Hồ của Banana Yoshimoto: Nước và sự tái sinh

Thứ Ba, 23/01/2024 14:24

Được đánh giá là tác phẩm “huyền hoặc nhất” mà Banana Yoshimoto viết lên, tiểu thuyết Hồ đã thu trọn vào đó tính nữ đặc trưng trong văn chương của cô với những xúc cảm, nỗi buồn, yêu thương, sầu lo cùng cảm thức về sự tàn lụi hết sức mong manh, tinh tế. Nhưng hơn cả, đằng sau những phức cảm đó, điều một trong ba cây bút nổi bật nhất của nền văn học đương đại Nhật Bản hướng đến vẫn là sự tái sinh. Tàn lụi và tái sinh, tựa con nước lưu chuyển nơi lòng hồ, khi đầy khi vơi để người ta soi chiếu bản ngã vụn vỡ mà có thể bước tiếp về tương lai.

Cô gái trẻ Chihiro, con gái một người mẹ làm mama quán rượu và là đứa con ngoài giá thú của một người cha kế thừa sản nghiệp công ti gia đình đã luôn khao khát rời mảnh đất cô sinh ra và lớn lên để rồi điều đó càng thêm thôi thúc sau khi mẹ Chihiro qua đời. Cô sống cùng một người bạn trai tài ba và sòng phẳng, nhưng nỗi đau mất mẹ cùng bí mật thuở quá khứ đã khiến anh trở nên cực kì lập dị, song chính sự lập dị đó lại là điều cuốn hút Chihiro.

Nước

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, có những hình ảnh đã trở thành một dạng biểu tượng, trở đi trở lại trong sáng tác của Banana Yoshimoto. Đó là biểu tượng căn bếp, cũng là tiêu đề cho cuốn sách đầu tay làm nên tên tuổi, khởi nguồn cho “hiện tượng Banana (Bananamania)”. Hay như đó là biểu tượng nước, hiện hình trong thứ nước thánh Amrita, vùng biển mênh mông của Nắp biển, cả khu Hồ lưu dấu ở đấy những vụn vỡ, tổn thương, đớn đau con người trải qua từ thuở ấu thơ, hằn sâu vào tiềm thức tới tận lúc người ta đã trưởng thành.

Thật vậy, cả không gian tiểu thuyết Hồ như chìm dưới mặt nước phằng lặng và u tịch. Tuổi thơ cô gái Chihiro sống ở một thị trấn thuộc rìa Tokyo cùng người mẹ làm mama cho một quán bar, nơi ngập ngụa đủ thứ mùi, trong đó có mùi rượu. Trưởng thành, mẹ mất, Chihiro cùng người thân của cô sống những ngày, nước mắt rơi trong đám tang, cả những đêm cô mơ thấy mẹ hay chỉ nghĩ về mẹ, cũng đủ khiến Chihiro rơi nước mắt. Chihiro quen biết một người đàn ông và chàng trai ấy, có quá khứ gắn liền với những con người sống ở một vùng hồ bảng lảng sương, khói với loại nước có thể pha được hồng trà ngon đến nao lòng cùng nỗi ám ảnh về ám thị mẹ và biển trong tiềm thức. Ngay chính công việc vẽ tranh tường mà Chihiro đang làm, bức tranh cô vẽ hiện tại cũng có hình ảnh hồ nước, soi bóng những chú khỉ thinh lặng tựa u linh.

Không gian vật lí, không gian tâm tưởng chìm sâu trong nước, tới cả không gian ý thức của con người, cũng không thoát khỏi việc gắn liền với những kí hiệu liên quan tới nước. Là tinh thần, như một dạng “dòng chảy […] lẩn khuất trong mỗi khung cảnh và nơi chốn” mà “tôi lúc nào cũng muốn để mặc mình trôi đi như nước và ngắm nhìn dòng chảy đó mãi không thôi.” Là một phần nhân cách của mẹ Chihiro “tựa đóa hoa”, mà nước và phân bón, là những “cuộc tình” và “lời ngợi khen của thế nhân.” Và bản thân mỗi cá nhân, có lẽ cũng như “hồ” với mặt nước phẳng lặng mà ẩn sâu trong lòng hồ, là những đợt sóng ngầm dữ dội, đầy mâu thuẫn song cũng rất đỗi yên bình. “Qua cửa kính, tôi ngắm mép nước mềm mại như một tấm vải đẹp, mới đấy còn gợn sóng bất giác khiến tôi thấy lạnh, giờ lại phẳng lặng như một tấm gương.”

Bìa tác phẩm.

Dáng hình của nước theo dấu chân con người từ thời thơ ấu tới tận lúc trở về hư vô. Nước thu nhận vào đó thân xác con người đã tàn lụi, đồng thời ôm ấp theo hi vọng con người gửi gắm, đợi ngày tái sinh. Nước phản chiếu cả ẩn ức mỗi người nhiều đớn đau, vô cùng phức tạp giữa cuộn xoáy yêu thương lẫn nỗi ngờ vực, xa cách, sợ hãi, cô độc, chia lìa… Và nước, có lẽ còn gắn với khao khát hết sức đơn giản, bình dị của con người sau hết thảy bộn bề cuộc sống lắm thương đau: “Trong cái thế giới hạn hẹp nà, ngắm hồ nước, uống trà ngon hẳn là tất cả sự giàu có của cậu ta.”

Cho nên Hồ trên trang văn Banana Yoshimoto vừa hữu hình, trần tục mà cũng rất đỗi vô hình, hư ảo với nhiều dạng thức biểu hiện khác nhau như thế. Nhưng tới tận cùng, có lẽ, Hồ, và rộng hơn là nước, theo con chữ cô viết, vẫn hướng tới những giá trị rất thiền, rằng sau tàn lụi, sẽ là tái sinh, sau đau thương, con người vẫn hướng tới tình yêu và trao gửi yêu thương giữa những tâm hồn, đồng điệu, tương ngộ.

Sự tàn lụi

Như đã nói, trước khi là tập truyện huyền hoặc nhất trong văn nghiệp Banana Yoshimoto, Hồ là cuốn tiểu thuyết mang đầy đủ những nét đặc trưng thuộc sáng tác một trong những cây viết nữ nổi bật của nền văn học Nhật Bản đương đại, đồng thời cũng là nét đặc trưng chung cả nền văn học xứ Phù Tang này. Đó là sự tàn lụi tới từ mọi khía cạnh, tinh thần con người bị bào mòn và sinh mệnh mới yếu đuối làm sao.

Và cũng như rất nhiều sáng tác khác mà Banana Yoshimoto viết lên, không gian tiểu thuyết Hồ mở ra với thứ cảm thức day dứt về cái chết quẩn quanh, lẩn quất khắp mọi nơi chốn, trong mọi dáng hình, sự vật lẫn con người. Bệnh viện, địa điểm Chihiro từng ghé tới thường xuyên để chăm mẹ trước ngày mẹ cô qua đời, vốn đã là nơi nằm giữa lằn ranh hết sức mong manh của đôi bờ sinh tử. Cái chết của mẹ Chihiro, khiến nỗi âu lo trong lòng cha Chihiro về sự đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ vốn đầy những bất ổn giữa cha con cô càng thêm lộ rõ.

Nakajima, suốt bấy năm vẫn luôn ám ảnh về sự ra đi của mẹ anh, người mẹ đã ôm ấp, bảo bọc anh bằng một thứ tình yêu đến chừng cực đoan sau bi kịch thời thơ ấu anh trải qua. Nakajima ngột ngạt, song Nakajima cũng trân trọng yêu thương ấy tới nỗi, khi hơi ấm người mẹ hóa thành hư vô, anh chỉ còn biết lao mình vào việc học, tìm lại sự ấm áp nơi kí ức trong thứ kỉ vật đã xa. Nakajima mất mẹ với cô gái Chihiro mất mẹ, dù hoàn cảnh sống hai con người khác nhau, song có lẽ, chính mất mát cùng nỗi đau của người ở lại, đã khiến hai con người trẻ tuổi kia, tìm thấy được sự cuốn hút, đồng cảm, hơi ấm giữa những con người, ban đầu chỉ là người xa lạ bên khung cửa sổ.

Sự tàn lụi, còn hiện hình ngay ở những bức tường Chihiro nhận đơn đặt hàng vẽ tranh tường, nơi tương lai cũng đầy vô định khi chẳng thể biết, nó sẽ bị phá bỏ lúc nào. Sự tàn lụi, dường như còn đi sâu vào cả một vùng đất, để người đến, ngỡ chừng không rõ, nơi đó là thực hay hư. “Đi bộ một mạch trên con đường độc đạo trước ga, tôi tìm thấy lối tắt xuyên ra hồ. Trong gió có lẫn mùi của nước. Đi qua một nhà thuyền nhỏ, một cửa hàng đồ câu cũ kĩ và một quán cơm suất đang đóng cửa, tôi ra tới bờ hồ.”

Và khi sự tàn lụi gắn liền với dòng nước, dáng hình lụi tàn có lẽ càng thêm như ảo cảnh. Thân xác con người trước khi hóa thành cát bụi, được dòng nước gột rửa. Lời ám thị của con người có liên quan tới nước. Chốn thị trấn yên bình tới thinh lặng giữa dòng đời sống và dòng chảy thời gian hối hả như đang dần chìm vào quên lãng dưới lòng hồ.

Nhà văn Banana Yoshimoto.

Nước thu nhận bao dáng hình dần tan biến, như ôm ấp lấy chính những ẩn ức thương tổn của con người; lại cũng như nỗi quẩn quanh của mỗi người, mãi chẳng thể thoát khỏi bi ai. Nhưng vì thương nên đớn đau, vì yêu nên vẫn mãi hoài tiếc kể cả khi mọi thứ đã lụi tàn. Và vì là con người với trọn vẹn những gì nhạy cảm, tinh tế nhất nên càng đi tới tận cùng thương tổn, với niềm hi vọng mong manh rằng hiện hình thương yêu, có thể tái sinh trong những mối quan hệ khác giữa người với người lại càng thêm trong trẻo. Bởi, người ta vốn chẳng hề cô độc trên cõi đời này.

Sự tái sinh

Tàn lụi trở về với cội nguồn của nước và từ cội nguồn của nước, rất nhiều sinh mệnh, được hiểu theo nghĩa rộng, sẽ tái sinh. Với tiểu thuyết Hồ, Banana Yoshimoto đã thể hiện một vòng lặp mang đậm tính triết luận, thiền học như thế.

Việc cô gái Chihiro mất mẹ gặp gỡ, yêu thương Nakajima, một chàng trai luôn ám ảnh về cái chết của mẹ, đã là sự giao thoa dòng chảy của nước giữa hai con người xa lạ, đồng cảnh, đồng cảm mà tương ngộ. Giữa cảnh ngặt nghèo, những đứa trẻ mang thân phận đặc biệt đã gặp gỡ, rồi quen biết, giúp đỡ lẫn nhau đến nỗi, trải qua thời gian, sợi dây vô hình vẫn luôn trói buộc những đứa trẻ dẫu có trưởng thành, mãi tại vùng hồ thâm u, lặng vắng.

“Ồ, con người hóa ra được làm từ nước.”

Nên con người rất đỗi mong manh, mềm yếu, dịu dàng, nhu hòa song con người cũng vô cùng dữ dội, mạnh mẽ, kiên cường.

Thương tổn tan vào nơi tiềm thức, ân ẩn trong kí ức khôn nguôi.

Và yêu thương, kí ức ngỡ chừng đã quên, cũng vẫn luôn tồn tại sâu trong tiềm thức, chỉ đợi cơn gió, làm mặt hồ xao động sẽ gợi dậy những xúc cảm cũ trở về. Người ra đi, để lại yêu thương cho người ở lại, để người ở lại, gieo hạt mầm thương yêu đó, đến những trái tim, mảnh đời bi kịch khác, như một sự cứu rỗi tâm hồn. “Thứ tình yêu không chỉ là lo lắng cho nhau, ôm nhau vào lòng, muốn được ở cùng nhau, mà là thứ tình yêu chính vì phải cố kìm nén thật chặt ở trong lòng nên mới cảm nhận được một cách tuyệt đối đến vậy.”

“Vừa buồn vừa đẹp”, cuộc sống con người, cách người ta yêu thương và ở bên nhau cùng vượt qua nỗi cô độc cuộc đời, cũng rất trong trẻo song lại đầy phức tạp, tựa hiện hình của hồ, bình lặng và sâu lắng vậy.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)