Không chỉ liên quan đến chiến tranh và cách mạng, hôn nhân và bê bối, Ngôi nhà muôn cánh cửa còn là câu chuyện của những đứt gãy chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tính dục và quyền lực, liên tục đào sâu vào bản chất phức tạp của tình yêu và tình bạn, của trung thành và bội phản. Mới đây, tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tác giả của nó - Tan Twan Eng - cũng giữ kỉ lục có 3 tiểu thuyết đều lọt vào danh sách đề cử giải Booker danh giá.

Nhà văn Malaysia Tan Twan Eng.
- Những con người và thời đại mà ông viết trong tiểu thuyết Ngôi nhà muôn cánh cửa đã đến như thế nào?
+ Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường kể về ngôi nhà thời thơ ấu của ông trên phố Armenian tại Penang chỉ cách căn cứ chính trị của Tôn Dật Tiên ở Đông Nam Á có vài cánh cửa. Câu chuyện nhỏ đó cứ quanh đi quẩn lại trong đầu tôi: tôi thấy rất lạ khi Tiến sĩ Tôn, người có những hoạt động cách mạng đặc biệt, lại lên kế hoạch và tổ chức tất cả mọi thứ từ ngôi nhà nhỏ trên con phố nhỏ đó hơn 100 năm trước. Cha tôi mất năm 2013, và tôi rất biết ơn vì có thể tưởng nhớ ông trong cuốn sách của mình thông qua những mẫu chuyện nhỏ mà ông đã kể tôi nghe từ rất lâu về trước.
Tôi cũng bị hấp dẫn bởi cách Somerset Maugham tái hiện một câu chuyện có thật trong truyện ngắn nổi tiếng của mình. Theo đó, trong chuyến đi vòng quanh Malaya, ông đã được nghe kể về phiên tòa xét xử vụ giết người có thật năm 1911 của Ethel Proudlock, vợ của một trợ lí hiệu trưởng trường học ở Kuala Lumpur. Ông đã viết lại thành truyện ngắn Lá thư và khi được xuất bản, nó đã khiến nhiều người dân địa phương tức giận.
- Trong nhiều cuộc trò chuyện ông đã chia sẻ Ngôi nhà muôn cánh cửa là một cuốn sách đặc biệt khó viết và mất rất nhiều thời gian. Vì sao lại thế?
+ Mọi người đều nói với tôi rằng theo thời gian mọi tiểu thuyết đều trở nên dễ viết hơn, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Mỗi tiểu thuyết đều có những trở ngại và thách thức riêng.
Có 4 nhân vật có thật trong Ngôi nhà muôn cánh cửa. Để miêu tả chính xác họ, tôi phải nghiên cứu thật sâu rộng bởi tôi tin khi đã biết đủ mình sẽ dễ dàng tái tạo họ hơn. Tôi thấy thật khó chịu khi viết về những nhân vật này vì tôi phải điều chỉnh cốt truyện sao cho phù hợp với tính cách và đặc điểm của từng người một. Viết về các nhân vật hư cấu mà tôi tự tạo ra dễ hơn nhiều, vì tôi có toàn quyền tự do ở đó.
Tiểu thuyết của tôi chủ yếu diễn ra trong 2 khung thời gian và câu chuyện được kể theo 2 góc nhìn xen kẽ: ngôi thứ nhất theo giọng của Lesley Hamlyn và ngôi thứ ba theo góc nhìn của Somerset Maugham. Trong một thời gian dài tôi không thể làm cho điều này hiệu quả. Nhưng cuối cùng với sự giúp đỡ của biên tập viên Francis Bickmore, tôi đã xoay xở để làm cho tất cả các chương, cảnh và nhân vật gắn kết một cách trôi chảy.
- Ngôi nhà muôn cánh cửa dựa trên những sự kiện có thật, cụ thể là vụ giết người ở Malaysia năm 1911. Điều gì trong sự kiện lịch sử này khiến ông thích thú và muốn nhắc đến nó?
+ Tác phẩm đầu tiên của Maugham mà tôi đọc là Lá thư. Sau đó tôi phát hiện ra ông đã dựa trên phiên tòa Proudlock để sáng tác nên chính câu chuyện này. Tôi thấy tò mò vì vụ việc diễn ra ở Kuala Lumpur và tự hỏi làm sao mà ông biết được vụ việc. Ethel Proudlock là người phụ nữ da trắng đầu tiên ở Malaya bị buộc tội giết người. Vụ án của bà là một sự kiện gây chấn động bởi người Anh cảm thấy hành vi của bà đã “làm mất uy tín” và suy giảm vị thế của họ tại xứ thuộc địa; nhưng nó cũng cho người dân địa phương thấy rằng người Anh không phải là những người có đạo đức cao hơn như họ vẫn tự nhận. Theo một số cách, phiên tòa đã giúp làm suy yếu sự cai trị của họ ở Malaya.
Tôi muốn làm nổi bật tính cấp thiết của phiên tòa ấy, để làm cho nó trở nên sống động. Để làm được điều đó, tôi cần tìm bản ghi chép phiên tòa gốc. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cuối cùng tôi đã tìm thấy trong Cục Lưu trữ Quốc gia ở Singapore. Nhưng biên bản tòa án cách đây một thế kỉ khá rời rạc và có nhiều khoảng trống. Tôi thấy may mắn vì được đào tạo như một luật sư để có thể phân tích và hiểu được chúng.

Tiểu thuyết Ngôi nhà muôn cánh cửa.
- Hẳn tiểu thuyết này cũng có vị trí đặc biệt so với 2 tác phẩm trước?
+ So với những tiểu thuyết trước đây của tôi, Ngôi nhà muôn cánh cửa là một tiểu thuyết tĩnh lặng hơn, nội tâm hơn. Tôi muốn nó tạo ra sự kiềm chế, đánh lừa sự bình thản. Như chúng ta đều biết viết một cách tĩnh lặng thì khó hơn hào nhoáng, ồn ào.
Ngôi nhà muôn cánh cửa cũng được truyền tải nhiều yếu tố từ các tác phẩm của Maugham. Tôi nghĩ nó và Lá thư như một cặp gương - cả hai phản chiếu lẫn nhau. Đọc Ngôi nhà muôn cánh cửa sẽ ảnh hưởng đến cách ta đọc Lá thư và ngược lại. Chỉ cần một góc nghiêng nhỏ nhất của một tấm gương cũng sẽ khiến ta nghi ngờ nhận thức của mình về từng tác phẩm, cho đến khi ta không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là hư cấu nữa.
Về cốt lõi, Ngôi nhà muôn cánh cửa là về hành động sáng tạo: cách những câu chuyện được tạo ra và cách chúng được truyền thừa từ người này sang người khác, từ nơi này sang nơi khác và thậm chí qua thời gian. Làm thế nào để các nhà văn biến sự thật thành hư cấu? Và làm thế nào để họ biến hư cấu thành sự thật?
- Nghiên cứu có vị trí như thế nào trong tác phẩm của ông? Khi nào thì hư cấu thay thế sự thật?
+ Tôi từng là luật sư, vì vậy sự thật và nghiên cứu rất quan trọng đối với tôi. Quá trình viết tiểu thuyết, đối với tôi, đầy rẫy những nghi ngờ và phỏng đoán, vì vậy sự thật và nghiên cứu mang lại cho tôi cảm giác tự tin, có nền tảng vững chắc hơn khi viết.
Tiểu thuyết chiếm ưu thế khi tôi đặt mình vào tính cách, suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật. Cuối cùng, tôi phải tự nhủ rằng mình không viết lịch sử, mà là những câu chuyện. Tôi viết về các nhân vật với tất cả sự thất vọng, hi vọng, ước mơ, nỗi sợ hãi, lòng căm thù và tình yêu của họ. “Tất cả tiểu thuyết đều xuất phát từ những thiếu sót của lịch sử” - nhà thơ Novalis đã nói như thế. Chính trong những khoảng trống và sự im lặng của lịch sử tôi đã hư cấu các sự kiện.
- Quá trình viết của ông thế nào với một cuốn sách khó như Ngôi nhà muôn cánh cửa?
+ Tôi bắt đầu với các nhân vật chính. Tôi tìm ra điều họ đang tìm kiếm. Tôi luôn biết cách kết thúc, mặc dù để đạt được kết thúc đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Với cuốn sách này, tôi thậm chí còn biết câu kết sẽ là gì nữa! Mọi từ và câu trước đó đều hướng đến câu kết thúc đó, giống như một mũi tên bắn ra từ cung tên vậy.
Tôi gõ trên máy tính xách tay vì với tôi nó trông thực tế và chuyên nghiệp. Tôi tự thuyết phục mình rằng bản thân đang làm việc thực sự chứ không phải chỉ làm bừa. Tôi viết lại vô số lần, vì tác phẩm cuối cùng phải gần như hoàn hảo nhất có thể. Tôi cố gắng duy trì một đoạn viết dài liên tục vì rất khó để chìm vào trạng thái xuất thần khi viết nếu bị ngắt quãng quá lâu.
- Somerset Maugham là một nhân vật chính trong tiểu thuyết. Ông đã tiến hành nghiên cứu như thế nào về nhà văn đặc biệt này?
+ Tôi đã đọc hầu hết truyện ngắn của ông, chú ý kĩ đến những tác phẩm mà tôi biết là tự truyện. Tôi cũng xem qua các tiểu luận và cả nhật kí. Tôi đọc nhiều tiểu thuyết của ông, và tôi chắc rằng bản thân đã đọc mọi tiểu sử về Maugham đã từng được xuất bản. Tôi đọc sách của/về những người cùng thời với ông, khai thác chúng để tìm bất cứ đề cập nào về mối quan hệ của họ với Maugham. Ông là một người hấp dẫn: nổi tiếng thế giới và vô cùng giàu có, nhưng đồng thời do tật nói lắp suốt đời, ông cũng bất an, nhút nhát, khó chịu và nhạy cảm. Nhưng trên hết, ông là một người kể chuyện tuyệt vời.
- Cuốn sách này lấy bối cảnh thời kì Anh cai trị thuộc địa Malaya trong khi các tiểu thuyết khác của ông lấy bối cảnh vào đầu hoặc giữa thế kỉ 20. Điều gì ở khoảng thời gian đó khiến ông quan tâm?
+ “Quyền lực” trong thời kì đó: giữa đàn ông và phụ nữ, giữa người cai trị và người bị cai trị, giữa những người thuộc các chủng tộc và nền văn hóa khác nhau. Tôi bị cuốn hút bởi cách Đông - Tây va chạm, hợp nhất, tách rời. Cách chúng làm cho văn hóa giàu có nhưng cũng đồng thời tổn hại lẫn nhau. Đáng buồn thay, tất cả những vấn đề này vẫn còn nóng hổi cho đến ngày nay. Khi đó chúng ta không biết nhiều về nhau và tôi cảm thấy điều đó vẫn còn hiện tồn ngay giây phút này.
- Liệu việc viết về quá khứ có giúp chúng ta đối mặt với hiện tại và suy nghĩ về tương lai không?
+ Không nghi ngờ gì nữa. Thế giới đã thay đổi, nhưng chúng ta với tư cách là con người thì không thay đổi nhiều, có đúng vậy không? Chúng ta vẫn bị trói buộc bởi rất nhiều vấn đề kinh điển như vậy: bất công, định kiến, ích kỉ. Chúng ta vẫn có sự tàn ác và chiến tranh. Và, thật đáng buồn, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ luôn đối mặt với những điều này.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ Booker, Walter Scott Prize
VNQD