Nhà văn người Pháp gốc Algeria - Kamel Daoud – vừa giành giải Goncourt danh giá nhất nước Pháp cho cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về “thập kỷ đen tối” đẫm máu đã xé nát quê hương Algeria của mình vào cuối thế kỉ 20.
Một tác phẩm dũng cảm
Với thành tích này, Kamel Daoud đã trở thành tác giả gốc Algeria đầu tiên giành giải Goncourt. Ông được gọi tên với tiểu thuyết Houris và điều đặc biệt là tác phẩm đã bị cấm tại quê nhà vì đề cập đến cuộc nội chiến giữa các nhóm Hồi giáo chống lại quân đội Algeria từ năm 1992 đến năm 2002, giết chết từ 60.000 đến 200.000 người và khiến hàng nghìn người khác mất tích.
Tác giả Kamel Daoud chia sẻ chiến thắng cùng cuốn tiểu thuyết của mình
Cuốn sách theo đó được viết theo góc nhìn của Aube, một cô gái câm trẻ tuổi bị cắt cổ nhưng sống sót sau vụ thảm sát do những người Hồi giáo gây ra vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, và một người đàn ông đã bắt cóc Aube đến một ngôi làng xa xôi, hẻo lánh. Cô thường xuyên nói chuyện với đứa con gái chưa chào đời của mình, từ đó tiết lộ những nỗi kinh hoàng bản thân đã phải chịu đựng. Với sự hỗn loạn trong kí ức của hai nhân vật, cuốn tiểu thuyết gợi lên những hình ảnh bị chôn vùi, nhắc lại những nỗi kinh hoàng bị lãng quên và hi vọng chúng sẽ mãi còn được nhớ đến.
Khi phát hành, nhà xuất bản Gallimard nổi tiếng của Pháp đã được yêu cầu không tham dự Hội chợ sách quốc tế Algiers lần thứ 27, diễn ra từ ngày 6 - 16 tháng 11 năm nay. Nguyên nhân cho việc cấm này và ảnh hưởng đến hoạt động giao lưu văn hóa dựa trên một điều khoản của Hiến chương Hòa bình và Hòa giải Quốc gia nhằm ngăn chặn việc gợi lại “vết thương của thảm kịch đất nước” mà theo đó, bất cứ tác phẩm nào gợi lại giai đoạn nội chiến này đều không được phép xuất bản.
Nhận xét về tác phẩm này, đại diện nhà xuất bản Gallimard cho biết Daoud đã “lên tiếng vì nỗi đau gắn liền với thời kì đen tối ở Algeria, đặc biệt là của phụ nữ”. Chiến thắng lần này đã giúp lấy lại danh tiếng cho Gallimard, khi vào hai năm 2022 và 2023, chiến thắng liên tiếp về tay hai nhà xuất bản khác là Flammarion và L'Iconoclaste. Báo chí Pháp cũng kì vọng một mùa văn chương sôi nổi cho kì nghỉ dài sắp bằng chiến thắng này.
Ngoài ra, chiến thắng của Kamel Daoud cũng được đánh giá là một hành động dũng cảm của ban giám khảo. Tiểu thuyết gia Philippe Claudel, trưởng ban giám khảo của giải Goncourt, chia sẻ: “Cuốn tiểu thuyết này cho thấy văn học, với sự tự do để khám phá những gì đã xảy ra và bày tỏ cảm xúc, đã lần theo một con đường khác của kí ức xoáy sâu vào câu chuyện lịch sử của một dân tộc”. Theo Claudel, qua tiểu thuyết này, Daoud còn đi xa hơn nữa, lên án sự bất công mà phụ nữ phải chịu và đặt câu hỏi về kí ức tập thể của quê hương mình.
Ban giám khảo cho biết chỉ cần một vòng bỏ phiếu để tìm ra người chiến thắng. Năm nay, ông đã xuất hiện tại vòng chung khảo với các tác giả khác là Hélène Gaudy (với tiểu thuyết Archipels), Sandrine Collette (với tác phẩm Madelaine avant l'aube) và Gaël Faye (với cuốn sách Jacaranda). Trong đó, Faye từng chiến thắng giải Goncourt dành cho thiếu niên với cuốn Quê hương bé nhỏ. Mặc dù không được gọi tên tại giải thưởng này, nhưng sau đó Faye lại được vinh danh tại giải Renaudot – một giải thưởng danh giá không kém của văn học Pháp.
Cũng có mặt tại nhà hàng Drouant nơi công bố người chiến thắng, nhà văn và ca sĩ người Pháp gốc Rwanda Faye đã nói về sự cộng hưởng giữa cuốn tiểu thuyết của mình và Daoud. Ông cho biết: “Houris và Jacaranda là những cuốn sách nói về những năm 1990. Chúng đều khai thác những xung đột trong nội bộ quốc gia [...] Ba mươi năm đã trôi qua chẳng phải là khoảng dừng cần thiết để những nhà văn [...] viết về những gì đã xảy ra sao?”
Bộ 3 tác phẩm đoạt giải Goncourt 2018, 2020 và 2022
Nhà văn không ngừng đấu tranh
Chia sẻ về chiến thắng của mình, trên nền tảng X, Daoud cho biết: “Đó là ước mơ và là kết quả của những năm tháng nỗ lực không ngừng. Tôi xin dành chiến thắng này cho người cha đã khuất và cho mẹ tôi. Bà vẫn còn sống nhưng không còn nhớ gì nữa. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi”. Kèm dòng chia sẻ là hình ảnh của mẹ ông.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde sau khi tin tức chiến thắng được công bố, tác giả bộc bạch: “Tôi là người con của Algeria, của hệ thống giáo dục Algeria, của những tham vọng Algeria. Giải thưởng này có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, ở cấp độ cá nhân, đây là thành tựu của bản thân và gia đình tôi. Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho các nhà văn Algeria đang ‘chớm nở’, những tác giả đang bị cầm chân bởi quyền lực và nhiều quy tắc vô lí, những người luôn viết trong nỗi sợ hãi. Tôi rất hi vọng họ biết rằng nếu nỗ lực thì sẽ có ngày mình được đáp đền. Tôi là nhà văn, không phải là chính trị gia. Đối với tôi, sách vở khuyến khích chúng ta tưởng tượng cũng như hi vọng vào những điều khác. Một cuốn sách không thể thay đổi thế giới, nhưng khi được biết đến rộng rãi, có thể trở thành một bệ đỡ, một thông điệp. Điều tôi hi vọng là cuốn sách này sẽ khiến mọi người ở phương Tây khám phá ra cái giá của tự do, đặc biệt là đối với phụ nữ”.
Daoud theo đó không phải là một cái tên quá xa lạ với giải thưởng này. Trước đó, ông đã được biết đến trên toàn thế giới qua cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 2013 là The Meursault Investigation (tạm dịch: Cuộc điều tra Meursault) - một tác phẩm kể lại Người xa lạ của Albert Camus theo góc nhìn ngược lại. Cuốn sách nói trên đã giúp ông giành giải Tiểu thuyết đầu tay của Giải Goncourt.
Trong suốt sự nghiệp, ông cũng tham gia viết báo và là người viết những bài tiểu luận có sức ảnh hưởng xoay quanh xã hội Algeria và những nơi khác trong thế giới Ả Rập. Cụ thể, năm 2016 - sau vụ tấn công tình dục hàng loạt phụ nữ do người di cư Ả Rập gây ra ở Cologne, Đức - ông đã viết một bài xã luận đăng trên tờ The New York Times có tựa đề “Nỗi thống khổ về tình dục của thế giới Ả Rập”.
Sinh ra tại Mostaganem, Algeria, Daoud học văn học Pháp tại Đại học Oran và bắt đầu làm báo khi ông vào làm cho tờ báo tiếng Pháp Le Quotidien d'Oran của Algeria vào năm 1994. Chuyên mục nổi tiếng “Raïna Raïkoum” (“Ý kiến của tôi, ý kiến của bạn”) đã giúp ông trở nên nổi tiếng và trở thành cây bút chuyên mục cho nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, bao gồm cả tờ Le Point. Ông chuyển đến Pháp vào năm 2023, ba năm sau khi trở thành một công dân Pháp.
Giải thưởng Goncourt được Viện Hàn lâm Goncourt trao cho tác giả của “tác phẩm văn xuôi hay nhất và giàu trí tưởng tượng nhất trong năm”. Giải thưởng mang tính tượng trưng chỉ 10 euro, nhưng mang lại sự công nhận đáng kể và doanh số bán sách cho tác giả chiến thắng. Theo các thống kê, từ năm 2019 đến năm 2023, các cuốn đoạt giải đã bán được trung bình 577.000 bản tại Pháp chỉ trong năm tuyên bố chiến thắng.
Tại Việt Nam, liên tục trong các năm qua, các tác phẩm thắng giải Goncourt đã được ra mắt và giới thiệu đến độc giả. Chúng là Sống vội (Brigitte Giraud, 2022), Bất thường (Hervé Le Tellier, 2020), Không ai sống giống ai trong cuộc đời này (Jean-Paul Dubois, 2019), Con cháu của họ cũng thế thôi (Nicolas Mathieu, 2018)... Mới đây, tác phẩm thắng giải vào năm 2023 Veiller sur elle của Jean-Baptiste Andrea đã được công bố mua bản quyền và chuẩn bị ra mắt.
PHƯƠNG TRANG dịch
VNQD