Trong Hotel Savoy, nhà văn người Áo Joseph Roth viết về một không gian mà càng lên cao lại càng bần cùng – nghịch lí về một thời đại với những biến động lột trần bản chất con người.
Cuốn sách xoay quanh người lính Gabriel Dan trở về từ nước Nga xa xôi sau khi chịu cảnh tù đày trong Thế chiến thứ hai. Ở cửa ngõ châu Âu, anh đã gặp được khách sạn Savoy và trú ở đó. Trong công trình 8 tầng này, nghịch lý thay, những gì nhơ nhớp và bị bỏ mặt lại xuất hiện trên cao, trong khi những gì sang trọng và bề thế nhất lại nằm ở dưới. Tại đó, Gabriel đã nhìn thấy mọi hỉ nộ ái ố trong cuộc sống chung, đã tìm được người đồng chí và ngay sau đó là chính tình yêu của cuộc đời mình. Với dung lượng gần như khiêm tốn, Hotel Savoy là cuốn tiểu thuyết phơi bày bản chất con người và sự bần cùng của một thời đoạn mà hơi thở chiến tranh vừa mới đi xa.
Stefan Zweig (trái) và Joseph Roth (phải) tại Ostende, Bỉ vào năm 1936. Ảnh Tablet Magazine
Bản chất của người
Nổi bật trên nền của cuốn tiểu thuyết là cách tái hiện 2 thế giới gần như đối lập và tách biệt nhau của Joseph Roth. Nếu tầng dưới có “các cô phục vụ phòng mang mũ trùm tóc diềm trắng, những cái bô sáng bóng dễ chịu được giấu như những đồ vật quý giá trong các rương đóng bằng gỗ nâu; những đèn điện bừng nở từ các chụp đèn hồng và xanh như từ đài hoa; chuông réo vang, phục tùng một cú nhấn ngón cái; những cái giường được nhồi lông mềm mại và sẵn sàng ôm trọn lấy thân thể ta”, thì ở tầng trên chính là số phận của sự khốn cùng. Đó là lão hề già Santschin quanh năm suốt tháng phải sống trong một căn phòng ngột ngạt hơi nước bốc lên từ chỗ giặt là đến mức để tìm hộp diêm cũng chẳng khác nào mò kim đáy bể. Đó cũng là cô Stasia phô thân kiếm sống và nhiều người khác không được gọi tên…
Trong tác phẩm này, Joseph Roth đã đẩy bi kịch của những nhân vật đi đến tận cùng, từ đó dấy lên trong ta một niềm thương cảm không thể bôi xóa. Đó là lão Hirsch Fisch kiếm sống duy nhất bằng việc nằm mộng khi bán con số mà mình mơ thấy. Liệu còn gì đáng thương hơn một ông già dường như sống mòn và chỉ tồn tại bằng sự may rủi? Trong khi với lão già Stanschia, cái chết của lão với việc chôn ở một góc nghĩa trang hẻo lánh mà vào mùa đông đất đá đông cứng và một tương lai được dự đoán trước khi 3 thế hệ sau sẽ được đào lên mở thành đường đi… cho ta cái liếc thoáng qua về một đời người về với cát bụi. Sinh thời là một tay hài diễn cặp với chú dê, thế nhưng cho đến sau cùng thứ đã đón lão sâu 3 tấc đấc là không áo quan và những trò cười người ta nhại lại khi thấy chú dê đưa tiễn bạn mình…
Những cái chết ấy là sự bần cùng, nhưng dù bất lực trong hoàn cảnh ấy, những người cùng khổ vẫn sống với nhau một cách hết lòng. Theo đó, ở chi tiết khi ông già Santschin dần chìm vào cõi thiên thu, độc giả không ngừng cảm động trước hành động cô Stasia mang từng cái khăn ngâm giấm đến chỗ giường ông, trước món quà cuối của viên bác sĩ quân y cũng như là đêm gác xác của Gabriel… Chi tiết nói trên gợi ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết The Funeral Party của nhà văn Nga Lyudmila Ulitskaya, khi dường như đã thành một motif chung, trong chính tuyệt vọng thì sự đồng cảm cũng được hé mở. Nhưng hơn hẳn cái hi vọng ấy, Roth phủ lên tác phẩm đầy sự tang thương để cho ta thấy hi vọng cũng bị bóp nghẹt, chỉ còn khốn cùng. Có thể nói không ai tả được sự đau đớn ấy một cách rõ ràng và đầy thấu cảm như Joseph Roth.
Cái bần cùng ấy cũng được mở rộng ra phía đường phố, thoát khỏi khách sạn Savoy và thấm vào từng phân tử không khí. Nó chui vào cổ họng người, làm tổ trong tim và chiếm luôn quyền kiểm soát nhân tính ít ỏi vẫn còn sót lại. Nó hiển hiện trong việc lão Neuner dù quanh năm giết dần giết mòn công nhân của mình bằng hóa chất độc hại nhưng vẫn ghé đến quán bar thoát y của bà Kupfer. Nó cũng hiển hình trong thành phố của xú uế, của chất thải và của những gì là nhơ bẩn nhất vẫn đang hiện diện mà như Roth viết: “Thành phố, vốn dĩ không có đường cống, chưa cần như vậy thì đã thối hoăng. Vào những ngày xám xịt, người ta nhìn thấy ở rìa của những vỉa hè lát gỗ, trong các kẽ hẹp, gồ ghề, thứ chất lỏng đặc sệt, đen, vàng, dày hự như đất sét, bùn từ các nhà máy, hẵn còn ấm và bốc khói. Đó là một thành phố bị nguyền rủa. Dựa theo mùi, hẳn có thể nghĩ rằng cơn mưa nhựa dính và lưu huỳnh đã rơi xuống đây, chứ không phải Sodom và Gomorra. Chúa trừng phạt thành phố này bằng nền công nghiệp. Công nghiệp là tai ương lớn nhất mà Chúa có thể gửi tới”.
Và khi có Chúa là có cứu chuộc, cư dân nơi đấy bắt đầu chờ đợi cứu tinh của bản thân mình. Joseph Roth tiếp tục motif Tantalus bởi các nhân vật những tưởng sẽ có tất cả nhưng rồi sau rốt chỉ còn tuyệt vọng thông qua nhân vật Bloomfield giàu có. Người đàn ông vĩ đại hơn bao giờ hết với tiền của, danh tiếng này cho ta cái nhìn gần gụi với bản chất thật ở nơi con người. Đó là những người quay lưng với đồng loại khổ đau nhưng lại xun xoe trước cũng người ấy khi đã “lên đời”. Đó cũng là những Christoph Kolumbus, những Alexander mang chính cái tên của những vĩ nhân nhưng lại hèn mạt hơn bao giờ hết... Họ hình thức, họ bỉ bôi, họ tự tin chính sự giàu sang sẽ không lụi tàn, để rồi thứ chờ đợi họ là sự suy đồi không thể khác đi.
Hotel Savoy là cuốn tiểu thuyết chứa đầy nghịch lí
Tiếng gọi cội nguồn
Ngoài việc cho thấy địa ngục và trần gian chỉ cách mỗi bên chỉ trong gang tấc, trong tác phẩm này, Joseph Roth cũng nhắc nhiều đến nỗi nhớ quê hương – thứ mà những người lính bị bắt giam như Gabriel hay Zwonimir bạn anh không thể quên được. Đặt vào bối cảnh của cuốn tiểu thuyết, địa điểm cụ thể của khách sạn Savoy không thể xác định, nhưng đó không phải là nơi cuối cùng mà 2 nhân vật muốn hướng mình đến. Roth viết về cái tích cực duy nhất trong cuốn sách này với sự giản dị, trong trẻo không thể ngờ đến: “Hằng ngày, anh mang cho tôi tin tức về lúa mì, và trong túi của mình, anh giấu hoa ngô xanh […] Anh về nhà vào buổi tối, Zwonimir Pansin, người nông dân, với một niềm hoài nhớ sâu sắc và nỗi nhớ quê, mà anh nuôi dưỡng. Anh đánh thức nơi tôi một nỗi nhớ và, dẫu anh nhớ tiếc các cánh đồng còn tôi thì những phố, anh làm lây sang tôi […] Nỗi nhớ quê của con người thức dậy ở bên ngoài, và nó cứ thế lớn lên mãi, nếu không có những bức tường chặn nó lại.”
Bloomfield cho đến sau cùng cũng là một người như thế, một doanh nhân chỉ còn kết nối với vùng đất này qua cha của mình. Quê hương bất diệt vẫn tồn tại mãi. Cho đến sau cùng, thứ cứu rỗi con người không phải tiền bạc, giàu sang, mà là cảm giác yên bình ở nơi quê hương, nơi có huyết thống lưu truyền và còn chảy mãi. Roth viết điều ấy trong sự sụp đổ của đế chế Áo – Hung, cho một không gian mà ông và những người bạn vĩnh viễn mất đi. Khép lại cuốn sách, Roth cho xảy ra một cuộc cách mạng mang tính lật đổ. Điều đó phù hợp đối với những gì rồi phải xảy ra và sẽ xảy ra. Ông không tô hồng những lớp người ấy như đang đại diện cho cái thiện mà cũng hỗn mang và rất phức tạp. Nó có thể là sự cuồng loạn như Hai kinh thành của Dickens khi nỗi thất vọng giờ đã quá lớn, nhưng cũng có thể sẽ vào trật tự để rồi từ đó thế giới utopia sẽ được sinh ra. Không thể biết được liệu rồi thứ gì tiếp tục xảy ra, nhưng tiếng gọi quê hương và những hình ảnh vô cùng giản dị đã như lời đáp cho niềm hi vọng đã được thắp nên, dù nó nhỏ bé, mang tính cục bộ, không mấy đáng kể.
Hotel Savoy của Joseph Roth có thể nói không có nghệ thuật viết nổi bật, thể nghiệm hay quá đặc biệt, nhưng chính việc hiểu những nỗi khổ đau, chạm đến vỉa tầng của sự khốn cùng đã kịp để lại ám ảnh khôn nguôi. Và như câu nói khắc khoải của lão Santschin trước khi chết rằng: “Không một ai thoát khỏi Hotel Savoy”, chính nơi chốn ấy rồi sẽ mãi là địa ngục trần gian trước bản chất của người.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD