Thế giới tuần qua có nhiều sự kiện đáng chú ý, một trong số đó việc tiết lộ quy trình xuất bản tương đối chật vật của tiểu thuyết Lolita, cũng như công bố bản thảo đầu tiên của Của chuột và người từ John Steinbeck. Kiệt tác của Juan Rulfo cũng sẽ có bản dịch mới, phù hợp hơn nữa cho ngày hiện tại…
Graham Greene từng sẵn sàng vào tù vì Lolita
Graham Greene từng đảm bảo cho sự xuất hiện của Lolita tại Mĩ.
Theo Véra Nabokov – phu nhân của đại văn hào người Nga Vladimir Nabokov, thì cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi vào năm 1955 từng có thời gian tương đối lận đận trước khi chính thức ra mắt độc giả vì nội dung của mình.
Theo đó việc Lolita khắc họa mối quan hệ luyến ái giữa một người đàn ông trung niên và bé gái 12 tuổi mà anh ta coi là con gái của mình, đã gây chia rẽ trong giới văn học ở thời bấy giờ. Nó được ghi chép một cách chi tiết trong cuốn nhật kí do Véra Nabokov lưu giữ từ tháng 6 năm 1958, và mới được xuất bản thời gian gần đây.
Véra viết rằng sau khi bị 4 nhà xuất bản Mĩ từ chối, thì cuốn tiểu thuyết đã được phát hành bằng tiếng Anh lần đầu vào năm 1955 bởi Olympia Press có trụ sở tại Paris. Vào thời điểm đó nó gần như không được chú ý, chỉ cho đến khi một số ấn bản được tìm thấy ở Anh và Graham Greene – tác giả của cuốn Người Mĩ trầm lặng, đã viết một bài đánh giá trên tờ The Sunday Times vào Giáng sinh năm đó.
Tháng sau, biên tập viên của tờ Sunday Express - John Gordon đã phát động một chiến dịch yêu cầu cấm bán cuốn sách này, và cho rằng nó là “cuốn sách bẩn thỉu nhất” mà ông từng đọc, khi “chỉ toàn là khiêu dâm và không có gì hơn thế”. Điều này cũng khiến cho Bộ Nội vụ ở London gây áp lực lên Bộ Nội vụ Pháp ở Paris và cấm xuất bản. Lệnh cấm sau đó đã bị hủy bỏ tại một tòa án Pháp, rồi được áp dụng lại, và rồi lần nữa được dỡ bỏ vào một năm sau.
Vào khoảng năm 1958, đồng sáng lập nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson Ltd - George Weidenfeld đã liên lạc với Nabokov, bày tỏ mong muốn xuất bản Lolita ở Anh. Tuy nhiên, đối tác kinh doanh của ông là Nigel Nicolson lại không đồng ý với hướng đi này.
Véra lưu ý rằng Greene lo ngại trước việc Lolita sẽ bị Weidenfeld “cắt chỉnh thậm tệ”, nên đã yêu cầu nhà xuất bản của ông, Bodley Head, viết thư cho Nabokov và nói rằng họ “sẵn sàng xuất bản nó đầy đủ”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Greene sẽ chịu trách nhiệm cho hành động ấy, dù cho làm vậy thì nhà văn người Mĩ có nhiều khả năng trở thành “mục tiêu bị truy tố”.
Véra viết: “Anh ấy [Greene] sẵn sàng… vào tù vì Lolita”, bởi “không có cách làm nào tốt hơn để giữ cuốn sách toàn vẹn. Và cũng bởi vì các bên kiểm duyệt sẽ do dự khi bắt giữ một người có danh tiếng lớn như Graham Greene”. Sau đó bà cũng bổ sung rằng Weidenfeld đã đánh điện lại và báo rằng: “Không có khó khăn nào ảnh hưởng đến quyết định xuất bản của nhà xuất bản”.
Weidenfeld cuối cùng đã xuất bản Lolita cùng chung năm đó. Bản in đầu tiên đã bán hết sạch trong thời gian ngắn. Điều này cũng sẽ lặp lại với ấn bản thứ hai và thứ ba khi bán được hơn 80.000 bản chỉ trong 2 tuần in nối.
Nhiều di sản của John Steinbeck được bán đấu giá
John Steinbeck và một mảnh còn sót lại của bản thảo đầu tiên Của chuột và người.
Một mảnh nhỏ còn sót lại từ bản thảo đầu tiên của cuốn Của chuột và người bị con chó của Steinbeck cắn nát, sẽ được bán đấu giá tại New York vào tháng tới. Nó cũng nằm trong bộ sưu tập gồm các bản thảo, lá thư và những kỉ vật cá nhân của tiểu thuyết gia người Mĩ.
Vào giai đoạn đó, ông viết trong một lá thư gửi biên tập viên của mình vào ngày 27/5/1936 rằng: “Một bi kịch nhỏ đã xảy ra. Con chó săn của tôi, khi bị bỏ lại một mình trong đêm, đã cắn nát phân nửa cuốn sách tôi đang viết dở. 2 tháng làm việc vừa qua sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Không có dự thảo dự phòng nào khác.”
Ông bày tỏ mình “khá tức giận nhưng anh chàng nhỏ bé tội nghiệp này có thể không ý thức được việc mình làm. Tôi không muốn hủy hoại một con chó tốt chỉ vì một [bản thảo] ngắn. Tôi còn không chắc nó có hay hay không. Vì vậy con chó đã bị trừng phạt bằng cái vỉ đập ruồi”.
Cũng được đem ra đấu giá là nhật kí cá nhân của Steinbeck từ năm 1949. Ông bắt đầu viết “Tôi không cho rằng có ai từng ghét một năm như tôi ghét năm 1948… Vợ, con cái cũng như bạn thân đều đã ra đi. Nhưng có lẽ nó làm tôi cứng rắn hơn. Tôi cũng mong là như vậy”. Cuốn nhật kí cũng kể chi tiết về sự kết thúc của cuộc hôn nhân của ông với người vợ thứ hai, Gwen, và nỗi tuyệt vọng của ông trước sự ra đi của người bạn thân nhất, Ed Ricketts.
Các món đồ trong cuộc bán đấu giá này đến trực tiếp từ gia đình em gái út của Steinbeck, Mary Steinbeck Dekker. Thư từ giữa tác giả và gia đình ông cũng được dự kiến bán với giá là 250.000 - 350.000 USD (6 – 8.5 tỉ VNĐ). Ngoài ra bản thảo đánh máy gốc của cuốn tiểu thuyết đầu tiên Chiếc cúp vàng, có những chỉnh sửa nhỏ của tác giả cũng sẽ được bán, cùng đó là 1 trong số 10 bản duy nhất của Chùm nho thịnh nộ được đóng bìa đặc biệt.
Pedro Páramo có bản dịch mới
Bản dịch mới của Pedro Paramo hứa hẹn mang đến đời sống mới cho tác phẩm này.
Năm 1953, Juan Rulfo lúc chưa có được danh tiếng đã xuất bản Bình địa trong lửa - một tuyển tập truyện ngắn lấy bối cảnh ở vùng nông thôn Mexico trong nửa đầu thế kỉ XX. Cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo ra đời 2 năm sau đó đã đưa ông trở thành một trong những nhà văn nổi bật nhất ở châu Mĩ thời bấy giờ.
Những tác phẩm của ông đã thách thức các hình thức kể chuyện truyền thống, thay đổi tiến trình tiểu thuyết của Mexico và Mĩ Latinh, đồng thời giúp mở ra cái gọi là “Sự bùng nổ của văn học Mĩ Latinh” bao gồm những nhân vật nổi tiếng như Carlos Fuentes và Rosario Castellanos từ Mexico, hay những người đoạt giải Nobel - Mario Vargas Llosa và Gabriel García Márquez.
Thường được coi là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Mexico, Pedro Páramo cũng là tác phẩm hư cấu được dịch nhiều nhất ở quốc gia này. García Márquez đã từng nói rằng chính bởi khi đọc Pedro Páramo vào giữa những năm 1960, mà ông được truyền cảm hứng để viết nên kiệt tác Trăm năm cô đơn vào năm 1967. Thật trùng hợp khi cả Pedro Páramo và Trăm Năm Cô Đơn đều sẽ sớm xuất hiện dưới dạng chuyển thể phim ảnh của Netflix trong năm sau.
Dẫu vậy bất chấp tầm quan trọng của Pedro Páramo, hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý rằng cuốn tiểu thuyết này đã không thu hút được độc giả nói tiếng Anh như nó xứng đáng. Tất nhiên, Juan Rulfo không phải là nhà văn nói tiếng Tây Ban Nha duy nhất bị thị trường này “bỏ mặc”, và sự “ẩn danh” của Rulfo trong số các nhà văn này có thể một phần là do cuộc “khủng hoảng” về việc đọc bản dịch.
Nhiều nhà quan sát cũng đặt nghi vấn liệu những bản dịch của tiểu thuyết này có là rào cản? Mới đây Pedro Páramo đã xuất hiện trong bản dịch mới của Douglas J. Weatherford - giáo sư chuyên ngành văn học và điện ảnh Tây Ban Nha. Trước đó nó cũng được dịch qua 2 phiên bản: vào năm 1959 bởi Lysander Kemp - dịch giả xuất sắc với tác phẩm về Octavio Paz; và vào năm 1994 bởi Margaret Sayers Peden, người từng làm việc với những nhân vật quan trọng như Carlos Fuentes và Isabel Allende. Kemp và Peden hoàn toàn xứng đáng được khen ngợi vì vai trò của mình trong việc giới thiệu Rulfo ra bên ngoài biên giới Mexico.
Dù thừa nhận nỗ lực của Kemp và Peden, nhưng Pedro Páramo cũng cần có bản dịch mới, bởi có thể nói tiểu thuyết của Rulfo không ngừng thách thức người đọc ở nhiều thế hệ. Lối viết của Rulfo cũng thường chứa đựng khả năng diễn giải còn đang ẩn giấu, mời gọi độc giả tiến hành khám phá.
Đối mặt với một cuốn sách phong phú như vậy, Weatherford tin rằng một dịch giả thành công phải giữ nguyên được những yếu tố độc đáo của bản gốc. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra Kemp đã bỏ qua việc dịch các từ, cụm từ và thậm chí cả câu trong bản dịch của mình. Vì vậy với bản dịch mới, hi vọng tuyệt tác lớn này sẽ lại có thêm một đời sống mới.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ nhiều nguồn
VNQD