. TỊNH VŨ
1.
Chị ngồi phịch xuống đường. Dù không còn ai ghì chặt lấy nhưng hai tay chị vẫn vùng vẫy, quơ qua quơ lại liên hồi trong không khí như tìm cách thoát ra. Chị gào thét trong nước mắt giàn giụa và đăm đăm nhìn theo bóng chiếc xe ô tô vừa chạy khỏi con hẻm nhỏ đến khi khuất tầm mắt.
Chị thấy bé Tâm vẫn còn đập tay vào kính sau xe, vừa khóc vừa gọi mẹ. Chị thấy người đàn bà tóc bạc đang cố sức giằng Tâm ra khỏi tay chị, làm rơi cây kẹo mút trên tay con bé. Chị thấy hai thằng nhóc tóc vàng, đeo khuyên tai lấp lánh túm chặt tay chị để mụ già dắt bé Tâm đi…
Chị thấy hết.
Chị biết hết.
Nhưng chị không nói được.
Chị không thể hét lên “ai cứu con tôi”, hay gào lên thật lớn “con tôi bị bắt cóc”. Chị chỉ nói đúng một câu lặp đi lặp lại “trả đây, trả bé Tâm, trả bé Tâm, đừng bắt Tâm”.
Minh họa: Nguyễn Anh Vũ
Cả con hẻm nhỏ náo động nhìn chị. Ai cũng biết chị là mẹ của bé Tâm. Họ chứng kiến từ lúc cái bụng chị còn bé tí ti cho đến khi nó lớn dần. Thi thoảng, người ta còn thấy chị kéo áo lên, khoe cái bụng lùm lùm nhúc nhích như có đứa trẻ nghịch ngợm đang nhảy nhót bên trong. Nhưng không biết ai là cha đứa trẻ. Cái ngày chị ngã ngoài đường, máu chảy lênh láng, ông Tư với hai người trong xóm bồng chị bỏ lên xe xích lô, đưa tới bệnh viện. Họ tận mắt thấy chị nằm trên băng ca, vừa ôm bụng gào, vừa nắm áo của bác sĩ kéo đến gần rách. Rồi chị vừa hét, vừa quẫy đạp, vừa khóc. Cả khoa sản bệnh viện huyện náo loạn vì một người phụ nữ bị bệnh đao sinh em bé, chuyện hiếm thấy trên đời. Cho đến khi tiếng khóc oe oe của đứa nhỏ vang lên thì chị im bặt. Tuyệt nhiên không ai còn nghe thấy một âm thanh nào phát ra từ miệng chị nữa. Ông Tư tất tả chạy đến trước cửa phòng sinh, lo lắng hỏi cô hộ lí. Hắn là cháu tui, hắn khỏe không cô, máu chảy nhiều rứa, hắn có răng không cô, răng không nghe tiếng hắn nữa? Thì ra là chị đang bận nhìn đứa nhỏ. Chị nằm ôm đứa nhỏ đỏ hỏn trên bụng và thì thào mấy tiếng “em bé”, “em bé”. Ông Tư vừa lau nước mắt, vừa chửi khơi khơi. Tổ cha cái thằng Hai, con Ba, con Tư, em tụi hắn sinh mà tụi hắn đi đâu tới chừ chưa thấy mặt đứa mô hết. Mấy cái đứa ác chi mà ác quá chừng không biết.
Nằm viện năm ngày, chị về. Con bé giống chị như đúc. Có những người đến thăm chị, cốt chỉ để xem con nhỏ giống ai trong xóm này. Họ nghi ngờ chồng mình, con mình hoặc anh em trong nhà lén lút ra làm chuyện ấy với chị. Nhưng đứa bé không giống ai cả, chỉ giống mỗi chị. Lâu dần, mọi người đều bị cái nét dễ thương của con nhỏ làm động lòng.
Trời thương.
Phật thương.
Cần chi biết ai là cha của nó, nó khỏe mạnh là được. Cũng may, con bé không bị đao giống chị. Mấy lần mọi người muốn đặt cho con bé cái tên thật hay, để mong đời nó không như chị. Nhưng chị suốt ngày cứ kêu con nhỏ “Tâm ơi, Tâm”, “đừng đi Tâm”, “chạy té Tâm”, “Tâm ơi, nóng”…. nên rồi cả xóm gọi đứa trẻ là Tâm.
Cái xóm nhỏ vỏn vẹn hơn ba mươi hộ dân, chỉ chừng hơn trăm khẩu, đi ra đi vào đụng mặt nhau đôm đốp. Có ai lạ gì gia đình chị nữa. Có ai ngờ vực chuyện bé Tâm là con ai nữa. Họ thường xuýt xoa thương con nhỏ không biết cha. Mẹ nó bị bệnh đao sẽ chết sớm, có mấy ai bị bệnh đó mà sống lâu được. Rồi con nhỏ sẽ một mình. Đời nó sẽ khổ khủng khiếp khi cậu, dì của nó cứ hờ hững và thờ ơ như đã từng đối xử với mẹ nó. Vậy mà hôm nay có người đến bắt con nhỏ đi thì cả xóm chỉ biết làm thinh đứng nhìn.
Họ thấy mụ già tóc bạc sao mà giống con nhỏ Tâm lạ lùng. Cái cách mụ cười, cái kiểu mụ nói, trời ơi, đúng là một khuôn một đúc với bé Tâm. Đích thị con bé là cháu nội của mụ rồi. Nhưng cha nó đâu, sao bà nội nó đến đây cướp cháu đi mà không thấy người đàn ông ấy…
Người già nhìn, người trẻ nhìn, cả mấy đứa con nít bé tí tuổi cũng nhìn. Có người xót cho chị, cũng có người vẫn cười chị suốt bao ngày, đã bị đao mà còn bày đặt sinh con. Có những tiếng tặc lưỡi chép miệng vì thương số phận chị từ lúc lọt lòng cho đến giờ. Cũng có kẻ ác ý nói chị đáng đời lắm, cái tội hay sang nhà hàng xóm ăn chầu ăn chực, còn bốc trộm tiền của người ta. Họ ghét chị hay đi xin tiền. Gặp ai chị cũng xin. Có khi chị xin dăm ba nghìn rồi chạy ào vào quán bánh bèo bánh hỏi trong xóm để ăn lót bụng buổi chiều. Chị xin không phải bị người ta bỏ đói mà chị thích thế. Có lúc chị nhét tiền lẻ đầy túi, ra đầu hẻm đứng đếm từng tờ một như rành rỏi lắm, rồi đưa hết cho người ta chỉ để đổi lấy một cây kem hoặc một chai nước ngọt. Trong xóm, hễ nhà nào có tang ma hiếu hỉ gì cũng có mặt chị. Tiệc vui thì chị đến vui chung, chuyện buồn thì chị sang ngồi nhìn rồi ở lì đó, đến khi bị đuổi thì mới chịu về. Thậm chí khi có người nhìn thấy một gã đàn ông trung niên dắt chị đi ăn và chở đi đâu đó trên chiếc xe Honda thì cả xóm cũng chỉ nhìn theo rồi tò mò bàn tán. Không ai có ý nghĩ sẽ hỏi han hay giữ người kia lại để biết chị đi đâu…
Dù cũng thương con bé, nhưng chẳng ai dám lên tiếng giữ con lại giúp chị được, trong khi anh Hai của chị, chị Ba, chị Tư của chị, cả đại gia đình nhà chị đều đồng tình giao bé Tâm cho mụ già tóc bạc ấy. Mới mấy hôm trước, dì Mười giúp việc cứ chắp miệng liên hồi, đi tới đi lui suốt con hẻm nhỏ để chờ chị về sau khi vô tình chứng kiến cuộc đối thoại giữa anh Hai của chị với gia đình người ta. Họ đã thỏa thuận với nhau về việc gửi bé Tâm về với ba ruột của nó, mặc kệ chị có biết và đồng ý hay không. Dì Mười chịu không được, nhưng nào dám lên tiếng. Đến khi cả xóm nghe tiếng chị gào vang “không được, Tâm của Tâm, Tâm của Tâm”… thì cả xóm lại được một phen xì xào.
Chị ngồi lì giữa đường, nhìn mãi theo hướng chiếc xe đã khuất dạng rồi gục xuống. Trên tay chị là cây kẹo mút vừa nhặt lên, miệng còn thì thào mấy tiếng “Tâm ơi, trả Tâm lại đây, trả Tâm đây”. Dì Mười phải dỗ dành mãi và dìu chị vào nhà.
2.
Chị ngồi im trên chiếc ghế nhựa đặt ngay giữa phòng tắm. Dì Mười nhẹ nhàng cởi chiếc áo trên người chị xuống. Máu rịn ra, thấm ướt cả áo. Dọc cánh tay chị là những vết trầy xước nham nhám, đen sì vì bị chà mạnh xuống đường. Ngồi trong phòng tắm, chị vẫn còn nghe tiếng bàn tán của những người ngoài kia. Có người nhắc đến chị. Chị co mình lại sợ hãi. Dì Mười múc một ca nước ấm, xối nhẹ lên vai chị. Vừa xối, dì vừa nói. Đừng sợ Tâm, bình tĩnh con, có dì đây. Dì Mười đưa tay xoa nhẹ lên những vết trầy đang rỉ máu. Những nếp nhăn già nua trên trán dì Mười nhíu lại với nhau. Dì vừa lau rửa cho chị vừa xót. Dù gì chị cũng là ruột rà máu mủ của nhà họ Dương. Dù có bệnh thì chị vẫn là em ruột trong nhà, là đứa con tội nghiệp do ba mẹ chị dứt ruột sinh ra. Vậy mà họ thờ ơ với bé Tâm, thờ ơ với cả hai mẹ con, để cho người ta bắt con gái của chị đi, để mặc chị lăn lộn trên mặt hẻm gồ ghề, lởm chởm đá…
Từ ngày lọt lòng chị đã khác hẳn với các anh chị em trong nhà. Ba mẹ dù thương chị nhưng cũng không tránh khỏi những lúc thở dài mệt mỏi vì lời ra tiếng vào của người này kẻ khác. Người thiện ý thì nói ba mẹ chị phải lo tu thân tích đức đi, làm phước làm ơn để đời con cháu đỡ vất vả. Họ nói chị là điềm báo trước mà ông trời đã đưa xuống để gia đình phải hướng thiện. Người ác miệng hơn thì nói ba mẹ chị chắc hẳn đã làm ăn gian dối nên con cái mới chịu quả báo. Có người còn bảo chị gánh nợ cho cả gia đình, chỉ cần một mình chị chịu cực chịu khổ thì anh em của chị sẽ yên ổn. Ba mẹ chị bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị để yêu thương chị. Họ không thiên vị hay ghét bỏ đứa nào hơn đứa nào. Nhưng anh em chị thì không như vậy.
Từ lúc còn nhỏ, anh Hai, chị Ba và chị Tư đã bị bạn bè trong xóm hùa nhau chọc ghẹo. Họ ghét cái cảnh bị một đám bạn giễu cợt vì trong nhà có đứa em bị bệnh đao. Lâu dần, họ đâm ra ghét luôn chị.
Kể từ ngày ba mẹ nằm xuống, mọi người trong nhà dần mặc kệ chị thích đi đâu thì đi. Họ không quan tâm chị lang thang đầu đường cuối hẻm. Họ biết chị xin tiền. Mới đầu họ còn ngại ngùng, khó xử với làng xóm. Lâu dần, họ ngó lơ, mặc cho chị thích làm gì thì làm.
Ngày phát hiện bụng chị to dần lên, họ đã cãi nhau um sùm suốt mấy ngày. Họ trách dì Mười vô dụng, có mỗi một con nhỏ bị đao mà cũng không giữ được. Họ mắng chị là đồ ăn hại, ai kêu đi đâu cũng đi, ai cho gì cũng ăn. Mắng mãi mà chị vẫn cười rồi vô tư ngồi xúc cơm ăn, họ tức tối chửi đổng lên. Chị Ba đứng chống nạnh ngay cổng nhà, mắng xối xả người nào làm em của chị có thai. Hết mắng chửi, chị Ba lại buông lời cảnh cáo. Mấy anh chị em đi ra đi vào, gặp ai cũng dọa, thấy ai cũng buông lời cạnh khóe. Họ đinh ninh thủ phạm chỉ ở đâu đó gần đây thôi. Họ chắc mẩm chỉ có những người quen biết qua lại mới rõ tính nết chị, biết chị có thể vì cái bánh hay vài đồng tiền lẻ mà đi theo. Họ còn nói sẽ kéo sang đập phá nếu phát hiện ra người nào làm gia đình họ ê chề nhục nhã. Họ mắng, họ chửi ngày này qua ngày khác.
Chị vẫn vậy, cứ ngày ngày lẻn ra ngoài khi dì Mười không chú ý. Chị đi quanh các con hẻm gần nhà. Hẻm nào chị cũng vào. Kiệt nào chị cũng đến. Cái tên “Tâm khùng” gần như thường trực trên miệng của bà con khắp khu phố. Mới đầu họ còn gọi chị một cách đầy giễu cợt. Lâu dần, không ai còn nghĩ đến cái sai hay đúng của một con nhỏ bị bệnh đao nữa. Họ gọi mãi thành quen.
Bữa thằng Út, cháu nội ông Tư thấy chị đi ngang qua trước nhà, nó chạy ào ra rồi gọi lớn:
“Lêu lêu bà Tâm khùng. Khùng mà có em bé!”
“Cha bây! Cha bây!” Chị vừa chửi, vừa nhặt mấy viên đá ném về phía nó rồi bỏ đi.
Thằng Út không bỏ cuộc, đuổi theo chị. Vừa chạy, nó vừa vẫy tay gọi thêm hai, ba đứa nhỏ nữa. Mấy đứa nhóc cùng đếm một, hai, ba rồi đồng thanh hô to. Bà Tâm khùng có em bé trong bụng, lêu lêu, bà Tâm khùng có em bé trong bụng. Lúc này chị mới đứng sựng. Mấy tiếng “em bé trong bụng” như ca nước lạnh dội thẳng vào mặt chị. Chị sững sờ nhìn chằm chằm vào tụi nhỏ. Mấy đứa sợ chết khiếp, bỏ chạy. Chị cũng chạy. Chị hớt ha hớt hải chạy ào về nhà tìm dì Mười.
“Mười, Mười! Tâm có em bé, có em bé!”
Chị vừa lay lay cánh tay của dì Mười, vừa tròn xoe mắt, chỉ vào cái bụng đã dần tròn căng lên. Dì Mười ứa nước mắt nhìn chị rồi gật đầu.
“Ờ, Tâm có em bé. Mai mốt em bé ra đời, Tâm phải thương em bé nghe chưa! Dì Mười sẽ thương hai đứa.”
Chị nhìn dì Mười, im lặng. Rồi trong một tích tắc, chị cười xòa. Đưa tay kéo vội cái áo lên ngang ngực, chị cúi hẳn xuống nhìn vào da bụng trắng nõn đã bắt đầu xuất hiện những đường gân xanh. Chị vỗ vỗ vào bụng kêu “em bé, em bé”. Dì Mười phải ngăn chị lại vì sợ chị đập mạnh tay, đứa nhỏ sẽ giật mình.
Cứ thế, chị vẫn ngô nghê cười và tới lui nhà này đến nhà khác. Mọi người trong nhà gần như bỏ mặc chị với cái bụng ngày càng lớn. Chỉ có dì Mười tắm rửa và lo lắng cho chị bữa cơm, giấc ngủ. Những lúc dì bận việc, chị lại đi. Không hiểu chị có biết ý nghĩa thực sự của việc “có em bé” là gì không, nhưng chị không còn chạy thật nhanh để kịp mua chai nước ngọt. Chị không còn vội vội vàng vàng chạy ào vào đám tiệc của người ta để giành lấy chỗ ngồi. Chị chậm rãi đi. Chị vừa đi, vừa ăn, vừa lẩm bẩm nói và gọi “em bé”.
Chị thương em bé. Từ khi sinh nó ra, chị ẵm trên tay. Chị ôm nó ngủ. Chị dẫn bé Tâm đi khắp mấy con hẻm gần nhà. Chị cho nó ăn bánh bèo, bánh hỏi với chị. Chị tập cho nó cầm chai nước ngọt uống từ từ sao cho không bị sặc. Chị chơi với nó, tắm cùng nó. Bây giờ, chị không còn bé Tâm nữa, chị thấy nhớ quá. Chị ôm cứng lấy dì Mười rồi òa lên khóc nức nở. “Mười, Mười, trả Tâm cho Tâm, trả Tâm đi Mười.”
Anh Hai chắp hai tay sau lưng, ngang qua phòng tắm, nói vọng vào:
“Dì Mười tắm nhanh, thay đồ cho hắn để con có chuyện!”
Chị rụt rè ôm cái khăn tắm trước bụng, vừa đi vừa đảo mắt nhìn vợ chồng anh Hai, chị Ba đang ngồi sẵn nơi bộ bàn ghế đặt chính giữa nhà. Vợ chồng chị Tư ngồi ở tấm phản kế bên, cũng đang nhìn chằm chằm vào dáng đi rũ rượi của chị.
“Mi ngồi đó, anh Hai nói chuyện!”
Chị giật mình, ngồi xuống cái đôn gỗ đặt cạnh bộ bàn ghế. Giữa căn nhà rộng ơi là rộng, chị quá nhỏ bé. Cái dáng gầy gò, yếu ớt của chị run lên bần bật. Chị chưa bao giờ phải ngồi đối diện với quá nhiều người trong một không khí căng thẳng như vậy. Chị muốn quay lại ôm lấy dì Mười nhưng dì đã đi xuống bếp. Chị nửa muốn chớm người đứng dậy, nửa lại không dám.
“Bé Tâm đi rồi, nó về ở với bà nội và ba của nó. Từ bữa ni, mi không được chạy lung tung ra đường nữa, nghe chưa?”
Hai tiếng “bé Tâm” như kéo tuột chị về cảnh tượng chiếc xe ô tô phóng vụt đi với đứa con của chị. Chị đứng bật dậy, nước mắt trào ra, rồi chị hét lớn:
“Trả Tâm cho Tâm. Tâm muốn Tâm, trả lại đây!”
“Mi im! Anh Hai chưa nói xong. Mi ngồi xuống!”
Ánh mắt giận dữ của anh Hai nhìn thẳng vào chị cùng âm giọng gắt gỏng. Chị vẫn đứng đó. Hai bàn tay nắm chặt. Rồi chị nằm xuống nền nhà, chân tay khua đạp. Chị như một đứa con nít đang cố vòi vĩnh món đồ chơi không còn thuộc về mình. Mọi dồn nén, uất ức của chị từ lúc bé Tâm bị đưa lên xe cho đến lúc này, tất cả đều vỡ ra. Chị lại gào lên tức tưởi.
“Trả Tâm cho Tâm. Đừng bắt Tâm.”
Nghe tiếng chị, dì Mười từ dưới bếp chạy lên. Dì ôm lấy chị, vuốt lưng chị, xoa xoa đầu tóc còn rối bù và nhẹp ướt của chị.
Anh Hai đặt mạnh li nước lên mặt bàn, đứng dậy. Anh vòng ra trước mặt chị rồi ngồi xuống. Nắm lấy tay chị, anh Hai thở ra một hơi thật dài rồi nói:
“Tâm, mi nghe anh nói! Bé Tâm có ba, cũng có bà nội. Mi bị bệnh. Cả xóm ni ai cũng kêu mi là Tâm khùng, mi nhớ chưa. Có nhớ không? Bé Tâm sẽ lớn, phải đi học. Làm răng mà mi chăm con bé được. Anh chị cũng thương con bé, nhưng hắn ở với ba vẫn hơn. Bởi rứa, mi phải để con bé về ở với ba hắn. Mi nghe anh nói không?”
Từng lời của anh Hai nói ra chậm rãi. Từng chữ, từng chữ như xoáy vào người chị. Nhưng chị không hiểu. Chị chỉ loáng thoáng nghe được câu “bé Tâm phải ở với ba”. Chị không chịu. Lắc đầu nguầy nguậy, chị tiếp tục thì thào trong khi nước mắt vẫn giàn giụa chảy. “Trả Tâm cho Tâm! Đừng bắt Tâm!”
Anh Hai nhìn chị, lắc đầu rồi quay người đi. Chị vội chạy lại nắm lấy tay của chị Ba, chị Tư. Vừa lay lay, chị vừa nhìn hai chị của mình với ánh mắt van nài tha thiết. Miệng khẽ thì thào mấy tiếng “Trả Tâm cho Tâm đi!” Đáp lại vẫn là những tiếng thở dài thườn thượt. Không ai cười, cũng chẳng ai khóc. Chị Tư đưa hai chân xuống khỏi tấm phản, mang vội đôi dép vào chân rồi quay người bước đi. Chị Ba vẫn nhìn chị. Lần này, chị Ba vuốt nhẹ lên bờ vai của chị mà nói. Chị cũng thương bé Tâm lắm, nhưng hắn ở với ba sẽ tốt hơn. Tâm thương bé Tâm thì đừng quậy nữa, để bé Tâm ở với ba, nghe chưa. Rồi thi thoảng, chị kêu họ chở con bé về chơi. Nghe lời chị, chị cho tiền ăn bánh bèo, ăn kem, nghe không Tâm?
Chị nhìn thẳng vào mắt chị Ba. Chị lắc đầu liên hồi trong khi nước mắt vẫn chảy xuống. Chị buông thõng hai tay, nhìn theo dáng chị Ba đi vào phòng ngủ.
Đêm dần buông xuống. Một cơn gió thoảng nhẹ vào nhà. Bữa cơm dì Mười nấu đã nguội lạnh nhưng chẳng ai thèm hỏi dì đã làm xong cơm tối chưa. Tiếng dế bắt đầu râm ran sau vườn. Chị thẫn thờ bước ra trước hiên, ngồi xuống bậc thềm. Chị tựa lưng vào tường, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy sao. Gió quấn lấy chị, lạnh buốt. Tay ôm con gấu bông của bé Tâm bỏ quên, chị thì thào trong miệng. “Tâm ơi, trăng kìa Tâm ơi, ngắm trăng đẹp kìa Tâm ơi…”
Minh họa: Nguyễn Anh Vũ
3.
Từ ngày bé Tâm bị bắt về với bố, cả xóm không còn thấy chị tới lui nhà này nhà kia hay hí hửng ghé quán xá để mua cây kem, cái bánh. Mới đầu, mọi người còn tỉ tê với nhau đôi lời về chị. Họ tò mò những gì đang diễn ra bên trong căn nhà rộng rãi, sang trọng nhất xóm. Anh Hai, chị Ba, chị Tư của chị vẫn sáng đi chiều về. Dì Mười vẫn tất tả chợ búa ra vào. Duy chỉ có chị là không còn ai trông thấy. Có người đồn đoán chị đã theo bé Tâm về bên nhà ba nó. Người khác thì tặc lưỡi nói, chắc nó mất con, buồn quá nên đau bệnh chi rồi. Họ chỉ nói cho vui, không ngờ chị đau thật.
Chị nằm co ro trên chiếc phản gỗ đặt giữa nhà, mắt đờ đẫn nhìn ra ngoài sân. Từng bông hoa lộc vừng đỏ rực rơi xuống theo làn gió se lạnh sáng sớm. Cứ hễ một bông hoa bay vào nhà, chị lại lẩm bẩm. “Hoa kìa Tâm, hoa tìm Tâm kìa Tâm”. Chị nằm đó suốt ba tháng ròng rã.
Thi thoảng, chị ho. Thi thoảng, chị lại khóc.
Chị cứ nằm nghiêng một bên khiến cho vết hăm dài từ dưới nách đến thắt lưng lâu lâu lại lên cơn nhức. Mỗi lần chị rướn nhẹ người, hai mắt nhíu lại, gương mặt đau đớn nhưng vẫn không quên ôm chặt con gấu bông đã cũ mèm và đổi màu ngà ngà vì lấm bụi và mồ hôi của chị.
Dì Mười từ dưới bếp, tay bưng một thau nước ấm tiến đến chỗ chị nằm:
“Để dì Mười lau cho con nghe Tâm, lau sạch để mà tí nữa đón bé Tâm về chớ, đúng không con?”
Nghe nhắc đến bé Tâm, mắt chị sáng rực lên. Đôi mắt mở to, nhìn chằm chằm vào dì Mười. Môi chị run rẩy cố phát ra mấy lời. “Tâm về, Tâm về, Tâm về với Tâm”. Chị gắng gượng xoay người theo mỗi cái đỡ tay của dì Mười để vệ sinh cơ thể. Thứ nước dịch vàng lúc trong lúc đục, kèm theo ít mủ trắng rịn ra lớp áo mỏng, dính chặt vào người chị. Mùi vết thương ngai ngái lạc vào trong không khí, phảng phất quanh nhà. Phải khó khăn lắm dì Mười mới gỡ được từng đoạn áo ra khỏi người chị mà không làm xót da xót thịt. Vừa thấm nước ấm để lau, dì Mười vừa liên tục chắp miệng lầm rầm. Dì thương quá cái dáng người nhỏ thó đang nằm rưng rức trước mặt mình. Mới mấy tháng trước còn tung tăng mua kem chè và lê la khắp xóm, vậy mà giờ chị phải nằm yên một chỗ, bỏ ăn, bỏ ngủ và suốt ngày chỉ lặp đi lặp lại mấy từ rời rạc.
Kẻ vào người ra, hễ đi ngang chị đều nghe hai tiếng “Tâm ơi”. Chị cứ ngóng mãi ra khoảng sân lót gạch mà bé Tâm vẫn thường chiều chiều chơi nhảy lò cò.
Cách đây mấy hôm, bác sĩ đã lắc đầu khe khẽ khi đến thăm bệnh cho chị. Ánh nhìn ái ngại của bác sĩ và mấy lời thì thầm to nhỏ cùng anh Hai trước khi ra về khiến cho ruột gan dì Mười như đứt ra từng đoạn. Trời ơi, cái số chị sao mà đáng thương quá. Dì Mười lấy hết can đảm, đến trước mặt anh Hai chị mà nói. Nè Hai, con nghe dì nói, dù răng dì cũng ở gia đình con bao năm rồi. Con nghe dì, con qua nhà họ xin bé Tâm về với mẹ hắn chớ tội con ơi. Biết đâu con nhỏ khỏe lại.
Anh Hai im lặng, hai hàng lông mày nhíu lại, để lộ ra ấn đường sâu hoắm. Chốc chốc, ánh mắt ấy lại hướng về phía chị đang nằm thở mệt nhọc. Không ai biết anh Hai đang nghĩ gì. Bỏ lại sau lưng mấy tiếng “để con tính”, anh Hai quay người bước đi, mặc cho dì Mười ở lại với bao ngổn ngang trong lòng.
Cứ ngỡ ngày tháng còn lại của chị sẽ trôi đi vô tăm tích như lời nói thoảng qua của anh Hai. Vậy mà sáng nay, trước khi rời nhà, anh Hai đứng rất lâu bên tấm phản gỗ nhìn chị, chần chừ muốn nói gì đó, rồi lại thôi. Đoạn, anh quay xuống bếp dặn dò “Dì lau rửa cẩn thận cho con Tâm, dọn lại cái phòng, lát nữa con bé sẽ về”. Nước mắt dì Mười ở đâu chờ chực sẵn, cứ thế rơi xuống. Dì gác hết mọi việc sang một bên, pha vội thau nước ấm để tranh thủ làm sạch vết thương cho chị.
Nắng sớm xuyên qua từng kẽ lá, chảy tràn lên bậc thềm. Mắt chị vẫn hướng ra ngoài sân. Chị ghì chặt con gấu bông vào lòng. Chốc lát nữa thôi, khi cánh cổng gỗ sồi vang lên những tiếng lạch cạch quen thuộc, chị sẽ bật dậy thật nhanh như chưa từng có vết thương nào. Chị sẽ chạy ào ra, dang rộng hai cánh tay để ôm lấy bé Tâm. Chị sẽ khoe với con bé về chú gấu bông còn nguyên. Chị sẽ tủm tỉm cười rồi dắt tay bé Tâm vào nhà. Rồi thì, ở đoạn cuối, chị cũng được sống với bé Tâm, với yêu thương lớn nhất trong đời của chị...
T.V
VNQD