Trúc tre giữ đất quê hương

Thứ Bảy, 29/07/2023 00:29

. PHẠM HỌC
 

Giữa màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng hồi quế đang vươn mình mạnh mẽ trong tiết trời xuân là những hàng tre giản dị dọc bờ sông biên giới. Tre xanh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn đan vào nhau như thành lũy kiên cố để giúp dân bản cùng chiến sĩ quân hàm xanh giữ từng tấc đất quê hương…

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Ka Long từ thành phố Móng Cái lên tới xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Quảng Ninh bắt gặp nhiều đoạn đường được phủ xanh bởi những lũy tre. Ít ai biết rằng đó là thành quả của quân dân nơi đây đã dày công trồng và chăm sóc để bảo vệ biên giới từ nhiều năm trước. Những lũy tre không chỉ gia cố bờ sông, mà còn buộc nước sông phải đi đúng dòng. Lũy tre xanh cũng là đường biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giúp bà con người Dao có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Tre ngà trồng trước di tích Pò Hèn nơi các chiến sĩ biên phòng ngã xuống mùa xuân năm 1979

Còn nhớ độ chừng mươi năm trước tôi từng nôn nao say xe vì cung đường quá nhiều cua võng này. Nhưng hiện nay, cung đường đã được đơn vị thi công mở rộng, nắn cho bớt quanh co. Tuy nhiên, dù cong hay thẳng cũng không có cây to hay khóm tre nào ở bờ sông biên giới bị đốn hạ. Và trên cung đường này không khó để bắt gặp hình ảnh những người lính biên phòng đi tuần tra dưới tán rừng tre xanh ngát. Cùng đó đây những làn khói lam chiều lan tỏa từ những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi báo hiệu một cuộc sống no đủ của bà con vùng đất phên giậu địa đầu Tổ quốc.

Tiếp chúng tôi, ông Đặng Ngọc Phú, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Pẹc Nả, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, người dân tộc Dao Thanh Y. Ông đã có hơn bốn mươi năm trồng tre ở dọc bờ sông biên giới. Ông kể, ở bản này nhà nào cũng trồng tre, nhà ít thì vài khóm nhà nhiều đến mấy chục khóm. Những bụi tre kiên cố ấy giờ đã có tuổi đời ngang bằng với con cái của ông rồi. Ông Phú nhẩm tính rằng, hiện nay, những bụi tre thời đó còn khoảng hơn một nghìn bụi. Đấy là ông ước chừng thôi chứ tre ken dày vào nhau nhiều khi chẳng còn biết phân biệt bụi nào vào bụi nào nữa. Sở dĩ, việc trồng tre dọc theo bờ sông Ka Long nhận được sự ủng hộ của cả quân và dân là bởi, hơn ai hết, những người trực tiếp sống và làm việc ở đây đều ý thức được việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Sau này, người dân tự trồng thêm tre để giữ đất vườn nhà mình không bị lũ làm xói lở. Tre bén rễ, từ từ cắm sâu vào lòng đất, gia cố bờ sông Ka Long sau những đợt lũ tràn về. Dần dần, tre thành hàng, thành lũy và xanh ngát một màu như ngày nay.

Ông Phú dẫn tôi ra thăm những lũy tre. Hòa trong ánh nắng ban mai của những ngày đầu xuân tôi cùng ông đứng ở rừng tre xanh ngát. Tôi vươn ngực hít hà không khí trong lành giữa bầu trời cao rộng để tạm nguôi quên trong chốc lát cái bụi bặm phố phường. Vô số những tia nắng vàng xuyên qua kẽ lá, xuyên qua hạt sương còn đọng lại lấp lánh sắc màu xuống thảm thực vật dưới gốc tre. Từng búp măng đã nhô cao khỏi mặt đất, to tròn chờ người tới thu hoạch. Tôi biết, người hái măng cũng giữ ý lắm. Chỉ cắt một vài cây thôi. Và những cây cắt thường là bé hoặc mọc dày hay là mọc chen vào chỗ thiếu sáng. Họ để lại gần hết những cây khỏe mạnh cho măng phát triển thành tre.

Ông Phú chia sẻ thêm, thời ông còn trẻ kinh tế của bản làng Pẹc Nả còn khó khăn. Cái đói cái nghèo như con ma rừng vây quanh bà con dân bản. Cây tre là cứu tinh cho bà con. Tre cho dân bản cái măng khi miếng cơm lót dạ còn chưa đủ ấm lòng. Rồi bà con thu hái măng đi bán cũng thêm cặp được dăm ba đồng mua đỡ vài ba cân gạo. Dân bản còn chặt những cây tre già để đan lát rổ rá dần sàng, làm quang gánh và nhiều nông cụ khác. Nhà bà con dân bản nhìn đâu cũng thấy những đồ dùng bằng tre nứa. Tre làm chõng nâng giấc ngủ trưa. Đến khi người ta nằm xuống rồi thì miệng còn ngậm đũa cả. Bát cơm cúng cũng cắm đôi đũa bông bằng tre.

Đó là câu chuyện của quá khứ rồi. Giờ đời sống của bà con ở Pẹc Nả đã khấm khá hơn. Ông Phú chỉ cho tôi những ngôi nhà vài ba tầng ở hai bên đường tuần tra biên giới. Nhà nào xung quanh cũng có những bụi tre xanh. Măng được hái về nấu, làm dấm măng khô còn là sản phẩm OCOP đưa vào những siêu thị.

Ở bản làng bây giờ cũng không ai còn đẵn tre về đan lát như xưa nữa. Đồ nhựa đồ inox đã thay thế những thân tre. Vậy là tre ở lại với bờ sông bờ suối càng dày hơn. Tre đan vào nhau như thể không có thế lực nào chia tách ra được. Bây giờ, ông Phú cũng như nhiều bà con ở đây không trồng tre gai nữa mà chuyển sang trồng nứa, trồng lồ ô để lấy măng. Ông vận động con cái chỗ nào đất trống ở trong vườn nhà là trồng tre vào đó. Con cái ông cũng được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn (trước kia là Đồn Biên phòng Lục Phủ) hỗ trợ rất nhiều trong việc trồng tre. Ông tin khi chúng đến tuổi ông bây giờ chúng sẽ lại truyền cho con cháu chúng những bụi tre như tài sản thừa kế.

Không sinh ra và lớn lên ở Bắc Sơn như ông Phú nhưng Thượng tá Bùi Giang Nam là người gắn bó nhiều năm với các xã vùng cao này. Ông được phân công về làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn, sau đó là Đồn Biên phòng Bắc Sơn. Trong trí nhớ của người cựu sĩ quan biên phòng này, mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu. Bờ sông nhiều đoạn bị sạt lở. Nhất là khi phía đối diện xây bờ kè, bờ sông phía Việt Nam càng bị sạt lở nghiêm trọng. Nhìn thấy cảnh đó Thượng tá Nam trăn trở lắm. Vào buổi giao ban sáng của Đồn Biên phòng Bắc Sơn cuối tháng 2 năm 2000, Đồn trưởng Bùi Giang Nam và Chính trị viên Vương Ngọc Thực đã đưa ra ý tưởng trồng tre dọc sông biên giới để giữ bờ sông không sạt lở, ổn định dòng chảy. Từ đó những người lính biên phòng cũng dễ dàng hơn trong việc xác định và quản lí đường biên giới. Sau khi tre bén rễ ổn định rồi bộ đội biên phòng sẽ bàn giao lại cho người dân quản lí, chăm sóc và thu hoạch măng để cải thiện đời sống.

“Việc trồng cây sẽ mất nhiều năm, nhưng nếu chúng ta không làm từ bây giờ thì sẽ không bao giờ đi đến đích.” Đồn trưởng Bùi Giang Nam rưng rưng nhớ lại lời mình nói ở buổi họp giao ban cách nay hơn hai mươi năm. Ông bảo lúc đó ai cũng thấy có lí nên tạo được sự đồng thuận cao. Sau khi thống nhất được chủ trương, một mặt, đơn vị trích tiền mua giống tre bát độ. Mặt khác, bộ đội biên phòng vận động đồng bào đi đào thêm gốc tre gai, tre mai về trồng.

*

*         *

Thực ra, việc trồng tre ở bờ sông biên giới đã có từ trước đó rất lâu tuy nhiên chưa quy mô bài bản như sau này. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh (tương đương chức vụ Chính ủy hiện nay), nhớ lại: “Từ năm 1973, bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã bắt đầu trồng tre dọc sông biên giới. Những năm đó đi lại còn rất khó khăn vất vả. Thế mà chuyến nào về phép, về tết anh em chiến sĩ cũng mang theo tre lên trồng.”

Nghe ông Vinh nói tôi nhớ lũy tre xanh quê tôi. Dưới lũy tre là dáng hình bà tôi, mẹ tôi tất tưởi đi làm đồng về nghỉ chân giữa buổi trưa hè. Sau lũy tre làng là quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. Có làng rồi mới có nước. Đôi chân ta đi muôn dặm quê hương đất nước từ những bước chân chập chững ở sau lũy tre làng. Tôi gặp dáng hình quê hương tôi chính ở nơi biên cương xa xôi này.

Đem câu chuyện trồng tre của ông Phú và dân bản chia sẻ với Trung tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn, anh khẳng định rằng ở Bắc Sơn này, ông Phú là già làng rất có uy tín trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì việc trồng tre. Việc trồng tre ông đã làm mấy chục năm nay rồi coi như tình yêu, như nghĩa vụ và bổn phận của ông vậy. Đó là bổn phận của một công dân yêu bản làng, yêu đất nước sâu nặng.

Trung tá Mai Văn Thể chia sẻ thêm: “Những năm qua nhất là trong hai năm gần đây, đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền hỗ trợ bà con cư dân biên giới phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Cụ thể đó là các mô hình phát triển kinh tế vườn mẫu, trồng tre biên giới. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần phát huy truyền thống trong lịch sử của cha ông ta, xây những lũy tre như những lũy thép, thành đồng để bảo vệ Tổ quốc.”

Đến nay, việc trồng tre đã không chỉ của riêng dân bản và biên phòng. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có cả một đề án trồng tre biên giới. Lễ phát động ra quân trồng tre được tổ chức tại thôn Pình Hồ, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. Tham gia lễ phát động có hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh, đoàn viên thanh niên và nhân dân. Ngay sau lễ phát động đã trồng được hơn một nghìn cây tre, góp phần bảo vệ môi trường, bờ sông biên giới...

*

*          *

Từ Bắc Sơn chúng tôi men theo con đường tuần tra để đến với Pò Hèn, một cái tên gợi bao nhiêu nỗi niềm bi tráng. Pò Hèn là tên thôn của xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, nơi có Đồn Biên phòng Pò Hèn trước kia là Đồn Công an vũ trang 209 đứng chân. Khởi nguồn của việc “trồng tre bảo vệ bờ sông biên giới” được bắt đầu từ xã Bắc Sơn, tuy nhiên, câu chuyện này đã được bay xa theo hương hoa tre và người dân dọc theo sông Ka Long sang Pò Hèn. Thấy bà con ở Bắc Sơn trồng, người dân ở xã Hải Sơn cũng làm theo. Những rừng tre xanh ngát vì thế mà cứ rộng và dài thêm theo bờ sông.

Nhớ lại trong cuộc chiến đấu mùa xuân năm 1979 ở Pò Hèn và dọc tuyến biên giới đã có những hầm pháo được dựng lên bằng những thân tre. Tre kiên cường hiên ngang đứng vững trong lửa đạn. Dưới gốc tre những cây măng lại hiên ngang đội đất mọc lên như những ngọn giáo những cây chông không gì cản nổi. Có bị chặt ngang thân, có đốt cả cây thì từ gốc tre măng vẫn mọc. Cũng giống như vậy, 58 cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang Đồn 209 và 28 cán bộ công nhân Lâm trường Hải Sơn, nhân viên ngành thương nghiệp Quảng Ninh đã ngã xuống ở Pò Hèn nhưng họ đã mãi mãi đi vào bất tử. Màu xanh trên vai áo của họ dường như đã truyền sức sống thanh xuân cho những cánh rừng, cho những lũy tre biên giới thêm xanh.

Thượng tá Bùi Giang Nam rời Pò Hèn về nghỉ hưu đã lâu. Ông về Hải Hà sinh sống nhưng vẫn thường xuyên lên biên giới thăm đơn vị cũ, thăm nơi đồng đội đã ngã xuống khi xưa. Ở đó, các ông đã trồng thêm cây vào di tích, bảo tồn đồi quế, mang những khóm tre ngà lên trồng trước tượng đài. Tre đằng ngà có màu vàng điểm sọc xanh rất đặc trưng, thân ruột tương đối đặc, đốt cách xa nhau đều đặn. Tre ngà cũng là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Hoa tre có mùi hương nồng và màu vàng nhạt. Và không chỉ trồng tre ngà, mỗi lần lên họ còn trồng gừng, ngụ ý nhắc nhở nhau rằng “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.”

*

*          *

Tiếp tục cuộc hành trình theo bước chân những chiến sĩ biên phòng chúng tôi đến với xã biên giới Quảng Đức của huyện Hải Hà. Ở đây, có những tên bản làng nghe rất lạ. Nào là bản Vắn Tốc, bản Mốc 13 và nhiều tên bản được gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc. Anh Tằng Cắm Mằn, dân tộc Dao ở bản Vắn Tốc niềm nở mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Thấy tôi thắc mắc về mấy căn nhà bỏ không ở xung quanh, anh giải thích: “Họ về nhà cũ rồi. Về cấy trồng hết mùa vụ lại ra đây.” Anh bảo, mỗi gia đình hàng xóm của anh có hai nhà. Họ về nhà cũ ở trung tâm xã Quảng Đức khi công việc vận chuyển hàng hoá ít đi và về lo cho mùa vụ. Sau đó lại trở lại đây. “Dân bản không bỏ nhà, bỏ bản đâu, vài hôm nữa lại ra thôi.” Chả thế mà ở đây có một bản làng có tên rất đặc biệt là mốc giới - Mốc 13. Tên bản cũng là cột mốc. Bản làng là cột mốc văn hóa nơi biên cương. Vật đổi sao dời, biển cả có thể hóa nương dâu nhưng văn hóa làng thì còn mãi. Tự thuở xưa, khi có con chữ nhưng chưa tìm ra giấy, người ta chép tất cả lên thẻ tre. Giờ có giấy, có điện thoại có cả máy tính rồi, thậm chí dân bản còn có cả ipad để ghi chép nữa nhưng không thứ gì bền vững bằng ghi chép vào tâm trí của bà con. Rồi những người già lại kể cho con cháu. Đời nối đời, những chuyện kể dân gian ấy vẫn sống cùng bản làng cùng những lũy tre xanh.

Được biết, ở Quảng Đức này dân bản ai cũng sống như thân tre bám chặt vào đất đai cằn cỗi. Họ đã sống “sâu rễ bền gốc” với từng tấc đất quê hương. Còn sống là họ còn bám trụ để giữ đất. Có những người như cụ Tằng Phúc Sìn đã nhiều năm nay trồng tre để giữ bờ suối biên giới, giữ làng bản khỏi bị xói mòn. Họ vô tư làm việc tốt, tự nguyện. Không cần ai điểm danh, hô hào điểm mặt gọi tên lẫn trả công. Họ trồng tre không phải vì mục đích kinh tế nữa mà như một truyền thống, một thói quen của cha ông tự thuở xa xưa.

“Người dân thấy việc trồng tre bảo vệ đường biên rất ưng cái bụng. Người dân hàng ngày lên đây chăm sóc, thu hái măng cũng sẽ là những vọng gác thường xuyên nơi biên giới, có điều gì bất thường sẽ báo với bộ đội biên phòng để kịp thời xử lí. Tôi và bà con đều tin tưởng mỗi khóm tre mà bộ đội, dân thôn mình trồng sẽ góp phần bảo vệ biên giới vững chắc hơn, để từ đó có thể yên tâm sinh sống, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.” - anh Tằng Cắm Mằn khẳng định như vậy.

P.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)