Alexander Solzhenitsyn: Sống không dối trá

Thứ Sáu, 16/12/2022 10:12

Là một trong những nhà văn lớn của Liên Bang Nga, Alexander Solzhenitsyn có một đời sống vô cùng biến động theo nhịp lịch sử. Từ việc bị lưu đày vĩnh viễn cho đến trục xuất ra khỏi quê hương, thế nhưng nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 1970 vì “sức mạnh đạo đức mà ông đã nối tiếp các truyền thống lâu đời của văn học Nga” luôn không thôi trăn trở về tự do, giá trị con người và các tác động có thể có của văn chương.

Mới đây tuyển tập tác phẩm đặt dưới tên Ngôi nhà của Matryona đã được ra mắt độc giả Việt Nam. Gồm 4 truyện ngắn, các đoản văn, một tiểu luận và các diễn từ khi nhận giải Nobel và Templeton, đây chỉ là 1 trong 30 bộ phận làm thành tuyển tập Alexander Solzhenitsyn, tuy thế đã cho thấy rõ chân dung nhà văn luôn đứng lên vì lẽ phải và những giá trị cơ bản nhất của con người, để đúng như bản tuyên ngôn mà ông đã viết: “Sống không dối trá”.

PHÉP MÀU VĂN CHƯƠNG

Alexander Solzhenitsyn, nhà văn đoạt giải Nobel 1970.

Các truyện ngắn trong tác phẩm này đã làm rất đúng vai trò của mình, như trong diễn từ mà Solzhenitsyn đọc trước Uỷ ban Nobel (dù ông không đến do sợ sẽ không về được quê hương), rằng: “Tự thân tác phẩm nghệ thuật đã mang trong mình một sự kiểm chứng. Những tác phẩm đã đong đầy sự thật và thể hiện điều đó cho chúng ta một cách cô đọng, sinh động thì sẽ chinh phục, lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ mà không ai, không đời nào, thậm chí sau nhiều thế kỉ có thể phủ nhận chúng”.

Những tác phẩm như Ngôi nhà của Matryona hay Bàn tay phải, Vì lợi ích phục vụ… ít nhiều đều có dấu ấn hiện thực rất riêng. Truyện ngắn cùng tên được viết như những trải nghiệm sau giai đoạn cải tạo và bị trục xuất, khi ông dạy học ở miền Trung nước Nga hẻo lánh. Ở đó ông đã ở trọ nhà của Matryona, và bằng những quan sát trực quan và tinh tế, ông đã nhận thấy những đặc điểm chung của xã hội người, nơi những tị hiềm, đố kị… vẫn ẩn chứa sau lớp vỏ hào hoa, để từ đó con người ẩn mình và chờ nọc độc phát tiết.

Matryona có điểm gì đó rất giống bà giúp việc Emerenc trong tác phẩm Cánh cửa của nữ nhà văn người Hungary - Szabó Magda. Đều là những phụ nữ luống tuổi, đều là những người không tiếc thân mình hướng về một cái đẹp chung… Thế nhưng họ có số phận hẩm hiu và cho đến cuối đều bị lợi dụng, không được nhận lại những gì xứng đáng với bản thân mình. Dù vậy Alexander Solzhenitsyn đã xây dựng được những nhân cách đẹp không tự thương thân, mà luôn ý thức về tính công bằng rồi sẽ bừng sáng một ngày nào đó.

Là một phụ nữ ở tuổi 60 với những cơn bệnh trầm kha sẽ làm kiệt quệ vài lần trong tháng, thế nhưng Matryona luôn không từ chối những lần được mời giúp đỡ, như đào khoai, mót củi… Chạy vạy đi xin trợ cấp hưu trí sau cái chết của chồng với nền chuyên chính quan liêu, khi ngựa phải nuôi tập trung, khi củi phải được tập kết… Đứng trước sự ngặt nghèo đó, bà tự trở thành “phương tiện” của mình, với việc lần tìm cái ăn trong rừng, tự mình gùi củi, đào khoai, muối quả việt quất... Dù vậy bà không than thở bất cứ điều gì, và ngay cả khi sẻ bị lợi dụng, bà luôn cho đi vì nghĩ bản thân không cần một ngôi nhà lớn như thế.

Matryona chính là đại diện cho cái đẹp mà Alexander Solzhenitsyn suốt đời theo đuổi. Bởi nhẽ “Mấu chốt cho sự tồn tại và không tồn tại của chúng ta chính là ở trong trái tim mỗi người, trong sự hướng về cái Thiện hay là cái Ác cụ thể”. Nên bà là người đạo hạnh mà nếu không có những con người ấy, thì chẳng làng mạc, thành phố hay thế gian nào còn tồn tại được. Và bởi hiểu được điều đó, nên trong các tác phẩm của ông, người đọc sẽ luôn thấy được cái thiện, cái đẹp luôn luôn hiện diện, mặc cho có bị kiềm kẹp hay trong tự do bức bối.

Phép màu văn chương thông qua những người đạo hạnh trong số kiếp ngặt nghèo đã làm nên bản tuyên ngôn hướng tới trách nhiệm cao cả. Bởi nhẽ “Văn chương và nghệ thuật có phép màu như thế: khắc phục được tính khiếm khuyết của con người là chỉ học hỏi dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình […] Nghệ thuật chuyển từ người này sang người kia toàn bộ gánh nặng kinh nghiệm sống lâu dài của người khác mà chưa nếm trải, và cho phép người nhận tiếp nhận như của chính mình”.

Do đó có thể thấy rằng nghệ thuật của Alexander Solzhenitsyn không hướng về nền chuyên chính cụ thể nào, mà đó là hướng nhìn chung về những chế độ toàn trị, về ý thức tệ hại ở nơi con người. Vì vậy mà ta thấy rằng dẫu có bất công, dẫu có tàn bạo, thì quê hương Nga luôn sống trong ông bằng sự tuyệt diệu của những con người sống có trách nhiệm cũng như đạo hạnh.

CÁI ĐẸP TRONG VẺ NGẶT NGHÈO

Tuyển tập tác phẩm Ngôi nhà của Matryona trong diện mạo mới.

Thông qua cuộc đời và những gì bản thân gặp phải, Alexander Solzhenitsyn đã tố cáo những bất công của một thể chế mà bản thân ông đã bị nhấn chìm, để từ đó bạn đọc, những người đến từ những vùng đất khác… hiểu được bạo lực, dối trá, và chỉ duy nhất tự do là cứu con người ra khỏi đám cháy nhân tính giờ đã tràn lan.

Mặc cho đớn đau, tuy thế Alexander Solzhenitsyn luôn tin vào trong cái đẹp. Tác phẩm của ông dù có đắng cay, dù có hờn tủi, dù chịu kìm kẹp bởi các ràng buộc… thì cũng không thiếu những người đạo hạnh, những người không chịu trở thành một “hèn đại nhân” miễn là cơm no ấm áp. Chẳng hạn như trong truyện Bàn tay phải – tác phẩm có thể được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm mắc ung thư của ông, Solzhenitsyn đã cho thấy một người đồng bệnh và những phản kháng vươn lên của y, để bảo vệ cho một vị anh hùng chiến đấu vì nước Nga nhưng giờ không được trân trọng.

Còn với Trường hợp tại nhà ga Kochetovka, người chỉ huy quân vận Zotov mặc cho bộ máy hành chính cồng kềnh… cũng đã giúp đỡ một đội vận chuyển mà 11 ngày rồi chưa có cái ăn. Bản thân anh coi đó là việc tốt, và cố gắng giúp dù cho có thể ảnh hưởng đến bản thân mình. Nhưng đó là việc dễ dàng phân định vì được chống đỡ bởi những nền tảng đạo đức, còn khi gặp phải những kẻ chống phá, những lời dối trá… khi mà đạo đức kình chống kịch liệt cùng với niềm tin, thì phải làm sao? Alexander Solzhenitsyn đưa con người ta vào trong tình cảnh ngặt nghèo, từ đó cho thấy giá trị nhân văn vẫn luôn tồn tại, dẫu cho những gì mà họ đã phải làm bởi một tình thế ép buộc và không thể khác.

Bởi nhẽ “Bạo lực không sống một mình và không có khả năng tồn tại một mình, nó nhất thiết phải gắn kết với dối trá”, nên nghệ thuật của Alexander Solzhenitsyn mạnh mẽ, khẳng khái, ẩn sâu dưới lớp phông nền của những cái đẹp. Dối trá, lọc lừa luôn luôn được tả một cách trực diện và không khoan nhượng, để từ đó ai ai cũng tự nhận thấy. Trong khi trầm mặc là một vẻ đẹp mà Solzhenitsyn suốt đời theo đuổi. Ông tự biến mình thành điểm tham chiếu, một người nghiêm nghị có phần lặng lẽ, từ đó ngắm nhìn nhân tình thế thái.

Trong những đoản văn được viết trong hai giai đoạn 1958-1963 (du hành bằng xe đạp ở miền Trung nước Nga) và 1996 – 1999 (được trở về Nga sau 20 năm lưu đày biệt xứ), những gì Nga nhất và trầm lắng nhất đã được Alexander Solzhenitsyn thai nghén và chắt lọc lại. Ở đây ta không còn thấy hiện thực chua xót mà chỉ còn lại nỗi đau câm lặng như một mặt hồ yên ả, của người chấp nhận được thứ hiện thực sẽ không thay đổi. Tuy thế trong sự im lặng, người ta lại phát hiện ra những vẻ đẹp khác, nhỏ nhoi, vừa vặn và rất sinh động, như khúc gỗ du cứng cáp, như chú vịt con đẹp đẽ, như những con kiến dù cho biết sẽ chết cũng không rời tổ…

Cái đẹp thương đau thấm dần vào những hiện thực, để cho đến cuối ta phát hiện ra đời sống không thể thay đổi, và không thứ gì xoay chuyển được những hiện thực. Alexander Solzhenitsyn dành cả đời mình để viết về những cái đẹp, về tự do và những đấu tranh luôn không ngừng nghỉ chống lại dối trá. Nhưng quan trọng hơn, qua tác phẩm này, người ta thấy được cái đẹp của văn chương, của nghệ thuật và của đấu tranh luôn không ngừng nghỉ như những “cái mầm tươi rói, như nụ huệ trắng non tơ đang sắp nhô lên từ mặt hồ ngàn thu chưa gợn sóng”. Và cũng chỉ khi “sống không dối trá”, thì con người mới thật là người, và được giải thoát khỏi sự toàn trị, khỏi sự bất hạnh của chính chúng ta.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)