Văn học kì bí Hàn Quốc: Từ dòng phụ đến dòng chính

Thứ Bảy, 09/09/2023 09:38

Không thể phủ nhận sự “xâm chiếm” gần đây của các tiểu thuyết Hàn Quốc trên trường quốc tế. Trong khi The Whale, The Cursed Bunny hay Love in the Big City giành được chú ý nhờ lọt vào trong danh sách đề cử của giải Booker Quốc Tế, thì dòng trinh thám, kì bí, kinh dị… cũng đang gặt hái được những thành công đáng kể.

Các tác phẩm văn học kì bí cũng được độc giả Việt Nam quan tâm.

Những dấu ấn đặc biệt

Một trong những xu hướng gần đây của văn học kì bí Hàn Quốc là sách thường được công nhận ở nước ngoài trước khi trở nên phổ biến bên trong đất nước. Tác phẩm kinh dị thứ hai của Seo Mi-Ae, Chúc mẹ ngủ ngon được xuất bản năm 2010 cùng với tác phẩm trước đó, The Garden of Dolls (tạm dịch: Khu vườn búp bê) là một ví dụ điển hình. 2 tiểu thuyết này đã không có sự hỗ trợ về mặt truyền thông từ nhà xuất bản, tuy nhiên thật may mắn khi nó được mua bản quyền tại Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức chỉ 1 năm sau khi xuất bản.

Tác giả Seo Mi-Ae nói rằng việc kí hợp đồng với Harper Collins, một nhà xuất bản khổng lồ của Mĩ, đã giúp cô đạt được các thỏa thuận với các nhà xuất bản đến từ các quốc gia khác một cách dễ hơn. Việc được Harper Collins chú ý đã đóng vai trò như một loại “séc” đảm bảo. Kết quả là Chúc mẹ ngủ ngon đã được xuất bản ở 16 quốc gia, bao gồm Mĩ, Đức, Pháp, Ý… Cuốn sách tiếp theo, All Secrets Have a Name (tạm dịch: Mọi bí mật đều có tên) phát hành vào năm 2021, cũng đang dần được chuyển ngữ trên khắp thế giới.

Ngược lại với trường hợp trên, cũng có khá nhiều tác phẩm được xếp vào loại văn học thuần túy ở Hàn, nhưng khi tiến hành chuyển ngữ thì lại được giới thiệu như thể loại văn học kì bí. Tác phẩm The Disaster Tourist (tạm dịch: Những chuyến đi quỉ quái) của Yun Ko-Eun là một điển hình như thế. Cuốn tiểu thuyết này mô tả lòng tham của chính con người, tập trung vào nhân vật Go Yona – một người làm việc cho một công ti du lịch chuyên tổ chức các chuyến tham quan đến những vùng bị thiên tai tàn phá.

Bởi được dịch giả Lizzie Buehler mô tả như một “tác phẩm kinh dị - sinh thái - châm biếm với cảm xúc nữ quyền mãnh liệt”, nên nó đã giành được giải Dagger của Hiệp hội Nhà văn Tội phạm (CWA) cho tiểu thuyết tội phạm dịch hay nhất vào năm 2021. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì đây là tác phẩm đầu tiên của Yun được xuất bản ở các quốc gia nói tiếng Anh.

Kim Un-Su, người đã đoạt Giải Tiểu thuyết Munhakdongne lần thứ 12 năm 2006 cho cuốn Cabinet (tạm dịch: Ngăn tủ), cũng được biết đến ở thị trường nước ngoài như một đại diện của thể loại “K-thirller” (kinh dị Hàn Quốc). Tác phẩm mới nhất Những kẻ bày mưu là một áng văn đưa ra giả thuyết rằng luôn có những kẻ âm mưu đứng sau các vụ ám sát lịch sử và đã được bán bản quyền cho hơn 20 quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh Quốc... Cuốn sách cũng đề cử giải thưởng Grand Pix de Litte'ra Policie're vào năm 2016, đưa Kim Un Su trở thành tác giả Hàn Quốc đầu tiên nhận vinh hạnh này. Tác phẩm nói trên cũng được xếp vào danh mục “Sách nên đọc trong tháng 1” của tạp chí tội phạm CrimeReads nổi tiếng.

Hố đen sâu thẳm của Pyun Hye-Young vốn dĩ ban đầu từng là truyện ngắn mang tên Caring for Plants (tạm dịch: Chăm sóc cây cối), đã từng được dịch và giới thiệu trên tạp chí The New Yorker. Khi cuốn sách được xuất bản vào ngày 1 tháng 8 tại Mĩ, cô đã trở thành tác giả Hàn Quốc đầu tiên giành giải Shirley Jackson cho hạng mục bí ẩn, li kì và kinh dị. Những tác phẩm khác của nữ nhà văn bao gồm Tro tàn đốm đỏ, The Law of Lines (tạm dịch: Những đường biên giới hạn) và The Owl Cries (tạm dịch: Tiếng cú gào) cũng dần phổ biến rộng rãi ở thị trường nước ngoài.

Tiểu thuyết Kẻ sát nhân của Kim Young Ha kể về một kẻ giết người hàng loạt mắc bệnh Alzheimer cũng đã giành giải Deutscher Krimipreis năm 2020 cho hạng mục Tiểu thuyết dịch. Đây là giải thưởng cho sách kì bí lâu đời nhất của Đức và được các nhà phê bình, tiểu thuyết gia và những hiệu sách ở mảng bí ẩn bình chọn cho tiểu thuyết hay nhất trong năm.

Những tác phẩm mang màu sắc mạnh mẽ hơn cũng đang được quốc tế chú ý. Ví dụ như cuốn The Good Son (tạm dịch: Đứa con trai tốt) của Jeong You-Jeong, người được biết đến như một nhà văn kinh dị có sức ảnh hưởng, đã được xuất bản ở hơn 20 quốc gia, bao gồm Đức, Phần Lan, Mĩ, Anh, và Pháp. Trong khi đó Bảy năm bóng tối cũng được xuất bản tại Đức, Trung Quốc, Việt Nam, Pháp… và nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan truyền thông lớn như CrimeReads và Bustle.

Tờ Los Angeles Times bình luận rằng tác phẩm lớn này là bằng chứng cho thấy Jeong You-Jeong là một trong những tác giả viết tiểu thuyết tâm lí hồi hộp xuất sắc nhất ở thời điểm này. Nó cũng được đưa vào trong danh sách những tác phẩm nên đọc của tờ nhật báo hàng đầu Đức Zeit và đài phát thanh Nordwestradio.

Đang dần có vị thế riêng

Tất cả những điều kể trên cho thấy rằng tiểu thuyết kì bí Hàn Quốc được đánh giá cao ở thị trường nước ngoài và nhiều nhà xuất bản hiện đang chú ý đến thể loại này. Ví dụ, nhà xuất bản Pháp Matin Calme độc ​​quyền giới thiệu tiểu thuyết Hàn Quốc kì bí với các tên tuổi gồm Jeong Hae-Yeon, Kim Un-Su, Seo Mi-Ae, Do Jin-Ki và Lee Jong-Kwan. Từ đó việc bán bản quyền dùng để chuyển thể cũng ngày càng nhiều thêm.

Sự nổi lên của các nhà văn nữ như Seo Mi-Ae và Jeong You-Jeong là một hiện tượng rất đáng chú ý. Theo đó họ đã tạo được lượng lớn những người hâm mộ ở các đất nước mà những cuốn sách này được chuyển ngữ. Trong một thời điểm mà ranh giới giữa các thể loại văn học hiện đang mờ nhạt dần, thì những tác phẩm của các nhà văn nữ thể hiện sự nhạy cảm tinh tế, đồng thời có được một phong thái riêng, từ đó có thể dự đoán mức độ nổi tiếng của họ sẽ còn tiếp tục rất lâu sau nữa.

Mặc dù ngay tại Hàn Quốc vẫn có xu hướng coi thể loại huyền bí là sách “ba xu” nếu so với cái gọi là văn học thuần túy, thế nhưng sự phân chia này không còn tồn tại ​​đối với quốc tế. “Tiểu thuyết kinh dị vẫn bị đối xử như là thứ phẩm ngay ở Hàn Quốc,” Barbara J. Zitwer, một đại diện văn học ở Mĩ cho biết. Cô nói thêm, “Mặc dù vậy thì giới xuất bản quốc tế cuối cùng đã đón nhận các nhà văn Hàn Quốc. Có thể nói rằng thể loại kì bí đang được hồi sinh. Những độc giả đã chán tiểu thuyết kiểu này của vùng Scandinavi Bắc Âu hiện đang khao khát một điều gì đó mới hơn, và đây chính là cánh cửa cho các nhà văn kể trên”.

Trong đó những nhà văn có tác phẩm trước đây được xếp vào loại văn học thuần túy, như trường hợp của Kim Un-Su, Kim Young-Ha, Yoon Ko-Eun và Pyun Hye-Young, hiện cũng đang mượn các kĩ thuật của văn học huyền bí để tạo ra những tác phẩm hấp dẫn độc giả, phù hợp hơn với thị hiếu của độc giả quốc tế.

Các nhà văn yêu thích văn học kì bí và viết những tác phẩm bám sát các kĩ thuật viết của thể loại này cũng đang nhận được sự đánh giá cao cả trong cũng như ngoài nước, đồng thời cũng đang đón nhận làn sóng chuyển thể khác nhau, bao gồm cả phim điện ảnh và phim truyền hình. Cuối cùng, văn học huyền bí Hàn Quốc đang rời xa vùng ngoại vi và hướng về trung tâm, sải cánh hướng tới thời kì hoàng kim thực sự.

NGÔ MINH dịch từ bài viết của Han Lee (Tổng biên tập tạp chí Mystery, Hàn Quốc)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)