Dưới đá lặng im

Thứ Ba, 01/08/2023 00:13

. ĐÀO THU HÀ
 

1.

Chập chờn. Mờ ảo. Không rõ là mơ hay thực. Bông hoa nhỏ năm cánh màu đỏ bầm như tiết đông hiện ra giữa bồng bềnh, lơ lửng sương gió khẽ chạm vào vai áo Thắng rồi lại bay lên như mời gọi anh đi theo. Thắng hứng để bông hoa đậu vào lòng bàn tay mình nhưng bông hoa đã tan biến hệt như chưa từng xuất hiện. Chỉ có những hạt sương lạnh đọng lại, ẩm ướt, dấp dính và đỏ như màu máu.

Phút chốc, màu đỏ loang ra, che kín khuôn mặt con Xoan trên tấm hình bài báo đăng tin nhà ngoại cảm nổi tiếng mới giúp một gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ ở chiến trường phía Nam. Lạnh toát. Sống lưng Thắng nổi gai khi cặp mắt trong hình bị nhuộm đỏ ké.

“Sao lại để người về người ở lại vậy Thắng ơi. Đưa các bạn anh về hết đi. Nằm đấy gió núi, sương trắng rét lắm em ơi...”

Minh họa: Phạm Hà Hải

Tiếng khẩn cầu bị âm thanh của những trận gió bấc ràn rạt trên mái nhà thổi tạt đi, lúc được, lúc mất rồi tan vào đêm đặc quánh. Bóng người nhạt nhòa trong gió sương không rõ mặt. Thắng thảng thốt gọi. Vật vã. Mơ màng. Ngơ ngác. Tiếng gọi bị đánh vỡ bởi cơn mưa đêm kéo về từ phía rừng dội ào ạt xuống cùng những tia chớp chói lóa nháng lên như muốn rạch nát màn đêm. Gió luồn qua kẽ hở của cửa sổ, xô tờ lịch treo tường lạch xạch. Từ không trung, những tờ lịch mỏng bay về xếp chồng lên nhau, từng cuốn, từng cuốn phủ kín cả căn phòng tập thể. Kí ức chập chờn suốt mấy chục năm mơ mơ hồ hồ, lúc ẩn, lúc hiện...

Anh cả về nhà vào giữa năm bảy tám. Nghe tiếng lọc cọc ở cổng, mẹ lập cập chạy ra, trông rõ anh thì òa khóc, vừa ôm, vừa phát vào lưng anh hệt như cái cách mẹ đánh đòn những lúc Thắng mải chơi không chịu về để mẹ phải đi tìm. Thắng đứng nhìn mẹ và anh ngơ ngác. Mãi đến khi mẹ nhắc Thắng ra đồng gọi chị dâu về, Thắng mới biết đấy là anh cả. Nhìn anh gầy nhom như bơi trong bộ quân phục đã bạc màu, nước da mai mái và ống quần buông thõng không thấy ống chân thò ra khác xa với anh cả rắn rỏi, tươi tắn trong tấm hình chụp kỉ niệm trước ngày anh lên đường. Nghe Thắng gọi, chị dâu đánh rơi bó mạ đang cấy, vừa chạy vừa ngã dúi dụi trên cánh đồng. Rồi cứ thế để nguyên đầu tóc, áo quần dính đầy bùn, chị gục vào cánh tay anh òa khóc. Anh về, ai cũng mừng, chỉ có con Xoan nhìn anh nhấm nhẳng hỏi sao anh về mà không có xe bộ đội chở về tận nhà, ngực áo anh không có huân chương, hông không đeo súng ngắn. Phải như thế mới oách. Mẹ định mắng nó nhưng anh cả chỉ cười bảo nó còn trẻ con, biết gì. Con Xoan không bao giờ nhắc đến anh cả, bạn bè trên lớp hỏi, nó lảng ngay sang chuyện khác. Anh về, mẹ thôi thức trắng mỗi đêm thắp hương rì rầm nói chuyện với bố. Ngày anh cả lên đường, bố còn dẫn Thắng đi tắt qua lối cánh đồng, kịp dặn dò anh trước khi đoàn xe đưa tân binh lên đường chuyển bánh. Ngày về, anh chỉ có thể nói chuyện với bố qua khói hương bảng lảng. Vết thương để lại từ những ngày trong quân ngũ đã bào mòn cơ thể bố, khiến bố chẳng thể gắng gượng đợi đến ngày gặp anh. Anh cả cũng bị thương nặng, cắt một đoạn ruột, chân phải cưa quá gối và đau đầu dữ dội những hôm trời mưa rét. Mẹ cứ nắm mãi cái đoạn ống quần buông thõng xuống, tự động viên mình và động viên anh: “Ừ, còn trở về là may rồi”.

Anh cả về nhà được mấy tháng thì anh Chiến nói với mẹ, con tòng quân. Mẹ thoáng sững sờ, muốn trách móc anh nhưng rồi nhìn ảnh bố, mẹ lại thôi. Ngày còn sống, những tối ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét nghe đài bố thường thở dài tự hỏi chẳng biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc. Rồi bố ôm con Xoan, bảo mẹ: “Nếu khi thằng Chiến, thằng Thắng lớn lên mà chiến tranh chưa kết thúc thì bà đừng cản chúng nó. Nếu không phải vì vết thương hành hạ tôi sẵn sàng cầm súng vào miền Nam theo thằng cả, đánh giặc cùng nó”. Trước khi anh Chiến đi mẹ chạy ngược xuôi kiếm vài lạng thịt cho anh bồi dưỡng, kì cạch giã lọ muối vừng để anh mang theo. Anh Chiến chặt tre làm cho mẹ một chiếc chõng để mẹ nằm nghỉ trưa.

Ngày anh lên đường, mẹ mượn được chiếc xe đạp của bác chủ nhiệm hợp tác xã chở Thắng chạy ngược gió trên đường đê hun hút lên ga tàu tiễn anh. Năm ấy, Thắng và con Xoan lên mười, thua anh Chiến đúng chín tuổi.

Sân ga chiều tháng chạp rét căm căm, thông thống gió. Làn mưa phùn mờ ảo như sương khói quyện vào nhau khiến mắt mẹ phủ một tầng hơi nước mỏng. Những người lính trẻ trong bộ quân phục xanh túm tụm với nhau rộn ràng cười nói như chẳng cần băn khoăn, lo lắng về những điều chờ đợi họ ở nơi đoàn tàu sắp đưa họ tới. Anh Chiến nắm bàn tay mẹ, xoa đầu Thắng thay cho lời chào rồi nhảy lên tàu. Bóng lưng anh cao gầy hơi chúi về phía trước chen trong tiếng hát của những người lính trẻ tiếp nối nhau lan đi. Mưa phùn, gió bấc và sương giá cuốn theo nhịp tàu chuyển bánh xa dần, xa dần...

 

2.

Mẹ về tìm Thắng.

Từ giây phút cuối cùng được cầm tay nghe mẹ dặn dò cho đến khi đầu đã hai thứ tóc Thắng mới lại gặp mẹ trong giấc mơ. Mẹ vẫn như thế chẳng thay đổi gì. Hệt như cái dáng in nơi bậu cửa, bóng lưng chùng xuống, mắt ngóng ra đầu ngõ. Một sáng tháng hai, bản tin phát trên loa như ngọn gió mùa rét buốt, đau nhói quất thẳng vào nỗi lo lắng mất ăn mất ngủ của mẹ từ ngày tiễn anh Chiến theo đoàn tàu lên phương Bắc. Mấy tháng sau, mẹ mơ thấy anh Chiến về đứng ở giữa sân, áo rách nát, không nói gì chỉ khoanh tay chào mẹ như ngày còn bé đi học về rồi quay lưng, dáng hình tan vào sương gió. Anh cả trấn an mẹ và cũng để tự trấn an mình, những giấc mơ thường diễn ra trái ngược với sự thật. Mẹ vin theo lời của anh cả để nuôi niềm tin, nuôi sự chờ đợi. Mẹ nghe ai mách lén đi tìm chỗ gọi hồn. Không có hồn nhập về là người còn sống. Ngón tay mẹ ám màu đỏ chân hương gột mãi không sạch.

Một chiều, có hai anh bộ đội tìm đến nhà. Mẹ thắp hương cho bố, cố không để mình bật ra tiếng khóc. Anh cả định hỏi gì mà miệng cứ méo xệch, rúm ró cả lại không thể cất nên lời. Mãi đến khi thằng cu Chung con anh cả đang ngủ trong buồng khóc ré lên đòi bà, mọi người mới như bừng tỉnh. Hai anh bộ đội đưa cho mẹ và anh cả quyển nhật kí của anh Chiến gửi về trước khi hi sinh ít ngày. Trận ấy, tổ của anh nằm lại hết. Pháo địch dội như mưa, không có cách nào vào để chuyển tử sĩ ra được. Lúc này thì mẹ chẳng thể nào kìm nén được nữa. Tiếng hờ con trong thời khắc nhá nhem giữa ánh sáng và bóng tối giao tranh nghe não nề, buốt nhói. Cổ họng anh cả giật giật, nước mắt không vỡ hết ra được, cứ tấm tức trong lồng ngực. Trong buồng, tiếng chị dâu ru con nghèn nghẹn, sụt sùi. Con Xoan cúi gằm mặt, xoắn chặt hai tay vào nhau, chẳng biết nó nghĩ gì mà trán cau lại. Thắng mở cuốn nhật kí, mấy dòng ghi vội, trang viết cuối cùng đề ngày cuối tháng sáu năm tám tư. Một bông hoa năm cánh nhỏ ép khô giữa những trang giấy khe khẽ rơi ra...

Hai anh bộ đội đi khỏi, con Xoan cay nghiệt, chẳng biết nó học được ở đâu những lời ấy:

- Đã bảo đừng đi nhưng cứ muốn làm anh hùng thì phải chịu. Đầy người tìm cách chạy được về đấy thôi.

Anh cả xô ghế đứng dậy, vớ lấy cái nạng chĩa về phía con Xoan. Nhưng rồi anh bỏ cái nạng xuống. Mặt anh tái đi trong nỗi giận dữ. Từ hôm ấy, trong nhà chỉ có tiếng nói của thằng cu Chung.

Những ngày sau mẹ nhớ câu chuyện truyền từ đời này qua đời khác ở làng. Mỗi đêm trăng rằm là lúc những linh hồn xa quê đứng ở bến đò chờ người nhà bắc dải lụa trắng qua sông mà về nhà. Chiếc áo cưới cả đời chỉ mặc một lần và để dành đến lúc về với đất, mẹ cắt ra khâu thành cầu lụa. Mẹ gầy gò nên dải lụa cũng nhỏ bé. Lúc đầu, con Xoan còn đi theo mẹ, sau nó lấy cớ bận học, đùn cho cu Chung. Đến khi mẹ bị lòa, chẳng biết vì những đêm khóc thầm nhớ thương con hay tại khói sương đọng lại nơi đáy mắt, thằng Chung thành người chỉ đường, thành đôi mắt dắt bà ra bến đò. Nó không bao giờ quên nhiệm vụ của mình dù các bạn cùng trang lứa í ới rủ đi chơi đánh trận giả, nhảy lò cò. Con Xoan nói mẹ mê tín dị đoan làm nó đi họp bị chi đoàn phê bình không ngẩng đầu lên được. Mẹ cất dải lụa, tự trách mình nghèo khó, cầu lụa nhỏ bé khiến anh Chiến mãi không về.

Còn anh cả, những cơn đau đầu dằn vặt nhiều hơn. Anh không kêu la mà ôm đầu nghiến răng chịu đựng. Có lúc, anh dốc chai rượu tu ừng ực để quên cơn đau. Say, anh đưa những ngón tay rờ rẫm vào mỏm chân cụt, khóc nấc. Một phần thân thể anh nằm lại Campuchia bởi mìn của quân Khmer Đỏ vào ngày cuối mùa mưa năm bảy bảy…

Minh họa: Phạm Hà Hải

3.

Những tiếng đì đùng sấm sét như muốn xé toang màng nhĩ. Đạn. Pháo. Tiếng hô xung phong chạy suốt từ chân đồi lên tới đỉnh núi, loang khắp cánh rừng. Đá núi bị băm nát, tơi tả. Đá bị nung chảy thành bột, thốc lên trắng xóa theo từng trận đạn trút xuống như mưa. Mầm cỏ bền bỉ len mình trong kẽ đá mà vươn lên bị xéo nát, nhựa chưa kịp ứa ra đã biến mất trong bụi đá khô rang. Những tấm lưng áo bạc phếch, tơi tả, dọc ngang những vệt máu đỏ bầm, chằng chịt nép mình vào vách đá. Nhưng chẳng thể nào tránh hết được. Bóng người bị kéo bật ra, ném tung lên rồi rớt xuống. Thịt da tan nát, vương vãi. Máu nhuộm bầm đất đá, chưa kịp khô đã lại chồng lên lớp khác. Những cột lửa đỏ rực bốc cao, nóng rẫy tỏa ra mùi thịt da, mùi tóc khét lẹt.

Ẩn nấp trước miệng hang trên đỉnh cao, tôi nắm chặt chiếc ống nhòm. Vài vệt nâu xỉn khô lại đóng thành vảy trên da ngứa ngáy mà chẳng dám gãi. Pháo địch dội xuống hết lớp này đến lớp khác, muốn san phẳng cả đỉnh núi. Ống nhòm không rời mắt, tinh thần được tập trung tối đa để quan sát, phát hiện trận địa pháo của địch báo cho pháo binh của ta bắn. Tiếng truyền tin xè xè, ồm ồm, rèn rẹt trong hang vang lên.

Trong một thoáng, dường như tiếng pháo ngưng bặt. Rồi tiếng pháo lại rít lên dồn dập. Bóng người từ các sườn núi ngã xuống. Vách núi như tấm thủy tinh trong suốt bị mặt trời lúc gần tắt nắng chiếu lên màu đỏ ối. Ầm! Một quả đạn nổ ngay trên đầu. Những mảnh vải áo bay lên phất phơ, mảnh vướng vào đá, mảnh rơi xuống vực. Từ trong túi áo bông hoa bé nhỏ màu tiết đông rơi ra. Máu từ ngực thành chất kết dính cho cánh hoa đậu lại. Tôi văng vào trong hang cùng hai người đồng đội và mảnh pháo kẻ thù. Hang đá sụp xuống. Khối đá lớn rơi xuống che kín dấu vết nơi từng là miệng hang...

 

4.

Hơn bốn giờ sáng. Trời rét ngọt. Bóng núi chót vót khuất trong màn sương mờ phủ kín tạo thành những đường viền mờ mờ tựa như nét chì đen tô đứt quãng. Thắng bưng mâm cơm, đặt chín chiếc bát và chín đôi đũa lên bàn thờ rồi châm lửa thắp nhang. Chúng em sẽ quay lại nơi tìm thấy các anh để tìm lại một lần nữa. Các anh linh thiêng phù hộ để chúng em sớm tìm được những người còn đang nằm lại với gió sương.

Mùi nhang trầm trong căn phòng nhỏ đơn sơ như xua bớt đi cái lạnh giá của sương sớm. Đại đội mới tìm được chín liệt sĩ. Chín chiếc tiểu sành phủ cờ đỏ sao vàng nằm yên lặng bên nhau tại vị trí trang trọng nhất trong căn phòng nhỏ. Ngày mai, đơn vị sẽ đưa các anh về quây quần bên đồng đội tại nghĩa trang.

Điện thoại reo, Thắng giật thót. Số của cu Chung. Không biết ở nhà có chuyện gì. Anh hồi hộp bắt máy. Là chị dâu. Giọng chị khàn đặc. Đêm qua chị mơ thấy bố mẹ về, bố mẹ bảo chị về nhà chuẩn bị đón chú Chiến. Chị thấy lòng mình cứ cào lên, chẳng thể nào ngủ được nên phải gọi điện để hỏi xem có phải đã có manh mối gì không...

Thắng nghe chị nói chợt nhớ lại ngày xưa, anh cả về được một tháng thì chị dâu biết mình có thai. Hình như chị chưa tin vào sự thật, mặt chị chốc đỏ bừng, chốc lại tái nhợt. Cu Chung ra đời mang đến niềm vui mới trong nhà, mẹ có thêm mối bận tâm để bớt lo gần lo xa về anh Chiến. Mẹ thương đứa cháu nội đến đứt ruột đứt gan. Thằng bé cũng quấn bà hơn quấn mẹ. Xa bà một buổi là nó đòi bế đi tìm cho bằng được. Nó khôn lớn dần trong tình yêu thương của bà nội, sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung của anh cả. Chị dâu hay nựng nó, Chung là giống của ai. Nó ngọng nghịu đáp lại giống bà nội, giống bố. Nghe nó nói, chị dâu thở phào, dụi mặt vào bụng nó mà hít hà. Mỗi lần nghe ai khen thằng Chung giống bố, giống chú, chị cười sung sướng. Trong nhà, duy nhất chỉ có con Xoan là không thích thằng bé. Mà thật ra, chẳng thấy nó yêu quý ai. Càng lớn, nó càng khủng khỉnh và cay nghiệt. Là anh em sinh đôi nhưng Thắng chưa bao giờ hiểu được nó nghĩ gì, muốn làm gì. Nó soi mói:

- Sao không thấy chị dâu đẻ thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Từ ngày anh cả về cũng không thấy chị đi cất vó tép nhỉ.

Mặt chị dâu thoáng sượng lại. Tiếng hút thuốc lào của anh cả không vang như mọi khi mà khèn khẹt như vướng gì trong cổ họng. Anh chỉ khẽ bảo:

- Đây là chị dâu mày. Đừng có quá đáng.

Mẹ thở dài dắt thằng Chung ra bến sông. Mẹ muốn mắng đứa con gái cay nghiệt nhưng lại sợ nó cho rằng mẹ bênh chị mà thêm khúc mắc với chị dâu mình. Cả cái làng này nhắc đến chị ai mà chẳng khen. Chồng đi chiến đấu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, quần quật làm nuôi mấy đứa em thơ dại. Để Thắng và Xoan đi học, chiều làm đồng về chị lại cặm cụi mò cua, bắt ốc đến tối mịt, ngày mưa cũng như ngày nắng chẳng nề hà. Về nhà được một chốc lại tất tả đi thả vó tép. Nếu sinh lòng khác thì sau ngày giải phóng không thấy chồng về, chị đã chẳng chịu ở lại chịu khổ cực mà đợi chồng. Đi cất vó tép đêm sung sướng gì. Gió máy, sương sớm, đồng không mông quạnh, gò mả lạnh lẽo ghê rợn. Bao đời nay làng chả bảo cái gò ngoài đồng là gò vùi xác giặc Tàu Ô, đêm tối trời nào cũng nghe tiếng khóc than theo gió tạt từ ngoài ấy về làng. Có đêm, chị dâu chẳng tất tưởi chạy về, tóc tai chị xổ tung, quần áo lấm lem bùn đất đấy sao. Chị bảo gặp ma sợ quá nên bỏ chạy. Trời lạnh mà chị phải múc nước giếng gột bùn đến tận nửa đêm. Ám ảnh, từ hôm ấy, chị không đi cất vó tép đêm nữa. Một tuần sau thì anh cả về.

Những ngày phải nằm một chỗ, biết mình chẳng thể đợi được đến ngày Thắng đón được anh Chiến trở về, mẹ dặn dò đi dặn dò lại Thắng và con Xoan phải thương chị dâu, thương cháu. Thắng đồng ý với mẹ còn con Xoan lặng im chẳng nói gì. Ánh mắt nó đầy những toan tính xa lạ mà Thắng không hiểu nổi. Phút hấp hối, mẹ nhờ Thắng bế ra nằm ở cái chõng tre. Thắng mang chiếc gối mẹ hay gối đầu thả ra sông, thấy mẹ giấu dải lụa bắc cầu trong ruột gối. Dải lụa trắng bồng bềnh trôi theo sóng…

Mẹ mất, anh cả phát điên. Dường như những ngày còn mẹ, anh đã gắng gượng hết sức để không làm mẹ đau lòng thêm. Anh ôm chăn khư khư trước ngực, dặn dò đừng có ra ngoài kia mà xe tăng nó nghiến nát, máu thịt be bét không nhận ra ai với ai được đâu. Anh cởi bộ quần áo trên người mặc cho khúc gỗ rồi đào hố chôn, cẩn thận lấy lá cây che “đầu” trước khi lấp đất. Anh hứng từng giọt nước mưa, lẩm bẩm kêu mùa khô sắp đến, khát lắm. Anh vác xẻng chạy ra cánh đồng giữa trưa nắng đi tìm đồng đội. Con Xoan lấy cớ ở nhà ồn ào không học được đòi thuê phòng trọ ở gần trường. Số tiền nó thuê phòng chung với bạn bằng đúng số tiền anh cả nhận chế độ thương binh mỗi tháng.

Rồi anh cả mất. Thắng dọn đồ cho anh. Trong chiếc ba lô cũ anh treo trong phòng có một vài tờ giấy ố màu, có chỗ đã mủn ra mất chữ và những tấm huân chương lấp lánh. Con Xoan vồ lấy những tấm huân chương ấy, mắt nó như phát sáng. Thắng giấu mấy tờ giấy định bụng đốt nhưng rồi quên mất. Con Xoan tìm ra trong lúc lục lọi của cải mà nó cho rằng mẹ để lại nhưng chị dâu giấu giếm hưởng một mình. Nó bảo chị dâu nếu không muốn cả làng cả xóm biết chuyện thì dẫn thằng Chung ra khỏi nhà. Lúc Thắng từ đơn vị trở về, con Xoan đã biến ngôi nhà thành nơi thờ cúng. Những tấm huân chương của bố và anh cả nó treo ở nơi dễ nhìn thấy nhất, bên cạnh tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh Chiến. Nó trở thành nhà ngoại cảm nổi tiếng. Tên nó xuất hiện trên các mặt báo. Nó sụt sùi nhắc đến bố, đến anh cả, đến anh Chiến và sự mong chờ của mẹ. Nó muốn giúp các gia đình tìm người thân để không ai phải day dứt ngóng trông cả cuộc đời như mẹ. Nhưng nó chưa hề hỏi Thắng một lần nào về việc tìm anh Chiến. Chưa từng.

Chị dâu dắt thằng Chung về quê ngoại. Cuối cùng chị cũng gỡ được nỗi hoang mang dằn vặt mình suốt bao nhiêu năm. Chị thú nhận với anh cả về cái lần chị bị hãm hiếp khi đi cất vó tép, trước ngày anh trở về. Đêm tối đã giúp kẻ đê hèn ấy che giấu thân phận của mình. Chị không biết thằng Chung là con của ai. Chị chấp nhận việc anh cả không tha thứ. Nhưng anh cả gạt đi, nói chị không phải suy nghĩ lung tung. Thằng Chung là con của anh. Cho đến khi con Xoan chìa tờ giấy kết luận chất độc ngấm trong cơ thể của anh cả. Đau đớn, nhưng cuối cùng chị cũng biết được sự thật. Chỉ thương anh cả không hề hé răng trách móc chị một lời. Cả mẹ nữa, có lẽ linh cảm của một người mẹ đã khiến bà phần nào đoán được sự thật. Nhưng mẹ vẫn im lặng. Chị là kẻ có tội với cả gia đình. Thắng gạt đi. Mẹ và anh cả không trách chị, em lấy tư cách gì để trách. Mãi mãi, thằng Chung là đứa cháu mà mẹ yêu thương, là đứa con trai mà anh cả lo lắng chăm sóc từ khi cất tiếng khóc chào đời.

 

5.

Những bước chân đã gần lắm rồi.

Thắng cẩn trọng vạch đám cỏ mọc um tùm. Vạt hoa màu huyết dụ bừng lên trong mắt anh. Đây rồi! Anh khẽ reo lên. Tảng đá che kín miệng hang nên hôm trước anh và mọi người không phát hiện ra được.

Rầm!

Những cây gỗ làm đòn bẩy chèn nghiêng dưới tảng đá, những cánh tay vạm vỡ, loang loáng mồ hôi dồn hết sức theo từng nhịp hô rầm rập hai… ba… hai… ba, bẩy văng tảng đá xuống miệng vực. Các chiến sĩ công binh dùng máy dò mìn rà từng chút cửa hang. Vài chiếc vỏ bi đông nhôm, những mẩu vải quần áo nằm rải rác, mớ dây điện thoại lộ ra sau khi những nhát xẻng bới sâu vào bên trong. Một đoạn xương cánh tay nằm đè lên dây, bên cạnh mảnh pháo đã xỉn màu và bông hoa khô lạ lùng gặp ánh sáng bỗng nát vụn.

Thắng nhẹ nhàng nhặt khúc xương trắng. Cảm giác thân thuộc kì lạ truyền dọc cánh tay…

Cũng ngày hôm ấy, tivi phát đi bản tin về một nhà ngoại cảm bị vạch trần khi gia đình liệt sĩ có kết quả xét nghiệm ADN hài cốt...

Đ.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)