Các tác phẩm nổi tiếng bị cấm tại trường học

Thứ Sáu, 15/11/2024 08:00

Theo Hiệp hội Văn bút Hoa Kì (PEN America), một số lượng sách kỉ lục đã bị cấm ở nhiều quận trên khắp nước Mĩ trong năm học 2023-2024. Không chỉ tại đây, sau vinh dự có nhà văn đầu tiên giành giải Nobel Văn chương, Hàn Quốc cũng đang “đau đầu” với trường hợp của Han Kang.

Danh sách tiếp tục nối dài

Trong đó, Nineteen Minutes của Jodi Picoult nói về hậu quả của một vụ xả súng trong trường học đã bị cấm tại 98 học khu trên khắp Hoa Kì trong năm học vừa qua. Nó đã trở thành cuốn sách bị gỡ bỏ nhiều nhất trong giai đoạn chứng kiến ​​số lượng sách bị cấm kỉ lục trên khắp nước Mĩ. Khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu vào năm 2007, nó đã được ca ngợi bởi mô tả tinh tế về nạn bắt nạt và bạo lực học đường, được đưa vào nhiều chương trình giảng dạy ở trường trung học và được trao nhiều giải thưởng dành cho thanh thiếu niên.

Các tác phẩm bị cấm trong nhiều trường học tại Mĩ

Theo báo cáo mới của PEN America, Nineteen Minutes chỉ là một trong 4.231 tựa sách bị cấm tại các trường học trên khắp cả nước trong năm học 2023-2024. Tính trên tổng thể, đã có hơn 10.000 trường học trên khắp Hoa Kì có động thái thu hồi sách, tăng hơn 200% so với một năm trước đó.

Ngoài Nineteen Minutes, các tựa sách bị cấm nhiều nhất bao gồm Đi tìm Alaska của John Green, Điệu vũ bên lề của Stephen Chbosky, Bị bán của Patricia McCormick và 13 lí do tại sao của Jay Asher. Các tác giả có số lượng lớn tác phẩm cũng gồm Ellen Hopkins và Sarah J. Maas – nhà văn “khổng lồ” trong mảng kết hợp thể loại lãng mạn với huyễn tưởng, gây nên cơn sốt doanh thu trong các năm qua. “Ông hoàng kinh dị” Stephen King cũng góp mặt vào danh sách này khi tác phẩm của ông đã bị cấm trong 173 trường hợp tại 26 quận. Những tác phẩm kinh điển khác bị cấm từ lâu như Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison, Tôi biết vì sao con chim trong lồng vẫn hót của Maya Angelou và Lò sát sinh số 5 của Kurt Vonnegut cũng chưa có dấu hiệu được nới lỏng, tiếp tục bị thải hồi khỏi các trường học.

Picoult cho biết đã rất sửng sốt khi nghe tin cuốn tiểu thuyết về vụ xả súng của mình bị cấm ở rất nhiều quận vào thời điểm mà học sinh phải chịu đựng mối đe dọa thường trực về bạo lực học đường không chỉ ở mặt thể xác mà còn tinh thần. Bà chia sẻ hàng trăm thanh thiếu niên đã viết thư cho mình và chia sẻ nhờ vào cuốn sách mà chúng đã thôi thực hiện hành vi bạo lực hoặc có đôi khi là phao cứu sinh giúp chúng đối phó với nạn bắt nạt trong các năm qua.

Theo nhiều nguồn tin, Nineteen Minutes bị loại khỏi các thư viên trường học không phải bởi nó mô tả bạo lực trong thảm nạn xả súng mà vì một cảnh có chứa yếu tố cưỡng hiếp khiến nhiều phụ huynh và người kiểm duyệt ít nhiều coi nó có tính khiêu dâm. Tuy vậy, Picoult cho biết những nỗ lực bảo vệ độc giả trẻ khỏi những chủ đề phức tạp và khó chịu như mình đã viết có thể khiến họ có ít công cụ hơn để giải quyết những khó khăn mà bản thân sẽ phải đối mặt trong cuộc sống thực. Bà cho biết: “Những người ủng hộ sách tin rằng việc cấm sách là bảo vệ trẻ em nhưng thực chất chỉ đang gây hại cho chúng mà thôi”.

Hiệp hội Văn bút PEN America đã bắt đầu theo dõi lệnh cấm sách vào năm 2021, khi việc thu hồi sách bắt đầu tăng mạnh cùng với sự trỗi dậy của các tổ chức bảo vệ quyền phụ huynh, nhằm mục đích loại bỏ những cuốn sách mà họ cho là không phù hợp với con em mình ra khỏi trường học. Kể từ đó, đã có hơn 16.000 trường hợp cấm sách tại các trường công.

Kasey Meehan, giám đốc chương trình Tự do đọc sách của PEN America, cho biết các con số được báo cáo có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi chúng không bao gồm các lệnh cấm sách không được báo cáo hoặc các trường hợp thủ thư và giáo viên tránh đặt hàng hoặc lưu trữ những cuốn sách “có vấn đề”. Bà chia sẻ: “Ngày nay những người thủ thư thường phải đối mặt với áp lực rất lớn để quyết định nên mua hay không đầu sách nào đó cho thư viện của mình”.

Lệnh cấm sách tăng mạnh ở các tiểu bang gần đây cũng được hậu thuẫn bởi quy định loại sách nào nên có trong các trường học. Florida, nơi đã thông qua luật cấm nội dung khiêu dâm trong thư viện trường, có số lượng sách bị thu hồi nhiều nhất vào năm ngoái với tổng cộng hơn 4.500 cuốn. Iowa, nơi cũng đã thông qua luật hạn chế nội dung của thư viện trường học và lớp học, đứng ở vị trí thứ hai với hơn 3.600 lệnh cấm.

Trong phân tích gần đây, PEN America phát hiện ra rằng sách về cộng đồng LGBTQ, đề cập đến chủng tộc, phân biệt chủng tộc và có nhân vật da màu nằm trong số những tựa sách bị thách thức nhiều nhất. Gần 40% sách bị cấm có chủ đề về cộng đồng LGBTQ, trong khi 44% tựa sách bị cấm xoay quanh các nhân vật da màu. Phần lớn sách bị thải hồi - khoảng 60% - được viết cho độc giả là thanh thiếu niên.

Được biết những người ủng hộ việc cấm sách khẳng định mục đích của họ là bảo vệ con em mình khỏi các nội dung bạo lực, khiêu dâm cũng như trao cho phụ huynh quyền kiểm soát nhiều hơn đối với những gì thế hệ sau đọc. Nhưng theo các tổ chức tự do ngôn luận và nhiều tác giả, thì việc thu hồi sách vì nội dung của nó, đặc biệt là các tựa sách dành cho thanh thiếu niên, cũng đồng nghĩa với hành động kiểm duyệt.

Người ăn chay cũng phải đối mặt với nhiều yêu cầu xét lại

Hàn Quốc xôn xao “hậu” Nobel của Han Kang

Không chỉ ở Mĩ, cuốn Người ăn chay của nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2024 – Han Kang – mới đây cũng được phát hiện nằm trong danh sách 528 cuốn sách bị loại khỏi hơn 2.490 thư viện tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) vào năm ngoái, vì có nội dung gây bất lợi cho học sinh và được coi là “có hại cho giới trẻ”. Động thái này diễn ra sau khi Văn phòng Giáo dục tỉnh Gyeonggi gửi một khuyến nghị đến các trường học theo đề xuất của một tổ chức phi chính phủ bảo thủ, đề nghị các trường học loại bỏ những cuốn sách có liên quan đến tình dục ra khỏi thư viện. Tuy nhiên, trong số những cuốn sách bị loại bỏ, chỉ có một cuốn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ định là có hại cho thanh thiếu niên.

Tại một diễn đàn trực tuyến dành cho các bà mẹ, một bài đăng có nội dung "Cuốn Người ăn chay của Han Kang nằm trong danh sách sách cần tham khảo tại thư viện trường của con tôi. Làm sao con cái chúng ta có thể đọc một cuốn sách có tính khiêu dâm như vậy?" Người viết cho biết thêm mình sẽ khiếu nại chính thức lên nhà trường. Tuy nhiên, ý kiến nói trên cũng vấp phải sự phản đối khi nhiều người cho rằng việc ngăn cấm trẻ em đọc một cuốn sách được công nhận trên toàn thế giới là điều "vô lí".

Một giáo viên tại một trường trung học ở Seoul chia sẻ với tờ The Korea Herald: "Chúng ta nên tự hào khi một tác giả Hàn Quốc giành giải Nobel Văn chương năm nay. Thật vô lí khi cấm học sinh trải nghiệm niềm vui bổ ích khi đọc một cuốn sách tuyệt vời. Trước khi nói những điều ác ý về cuốn sách của Han Kang, mọi người hãy thử tìm hiểu tác phẩm nói trên”.

Mặc dù Người ăn chay chưa bao giờ được chính thức dán nhãn là một cuốn sách có hại cho giới trẻ, nhưng các chuyên gia cho biết việc nó có gây hại hay không lại là vấn đề về mặt quan điểm. Theo đó 5 chuyên gia về tình dục được đài truyền hình địa phương SBS phỏng vấn đều bày tỏ sự không đồng tình với lệnh cấm trên. Họ cho biết giá trị thông điệp của tác phẩm nên được xem xét với sự hướng dẫn phù hợp từ giáo viên cũng như phụ huynh thay vì một số đoạn văn được cắt ra khỏi ngữ cảnh.

TRIỀU DƯƠNG dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)