Những người gắn vết chiến tranh

Thứ Tư, 26/07/2023 00:04

. ĐINH PHƯƠNG
 

Huế một chiều đầu tháng sáu, trời đang nắng rang thoắt chuyển mưa. Mặc trận mưa bóng mây đột ngột, bên chiếc ghế băng đặt dưới gốc nhãn cổ thụ, Thượng tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn rủ rỉ ngồi kể cho tôi nghe những kỉ niệm về đợt tìm mộ liệt sĩ mùa khô 2022 - 2023 trên đất bạn Lào. Nhìn mưa, anh bảo, với người lính làm nhiệm vụ quy tập, mưa cũng là một nỗi sợ vì gặp rất nhiều khó khăn vất vả, thậm chí phải bỏ dở công việc…

Những mùa khô nơi đất bạn

Đội quy tập 192 được thành lập vào năm 1992. Trong hai năm đầu đội tập trung tìm kiếm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến năm 1996 được lãnh đạo Quân khu 4 giao thêm nhiệm vụ tìm kiếm mộ liệt sĩ ở tỉnh Salavan nước bạn Lào vào mùa khô hàng năm (tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau). Đến năm 2001 ngoài Salavan, Đội mở rộng địa bàn thêm ra ba huyện của tỉnh Sekong là Ka Lừm, Lã Mam, Thà Tèng

Quân số thường xuyên của đội duy trì mức xấp xỉ năm mươi. Trước mỗi mùa khô hai tháng đội sẽ tiến hành chuẩn bị hậu cần, huấn luyện từ bắn súng, dò gỡ mìn, bơi, sử dụng bản đồ địa hình ngoài thực địa đến cách làm bè mảng, mắc tăng võng, nhận biết sử dụng rau rừng, kĩ thuật sơ cấp cứu, phòng chống rắn và côn trùng cắn, rồi học tiếng Lào, phong tục tập quán một số tộc người như Katu, Alak, Tà Ôi…

Đội quy tập 192 tìm mộ liệt sĩ tại địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nhưng dù chuẩn bị kĩ thế nào chăng nữa thì vẫn có những tình huống “vượt chương trình”, nếu người đi làm không linh động, gan dạ, quyết đoán rất dễ “cháy giáo án”, không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2001 ở bản Cù Tài, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, theo thông tin được cung cấp, đội xác định địa hình, đào trong vòng bán kính 30m thì gặp ba mộ. Chẳng biết đất lành đất dữ sao mà khi mở tăng liệm ra, sau bao năm, ba người lính da thịt vẫn nguyên vẹn, hồng hào trông như nằm ngủ, tóc chớm vai, móng tay dài gần chục phân. Cả đội mặt tái xanh, chẳng ai bảo ai đều ù té chạy. Bao câu chuyện mộ tươi mộ kết nơi làng quê ùa về. Đây lại giữa rừng, lam sơn chướng khí, chẳng biết thế nào. Biết tâm lí anh em nhiều người đi lần đầu ngại, anh Chương xốc lại tinh thần, bảo dưới kia là đồng đội, các bác các chú của chúng ta đấy. Và anh động viên mọi người nghỉ ngơi tại chỗ, đợi cho khí tụ dưới mộ tan đi rồi quay lại cất bốc bình thường. May mắn thay, cả ba ngôi đều xác định được tên tuổi, cấp bậc, địa chỉ gia đình, trong đó một ở Bắc Giang, một Hòa Bình, một Hà Nội. Nhưng chỉ hai liệt sĩ được đưa về quê hương, một đành an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, bởi trước đó gia đình tin ngoại cảm, đã “trót” mang đất mục, xương cốt chi đó về thờ cúng rồi.

Anh Chương chia sẻ thêm, trong hành trình của đội từ năm 1992 đến giờ đã tìm được hơn 3000 mộ liệt sĩ, trong đó số có tên tuổi địa chỉ chưa đến 10%. Nguyên nhân chính là do thời gian lùi sâu, điều kiện mai táng trong chiến tranh khó khăn, khí hậu, địa chất biến đổi liên tục. Ở Lào hiện nay nhiều nơi rừng che phủ không còn, người dân dùng máy múc xới đất lên trồng sắn. Chỗ nào máy xúc đi qua hài cốt bên dưới thường không tìm thấy. Mỗi lần tìm được mộ liệt sĩ, thấy lọ penicillin chứa tờ giấy nhỏ ghi thông tin đã mủn nát, anh em đều rưng rưng. Lúc đó, ai cũng ước có chiếc máy thời gian để đưa lọ penicillin kia về vài chục năm trước, lúc giấy còn dai, mực chưa mờ…

Chuyện đi tìm mộ liệt sĩ thường li kì, phảng phất không khí tâm linh. Anh Chương kể, vào một đêm cuối đông 2002, giữa rừng sâu núi thẳm khu vực giáp biên Việt - Lào, chiếc xe Gaz 66 quân sự đang đi thì chết máy. Trên xe lúc đó có lái xe, một chiến sĩ, anh và sáu bộ hài cốt liệt sĩ mới quy tập. Tất cả nhảy xuống khỏi thùng, lái xe bật đèn pin mày mò mãi, rồi bảo xe hỏng thế này phải cuốc bộ xuống tận mạn cửa khẩu Cu Tai - Hồng Vân mới tìm được đồ thay. Người lái xe và chiến sĩ đi rồi, còn mình anh ở lại trông hài cốt liệt sĩ. Đêm mịt mùng, ngồi trên thùng xe quây bạt với khẩu AK đã lên đạn sẵn, anh chờ đợi trong tiếng chim bắt cô trói cột, tiếng cú rúc, gà rừng gáy vọng lên đâu đó giữa bốn bề núi cả. Anh lấy lương khô ra ăn, lấy nước trong bi đông uống. Kiểm tra kĩ lưỡng lần nữa sáu bộ hài cốt, trải bạt ngồi xuống bên cạnh, anh vẩn vơ nhớ lại, mình từng run tay khi lần đầu cầm đoạn xương ống chân đưa lên từ hố đào, bực tức chán nản khi rõ ràng đã xác định đúng tọa độ mà đào mở rộng cả mấy chục mét chẳng thấy gì, rồi lan man những bận anh em trong đội bị sốt rét phải cáng băng rừng đưa vào trạm xá bạn, hay ăn vội miếng lương khô vào giữa trưa hoặc tối muộn, cố gắng đưa liệt sĩ về. Với người lính tìm kiếm hài cốt không có thời gian biểu cố định, trong tám tháng nơi đất bạn, nhiệm vụ chính là bám bản, bám người dân tìm kiếm thông tin, kiểm chứng đối chiếu nguồn tin, xác định tọa độ vị trí và đào tìm. Nguồn tin trước đây đến từ sơ đồ của đơn vị hoặc đồng đội để lại, giờ đã cạn kiệt dần, phần vì người trực tiếp chôn cất đã mất, nếu còn trí nhớ cũng không còn minh mẫn, sức khỏe yếu không thể đi cùng đội. Mà từ bản vẽ đến thực địa là cả quá trình biến cải. Có ngôi mộ rõ ràng ở vị trí A qua nhiều mùa lũ rừng đã chuyển sang vị trí B, rồi từ B sang C cách nhau cả quả đồi. Thế nên có ngôi mộ đào lần đầu không thấy, nhưng lần sau tìm ngôi mộ khác gần đó có khi thấy cả hai…

Suy nghĩ miên man, mắt dần nhíu lại, anh Chương mơ hồ nghe thấy trong gió thoảng có tiếng nói: “Hết ca gác của cậu rồi, nghỉ đi, bây giờ đến chúng tớ, sáu thằng còn lại chia ra mỗi thằng đôi tiếng.” Sáng ra, tiếng nổ máy xe làm anh thức giấc, tài xế và cậu chiến sĩ đã về sửa xong xe chuẩn bị đi tiếp. Tiếng nói hồi đêm như vẫn văng vẳng trong đầu. Anh Chương tự hỏi do mình mệt quá sinh ra ảo giác, hay là từ thế giới tâm linh thật?

Nghe đến đây tôi hỏi anh Chương có tin vào thế giới bên kia không. Anh cười, xòe bàn tay to bản, vết chai nọ chồng vết chai kia, bảo, mộ liệt sĩ tính đến giờ qua tay mình cả trăm, chỉ cần nhìn xương là biết xương động vật hay xương người, dựa vào độ bóng mặt ngoài lẫn mặt trong ống tủy. Xương động vật mặt trong trắng, còn xương người thì đen, các phần chỉ cần nhìn là biết đốt xương sườn thứ mấy trên cơ thể, răng hàm dưới hay hàm trên. Còn bảo tin thì là tin tâm mình sống đúng, các anh các chú phù hộ không đau ốm gì mấy chục năm qua…

Đội quy tập 192 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Salavan (Lào)

Bộ hài cốt trong vỏ bom

Cũng ở Đội quy tập 192, tôi gặp Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Đình Tịnh. Dáng thấp đậm, cặp mắt đen láy linh hoạt, đã có ba mùa tìm mộ ở nước bạn Lào, anh kể cho tôi nghe một chuyện lạ. Vào mùa khô năm 2018 - 2019, sau khi sang nước bạn, đội chia thành các nhóm nhỏ đi nắm thông tin tại các bản làng và biết có ngôi mộ liệt sĩ tại bản Cà Vả, huyện Sa Muội. Tiến hành đối chiếu, tìm kiếm, đào được hơn năm mươi phân tất cả đều giật mình bởi chạm vỏ bom. Anh Tịnh nhận ra ở đầu, đuôi, giữa thân bom đều buộc dây rừng cố định chắc chắn, cùng vết nứt ở dọc thân. Sau khi khảo sát, thấy không có gì nguy hiểm anh em mới tiến hành bới rộng xung quanh, chặt tre làm đòn để bẩy quả bom lên. Khi gỡ hết dây rừng xung quanh, tách đôi quả bom, hài cốt liệt sĩ nằm trong lộ ra cùng di vật như bát thìa, gương lược, bàn chải đánh răng, cúc áo, lọ penicillin nhưng tiếc thay giấy bên trong đã mủn cả.

Tìm được mộ liệt sĩ đã khó, đưa được mộ về cũng lắm gian truân. Anh Tịnh cho biết, nếu mộ liệt sĩ tìm thấy ở trong rừng, tách biệt hẳn với bản làng các tộc người thiểu số thì mang về bình thường. Còn mộ đã ở nghĩa trang của bản, rừng của bản, thường già làng trưởng bản sẽ yêu cầu đội phải cúng nộp cho thần rừng trâu bò lợn dê hoặc gà vịt. Lợn đo gang bụng, ba gang, nghe thì đơn giản, như anh Tịnh mới sang chưa hiểu sẽ dễ dàng đồng ý. Nhưng sau được anh Chương Đội trưởng giải thích, lợn đây không phải là giống lợn trắng nuôi tốt có thể đạt hai ba tạ thịt mà là lợn mọi. Giữa rừng núi, tìm một con lợn mọi như thế khó hơn lên giời, bởi ba gang bụng xấp xỉ bốn năm mươi cân chứ chẳng ít. Giống lợn mọi thường chỉ hai mươi cân đổ đi hầu như không lớn nữa. Dê thì tính gang dọc từ khấu đuôi lên, ba gang áng chừng ba mươi cân thịt. Đưa tiền nhờ bà con đi mua giúp thì bà con chẳng nhận. Anh em linh hoạt khéo léo vận động bà con chuyển từ lợn ba gang xuống gang rưỡi hay một gang, dê cũng vậy. Có bản làng bà con yêu cầu trâu trắng thì anh em xin chuyển sang trâu thường, sang nghé, chứ trâu trắng tìm đâu ra. Trường hợp trưởng làng không yêu cầu cúng, thì bà con trong bản thích món đồ gì anh em đội quy tập sẵn lòng để lại. Từ xoong nồi đến mũ cối, dép rọ, áo rằn ri… Với những bản làng heo hút phải đi vài ba ngày đường mới tới, cuộc sống của họ giống thời nguyên thủy, sống theo lối tự cung tự cấp, trao đổi theo kiểu vật đổi vật nên tiền chẳng có ý nghĩa gì. Bởi thế anh em trong đội luôn phải mang thêm quân tư trang để phòng...

Tìm mộ giữa phố

Việc tìm hài cốt liệt sĩ trên nước bạn Lào vô cùng gian nan. Nhưng công việc này ở trong nước cũng không hề dễ. Khó khăn nhất vẫn là nguồn thông tin, cùng sự thay đổi của địa hình. Ví như ở Huế, những rừng keo lá tràm bạt ngàn, chỗ nào cũng giống chỗ nào. Thông tin về đường mòn, ngã ba ngã tư, gốc cây, tảng đá to làm dấu đều bị xóa hết.

Khi tôi thắc mắc, nếu có người trực tiếp chôn liệt sĩ đi cùng, cộng với bản đồ xác định được địa hình, thì việc tìm kiếm có dễ dàng không. Đại úy, QNCN Trương Xuân Hòa buồn bã trả lời, nếu thế chỉ tăng cơ hội thôi chứ cũng không chắc chắn trăm phần trăm. Như tháng 12 năm 2021, anh cùng anh em trong đội đưa bác Lâm tám mươi tuổi, người trực tiếp chiến đấu và chôn cất liệt sĩ tên Út tại khu vực rừng Bạch Mã, nơi tiếp giáp hai huyện Phú Lộc và Nam Đông đi tìm mộ. Đoàn mười hai người, trong đó có hai người dân tộc Katu dẫn đường đi đò từ đập thủy điện Thượng Nhật, vượt gần hai mươi con suối, hai quả đồi dốc bốn lăm độ, qua một ngày rưỡi thì đến được nơi xác định. Sau hai ngày tiến hành đào bới tìm kiếm không được, đoàn đành rút về. Tuy thất bại, nhưng thân nhân liệt sĩ Út đi cùng đoàn cũng cởi bỏ được phần nào gánh nặng tâm lí mang bao năm nay, họ đã đến được nơi người thân mình nằm xuống, mang về nắm đất, cắm xuống cây hương bái vọng…

Ngay giữa thành phố Huế, việc tìm kiếm hài cốt cũng gặp nhiều trắc trở. Cách đây gần mười năm đội nhận được thông tin có mộ liệt sĩ ở dưới nền ngôi nhà số 43 Tôn Thất Thiệp, Phường Thuận Hòa. Điều bất ngờ, người báo tin chính là bà chủ nhà. Bà cho biết, năm 1968 trong Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân, khi ấy bà còn là cô nữ sinh 17 tuổi đã tận mắt chứng kiến lính Việt Nam Cộng hòa đẩy xác hai người lính Giải phóng xuống hố bom rồi cho xe ủi lấp đất. Theo chỉ dẫn, đội đã tiến hành đào tìm nhưng không thấy. Đến cuối năm 2022 bà chủ nhà lại khẩn thiết đề nghị đội tìm kiếm lại. Bà quả quyết rằng trí nhớ của bà rất tốt, không thể nhầm lẫn được. Nếu không tìm để đưa các anh ấy lên thì bà ở ngôi nhà này cũng không yên. Vậy là tiếp tục. Ở lần tìm thứ hai này, phạm vi đào được mở rộng ra khoảng ba trăm mét vuông, sâu xuống dưới 2,5m. Đào liên tục hai tuần thì phát hiện một khúc xương ống, đào mở rộng phát hiện thêm bốn khúc xương chân tay, cùng các di vật như đạn, cúc áo, giày… Đến lúc này anh em trong đội mới thở phào, dù công việc vẫn chưa xong, phải mất thêm tuần nữa để san lấp, trả lại nguyên trạng đất đai.

Đội quy tập 192 tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện Lào Ngam, tỉnh Salavan (Lào)

Người thương binh bốn mươi năm đi tìm đồng đội

Qua giới thiệu của anh Hòa, tôi tìm đến ông Mai Xuân Lụa (76 tuổi, thương binh 3/4, hiện trú tại thôn Phụ Ổ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà), người cung cấp nhiều thông tin chính xác cho Đội quy tập 192, và cũng chính tay ông tiến hành cất bốc khoảng 120 phần mộ liệt sĩ trong bốn mươi năm qua.

Hương Trà là một thị xã có vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Đặc biệt trong Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân nơi đây là địa bàn trú quân, là hậu phương an toàn để các lực lượng vũ trang mở hướng tiến công chính vào cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế. Sau Mậu Thân, kẻ thù liên tục tiến hành các chiến dịch càn quét, bắt bớ, bình định, nhằm tách quân khỏi dân, biến Hương Trà thành vành đai trắng.

Chia sẻ với tôi, ông Lụa kể mình tham gia cách mạng năm 1968, được phân công phụ trách liên lạc ở Hương Chữ, Hương Trà thuộc chiến trường Trị Thiên. Trong những năm làm nhiệm vụ, ông đã đưa nhiều đơn vị vượt tuyến vào đánh địch trong thành phố Huế, tham gia tiếp tế lương thực và làm công tác cơ sở…

Câu chuyện khiến ông ám ảnh nhất đến giờ là việc chôn cất bảy liệt sĩ vào rạng sáng một ngày tháng 2 năm 1974. Khi đó mũi tiến công đánh vào khu vực Khe Trái nhằm thông đường hành lang sông Tả Trạch rồi rút ra. Trên đường rút, anh em quyết định các thương binh còn khỏe sẽ dìu nhau đi trước. Còn thương binh nặng và các liệt sĩ được mọi người thay nhau khiêng đi sau. Đến khu vực cánh đồng kiệu của phường Hương Chữ, anh em quyết định chôn cất các liệt sĩ. Một mình ông Lụa được giao nhiệm vụ ở lại, còn anh em nhanh chóng rút về hậu cứ trước khi địch ở cứ điểm An Hòa và đồn Hương Chữ phát hiện vây đánh. Ông Lụa đã đào từng hố và lần lượt chôn được sáu liệt sĩ. Đến hố thứ bảy ông kiệt sức nằm vật ra. Trời mưa lạnh, đói rét, ông khấn xin người anh em cuối cùng thông cảm rồi lấy võng trong ba lô ra bó, buộc cố định bằng dây dù, đặt xuống rãnh kiệu và lấy đất phủ lên. Trở về đơn vị ông cứ áy náy mãi. Nhưng rồi những ngày sau có dịp đi liên lạc qua đây, ông nhẹ lòng khi được biết ngôi mộ ông lấp vội hôm trước đã được bà con đi làm ruộng phát hiện, mang thi hài liệt sĩ đi chôn cất tử tế.

Ông Lụa kể, có nhiều ngôi mộ chính tay ông lấp đất vậy mà sau cũng tìm không ra. Mà đâu có xa xôi, ngay trong phường Hương Chữ này. Đó là căn hầm của gia đình ông Hoàng Thế Bỉnh ở thôn An Đô, cách nhà ông chưa đầy hai cây số. Chính ông trực tiếp chôn khoảng mười tám, mười chín người vào tháng 3 năm 1968, có thêm một vài nhân chứng nữa hiện đang sinh sống trên địa bàn, mà giờ tìm không ra hài cốt. Hỏi thì bà con trong thôn lẫn gia đình đều khẳng định chưa cất bốc đưa đi. Thế anh em nằm đâu? Từ câu hỏi canh cánh đó, tuần nào ông cũng lên nhà ông Bỉnh ngồi uống nước, trò chuyện xem người trong gia đình có thấy hiện tượng chi lạ, rồi đi dọc đi ngang mảnh đất cố gợi lại kí ức năm mười chín tuổi.

Giờ tuổi cao, thêm vết thương vì mảnh bom nơi tay trái cứ trở trời lại đau, ông không một mình ba lô cơm nắm lên rừng được nữa thì tìm mộ gần. Nhà nào đào móng xây nhà ông cũng ghé qua đôi chút uống nước hỏi han. Nghe ai trong phường, trong xã kể chuyện chôn bộ đội ta ở đâu ông đều tìm tới. Thời gian còn lại ông ở nhà làm vườn với vợ là bà Nguyễn Thị Suối, chơi với mấy đứa cháu. Con gái ông, chị Mai Thị Thủy cũng nhiễm chất độc da cam di truyền từ bố, bảy tuổi mới lẫm chẫm tập đi. Gia đình từng có nhiều giai đoạn khó khăn nhưng ông chẳng kêu than trách cứ một lời, chỉ tâm niệm sống ngày nào cố gắng đền ơn các anh em trẻ từ Bắc vào chiến đấu giải phóng đất này rồi nằm lại mãi đây.

Tìm mộ liệt sĩ trong thời đại thông tin

Mấu chốt trong việc tìm mộ hiện nay là nguồn tin. Có càng nhiều nguồn tin cơ hội tìm được phần mộ liệt sĩ càng cao. Nắm được điểm này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà trực tiếp là Ban Tuyên huấn đã có những đổi mới trong việc đề xuất, xây dựng chương trình Đi tìm đồng đội, phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế - TRT. Chương trình phát vào chiều thứ 4 tuần cuối của tháng, phát lại sáng hôm sau, thời lượng 15 đến 18 phút, gồm có các mục như Tin hoạt động, Phóng sự, Trả lời thư liên quan đến mộ liệt sĩ hi sinh trên địa bàn tỉnh…

Trung tá Tạ Văn Tú, Trưởng ban Tuyên huấn mở cho tôi xem chương trình Đi tìm đồng đội số tháng 5 vừa phát sóng. Anh chia sẻ, mục đích cốt lõi của chương trình làm ra nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền tìm mộ liệt sĩ trong và ngoài nước. Vì hoàn cảnh chiến tranh, người trực tiếp tham chiến trên địa bàn tỉnh và hai tỉnh Salavan, Sekong nước bạn Lào không sinh sống tại địa bàn. Từ chương trình, nếu họ xem được sẽ thông tin trực tiếp về Ban Chính sách để xử lí. Với thân nhân, chương trình kết nối họ với nguồn tin liệt sĩ có tên tuổi tại các nghĩa trang, đưa thông tin tìm kiếm đến nhiều người hơn.

Và không chỉ dừng lại ở hai lần phát sóng, chương trình sau đó sẽ được đưa lên TRT online và Kênh Youtube của Đài truyền hình. Từ đây anh em trong Ban Tuyên huấn lấy link về đưa lên trang thông tin của Bộ Chỉ huy, trang nhóm Quân khu 4, trang nhóm của các đơn vị cơ sở như Bộ Chỉ huy thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Phú Vang, A Lưới, Trung tâm giáo dục quốc phòng… Với phương châm không để chương trình nguội, mỗi lần chia sẻ là mỗi lần đẩy vòng sóng xa hơn.

Còn Thiếu tá, QNCN Lê Văn Sáu, người trực tiếp làm chương trình chia sẻ, mở ra một chương trình thì dễ nhưng duy trì đều đặn hàng tháng mới khó. Anh em trong ban khi mới bắt tay vào làm cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Không phải ở phần quay hay dựng, vì quay dựng thì anh em vẫn thường xuyên làm gửi lên kênh Truyền hình Quốc Phòng Việt Nam - QPVN hay đài Truyền hình Việt Nam - VTV. Bỡ ngỡ ở đây là xây dựng các mục sao cho khoa học, đủ chứ không thừa, không thiếu. Mục tin hoạt động gồm mấy tin phân bổ cái nào trước cái nào sau. Phóng sự phải chọn sao cho được sự kiện tiêu biểu, bởi hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy trong tháng khá dày. Chạy chữ nhỏ tuyên truyền ở dưới chân màn hình mỗi số đều phải đổi khác, cắt gọt lấy ý chính dễ đọc dễ nhớ. Bản thân anh Sáu vẫn ấp ủ ý tưởng về các chuyên mục mới, để Đi tìm đồng đội không chỉ mỗi tháng một số, mà tăng dần lên mỗi tháng hai số, rồi tuần một số…

Chia tay anh Sáu, chia tay đồn Mang Cá - nơi đặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong lúc chờ lên xe ngược ra đất Bắc, tôi vào Facebook chia sẻ chương trình Đi tìm đồng đội số 5 trên trang cá nhân của mình, và hi vọng trang sẽ ngày càng lan tỏa để có thể có thêm nhiều thông tin hữu ích cho các anh - những người làm công việc gắn vết chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ.

Đ.P
Ảnh: Lê Văn Sáu

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)