László Krasznahorkai: “Chỉ người bình thường mới tồn tại được”

Thứ Năm, 06/03/2025 15:14

László Krasznahorkai là tác giả của nhiều tiểu thuyết đặc sắc - điều góp phần đưa ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Hungary và là ứng cử viên sáng giá thường trực cho Giải Nobel Văn chương hàng năm. Sự hợp tác của ông với nhà làm phim Béla Tarr đã mang đến bầu không khí ảm đạm, đậm tính hiện sinh trong những bộ phim được đánh giá cao.

Krasznahorkai sinh ra tại Hungary vào năm 1954. Sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng việc không thể đi khỏi nơi cư trú, nơi cảnh sát mật đã tịch thu hộ chiếu của ông. Điều đó rồi cũng sẽ ám vào các tiểu thuyết, khiến những cuốn chẳng hạn như Vũ điệu của quỷ Satan hay The Melancholy of Resistance truyền tải một cảm giác ngột ngạt gần như không thể chịu được. Sau khi Bức màn sắt sụp đổ, ông đã tìm thấy sự nhẹ nhõm và thể hiện nó trong các tác phẩm như Seiobo There Below - tác phẩm gắn kết sâu sắc với nghệ thuật và triết học châu Á, đặc biệt là Phật giáo.

Tiểu thuyết gia László Krasznahorkai.

Những câu chuyện của ông bao gồm những câu đơn lẻ không bị ngắt quãng dường như có sự linh hoạt vô hạn, chuyển từ những suy ngẫm triết học quanh co sang sự hài hước trần tục. Theo ông, những trải nghiệm như tình yêu cần thời gian và lòng dũng cảm để thể hiện và không thể gói gọn trong những cụm từ ngắn. Ông từng nói rằng dấu chấm hết “thuộc về Chúa” và dòng chảy trong tác phẩm của mình mang tính nhân văn sâu sắc. Đó không phải là nội tâm rời rạc của “dòng ý thức” cũ, mà là một sự tò mò về thế giới này, cuốn người đọc vào dòng chảy của nó.

Nhân truyện ngắn An angel passed above us của ông vừa được ra mắt, Hari Kunzru - tác giả của 7 tiểu thuyết mà gần đây nhất là Blue ruin – đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hungary nổi tiếng này.

- Truyện ngắn An angel passed above us của ông lấy bối cảnh Ukraine. Cuộc chiến ở đây có ý nghĩa gì với ông? Quan điểm của ông về cuộc xung đột này - với tư cách là một người châu Âu, một người Hungary, một người đã sống lâu năm ở Đức – là như thế nào?

+ Đệ nhất thế chiến về cơ bản đang lặp lại. Tôi có thể nghĩ gì khác đây? Điều này khiến tôi kinh hãi. Hungary là quốc gia láng giềng của Ukraine, và chính quyền Orbán đang có lập trường chưa từng có - gần như chưa từng có trong lịch sử Hungary. Một phần là vì, tính cho đến nay, chúng tôi luôn là bên bị tấn công và thua cuộc, và một phần là vì tôi không thể tưởng tượng giới lãnh đạo Hungary có thể nói về cái gọi là sự trung lập trong vấn đề này. Bởi làm sao một quốc gia có thể trung lập khi mà người Nga tiến vào một quốc gia khác. Thủ tướng Hungary đã từng nói rằng: “Đây là chuyện nội bộ của người Slavơ”, anh tin được không? Làm sao điều đó có thể là “chuyện nội bộ” khi người dân đang chết dần chết mòn? Và chính nhà lãnh đạo của một quốc gia đã nói như thế - một quốc gia liên tục bị xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử.

Cuốn sách mới của László Krasznahorkai.

- An angel passed above us kể về hai người đàn ông hấp hối trong một hầm trú ẩn, nơi một người kể cho người kia nghe câu chuyện gần như cổ tích về những điều kì diệu của toàn cầu hóa. Sự tương phản giữa câu chuyện đó và thực tế hấp hối là rất rõ ràng. Nó dường như làm giảm đi tông điệu lạc quan của câu chuyện. Ông có thể nói thêm về lí do tại sao lại đặt 2 yếu tố tương phản ấy gần nhau không?

+ Là vì một cuộc chiến bẩn thỉu, thối nát đang diễn ra ngay trước mắt tôi. Thế giới đang bắt đầu quen dần với nó. Nhưng tôi thì không. Tôi không thể chấp nhận mọi người giết chóc lẫn nhau. Hoặc cũng có thể tôi bị tâm thần khi nghĩ như thấ. Tất cả những điều này đang diễn ra trong khi, trong không gian kĩ thuật số, có một viễn cảnh về tương lai hứa hẹn sự tiến bộ nhanh đến đáng sợ của công nghệ sẽ sớm mang lại một thế giới mới tươi đẹp. Đây là sự điên rồ hoàn toàn. Trong khi một cuộc chiến về cơ bản là của thế kỉ 20 đang hoành hành, thì có người lại nói về việc chúng ta sẽ sớm lên sao Hỏa, anh tin được không? Tôi hi vọng giới chóp bu và những người ủng hộ cuộc chiến sẽ là hành khách đầu tiên.

- Liệu có ý tưởng tâm linh hay siêu hình nào nằm ở đây không?

+ Trong truyện ngắn này, các sự kiện không diễn ra trong một bối cảnh cụ thể mà thay vào đó, một người đàn ông bị thương đang cố gắng giữ cho một người khác cũng bị thương nặng, sống sót trong một chiến hào bằng cách nói chuyện với anh ta về niềm hi vọng - về một thế giới mới tươi đẹp, nơi mọi thứ sẽ khác đi, nơi mọi thứ sẽ tuyệt vời. Bản năng cơ bản của con người đã thúc đẩy anh ta mang đến sự an ủi cho người khác. Họ không có hi vọng nào và ngay cả người kể câu chuyện về tương lai kĩ thuật số cũng biết rằng mình chỉ đang trì hoãn thời gian, hi vọng đồng đội có thể quay lại, dù anh ta biết giống như người kia, rằng trong hoàn cảnh hiện tại, điều này là bất khả. Vì vậy, không, tác phẩm này không có chiều hướng tâm linh hay siêu hình gì cả.

- Bối cảnh tiền tuyến của một cuộc chiến bằng cách nào đó khá là quen thuộc trong các tác phẩm của ông. Tôi biết mô tả của Susan Sontag về ông như một “bậc thầy của ngày tận thế” được nhiều người biết. Nhưng nếu tác phẩm của ông nói về ngày tận thế, thì có vẻ như đó không phải là một sự kiện đột ngột mà là một điều gì đó chậm rãi và đáng nghiền ngẫm. Mối quan hệ của chúng ta với tương lai là gì? Bây giờ có phải là thời kì tận thế không? Hay chúng ta đang sống sau một sự kiện tận thế nào đó?

+ Ngày tận thế không phải là một sự kiện đơn lẻ, như lời tiên tri về Ngày phán xét cuối cùng trong Tân Ước. Ngày tận thế là một quá trình đã diễn ra trong một thời gian rất dài và sẽ tiếp tục trong một thời gian còn rất dài nữa. Ngày tận thế là bây giờ đây. Ngày tận thế là sự phán xét hiện đang diễn ra. Chúng ta chỉ có thể tự lừa dối mình bằng tương lai, hi vọng luôn thuộc về tương lai. Và tương lai không bao giờ đến. Nó luôn chỉ sắp đến. Chỉ có những gì hiện tại mới tồn tại thôi.

Chúng ta không biết gì về quá khứ vì những gì chúng ta nghĩ là quá khứ chỉ là một câu chuyện về quá khứ. Trên thực tế, hiện tại cũng chỉ là một câu chuyện. Nó chứa đựng cả câu chuyện về quá khứ và tương lai không-bao-giờ-đến. Nhưng ít nhất thì những gì chúng ta đang sống hiện đang tồn tại. Và chỉ có hiện tại mới tồn tại. Địa ngục và thiên đường đều trên Trái đất, và chúng đang ở ngay đây vào lúc này đây. Chúng ta không cần phải chờ đợi. Nhưng chúng ta vẫn làm vậy, tự an ủi mình bằng một chút hi vọng ít ỏi.

- Ông đã viết rất nhiều, đặc biệt là trong Seiobo There Below, về nghệ thuật. Vai trò của nghệ thuật trong tương lai là gì?

+ Nghệ thuật là phản ứng phi thường của nhân loại với cảm giác lạc lõng vốn là số phận của chúng ta. Cái đẹp luôn luôn tồn tại. Nó nằm ngoài ranh giới mà chúng ta phải liên tục dừng lại. Chúng ta không thể tiến xa hơn để nắm bắt hoặc chạm vào cái đẹp. Chúng ta chỉ có thể nhìn nó từ ranh giới này và thừa nhận rằng, đúng vậy, thực sự có một cái gì đó ở tít tắp xa. Cái đẹp là một công trình, một sáng tạo phức tạp của hi vọng và trật tự cao hơn.

- Trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review ông đã nói rằng “mọi nhân vật trong cái gọi là tiểu thuyết kinh điển đều đến từ những người bình thường”. Ông có thể nói thêm về điều này không?

+ Chỉ người bình thường mới tồn tại được. Và họ quá đỗi thiêng liêng.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ bài phỏng vấn trên The Yale Review

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)