tới kéo Định lên bờ. Người nó ngập máu. Tôi vác Định lên vai chạy về hang phẫu.

Trung cùng tôi quay lại tìm tử sĩ. Trận cối đã qua, lòng suối tan hoang.

“Anh ấy hóa đá rồi!”

Trung nghẹn ngào khóc khi hai chúng tôi không tìm thấy dấu tích nào của Păn, cả chiếc cáng cũng không thấy. Tôi bần thần nhìn dòng chảy mới của con suối.

*

*         *

Cầm mảnh đạn pháo lấy từ đùi của Định, tôi nảy ra “sáng kiến” mang đi trưng cầu giám định xem có đúng là mảnh pháo hay không, thời gian nó đã tồn tại trong cơ thể bao lâu, để làm chứng cứ Định đã bị thương vì pháo địch trong chiến tranh, rồi làm tiêu chuẩn thương binh cho nó. Khoa học bây giờ đủ khả năng phân tích. Mà cũng tại nó. Lần bị mảnh đầu, Định coi thường bảo, bằng cái hạt ngô găm vào đùi xi nhê gì, sao mà gọi là thương binh. Mấy lần lên chốt giấy tờ chứng thương thất lạc, Định coi như không có. Lần bị thứ hai điều trị được một tháng, vết thương tạm ổn, Định quay lại đơn vị lấy quyết định xuất ngũ rồi về thẳng nhà. Tôi nói, mày sợ ra viện đơn vị giữ lại bắt lên chốt à. Định trả lời, chiến tranh ai mà chả sợ. Ở viện toàn đồng đội bị pháo xé cơ thể, đau không chịu nổi. Em chả muốn quay lại đó nữa.

Định lặng lẽ nhấp ngụm trà đặc xít, định dọn giọng để nói nhưng lại thôi, mắt nhìn xa xăm. Tôi biết nó đang nghĩ về Păn. Khi giấy báo tử về tới địa phương thì gia đình của Păn đã chuyển vào vùng kinh tế mới phía Nam nên không nhận được. Bố mẹ mất cả, mấy năm trước em của Păn muốn làm chế độ liệt sĩ cho anh mình nhưng giấy báo tử không có, nhờ các cơ quan chức năng tìm trong sổ lưu danh sách liệt sĩ của quân khu để xác nhận lại thì chỉ tìm thấy một tờ giấy rời viết tay ghi tên tuổi của một số liệt sĩ cùng ngày tháng hi sinh trong đó có Păn kẹp bên trong. Tờ giấy viết tay đó, không có dấu đỏ của đơn vị, không có dấu giáp lai với sổ gốc, không cùng màu mực, cơ quan chức năng kết luận, không hợp lệ để xác nhận. Định buồn, năm nào cũng về đúng chỗ Păn hi sinh ngồi lặng cả ngày.

Thấy Định lặng im trước “sáng kiến” của mình, tôi hỏi dồn:

- Lần này có quyết tâm làm thẻ thương binh không, anh em chúng tao giúp? Nhớ anh Nguộc B trưởng không, bây giờ là cán bộ to rồi, chẳng lẽ không giúp được.

- Bao giờ làm được chế độ liệt sĩ cho anh Păn thì em sẽ làm. - Định hạ giọng gần như lầm bầm nhưng chắc nịch, như đang nói với chính mình.

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)