Những chuyện kì dị

Chủ Nhật, 03/12/2023 14:45

Sarah Hall sinh năm 1974, hiện sống và viết tại Cumbria, Anh quốc, lấy bằng Mlitt về Viết sáng tạo tại Đại học St Andrews. Sarah Hall thường xuyên dạy viết sáng tạo cho các khóa học do Quỹ Arvon tài trợ. Năm 2013, Hall được Granta đưa vào danh sách “20 nhà văn trẻ xuất sắc nhất”; năm 2016 được bầu làm Ủy viên Hiệp hội Văn học Hoàng gia. Sarah Hall là nhà văn đương đại duy nhất 2 lần đoạt giải Nhất Giải Truyện ngắn Quốc gia Anh do BBC Radio 4 chủ trì tổ chức: năm 2013 với Mrs Fox (Nàng cáo); năm 2020 với The Grotesques (Những chuyện kì dị).

****************

Nếu người chứng kiến không phải là Dilly còi cọc và thiểu năng, mà là một người nào khác, hẳn trò đùa như vậy thật quá nực cười. Ông Charlie-bo, người mà cả thị trấn ai cũng biết - một kẻ lang thang rày đây mai đó, một “bậc thầy” về sự bẩn thỉu - đang nằm ngửa tại một nơi quen thuộc dưới mái hiên cửa hàng. Ông đã ngủ, hoặc bất tỉnh. Có lẽ thậm chí ông đã chết, Dilly không thể kể rạch ròi ra được. Mặt nạ trái cây và rau quả đã được sắp xếp trên khuôn mặt ông, tạo ra một khuôn mặt kinh dị. Hai lát chanh đắp lên mắt, với con ngươi được vẽ bằng bút dạ đen. Hạt bắp và râu bắp được xếp thành đống quanh đầu ông như một nhành cây tua tủa lá. Còn sống mũi - bọn khỉ gió ấy đã làm thế nào? Là một lát dưa, xếp thẳng đứng, được gọt đẽo cân đối; phần thịt của nó màu cam, khô và xỉn màu. Tất cả đều nghệ thuật “kinh khủng khiếp”!

Dilly không có ý định về nhà ngay; cô sẽ về muộn sau khi đi mua sắm xong mấy thứ theo lệnh mẹ.

Ông Charlie-bo quả thật quá tội nghiệp. Dilly muốn quỳ hẳn người xuống, hất tung tất cả những thứ người ta đem ra nghịch ngợm trên người ông, lay ông tỉnh dậy, đỡ ông đứng lên. Có lẽ nếu cô làm vậy, ông sẽ trở lại với con người cũ xa xưa của mình, mỉm cười và nói mạch lạc, vì ông đã không làm được như vậy trong suốt nhiều năm. Ông sẽ cảm ơn cô. Đôi mắt đỏ hoe, tự do chuyển động đó sẽ bắt gặp ánh nhìn của cô, một cách ân cần, e thẹn.

Dilly thọc tay vào túi quần. Không báo trước, ông Charlie-bo bỗng rùng mình. Ông giật bắn người, như thể bị một luồng điện tấn công. Quả dưa lật úp, quả chanh lăn từ hốc mắt xuống vỉa hè, rớt xuống gần chân cô. Ông liên tục vỗ đầu, tạo ra những tiếng rền rền, loạn xạ. Ông ngồi dậy, huơ tay, phủi váy cho Dilly, và kết tội cô. Dilly lùi một bước. Cô lắc đầu. Không, cô nghĩ. Cháu muốn giúp ông. Ông nhìn cô, cố nhìn thật kĩ. Ông nỗ lực trò chuyện. Lưỡi ông to quá khổ, như thể đó là một con sâu khổng lồ trong miệng ông.

Dilly quay lại và bắt đầu bỏ đi.

Sau lưng cô, ông ấy gào lên tục tĩu. Cô bước thật nhanh, len vào đám người bộ hành. Cô chạy lúp xúp về phía bến thuyền và cầu Queen, tim cô rối lên. Trước khi quay lại nơi người buôn rượu đang ngồi, cô nhìn lui. Lòng còn e sợ thấy ông, chiếc áo choàng của ông bay bay, gương mặt xấu xí vì giận dữ. Nhưng ông không có ở đó. Cô dừng lại bên bờ sông, lòng nhẹ tênh.

Chiều đó mọi người tụ tập đến nhà Dilly - thực ra đó là sinh nhật cô, mặc dù sự kiện kia cứ lởn vởn trong tâm trí cô. Mẹ đang làm bánh nướng sữa trái cây cho bữa tiệc trà, đó là một lò sản xuất khá nghiêm chỉnh; mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng ở nhà, mặc dù loại bánh đó, theo lời Dilly, chẳng đến nỗi khó làm. Cô thực sự nên đi. Cố lên, Dilly! Cô nên tập trung nghĩ về những điều thú vị để nói với người phụ nữ ở tạp chí nghệ thuật, và lưu tâm đến gương mặt bà ấy. Nhưng dòng sông thật êm ả, đáng yêu. Cô đã đi dạo cùng chị Rebecca vào mùa hè, vào một ngày nóng bức và đã cố nói những điều tử tế. Cô nói rằng, với tư cách em gái Peter, cô cũng biết anh ấy như bất cứ ai, và ngay cả khi anh có vẻ hơi khác người, cô chắc chắn anh vẫn quan tâm. Cô hi vọng đó là điều rất thực. Chị Rebecca đã lặng lẽ khóc trên đường đi, mặt ướt sũng, mái tóc chưa gội búi lại dưới chiếc băng đô và im lặng, không trả lời. Chị Rebecca đã khóc ngất vào mùa hè năm ngoái, vì đứa bé. Và vì Peter, mặc dù mẹ khẳng định Peter không làm gì sai, anh dù muốn dù không cũng không thể bỏ việc được; chị Rebecca đã khóc như điên như dại và có thể trở thành một nhân vật quá khó tính. Thật khó biết nên nghĩ gì và khó cảm nhận thấu đáo về điều đó. Dilly viết vài bức thư cho chị dâu, nhưng đã liệng chúng đi. Chẳng thể nói gì, trừ khi mẹ ra lệnh và sau đó thực hiện.

Dilly nhìn xuống hạ lưu dòng sông. Cô nhận ra có một làn mưa rất khẽ trên lối đi. Váy cô âm ẩm và con đường mòn giờ đã có một lớp nước lấp xấp tỏa ánh bạc. Bầy thiên nga tự giấu đầu dưới cánh, rồi len lỏi ẩn mình dưới dòng nước trong xanh. Tất nhiên, cô quên mang dù. Tóc cô sẽ khó gỡ nếu mưa quá lâu, rồi sẽ thành tóc rối. Cô đứng dậy, bắt đầu bước trở lại tới bến thuyền. Mưa trở nên nặng hạt; cô có thể cảm thấy chúng nhỏ giọt trên trán và quanh lông mày. Thuyền đang đậu thành hàng, trùm bạt kín mít và buộc neo. Bốn năm người đang ngước mắt nhìn qua mép nước bờ bên kia, nhìn lên con đập. Một người đứng chỉ trỏ. Có lẽ thứ gì đó mắc kẹt ở một lớp rác rối rắm ở đáy nước.

Dilly quay lại, bước lên cầu Queen và tiếp tục đi lên con đường đất, đi ngang qua cửa hàng từ thiện. Cô đi qua The Blue Bell, bước về phía cửa hàng bánh Monns. Hôm nay, những chiếc bánh dường như hoàn hảo và xinh đến mức cô bắt đầu cảm thấy động lòng. Cổ họng nghèn nghẹn. Cô muốn ngồi xuống vỉa hè, bó gối luôn tại đó. Cô đang đói; chính xác là vậy. Xơi duy nhất một quả trứng cho bữa điểm tâm là tất cả những gì mẹ cho phép; không thể có bánh mì nướng vì Dilly hiện đang kiêng các sản phẩm bột. Bữa trưa cô thường phải nhịn hoàn toàn. Thay vào đó, đã có một cuộc tranh luận nhỏ về việc nên mặc những gì để gây ấn tượng với người phụ nữ làm ở tòa soạn tạp chí.

Minh họa: Tô Chiêm

Một chiếc bánh tại cửa hàng Monns dường như có hình thác nước lấp lánh bột ca cao ở rìa. Làm thế nào người ta làm ra được như thế nhỉ? Dilly tự hỏi liệu ông Charlie-bo kia có đói không. Còn rượu thì sao, thứ có thể được ưu tiên hơn? Trong tất cả những người vô gia cư ở thị trấn, ông ấy được biết đến nhiều nhất, thậm chí còn được yêu mến. Ông từng là sinh viên đại học, nghiên cứu triết học Heidegger, hoặc động lực học thứ 11 về không gian, một thứ gì đó rất tân tiến và cực khó. Mọi người kháo nhau rằng ông đang tranh giải Nobel. Mẹ cô khăng khăng rằng ông đến từ một ngôi làng nhỏ phía bắc, y hệt mẹ - một người sống tự lập, một sinh viên có học bổng hẳn hoi. Học quá sức, hoặc nghiện ma túy, hoặc đột quỵ - một số tai họa đã xảy đến với ông, và ông bắt đầu suy sụp. Trong một thời gian, ông từng là người nổi danh trên đường phố và tại địa phương, cho đến khi tâm trí ông trở thành lẩn thẩn. Một nạn nhân của thiên tài.

Khi tới đường Northumberland, Dilly cảm thấy ướt át và hơi chóng mặt. Cơn mưa chưa dứt. Tóc cô bám chặt vào thái dương. Cửa hầm của ngôi nhà đã bị khóa - chìa khóa của nó đã bị mất trong một thời gian - nghĩa là cô sẽ không thể vô nhà mà không bị phát hiện. Cô nặng nề lê từng bước lên cửa trước, và qua cửa sổ cô nhìn thấy cha Muturi đang ở phòng khách, đứng bên lò sưởi, nói chuyện với Edward.

Gần đây, mẹ đã sắp xếp cho cô gặp ông Merrick - một nhà phân tích tâm lí sống ở số 52 - để nói về những điều gợi lên cho Dilly “một chút động lực”. Chúng ta có nên bắt đầu với lí do tại sao cô rời London về đây không? Buổi chất vấn về tâm lí do ông thực hiện ở tầng hầm nhà riêng. Có một bức tranh treo tường, tuy có vẻ trừu tượng nhưng trông giống như một người phụ nữ với vòng xoáy nước nằm ngay giữa bụng. Dilly tự hỏi, liệu nó có phải như vậy chăng, hay nó thực sự khác đối với những người khác? Trên thực tế, đó có phải là một loại thử nghiệm tâm lí không nhỉ?

Dilly đã chuẩn bị những điều cần nói với ông, tất cả đều được suy nghĩ rất kĩ lưỡng, nhưng cuối cùng cô không nói gì nhiều. Sau khi bị mất túi xách, cháu không cảm thấy an toàn cho lắm khi ở London. Sự thật là không có một trận đại hồng thủy nào xảy ra ở đó cả. Đó còn là một chuỗi những va vấp hàng ngày, những vấn đề cô không thể tự giải quyết một mình. Việc quên cả bữa ăn, không quên thực sự nhưng bị bỏ qua bởi quá nhiều lựa chọn, và các khoản thanh toán tiền thuê nhà, không thể chuyển sữa thành bọt đặc hoàn hảo trong các quán cà phê nơi cô làm việc. Ông đã tỏ ra hoài nghi và buồn chán trong khi nghe cô nói, sau đó, ông thất vọng. Dilly cảm thấy không thoải mái và vui mừng khi câu chuyện kết thúc. Mẹ không hỏi gì cô về buổi gặp mặt ấy.

Mưa sà xuống lộp độp, tối sầm cả mặt đường. Cô sẽ bị phát hiện bất cứ lúc nào bởi Edward hoặc cha Muturi. Nhưng món bánh nướng mẹ làm sẽ không hoàn tất được nếu mứt và kem trong túi ni lông của Dilly chưa được chuyển vô nhà. Qua cửa sổ, Edward vẫy tay với cô, nói to rằng cửa mở sẵn rồi - tất nhiên cửa luôn mở, ngay cả khi mọi người rời khỏi nhà trong kì nghỉ. Cô đẩy cửa, bước vào hành lang. Có tiếng nói trong phòng khách, cuộc chuyện trò nhỏ nhẹ niềm nở của Edward và tiếng cười của người Kenya đáng yêu: cha Muturi. Con cần đưa mấy thứ này, cô gọi lớn, cốt cho mẹ nghe. Cô cởi giày cao gót rồi lặng lẽ bước xuống bếp.

Mùi bánh nướng gần như không thể chịu nổi. Cô rất đói. Nếu cô có thể ăn một quả táo trước khi gắng nói chuyện lịch sự với người phụ nữ của tạp chí nghệ thuật, mọi thứ chắc sẽ ổn. Nhưng bát trái cây trống hoác, trên đó chỉ có chiếc găng tay. Mẹ nhẹ nhàng và gọn gàng một cách rất tự nhiên. Các con của mẹ đều cao và nặng hơn, giống như cha, với gen Hà Lan, và lượng thức ăn hàng ngày của mỗi người phải được theo dõi. Ngay cả các cô con gái cũng vậy. Peter và Dominic được phép xơi luôn món thịt nướng khi cả hai về nhà, rồi đi chơi tennis; trong khi lũ “vịt trời” cắm đầu cắm cổ dọn dẹp.

Quạt lò quay tít. Mẹ đã không nhận ra Dilly; bà đang bận vỗ bánh nướng bằng khăn. Dilly lặng lẽ đặt túi ni-lông xuống bàn, lấy mứt và kem ra. Cô để chúng sau bình hoa, nơi có vẻ như chúng đã “an nhiên tự tại” như thế trong suốt một giờ qua, sau đó lùi ra khỏi bếp. Cô chạy lên lầu, qua tấm gương ở sảnh - ôi, trông người cô rối bời, đường kẻ lông mi lem nhem, môi nhợt nhạt, tóc tai rũ rượi; rồi cô lên tầng hai, vào phòng tắm. Cô đóng cửa lại, chuyển giỏ áo quần đến ngay mặt cửa.

Ở nhà dưới, tiếng chuông cửa vang lên. Có lẽ nhiều khách dự tiệc đang đến. Phòng khách cực kì ấm áp khi Dilly bước vào. Mọi người đã đến: chị Cleo, anh Dominic và cô vợ, chị Bella, anh Peter - người mặc đồng phục sĩ quan, người phụ nữ của tòa soạn tạp chí, hoặc ít ra là một người phụ nữ chưa rõ họ tên mặc váy đen và một số người bạn khác của mẹ. Dilly cố bước vào phòng với sự kết hợp cả nét duyên dáng lẫn sự kịch tính vừa phải. Mẹ ở cạnh bàn, rót trà vào chiếc li trên cái đĩa mà chị Bella vừa cầm đưa ra. Chị ấy rất giỏi phụ giúp mọi người và dường như chị đã nỗ lực gấp đôi kể từ khi có chị Rebecca. Mẹ mặc áo choàng bằng lông gọn ghẽ màu vàng và một chiếc ghi lê đen. Bên cạnh khay trà có một đĩa bánh nướng nhân thập cẩm hoàn hảo. Rõ ràng mẹ đã tìm thấy mứt và kem, rồi đựng chúng trong những chiếc bát thích hợp. Dilly rất thèm ăn một chiếc bánh nướng, nhưng mẹ ở ngay đó, vì vậy cô tiến về phía Edward, người thường xuyên bỏ đĩa xuống nếu nhìn quanh không thấy người phụ nữ nào.

Khi Dilly đi vòng quanh, chị Cleo quay lại nắm lấy khuỷu tay cô. Hôm nay là sinh nhật của một cô gái bí ẩn, phải không em, chị ấy hỏi. Dạo này em thế nào? Đang làm “điệp viên” cho ông nhà nước phải không? Cleo nói xong, hôn lên má Dilly. Chị Cleo quàng tay Dilly, đưa cô về phía Peter và Dominic. Hai người anh em trai của họ cùng hôn lên má hai cô em, rồi tiếp tục chuyện trò, dường như họ đang bàn điều gì đó liên quan đến cuộc chiến ở Venezuela. Bốn anh chị em nhà Quinn vô tình tập trung với nhau thành một nhóm. Trong khoảnh khắc đẹp đẽ đó, Dilly có cảm giác bốn anh chị em cô là một sự lắp ghép hoàn mĩ. Trước đây, trong một thời gian dài, nó không được như thế. Đã có những điều xảy ra với chị Rebecca, mẹ mô tả đó là một trong những điều tồi tệ nhất đã xảy ra với gia đình, sự gắn bó của chị ấy, sự gắn bó quá mức của chị ấy với đứa bé. Một số lời lẽ của Rebecca khi chị ấy đau buồn thê thảm, và sau đó là của mẹ, đã vang vọng trong đầu Dilly rất lâu. Đó là tật bẩm sinh của cháu. Những lời mắng nhiếc. Những ưu tiên trái khoáy cho con trai mày và thuyết ưu sinh đẫm máu của mày - bây giờ là lúc hủy diệt sự sống hay sao? Dilly không biết tại sao mọi người có thể tin vào những điều hoàn toàn đối lập với nhau như vậy. Thật “kinh khủng khiếp” khi mọi thứ, khi mọi người mắc sai lầm. Nó đã không hề xảy ra nữa kể từ khi cha bỏ đi và mẹ thật sự lớn tiếng với chị Rebecca. Trong tất cả mọi thứ, sự phản bội lớn nhất là tìm cách loại bỏ nhau.

Dilly cảm thấy xót bụng. Có một âm thanh vo ve trong tai cô. Cô rời khỏi cánh tay chị Cleo, tiến dần đến chỗ Edward và cha Muturi. Vị linh mục dường như không rời khỏi chiếc ghế ấm áp của mình một milimét nào. Cô Cleo nè, ngài ấy kêu lên, tôi hi vọng được gặp cô! Dạ, con là Dilly - Dilly đáp - còn kia là chị Cleo, thưa cha. Cô chỉ trỏ. Có một khoảng dừng. À vâng, cô Delia. Cha Muturi quay sang Edward. Cô ấy rất siêng đến nhà thờ, cái cô này này. Một cô gái tuyệt vời. Dạ, con biết mà, Edward thưa. Đó là một chiếc áo tuyệt đẹp, áo hồng của anh đấy, Dilly ạ. Anh đã nghĩ đến việc tự mình mặc chiếc áo đó. Edward cười, đôi mắt nhợt nhạt và sáng lên sau cặp kính cận.

Trên chiếc kệ đèn măng-sông, đĩa thức ăn của cha Muturi đã hết sạch; nhưng Edward còn tới nửa cái bánh nướng, phần dưới cùng được cắt rất sắc nét, không có một tí mảnh vụn nào vương vãi. Anh vẫn chưa đụng tới phần trên chiếc bánh. Dilly muốn anh nhìn thấy - để cảm nhận cho kì được - cô đã tuyệt vọng như thế nào. Nhưng Edward có vẻ chậm hơn thường ngày, hoặc kém tinh ý hơn, hoặc có lẽ anh cho rằng Dilly đã ăn xong. Da mặt anh đỏ và bóng đến mức có thể rạn ra.

Mọi người tạm dừng trò chuyện. Hôm nay là sinh nhật của con mà, Dilly lên tiếng. Mọi người hơi giật mình nhìn cô. Cô đã thốt ra điều đó, thực sự khá thô lỗ. Hôm nay? Cha Muturi hỏi. Dilly gật đầu. Cô liếc nhìn đĩa bánh nướng dang dở, nửa cái được nướng tuyệt đẹp mà Edward không ăn. Tiếng cười của mẹ vang lên, mẹ hoặc ai đó đã kể một câu chuyện cười. Điều đó thật tuyệt, cha Muturi gật đầu. Chúng ta phải đọc kinh chúc mừng sinh nhật đi. Ồ, vâng, thật tuyệt, Edward tỏ vẻ đồng tình.

Cha Muturi hắng giọng, dời gót khỏi lò sưởi và bước vô phòng. Ngài là một người to lớn, khi di chuyển thì đó là cả một cơn địa chấn. Các vị khách tụm đầu lại. Cha Muturi đưa tay ra. Ngài chờ đợi sự quan tâm của mọi người, theo thói quen nghề nghiệp, và Dilly bắt đầu nhận ra điều gì đang xảy ra, điều gì sẽ xảy ra. Từng người một, từng vị khách im lặng. Cuối cùng, giọng mẹ vang lên, các nốt cao, âm chủ đạo lan tỏa. Bà bước vòng qua các vị khách và đến gần hơn, tiến về phía trước. Xưa nay, hát sôi nổi trong một bữa tiệc là điều bà ưa thích. Cha Muturi hơi ngoe nguẩy ngón tay. Edward đứng hẳn sang một bên; và Dilly giờ đây, không thể nào tránh khỏi, trở thành cảnh quay chính. Dilly gắng gượng cười, nhìn trò chơi, và sẵn sàng đón nhận một cách ngoan ngoãn. Cô liếc nhìn chị Cleo để nhờ giúp đỡ, nhưng chị cô đang thì thầm điều gì đó vào tai anh Peter và hơi nhếch mép. Dilly nhìn xuống sàn. Cơn chóng mặt vì đói đã không còn ở trên cao nữa, mà trở nên nặng nề, lắng sâu trong cơ thể cô. Cô cảm thấy như có sức nặng rơi xuống một vùng nước tối.

Cha Muturi dang chân rộng ra và đặt tay lên đầu Dilly. Cô cảm thấy đầu gối mình hơi gập lại và người cô bất giác chùng xuống, như muốn xỉu. Đôi tay theo cô hạ xuống, xáp lại. Dilly gắng đứng yên. Cô cố gắng hiện diện, nhưng có cảm giác như đang bị kéo đi. Vị cha xứ bắt đầu. Vào ngày vô cùng đặc biệt này, cô gái rất đặc biệt do Thượng đế ban tặng… Ngài dừng lại. Bao nhiêu tuổi nhỉ? Ngài hỏi Dilly, hoặc bất cứ ai. Ba mươi, mẹ đáp. Cô ấy ba mươi! Rồi thì, như nói một mình, lạy Chúa, ngài có tin được không, Dilly của chúng ta! Có vài tiếng vỗ tay, mặc dù Dilly không biết tại sao họ vỗ tay. Cha Muturi đè nặng cả bàn tay lên đầu Dilly. Ngài đằng hắng vài lần và có vẻ bối rối. Dilly nhắm mắt lại, chờ đợi. Điều ấy có tệ không? Cô nghĩ tới ông Charlie-bo. Tình trạng khó khăn khủng khiếp của ông ta: không phải trò đùa trái cây, mà là cuộc sống của ông ta. Cô nghĩ về chị Rebecca, hình dung chị, một cách đáng sợ, giống như bức tranh vẽ con dê trong bảo tàng Fitzwilliam với chiếc băng đô màu đỏ, đứng trong gò muối gần mặt nước, cùng đôi mắt màu vàng hổ phách đang giãy chết.

Cha Muturi chạm vào tóc Dilly một lần nữa, nhẹ nhàng, chắc chắn, và cô nghĩ về dòng sông, sự duyên dáng và sự lãnh đạm của dòng sông. Cô cảm thấy dòng sông đang cuồn cuộn trôi qua người cô, những cơ bắp mạnh mẽ và lạnh lẽo của cô. Cô cảm thấy mình đang cùng trôi đi với dòng sông đó. Sau một lúc, vị linh mục nói, ban một lời chúc phúc nào đó, nhưng Dilly thực sự không thể nghe thấy gì cả.

Xong việc, khách quay lại trò chuyện, cười nói, uống trà. Dilly ngồi xuống sofa. Trong khoảnh khắc, cô cảm thấy đôi mắt mẹ vẫn nhìn mình, đang xem xét, nhưng không có gì lọt qua giữa cô và mẹ cả. Mẹ chắc hẳn đã cảm nhận được, quyết định không giới thiệu, vì Dilly không được kéo đến cạnh người phụ nữ làm bên tạp chí. Thay vào đó, mẹ mang trà tới cho cô. Và sau đó là cái đĩa, có chiếc bánh nướng nguyên vẹn, chưa cắt, với hai mảng sáng lấp lánh, trắng và đỏ, gồm kem và mứt. Dilly cảm thấy khóe mắt mình nhòe đi. Mẹ không nói gì, nhưng sự nhẹ nhõm, niềm bao dung tràn ngập. Bàn tay Dilly khẽ run lên khi cô ấn ngón tay cái vào chiếc bánh nướng và tách nó ra. Cô lấy một miếng lớn, quệt mứt rồi quét kem; cô nhấc nó lên và khẽ cắn.

Được bỏ lại một mình trên sofa cùng với trà và thức ăn dường như là cả một phép mầu. Bữa tiệc tiếp tục. Dilly ăn vội chiếc bánh nướng, cô ăn lấy ăn để, đầy vẻ biết ơn đối với mẹ. Cô liếm mứt trên ngón tay. Cô đi đến bàn ăn, lấy thêm một chiếc bánh, chất đầy kem - không ai nhìn thấy, không ai ngăn cô - và ngồi xuống bên chiếc đĩa của mình. Ngọn lửa bắt đầu tàn. Cha Muturi từ biệt, chắc là về Kenya. Ngài không nhìn cô và quên cả lời tạm biệt. Cửa trước đóng lại. Một phút sau chuông cửa vang lên. Dilly nhìn lên mẹ để xem liệu cô có nên nói gì không, nhưng mẹ đã sẵn sàng lên đường, mẹ chỉnh lại chiếc áo choàng bằng lông thú nhợt nhạt của mình. Dường như tất cả các việc mẹ giao cho Dilly đều được hoãn lại.

Cô nghe tiếng thảo luận loáng thoáng ở cửa - giọng nói của những người phụ nữ, lên bổng xuống trầm, những từ ngữ không thể phân biệt rạch ròi. Nó dây dưa hơn màn-chào-hỏi-rồi-cởi-áo-khoác thông thường, vì vậy có lẽ không phải là khách dự tiệc. Sau đó, cô nghe mẹ kêu lên, giọng the thé. Mẹ trở lại phòng khách với chị Lillian, chắc chị ấy vừa mới rời cửa hàng thời trang. Lillian mang tới gói quà đáng yêu - chiếc hộp bạc với chiếc nơ màu xám lớn, có lẽ dành cho Dilly, vì chị ấy xưa nay rất hào phóng và có trí nhớ hoàn hảo. Chị và mẹ vẫn đang nói chuyện lầm thầm, và Dilly nghe thấy mẹ nói, chà, tôi có nên thông báo không nhỉ? Không đợi trả lời, mẹ nói lớn, với giọng lảnh lót, này tất cả mọi người. Một tin kinh hoàng ập đến. Chân mày mẹ nhăn lại, khóe miệng mẹ trệ xuống. Hai tay ôm ngực. Có một tai nạn. Hình như người ta tìm thấy một thi thể, rất gần chỗ chúng ta, ngay dưới con đập. Mắt ứa lệ, Dilly nhận ra ánh mắt mẹ bừng lên. Đôi khi mọi thứ thực sự khiến mẹ choáng váng. Có những người giật nảy mình vì kinh ngạc, một số khác xì xào và nêu câu hỏi, thật kinh khủng, ai, khi nào, Peter nên ra tay giúp đỡ thế nào đây? Mọi người kéo mẹ lại, không, vẫn chưa xác định, bà nói một cách thành thạo, mặc dù bà chỉ mới biết thông tin từ khi chị Lillian đến.

Chị ấy đặt món quà xuống chiếc sofa bên cạnh Dilly và ngồi sang phía bên kia. Chị nhoẻn miệng cười. Em ổn chứ, Dilly? Xin lỗi em về cái tin khủng khiếp đó. Dilly cũng mỉm cười và gật đầu, nhìn lại bánh nướng trên đĩa. Hôm nay không có Sam ư? Không, không phải hôm nay. Dilly cắn một miếng nữa. Ồ, đừng để ý. Cái này đẹp đấy. Giọng chị Lillian trầm đi một chút. Chị tình cờ gặp ba em trên đường. Bác ấy gửi lời chúc mừng sinh nhật. Em có nghĩ bác ấy sẽ ghé lại một lát không? Dilly ngước mắt lên xem ai còn lại trong bữa tiệc. Người phụ nữ ở tòa soạn tạp chí cùng chị Cleo đang mải mê trò chuyện. Anh Peter đã ra về và Dominic đang cầm một chai sâm panh.

Dilly hình dung ra tất cả mọi thứ, có thể nhìn thấy thi thể nằm trên bến tàu, được phủ nhiều lớp, toàn là giẻ rách ướt át, nhăn nhúm, một quầng nước sông rỉ ra xung quanh. Cảnh sát hẳn đã phong tỏa hiện trường, và chiếc xe cấp cứu đang đậu trên con đường gần bến thuyền. Các nhân viên y tế đang nhấc tấm băng ca màu vàng, bước xuống dưới, và cẩn thận xáp tới chỗ con người nặng nề đã được kéo lên khỏi mặt nước. Họ đang quỳ xuống, nhẹ nhàng cởi bỏ mấy thứ trên thi thể ấy; họ lột bỏ quần áo ướt, nâng chiếc áo choàng ướt át nặng nề ra khỏi khuôn mặt, lột bỏ những miếng trái cây thối và chiếc băng đô đỏ, gấp lại đôi tai dài phủ lông thú, và khuôn mặt ở bên dưới, rất yên bình và không hề đau khổ, đó là khuôn mặt chị ấy.

TRẦN NHƯ LUẬN dịch từ nguyên bản tiếng Anh

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)