Danh sách dưới đây, được nhà phê bình Ed Power lựa chọn độc quyền sẽ khiến bạn hoặc gật gù đồng tình, hoặc nổi trận lôi đình vì phim yêu thích của mình bị gọi tên.
Không ít lần, người xem điện ảnh bị cuốn theo làn sóng khen ngợi rầm rộ, để rồi chỉ vài năm sau nhìn lại và tự hỏi: “Mình đã nghĩ gì thế nhỉ?”. Trong 25 năm qua, điện ảnh thế giới chứng kiến nhiều tác phẩm được truyền thông, giới phê bình và khán giả tung hô như kiệt tác. Nhưng khi lớp bụi thời gian lắng xuống, một số bộ phim ấy hiện lên với diện mạo khác, hoành tráng về hình thức nhưng nội dung chưa xứng tầm, hoặc đơn giản là... không xứng đáng với danh tiếng của mình.
Dưới đây là 15 cái tên mà Ed Power, cây bút kì cựu về văn hóa đại chúng cho rằng đã được thổi phồng quá mức. Danh sách này không nhằm phủ nhận toàn bộ giá trị của các tác phẩm, mà là lời nhắc nhở rằng hào quang điện ảnh đôi khi chỉ là ảo ảnh tạm thời.
15. Everything Everywhere All at Once (tựa Việt: Mọi thứ mọi nơi cùng mọi lúc; 2022)

Cảnh trong phim Mọi thứ mọi nơi cùng mọi lúc
Một bộ phim kì dị, hỗn loạn, bay nhảy giữa đa vũ trụ, nhưng với nhiều người, đó chỉ là một chuỗi cảnh quay rối rắm. Michelle Yeoh có một vai diễn để đời, nhưng cốt truyện dường như tan rã trong hàng loạt ý tưởng triết học, hài kịch, hành động... tất cả diễn ra cùng lúc. Nó khiến khán giả mỏi mệt nhiều hơn là xúc động. Thế nhưng, bộ phim vẫn ẵm 7 tượng vàng Oscar. Một câu hỏi đặt ra: Có phải mọi thứ ở khắp nơi nhưng lại chẳng có gì thực sự kết nối?
14. There Will Be Blood (tựa Việt: Máu sẽ đổ; 2007)
Daniel Day-Lewis như thường lệ thể hiện diễn xuất “thần sầu”, nhưng bộ phim của Paul Thomas Anderson lại bị cho là nặng nề đến mức... ngột ngạt. Chân dung một nhà tư bản dầu mỏ thời kì đầu nước Mĩ trở thành một cuộc “độc diễn” kéo dài 3 tiếng, với tông màu xám xịt, tiết tấu chậm chạp. Một kiệt tác về mặt hình ảnh, nhưng cảm xúc lại bị bỏ quên.
13. Oppenheimer (tựa Việt: Oppenheimer; 2023)
Christopher Nolan kể lại câu chuyện về cha đẻ bom nguyên tử, với sự cầu kì đặc trưng trong cách cắt dựng và âm thanh gầm rú. Cillian Murphy diễn rất tốt, nhưng chính cách kể chuyện đa tuyến, nặng chất “hàn lâm”, khiến nhiều khán giả cảm thấy xa cách. Đỉnh cao điện ảnh, hay một bài giảng triết học dài 3 tiếng? Tùy bạn quyết định.
12. 1917 (tựa Việt: 1917; 2019)

George MacKay trong 1917.
Được quảng bá như một bộ phim “quay một cú máy duy nhất”, 1917 giống như một màn trình diễn kĩ thuật hơn là câu chuyện cảm động. Nhân vật chính chạy xuyên suốt chiến trường – như một phiên bản Forrest Gump thời chiến. Đẹp, hoành tráng, nhưng cuối cùng vẫn khiến nhiều người cảm thấy… rỗng.
11. Dunkirk (tựa Việt: Cuộc di tản Dunkirk; 2017)
Một lần nữa, Nolan chọn kể một câu chuyện lớn bằng cách phân mảnh thời gian. Nhưng thay vì tạo chiều sâu, Dunkirk lại bị chê là lạnh lẽo và thiếu cảm xúc. Các nhân vật hầu như không có chiều sâu, còn cảm giác căng thẳng, thứ vốn nên là trung tâm của bộ phim lại bị chìm trong kĩ thuật dựng phim rối rắm.
10. Inglourious Basterds (tạm dịch: Đồ khốn kiêu hùng; 2009)

Một hình ảnh trong phim.
Tarantino đã pha trộn chiến tranh, trả thù, châm biếm và rất nhiều lời thoại trong Inglourious Basterds. Christoph Waltz xuất sắc, nhưng phong cách “nửa nghiêm túc, nửa trò đùa” của phim khiến nhiều người cảm thấy khó chịu khi đặt trong bối cảnh Thế chiến thứ hai. Dù thú vị, bộ phim có thể khiến người xem cảm thấy đạo diễn... quá say mê chính mình.
9. No Country for Old Men (tựa Việt: Không chốn dung thân; 2007)
Một bộ phim mở đầu hấp dẫn, hồi hộp nhưng rồi lặng lẽ trôi dần về một cái kết mơ hồ, gây hụt hẫng. Javier Bardem vào vai phản diện đáng nhớ, nhưng nhân vật của Josh Brolin lại biến mất khỏi màn ảnh một cách kì lạ. No Country for Old Men khiến người xem chia rẽ: Một kiệt tác ẩn dụ, hay chỉ là một bộ phim trinh thám lửng lơ?
8. Gladiator (tựa Việt: Võ sĩ gác đấu; 2000)

Poster phim Võ sĩ gác đấu.
Russell Crowe gầm gừ giữa đấu trường La Mã, trong một câu chuyện báo thù cổ điển. Phim được yêu thích, nhưng theo nhiều người, nó là một bản sao hiện đại của những bộ phim sử thi cũ kĩ, với cốt truyện dễ đoán và nhân vật phản diện... hoạt hình hóa. Dù đoạt Oscar, Gladiator không phải là hình ảnh điện ảnh La Mã thuyết phục nhất từng có.
7. Guardians of the Galaxy (tựa Việt: Vệ binh dải ngân hà; 2014)
Khi ra mắt, phim được khen là “hơi thở mới” cho vũ trụ Marvel. Nhưng sau nhiều lần lặp lại công thức “đùa cợt + nhạc 70s + hành động CG”, nhiều khán giả bắt đầu thấy... mệt. Nhân vật Groot dễ thương, Rocket thông minh, nhưng phim như một chuỗi meme kéo dài hơn là một hành trình siêu anh hùng đáng nhớ.
6. Avatar (tựa Việt: Avatar; 2009)

Kĩ xảo trong Avatar rất đẹp mắt.
James Cameron tạo ra một thế giới ảo đẹp mắt Pandora với công nghệ 3D đi trước thời đại. Nhưng dưới lớp hình ảnh đó là cốt truyện cũ kĩ: một người ngoài “gia nhập thổ dân” và trở thành anh hùng. Sam Worthington không đủ sức tạo dấu ấn, và dù phim kiếm hàng tỉ USD, rất ít người nhớ được tên nhân vật chính.
5. Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (tựa Việt: Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban; 2004)
Được đánh giá là phần “nghệ thuật” nhất trong loạt phim Potter, nhưng đạo diễn Alfonso Cuarón lại khiến nhiều fan trung thành thấy... khó hiểu. Không khí u ám, tiết tấu chậm, và cách kể chuyện ít ma thuật hơn hẳn hai phần trước. Với một số người, đây là bước tiến nhưng với nhiều người khác, là bước lùi.
4. La La Land (tựa Việt: La La Land; 2016)

Ryan Gosling và Emma Stone trong 'La La Land'
Một bức thư tình gửi đến thời vàng son của nhạc kịch Hollywood, với màu sắc rực rỡ và giai điệu du dương. Nhưng La La Land cũng bị chê là quá tự mãn, quá hoài niệm và không đủ chiều sâu. Emma Stone và Ryan Gosling rất dễ thương, nhưng liệu họ có đủ sức gánh một “kiệt tác hiện đại” như lời ca ngợi?
3. Casino Royale (tựa Việt: Sòng bạc hoàng gia, 2006)
Daniel Craig mang đến một James Bond gai góc, bạo lực và đầy cảm xúc. Tuy nhiên, anh cũng đồng thời “giết chết” hình ảnh quý ông hào hoa mà người hâm mộ yêu thích. Casino Royale là cuộc cách mạng, nhưng cũng là lí do khiến Bond trở nên... nhàm chán hơn bao giờ hết.
2. Requiem for a Dream (tạm dịch: Khúc bi tráng cho một giấc mơ; 2000)
Một cú sốc điện ảnh, một trải nghiệm tăm tối và dữ dội về nạn nghiện ngập. Nhưng dưới lớp nhạc nền đậm đặc và dựng phim dồn dập, nhiều người thấy phim như đang... "hưởng thụ sự đau khổ". Một bộ phim quan trọng, nhưng cũng bị chê là quá kịch tính và thiếu sự tiết chế cần thiết.
1. The Banshees of Inisherin (tựa Việt: Những hồn ma ở Inisherin; 2022)

Colin Farrell và Barry Keoghan trong cảnh phim.
Một bộ phim về tình bạn tan vỡ giữa hai người đàn ông Ireland trên hòn đảo hư cấu. Với người này, đó là một tác phẩm sâu sắc về sự cô đơn và kiệt quệ tinh thần. Với người khác, đó là một chuỗi đối thoại lạ lùng, phi logic và không cần thiết. Dù được đề cử nhiều giải Oscar, Banshees khiến không ít người rời rạp với vẻ mặt hoang mang.
Có bộ phim yêu thích nào của bạn bị gọi tên? Hay bạn đã luôn cảm thấy khó hiểu trước sự ca ngợi dành cho những cái tên kể trên? Dù đồng tình hay không, đây là lời nhắc nhở rằng trong nghệ thuật, đôi khi khoảng cách giữa “tuyệt tác” và “tầm thường” chỉ là một lớp sơn bóng.
MINH KIÊN dịch theo The Independent
VNQD