Tinh thần phản chiến và diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió"

Thứ Bảy, 08/02/2025 06:11

Là cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn chương thế giới hiện đại, lấy bối cảnh miền Nam nước Mĩ trong thời nội chiến kéo dài đến thời tái thiết, năm phần truyện Cuốn theo chiều gió mang dung lượng cùng nội dung cực kì đồ sộ về lịch sử, xã hội và đời người. Ở đấy, nổi bật lên hình ảnh nàng Scarlett O’Hara xinh đẹp cùng 12 năm nàng từ một thiếu nữ thuộc tầng lớp quý tộc dần trở thành một phụ nữ đa đoan bươn bải trong thời đại xã hội quay cuồng để tồn tại. Qua đó, tác giả Margaret Mitchell đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ của tinh thần phản chiến và diễn ngôn nữ quyền ngay từ năm 1936. Từ đó, bà đưa Cuốn theo chiều gió vượt thoát cái bóng tiểu thuyết lãng mạn đơn thuần để trong gần một thế kỉ qua, trở thành kiệt tác văn học của nhân loại.

Scarlett O’Hara, con gái ông Gerald O’Hara, chủ ấp Tara, là hoa khôi cả hạt Clayton miền Georgia. Nàng rạng rỡ, phóng khoáng và sự phóng khoáng đi cùng phong cách quý tộc càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ cho Scarlett. Nhưng tình yêu với chàng Ashley bị chối bỏ cùng với chiến tranh nổ ra ngay sau đó đã cuốn đi mọi thứ của Scarlett, đẩy nàng tới bờ vực tuyệt diệt và chỉ có sự kiên cường, óc nhìn thực tế lẫn việc nàng cố đẩy lùi, lãng quên đi quá khứ vàng son xưa cũ, mới có thể giữ nàng đứng vững giữa thời cuộc đầy biến động này.

Tinh thần phản chiến

Như đã nói, Cuốn theo chiều gió là câu chuyện trải dài những năm trước khi nội chiến giữa hai miền Nam Bắc nước Mĩ nổ ra, đến thời chiến tranh kéo dài qua cả thời tái thiết, khi miền Nam đã thất trận và phải chịu những luật lệ khắc nghiệt do miền Bắc áp xuống cùng sự thâm nhập, nhập cư từ người miền Bắc vào cuộc sống trong xã hội họ. Cuộc chiến tranh đã làm đảo lộn mọi lề thói, lung lay tới tận cội rễ nhận thức, niềm tin đã đi sâu vào ý thức hệ và được con người nơi đây tôn thờ như một dạng tín ngưỡng.

Cho nên, tinh thần phản chiến được thể hiện trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, trước hết qua khía cạnh tác giả Margaret Mitchell đã không hề chối bỏ hiện thực chiến tranh. Hiện thực đấy là sự tang thương chiến tranh mang đến khiến những cá nhân dẫu có bàng quan nhất trước câu chuyện chiến trận mà người thân, bè bạn từng nói như nàng Scarlett cũng không thể mãi dửng dưng với thời cuộc. Mất mát, đau thương là quá lớn, quá sức chịu đựng khi lớp lớp các bà mẹ mất chồng con, những người vợ mới cưới mất chồng, con mất cha, những phụ nữ nơi hậu phương xếp hàng dài ngóng đợi tuyệt vọng tin người thân của họ bình yên trong sự vắng bóng tên người lính đó trên mặt trang giấy báo tử. Sự tàn khốc của chiến trận hiện hình lên chính dãy dài tưởng như bất tận những thương bệnh binh thiếu thốn thuốc điều trị, những chiến sĩ trở thành tử sĩ mà xác chết của họ chất chồng dưới cái nắng nóng mùa hè gay gắt vùng Atlanta, trong khói, bụi cùng những tiếng nổ ùng oàng rung chuyển thành phố.

Ảnh minh hoạ.

Miền Nam tươi đẹp bị tàn phá trong chiến trận, Atlanta cháy rụi, những đồn điền bang Geogria tan hoang. Và thời hậu chiến, người ta vẫn không thể nguôi quên nỗi kinh hoàng, ám ảnh chiến tranh năm nao khi đối diện chế độ thuế khóa nặng nề, sự vơ vét từ những kẻ “ngoại lai” phương Bắc cùng quá trình di dân của những thành phần “bất hảo” vẫn nằm ngoài rìa xã hội quý tộc phương Nam ngày trước. Không chỉ đất đai, sản xuất, kinh tế chẳng thể phục hồi mà cấu trúc xã hội của một cộng đồng lâu đời dần bị phá vỡ. Những “người muôn năm cũ” dần trở thành lớp người quá vãng về cát bụi, những người chẳng thể thích ứng với thời đại mới, mãi ôm mộng quá khứ vàng son dần rơi tõm vào thinh không, quên lãng; tất thảy như lời cáo chung cho sự sụp đổ của cả một cộng đồng, của cả một ý thức hệ đã tồn tại lâu đời, ăn sâu vào mảnh đất, con người nơi đây.

Sự hằn thù giữa hai miền Nam - Bắc Hoa Kì, giữa người miền Nam quý tộc với “bọn yankee” phương Bắc khiến chiến tranh nổ ra như một điều tất yếu. Nhưng từ việc tái hiện sự tất yếu ấy lên trang viết, tác giả Margaret Mitchell còn gửi gắm tiếng nói phản chiến thông qua cách bà khắc họa chân thực tới đắng đót niềm hân hoan của những chàng trai, những người đàn ông miền Nam khi chiến tranh mới xảy đến. Người ta nô nức tham gia chiến đấu, người ta gia nhập quân đội với niềm vui như đi trẩy hội trong khi họ thiếu hẳn sự nhận thức về thời cuộc cùng những bước tiến phát triển của thế giới. Cả một xã hội như say trong thứ men ngọt ngào từ niềm thỏa mãn mà chiến tranh mang đến cho cái tôi “quý tộc” của họ. Cho đến khi, họ thật sự ý thức được, chiến tranh là mất mát, là đau thương, là máu rơi, cháy rụi, là người thân họ vĩnh viễn ra đi trong chiến trận, là mảnh đất quê hương họ bị giày xéo đến kiệt cùng còn chính họ phải giã từ hiện thực, quá khứ lẫn bản thân sau những hoang tàn, đổ nát của nhà cửa, thành lũy, ý thức hệ.

Như những câu hát mà người dân miền Nam đã lưu truyền suốt thời chiến: “Bóng anh lồng chiến mã/ Quân phục xám oai nghiêm/ Nguyện sắt son một dạ/ Với đất nước, với em/ Em vò võ một mình/ Vô vọng hàng nước mắt/ Bao giờ hết chiến tranh/ Cho chúng mình gặp mặt”; người ta đã tự hào vì người miền Nam quý phái và dũng cảm; người ta cũng đã đớn đau, kiệt quệ mọi thứ thể xác, tinh thần trước thương tổn chiến tranh. Người ta, bằng cách này hay cách khác, đã gồng mình lên để vực dậy cả một vùng đất chịu chiến tranh giày xéo, níu giữ lấy lòng tự trọng và kiêu hãnh cùng niềm hi vọng về một ngày mai bình ổn, tươi sáng hơn.

Nên tiếng nói phản chiến trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, không đơn thuần chỉ là hiện thực chiến trận tàn khốc, sự đổ vỡ, hủy diệt lẫn hoang tàn, mà tiếng nói phản chiến đó cất lên, như còn để ngợi ca con người đã không gục ngã, ngay cả khi bản thân chịu cảnh áp bức, đè nén, khốn cùng nhất.

Diễn ngôn nữ quyền

Giữa một thời đại biến động cùng sự đổi thay, giao thoa của những giá trị cũ - mới, nổi lên hình ảnh nàng Scarlett O’Hara xinh đẹp. Con người như tạo tác lên từ sự quyện hòa giữa dòng máu Ireland sục sôi, phóng khoáng với dòng máu gia tộc Robillard lâu đời với những lề thói, cung cách quý tộc đã đi sâu vào huyết quản. Scarlett không hoàn toàn dứt bỏ những gì thuộc về giá trị cũ song nàng vẫn vươn đến, chạm tay vào giá trị thời đại mới bằng chính sức mạnh, sự can trường của bản thân. Nàng Scarlett, chính là hiện hình tiêu biểu cho diễn ngôn nữ quyền tác giả Margaret Mitchell gửi gắm lên trang văn Cuốn theo chiều gió.

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, Scarlett O’Hara là một nhân vật phức tạp và đầy cá tính. Sinh ra trong gia đình quý tộc, lớn lên dưới nền giáo dục đương thời, nàng được dạy dỗ để trở thành một người với trọn vẹn những gì là giá trị của phụ nữ quý tộc miền Nam thế kỉ XIX. “Êm đềm trướng rủ màn che”, lấy một người chồng cùng tầng lớp, sinh con, sống với tấm lòng quảng đại, yêu thương mọi người… Và thật sự, Scarlett rất xinh đẹp, nàng là hoa khôi của cả miền, không người đàn ông nào là không say mê nhan sắc cùng những khoảnh khắc nàng làm duyên làm dáng.

Nhưng phía sau vẻ ngoài một nàng Scarlett đẹp đến thế, là cá tính dám yêu và theo đuổi tình yêu. Trong khi những cô gái khác lặng lẽ chờ đợi tình yêu của những chàng trai khác, nàng không ngần ngại bày tỏ tình yêu của mình với chàng Ashley đẹp như vầng mặt trời tỏa rạng từ nét trầm lắng, đôn hậu qua tri thức chàng tiếp nhận. Scarlett không hiểu Ashley cũng như không hiểu những lời chàng nói, không hiểu sâu tới nội tâm chàng nhưng chính vì sự “không hiểu” đó, nàng như càng khao khát Ashley hơn, khao khát được chạm tay đến thế giới của chàng.

Và đặc biệt, Scarlett là một người phụ nữ dám sống và dám làm tất cả mọi thứ để sống và sinh tồn. Bằng một cái nhìn, óc quan sát đầy thực tế, Scarlett như tồn tại dị biệt với những bè bạn cùng tầng lớp, với cả xã hội đương thời. Nàng thờ ơ với thứ gọi là “vinh quang của sự nghiệp chung” mà con người miền Nam hằng theo đuổi. Nàng căm ghét và khinh miệt chiến tranh song nàng cũng tận hưởng chính cuộc sống nơi hậu phương vùng Atlanta sau những tháng ngày nhàm chán khi cưới người đàn ông nàng không yêu, có con với anh ta rồi phải chịu tang chồng với những luật lệ đầy hà khắc.

Scarlett kiên cường đến đáng sợ trong cái đêm nàng đưa thằng bé Wade, con nàng; Melanie và đứa con Melanie mới đẻ cùng trở về ấp Tara; khi nàng đương đầu với cả một đội quân Yankee đến vơ vét rồi đốt ấp Tara của nàng; khi nàng đã ra tay bắn chết một tên Yankee khác xâm nhập vào ngôi nhà nàng sinh sống… Scarlett sắc lạnh và nàng như đã đốt cháy dần từng chút, từng chút nhân tính lẫn yêu thương của bản thân để vực dậy ấp Tara hoang tàn, để giữ lại ấp Tara trước lệ thuế khóa nặng nề, để kiếm tiền bằng tất cả nhằm đủ giàu có đến mức không phải, lần nữa sợ hãi cái đói, cái nghèo và cái chết.

Ở Scarlett chính là vẻ đẹp quý tộc nhưng đầy phóng khoáng, thậm chí có phần man dại của một người phụ nữ dám nghĩ dám làm, mặc cho thiên hạ có đang xì xào bàn tán những gì nàng làm là không hợp quy cách. Họ dị nghị khi nàng vui vẻ tận hưởng cuộc sống khi góa chồng, họ đàm tiếu khi nàng lao mình vào công việc kinh doanh và thành công với điều đó. Nàng đương đầu với mọi chuyện, làm những công việc của đàn ông và người đương thời từ chối công nhận một người phụ nữ như Scarlett, thành công, thông minh, thực tế tới lạnh lùng. Nhưng có hề gì, bởi nàng là Scarlett O’Hara. Và nàng là minh chứng cho diễn ngôn nữ quyền của tác giả Margaret Mitchell về người phụ nữ mạnh mẽ vượt mọi kiềm tỏa của lề thói hà khắc quấn chặt lấy phụ nữ đương thời.

Scarlett mạnh mẽ song cũng có những khoảnh khắc, nàng vô cùng yếu đuối. Trước cái chết cận kề, nàng cũng sợ hãi. Đối diện với nỗi đau dần dần mất đi những người thân yêu nhất, dù dũng cảm đến đâu, nàng cũng đã lạc lối. Năm tháng đói khổ tạo cho Scarlett sự lạnh lùng đến cay nghiệt, song tháng năm quay cuồng vì cái ăn, cái mặc khiến Scarlett chìm trong giấc mơ hãi hùng rằng nàng đã thiếu an toàn đến thế nào. Thời gian bào mòn dần ý thức của Scarlett, cuốn Scarlett đi và không cho nàng được phép dừng lại nhìn về quá khứ để nhận ra, nàng cũng yếu mềm, cần một nơi chốn để neo đậu điểm tựa tinh thần, khao khát yêu và được yêu biết bao. Và đó, cũng là một khía cạnh khác trong diễn ngôn nữ quyền, rằng cần có những khoảng lặng để phụ nữ lắng lòng lại, được khóc với trọn sự yếu đuối của cái tôi nữ tính đến thế nào.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sự phức tạp trong con người Scarlett còn đến từ khía cạnh, nàng thông minh, thực tế song bản thân Scarlett không phải một con người sâu sắc. Có lẽ bởi thời cuộc cuốn nàng đi quá nhanh nên Scarlett chẳng còn thời gian để một lần ngồi lại mà hiểu bản thân, cũng như mở lòng thấu hiểu những người xung quanh nàng. Phải mất mười hai năm cho Scarlett hiểu ra điều đó nên cuối cùng, nàng có tất cả điều nàng muốn, tiền bạc lẫn địa vị; song nàng cũng mất đi tất thảy, con người nàng, quá khứ của nàng, tình yêu lẫn linh hồn nàng. Nhưng, nhận ra để trở về, chẳng phải là quá muộn.

Có lẽ, đây cũng là một mặt khác của diễn ngôn nữ quyền chăng? Rằng giữa cuộc đời này, người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ nhất cũng có thể chẳng phải người hoàn hảo nhất. Và người ta chấp nhận sự không hoàn hảo đó như cách chấp nhận chính cái tôi con người bản thân họ vậy.

Xét trên phương diện đó, Scarlett, phần ngoại vi với lớp phụ nữ đương thời, là biểu tượng của diễn ngôn nữ quyền trong văn chương Margaret Mitchell. Song cách những người phụ nữ khác như nàng Melanie nhỏ bé, như bà Merriwether, bà Elsing, những người phụ nữ nhà Tarleton, đặc biệt là cụ bà Fontaine… đã sống, đã tồn tại, đã sinh tồn và tiếp tục sinh tồn với thời cuộc nhưng vẫn giữ lấy những gì là lề lối xưa cũ, cũng là biểu tượng khác cho diễn ngôn nữ quyền đó. Họ đối diện với thương đau, với thời đại đầy sóng gió, bình lặng theo cách của riêng họ. “Những người phụ nữ hiền dịu, khiêm nhường nhưng không gì khuất phục nổi, mà trong chiến tranh, miền Nam đã dựa vào làm nền tảng và, khi thất bại, lại trở về trong vòng tay yêu thương và tự hào của họ.”

Phải chăng, chính vì sự đa chiều, đa diện trong cách thể hiện diễn ngôn nữ quyền cùng tinh thần phản chiến như vậy mà Cuốn theo chiều gió có thể trở thành một trong những kiệt tác của văn chương nhân loại, dẫu cho lớp bụi thời gian đã phủ dày suốt hơn tám mươi năm qua?

Tình yêu

Sau tất cả, cũng cần phải nói rằng, Cuốn theo chiều gió là một tác phẩm kinh điển của dòng văn học lãng mạn. Bởi thế, chất “lãng mạn” như một sợi chỉ đỏ chảy dọc, xuyên suốt cả câu chuyện này. “Lãng mạn” trong tình yêu nam nữ, song chiếu lên thứ tình cảm vô vọng như với lấy ánh trăng ảo ảnh Scarlett đã dành cho Ashley; lên thứ tình cảm cay đắng đầy những thương tổn vụn vỡ Rhett đã dành cho Scarlett và cả trong thứ tình cảm mơ hồ Scarlett dành cho Rhett mà chẳng thể nhận ra. Rộng hơn, là tình yêu của cả những chàng trai, cô gái miền Nam những năm thuộc thế kỉ XIX đã dành cho nhau. Tinh tế, dịu dàng như cách Melanie và Ashley đã ở bên nhau vậy.

Nhưng Cuốn theo chiều gió không và chưa bao giờ chỉ dừng lại ở sự lãng mạn thuộc về tình yêu nam nữ. Mà chất “lãng mạn” ấy trải rộng đến tình yêu con người miền Nam nước Mĩ dành cho mảnh đất nơi họ sinh sống. Như cách nàng Scarlett đã yêu ấp Tara tới quay quắt, mường tượng đến quang cảnh ấp Tara để tìm lấy sự an ủi, trú ngụ cho tâm hồn lẫn trái tim ngập tràn thương tổn, mất mát. Như cả cách con người miền Nam chẳng thể chấp nhận những kẻ ngoại lai đặt chân lên mảnh đất thuộc về một phần máu thịt họ. Bởi yêu, họ lao mình vào cuộc chiến tranh vì sự nghiệp chung vĩ đại dẫu cho sự nghiệp ấy có vô vọng tới nhường nào. Tình yêu đó thấm vào linh hồn đến nỗi trở thành một thứ tựa bản năng của họ vậy.

Và tình yêu, còn là yêu cả những gì thuộc về phần quá vãng thuộc về quá khứ vàng son mà bản thân những con người đã trải qua cuộc nội chiến năm nào biết sẽ chẳng thể trở lại. Dẫu vậy họ vẫn yêu, gìn giữ và trân trọng điều đó như một cách, họ giữ lấy cái tôi bản ngã mà hướng về tương lai.

Cho nên, tựa đề tác phẩm: Cuốn theo chiều gió không chỉ hướng đến tầng ý nghĩa rằng một thời quá vãng đã ra đi theo chiều gió cùng cuộc nội chiến giữa miền Nam và miền Bắc Hoa Kì. Mà Cuốn theo chiều gió, còn như lời ẩn dụ mà cụ bà Fontaine đã từng nói với Scarlett: “Khi có giông tố, lúa yến mạch chín bị đánh rạp xuống đất vì nó khô, không thể uốn mình theo chiều gió, nhưng kiều mạch chín thì đầy nhựa trong thân và biết mình, và khi cơn gió đi qua, nó lại bật dậy, thẳng và khỏe gần như trước.”

Như những bông lúa yến mạch kia, theo chiều gió cuốn, đã có những con người vĩnh viễn gục ngã, rơi tõm vào thinh không, lịch sử; và cũng đã có những người như bông lúa kiều mạch, trụ lại, kiên cường đứng vững. Họ thay đổi theo thời cuộc song họ vẫn giữ lấy bản ngã, những gì thuộc về hồn cốt con người miền Nam. Cuốn theo chiều gió, một thời đại đã đi đến hồi cáo chung, nhưng con người vẫn tồn tại, và khẳng định sự tồn tại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi cuối cùng, “ngày mai lại là một ngày mới.”

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)