Sau khi đăng tải truyện ngắn Hapworth 16, 1924 trên tờ The New Yorker vào năm 1965, J.D. Salinger đã quyết định sẽ không công bố rộng rãi tác phẩm của mình thêm lần nào nữa. Từ bỏ gần 20 năm có vị trí tương đối nổi bật trong giới văn chương, ông rút lui về ngôi nhà ở Cornish, New Hampshire và bắt đầu lối sống ẩn dật. Chia sẻ về hành động này với New York Times vào năm 1974, ông đã nói rằng “xuất bản là sự xâm phạm thật sự khủng khiếp đến quyền riêng tư của tôi. Tôi thích viết. Tôi yêu việc viết. Nhưng tôi chỉ muốn viết cho bản thân và niềm vui riêng của mình”.
Nhà văn J.D. Salinger.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông – Bắt trẻ đồng xanh, đã bán được hơn 65 triệu bản. Do đó việc ông tự ý ở ẩn khó có thể chấp nhận đối với nhiều người hâm mộ trung thành. Mặc dù có một cuộc đời tương đối kín đáo, thế nhưng vẫn có những khía cạnh khác trong cuộc đời ông đã được đưa ra ánh sáng. Kenneth Slawenski, người viết tiểu sử của nhà văn, đã cho ra mắt cuốn sách khắc họa chân dung ngay sau cái chết của ông vào năm 2010 ở tuổi 91. Trong J.D. Salinger: A Life (tạm dịch: Cuộc đời của Salinger), Slawenski đã kể chi tiết về cuộc sống cá nhân của nhà văn bằng những dữ liệu công khai và được cho phép. Có thể nói rằng cuốn tiểu sử này đã vẽ nên một bức tranh vô cùng sống động về vị văn nhân mà không cố gắng xâm phạm quyền riêng tư mà ông bảo vệ những năm cuối đời.
Theo đó Salinger đặc biệt nhạy cảm với việc chiếm đoạt. Ông từng ví nó như “chiếc áo mà ta rất thích nhưng rồi ai đó rớ vào và trộm nó đi”. Nhiều thập kỉ trước Slawenski, vào năm 1986, Ian Hamilton, một tác giả nổi tiếng người Anh và cũng là nhà phê bình văn học của tờ The London Sunday Times, cũng đã cố gắng viết sách tiểu sử về J.D. Salinger. Dù Salinger phản đối việc này, nhưng Hamilton vẫn sẽ chắp bút phần lớn dựa vào thư từ thuộc bộ sưu tập trong các thư viện ở Princeton, Harvard và Đại học Texas. Salinger sau đó khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại với lí do vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm điều khoản. Vụ việc được đưa ra tòa vào năm 1987.
Hamilton lập luận rằng việc ông sử dụng các bức thư cá nhân của Salinger là hợp pháp. Hamilton tin rằng việc dùng tư liệu thuộc danh mục “phê bình, học thuật và nghiên cứu” được lưu trữ tại các thư viện là được cho phép. Trong khi đó Salinger thì lập luận rằng vì chúng chưa được xuất bản khi Hamilton sử dụng, nên việc áp dụng các điều luật trên là không hợp lệ, vì chính sách này chỉ đề cập đến các tác phẩm đã xuất bản. Cuối cùng Salinger được tuyên là người chiến thắng và cuốn tiểu sử của Hamilton bị ngăn xuất bản.
Tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh.
Vào cuối những năm 1990, hai tác phẩm khác khi được phát hành cũng đã thách thức việc phơi bày cuộc đời của Salinger. Joyce Maynard ở tuổi 19 đã bỏ học ở Yale để đến sống với Salinger vào năm 1972. Năm 1998, bà xuất bản một cuốn hồi kí về khoảng thời gian cùng nhau chung sống có tựa đề If You Really Want to Hear About It (tạm dịch: Nếu bạn thực sự muốn nghe về điều đó). Năm 2000, con gái của J.D. Salinger và người vợ thứ hai cũng đã ra mắt cuốn hồi kí khác mang tên Dream Catcher (tạm dịch: Người theo đuổi giấc mơ) kể về quan hệ của cô với người cha kín tiếng.
Cả hai cuốn sách đều chơi chữ với nhan đề sách gốc Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) và tiết lộ những chi tiết đặc biệt về cuộc đời Salinger. Những người chỉ trích gọi Maynard là kẻ cơ hội, đặc biệt khi bà tiến hành bán đấu giá những bức thư do Salinger viết ngay sau khi cuốn sách được xuất bản. Sau đó chúng sẽ được một người mua lại, và ông lập tức trao trả chúng lại cho Salinger. Nhưng câu chuyện của Maynard cũng đã tiết lộ khía cạnh quan trọng khác của Salinger, rằng ông là một người đàn ông lớn tuổi, bị ám ảnh bởi các cô gái trẻ.
Cuốn sách của Margaret, được xuất bản khi Salinger vẫn còn sống, có lẽ là sự thể hiện thật chính xác nhất về vị tác giả cho đến ngày nay. Margaret biện minh cho việc xuất bản cuốn sách nói trên với lí do cô có đủ quyền theo Tu chính án thứ nhất để chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Tuy nhiên sau khi nó được xuất bản, Matt, con trai của Salinger (người hiện quản lí di sản của ông), đã đăng một bức thư ngỏ trên tờ The New York Observer, làm mất uy tín lời kể của em gái mình khi kể về những lí do sức khỏe có thể làm sai lệch đi những sự thật ấy.
Dù vậy bản thân của Salinger và các tác phẩm của ông vẫn sẽ thường được nhắc đến cũng như phái sinh. Theo cuốn Reading Salinger's Silence (tạm dịch: Thấy gì từ sự im ắng của Salinger), tác giả Myles Weber đã chứng minh rằng không có gì lạ khi các nhà văn khao khát sự cô độc như Katherine Anne Porter, Thomas Pynchon và Don DeLillo đều chọn cuộc sống bên lề ánh đèn sân khấu. Dẫu thế thì họ vẫn chọn tiếp tục xuất bản. Trường hợp của Salinger hóa ra lại giống với Harper Lee, tác giả của cuốn Giết con chim nhại vô cùng kinh điển. Trong ấn bản năm 1993 của cuốn sách này, Harper Lee đã giải thích sự im lặng của mình trong phần giới thiệu ngắn gọn: “Con chim nhại vẫn còn đang nói những gì phải nói”.
Suốt cuộc đời mình, Salinger cũng kiên quyết từ chối bán bản quyền phim, như ông giải thích trong một lá thư: “Đối với tôi, sức nặng của cuốn sách nằm ở giọng nói của người kể chuyện”. Tuy nhiên khi mà những người hâm mộ Salinger càng cố gắng đưa ông trở lại thì ông ngày càng trở nên chống đối xã hội hơn. Năm 1977, tạp chí Esquire xuất bản một truyện ngắn ẩn danh có tên For Rupert—With No Promises (tạm dịch: Dành cho Rupert mà không có kì vọng nào) như thể ông đã bắt đầu viết văn một cách công khai trở lại. Hóa ra, Gordon Lish, biên tập viên của Esquire, mới chính là người đứng sau trò chơi khăm này. Ông tuyên bố, “Nếu Salinger không định viết tiếp thì một ai đó phải viết thay ông”. Gordon Lish sau này cũng lại là người truyền đi cảm hứng cho Don DeLillo viết một cuốn sách xoay quanh khát vọng cô độc của Salinger.
Vào ngày 8/12/1980, Mark Chapman đã bắn nhạc sĩ nổi tiếng John Lennon để “việc đọc Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger có thể phổ biến thêm một lần nữa”. Vài tuần sau khi bị bắt, hắn ta đã gửi một bức thư cho tờ New York Times giải thích động cơ của mình. Theo các tình tiết đã được bật mí, hắn đã đồng cảm với nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, người mà trong phần kết thúc sẽ bị đưa vào một viện dưỡng lão với trái tim gần như tan vỡ.
Trong một nghiên cứu của học giả Daniel Stashower, ông cho rằng Holden Caulfield và Mark Chapman đã phải đối mặt với cùng một cuộc khủng hoảng: sự mất đi tính thánh thiện, thuần khiết của tuổi ấu thời. Holden Caulfield không thể tìm thấy cách nào để giữ cho sự trong trắng một cách mãi mãi, từ đó buộc phải trưởng thành. Vì vậy để thần tượng của mình là John Lennon mãi luôn thánh thiện, thì bản thân ông sẽ phải chết đi. Điều này cho thấy mức độ cực đoan với một tác phẩm được nhìn nhận sai, khiến sự co cụm của Salinger ngày càng trở nên đúng đắn.
Năm 2009, Salinger gặp phải một kiểu chủ nghĩa cơ hội trắng trợn khác ở nhà văn Thụy Điển Fredrik Colting, người đã nỗ lực xuất bản phần sau của cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh dưới bút danh JD California. Tác phẩm mới này có tựa Coming Through the Rye: 60 Years Later (tạm dịch: Trở lại đồng xanh: 60 năm sau), xoay quanh câu chuyện về ngày Holden Caulfield lúc này đã 76 tuổi, trốn thoát khỏi viện dưỡng lão và quay trở lại New York để lấy lại chính tuổi trẻ đã bị lãng quên của mình, trước khi gặp không ai khác ngoài J.D. Salinger. Trong các tranh luận, nhiều bên cho rằng đây là hành động hoàn toàn hợp pháp vì tác phẩm mới đã biến đổi một cách hoàn toàn tác phẩm trước đó. Dẫu vậy Salinger vẫn sẽ là người thắng cuộc.
Cho đến ngày nay, di sản cuối cùng của Salinger vẫn được giữ gìn bởi người vợ góa Colleen Salinger, và con trai ông, Matt Salinger. Vì vậy có thể nói rằng nhà văn người Mĩ không chỉ là một tác giả tương đối vĩ đại trong văn chương Mĩ, mà còn là một hiện thân vô cùng quan trọng trong chính cuộc chiến bảo hộ tác phẩm và duy trì sự bất tử, đúng đắn của chúng.
NGÔ MINH dịch theo LitHub
VNQD