David Lodge qua đời ở tuổi 89

Thứ Tư, 08/01/2025 14:49

David Lodge - tác giả của hơn 20 cuốn sách và được biết đến nhiều nhất với bộ ba tác phẩm lấy bối cảnh “phiên bản hư cấu” của Đại học Birmingham nơi ông làm việc từ năm 1960 đến năm 1987, vừa mới qua đời vào ngày 1/1/2025 ở tuổi 89.

Nhà xuất bản Vintage, một nhánh con của Penguin Random House, cho biết ông đã ra đi thanh thản với gia đình và người thân bên cạnh. Nhà xuất bản Liz Foley cũng chia sẻ thêm: "Sự đóng góp của Lodge cho nền văn học là vô cùng lớn cả về khía cạnh phê bình lẫn các tiểu thuyết xuất sắc, mang tính biểu tượng và không ít trong số đó đã trở thành kinh điển". Trong suốt cuộc đời, ông đã viết hơn 20 tác phẩm ở nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, phi hư cấu, phê bình cho đến kịch bản, kịch nghệ và được chuyển ngữ sang hàng chục thứ tiếng. Ông đã 2 lần lọt vào danh sách rút gọn của giải thưởng Booker và được rất nhiều bạn văn đánh giá rất cao.

David Lodge.

Sinh ngày 28/1/1935 tại Dulwich, phía nam London, nhưng Lodge lại lớn lên ở Brockley, nơi mà ông mô tả là "tồi tàn và bị bỏ quên ở London". Ông theo học trường Công giáo ở Blackheath, nơi may mắn là vị hiệu trưởng đã khuyến khích ông học tiếp đại học. Ông tốt nghiệp loại giỏi tại University College London trước khi nhập ngũ trong vòng 2 năm. Sau này kể lại trải nghiệm mình, Lodge chia sẻ: “Sau khoảng 3 tuần huấn luyện cơ bản… Tôi khá chắc chắn mình muốn quay lại cuộc sống học thuật”. Tuy vậy kinh nghiệm quân ngũ cũng không uổng phí khi nó đã hình thành nên cơ sở cho cuốn tiểu thuyết thứ hai Ginger, You're Barmy xuất bản vào năm 1962 của ông.

Năm 1959, ở tuổi 24, ông kết hôn với Mary Jacob, người mà bản thân đã gặp năm 18 tuổi khi đang dạy tiếng Anh cho các sinh viên nước ngoài ở Hội đồng Anh tại London. Năm 1960, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay The Picturegoers mà bản thân đã bắt đầu viết khi còn trong quân đội. Cuốn sách lấy bối cảnh xung quanh một rạp chiếu phim ở Brickley - địa điểm hư cấu dựa trên Brockley nơi ông lớn lên - và khám phá những lề luật tôn giáo sẽ còn được ông khai thác rất lâu sau này. Cùng trong năm đó, ông bắt đầu giảng dạy tại khoa tiếng Anh của Đại học Birmingham - nơi ông làm việc cho đến khi nghỉ hưu để tập trung vào sự nghiệp viết lách vào năm 1987. Ông trở thành giáo sư văn học Anh vào năm 1976.

Cũng kể từ đây, Birmingham đã trở thành hình mẫu cho trường đại học Rummidge hư cấu - nơi là bối cảnh cho bộ ba tiểu thuyết về trường đại học vô cùng nổi tiếng. Trong đó, cuốn đầu tiên mang tên Đổi chỗ được xuất bản năm 1975. Với tít phụ “Câu chuyện về hai trường đại học”, đây là tác phẩm kể về 2 học giả tham gia vào chương trình trao đổi học thuật giữa Rummidge và Đại học Euphoric State, có trụ sở tại Berkeley, California. Nhận xét về nó, các nhà phê bình coi đây là "tác phẩm mang tính thử nghiệm nhất" trong bộ ba tác phẩm của Lodge, với một số phần được viết dưới dạng thư từ và các bài báo cắt dán.

Các tác phẩm nổi tiếng của David Lodge.

Các tiểu thuyết khác cũng rất nổi tiếng của ông bao gồm The British Museum Is Falling Down, Out of the Shelter, How Far Can You Go?, Paradise NewsTherapy. Tại Birmingham, Lodge đã gặp tác giả người Anh Malcolm Bradbury. Sau khi Bradbury qua đời, Lodge đã viết trên tờ The Guardian rằng Bradbury là “người bạn lâu năm và thân thiết nhất của mình trong thế giới văn chương”. Ông cũng là người đã khuyến khích Lodge “đào sâu vào hướng hài kịch vốn là thế mạnh” của bản thân mình.

Ông từng nói rằng: “Mỗi tác phẩm của tôi đều tương ứng với một giai đoạn cụ thể của cuộc đời tôi. Ví dụ, học ở Đại học California vào thời điểm cao trào của cuộc Cách mạng Sinh viên, là một tín đồ Công giáo giữa giai đoạn Nhà thờ có những thay đối lớn, bước chân vào các hội thảo học thuật quốc tế… Nhưng điều đó không có nghĩa chúng là các tự truyện theo bất cứ nghĩa đơn giản, trực tiếp nào (...) Tôi dùng sự hài hước để khám phá những chủ đề nghiêm túc (...) Tôi bị thu hút bởi sức mạnh của cách kể chuyện khéo léo khiến độc giả liên tục giở từng trang sách, nhưng cũng nhắm tới mục tiêu viết những cuốn tiểu thuyết có thể khiến người ta đọc không chỉ một lần."

Ngoài tiểu thuyết, Lodge cũng chấp bút nhiều công trình phê bình như The Art of Fiction, Consciousness and the Novel The Practice of Writing. Trong cuốn The Art of Fiction ra mắt vào năm 1995, ông đã phân tích 50 kĩ thuật viết văn và xem xét lí do vì sao chúng lại hiệu quả hoặc không hiệu quả. Ở The Modes of Modern Writing, ông cũng đưa ra một lập luận quan trọng rằng trong khi những người theo chủ nghĩa hiện đại có xu hướng dùng phép ẩn dụ, thì các cây viết theo hướng phản-hiện-đại của những năm 1930 lại có đường hướng sử dụng phép hoán dụ. Đây là một trong số hàng chục nghiên cứu quan trọng mà Lodge đã viết về thể loại nghệ thuật mà ông thực hành.

Là một nhà phê bình, Lodge cũng tự đặt mình vào sự khác biệt giữa Vương quốc Anh và lục địa Âu. Ông sử dụng chủ nghĩa cấu trúc (vai trò của các dấu hiệu, các đối lập nhị phân), chủ nghĩa hậu cấu trúc (cuộc truy tìm những phức tạp và mâu thuẫn tiềm ẩn), chủ nghĩa hình thức (cuộc tìm kiếm những gì độc đáo trong các tác phẩm văn học, những gì về bản chất là "văn học", và cổ mẫu chung cho tất cả các văn bản) cũng như chủ nghĩa kinh nghiệm (nhìn rõ những gì trước mắt) trong nhiều tác phẩm của mình. Ông là một độc giả đa tài và nhạy bén, luôn tìm kiếm trong ngôn ngữ tiểu thuyết những mô hình và cấu trúc ẩn giấu.

Ông cũng viết bộ ba hồi kí: Quite a Good Time to Be Born, Writer's LuckVarying Degrees of Success xuất bản từ năm 2015 đến năm 2020. Không chỉ viết về mình ông cũng viết về những người mà mình hứng thú, mà cuốn The Year of Henry James ra mắt vào năm 2006 gây xôn xao văn đàn là một ví dụ. Trong suốt sự nghiệp, James và H.G.Wells có thể nói là những người có ảnh hưởng quan trọng nhất đến Lodge, nhưng quan trọng hơn cả là Grahamm Greene và James Joyce - hai tác giả mà ông đã đọc khi còn nhỏ và các tác phẩm của họ đã mở ra cho ông khả năng sáng tạo đặc biệt cho thể loại tiểu thuyết.

Ông được phong tặng danh hiệu Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres vào năm 1997 và Huân chương Đế chế Anh vào năm 1998. Năm 1976, ông được bầu làm viện sĩ của Hội Văn học Hoàng gia. Graham Greene – tiểu thuyết gia nổi tiếng – đồng thời cũng là người ngưỡng mộ tài năng của ông ngay từ rất sớm. Trong khi đó Anthony Burgess – một tác giả cũng kinh điển khác – gọi ông Lodge là “một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của thế hệ mình”. Tác giả đoạt giải Booker John Banville khi viết trên tờ The New York Review of Books năm 1995 cũng mô tả tác phẩm của Lodge là “vô cùng hài hước nhưng theo một cách buồn bã, u ám đặc trưng của những người đi trước như Evelyn Waugh và Henry Green”.

Về mặt chuyển thể, 2 tiểu thuyết Small WorldNice Work thuộc bộ ba cùng với Đổi chỗ đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Trong đó loạt phim Nice Work do chính ông đảm nhận kịch bản. Không chỉ tác phẩm của mình, vào năm 1994, ông cũng chuyển thể tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844 của Dickens thành một loạt phim của BBC. Ở mảng kịch nghệ, ông đã viết 3 vở kịch: Home Truths, Secret ThoughtsThe Writing Game, nhận được đánh giá tích cực.

Người đại diện văn học Jonny Geller của Lodge cho biết ông “là một quý ông đích thực, ấm áp, hào phóng và tử tế. Ăn trưa với ông cũng đồng nghĩa với bạn sẽ nghe thấy rất nhiều tiếng cười và cuộc trò chuyện nghiêm túc về văn học đương đại. Những bình luận xã hội, suy ngẫm về cái chết và những quan sát khiến người ta bật cười đã giúp ông xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà văn lớn nhất nước Anh, gồm những tên tuổi như Wodehouse, Waugh, Amis và những người khác.”

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The Guardian và The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)