Lò nung xã hội không có trái tim

Thứ Ba, 29/11/2022 05:19

Từng gây ra làn sóng yêu thích ở Hàn Quốc, Niềm vui và nỗi buồn của công việc là tác phẩm ấn tượng và nhiều nỗi niềm của nhà văn Jang Ryujin. Khi mới ra đời, truyện ngắn cùng tên đã chứng kiến hơn 400.000 lượt xem online, và cũng có lúc trang web bị nghẽn vì có quá nhiều truy cập cùng một thời điểm. Sau khi được in thành sách, tập truyện cũng đã đứng đầu danh sách bán chạy trong nhiều tuần liền, càng cho thấy thêm một sự gần gũi cũng như đồng cảm với thế hệ trẻ trong một đời sống liên tục thay đổi.

Sinh năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc tại một văn phòng trong vòng 7 năm, Jang Ryujin xin nghỉ và chuyển sang viết lách. Tuyển tập truyện ngắn gồm 8 tác phẩm của cô chủ yếu xoay quanh những người trẻ tuổi trong một đời sống không ngừng quay cuồng của xã hội Hàn Quốc hiện đại, và đứng ẩn sau chính là bóng ma chủ nghĩa tư bản. Không là câu chuyện của riêng một ai, độc giả đến từ nơi đâu cũng như nói thứ tiếng nào cũng sẽ thấy mình ở đó, với những suy tư và nhiều tình huống đã thành khuôn mẫu.

ĐỜI SỐNG VĂN PHÒNG

Tập truyện Niềm vui và nỗi buồn của công việc đã là hiện tượng sau khi xuất bản.

Là một tác giả thuộc về thế hệ Millennials nên những vấn đề văn phòng chiếm một vị trí đặc biệt trong tập sách này. Những truyện như Tôi sẽ sống tốt! hay truyện cùng tên Niềm vui và nỗi buồn của công việc đã cho thấy được điều này. Đời sống công sở với những vấn đề khó nói đã được Jang Ryujin thể hiện vô cùng sinh động, như chuyện mời cưới, tiền mừng... cũng như sự du nhập văn hóa, khả năng cân bằng cuộc sống được thể hiện thực tế và không khuôn mẫu.

Trong khi thế hệ gen Z được xem như một lực lượng “dám nghĩ dám làm”, thì thế hệ 9x, 8x… trước đó đang phải đối đầu không chỉ công việc mà là áp lực gia đình cũng như trách nhiệm. Họ hầu như không có tiếng nói, và phải chịu lép vế ở trong công việc. Những nhân vật của Jang Ryujin dù được thể hiện ở khía cạnh nào cũng mang trong mình một sự mệt mỏi, u uất, dường như không thể bắt kịp tốc độ quá nhanh của guồng quay cuộc sống và công việc.

Họ bị quay cuồng trong vòng xoáy ấy, để rồi sức khỏe tinh thần, đời sống cá nhân không được đảm bảo. Như thể nhân vật Jihoon trong truyện Hướng dẫn viên Fukuoka của tôi, tuy có tình cảm với người đồng nghiệp Jiyoon, nhưng khi nghe tin cô đã góa chồng, chuyển đến Nhật Bản… anh cũng không thể mạnh dạn nghỉ làm để đến bên cô như những “tham chiếu” tình cảm của mình. Điều gì đã trói buộc anh? Điều gì đã giữ anh lại? Có nhiều lí do, và trong số đó có cả công việc. Để đến một lúc khi anh hiểu rằng một ngày, ba ngày, một tuần… luôn không là đủ cho một mối quan hệ có sự tương đồng về “mạch cười”, “hợp gout” hay “giao cảm”… thì Jiyoon đã từ chối anh, vì cô biết rằng hiện thực dù có về sau cũng không thay đổi.

Đời sống văn phòng không chỉ giết chết tinh thần, nó còn khiến người ta sống từng ngày một với sự ám ảnh và những tác động thường trực xuất hiện từ chính tính chất công việc. Đó có thể là sự mệt mỏi và đầy sợ sệt của người làm việc ở “clean centre” – trung tâm làm sạch, với nhiệm vụ chính là báo cáo nội dung lạm dụng cũng như bạo lực. Nhịp sống nhanh chóng cũng cuốn họ theo với cách biện minh cho những thiếu sót của bản thân mình…

Đó còn là những nhân viên đối mặt hằng ngày với sự quá quắt cũng như không hề công bằng từ những vị sếp ích kỉ như là Trứng Rùa trong tuyện cùng tên… Tất cả những ảnh hưởng trên biến đổi con người, từ đó tư duy hiện đại sống không lí trí, cư xử như một robot không có trái tim đã cho ra lò một thế hệ mới - những người vô cảm và đầy lạnh lùng được nung trong lò xã hội hiện đại.

NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT THIẾU TRÁI TIM

Nhà văn triển vọng Jang Ryujin.

Đời sống văn phòng nói riêng và chủ nghĩa tư bản nói chung đã là công xưởng làm nên cỗ máy hoạt động chính xác. Con người nơi đó đối xử với nhau bằng đúng những gì người khác trao đi. Như truyện Tôi sẽ sống tốt!, khi người đồng nghiệp Bitna đã lâu không gặp muốn đi đám cưới, thì nhân vật chính đã nhớ lại số tiền mừng, từ đó trừ ra tiền cơm, để mua tấm thiệp và một thỏi son đúng giá 12.000 won không dư không thiếu số tiền mà cô nhận được trước đó.

Tiền bạc chi phối con người, từ đó đục ruỗng luôn trái tim họ. Người phụ nữ trong truyện Bàn tay giúp việc cũng là như thế, khi xem những cô giúp việc xa cách và dưới cơ mình, với món tiền thưởng 10.000 won khiến cô tin rằng những người giúp việc chỉ đáng như thế. Từ đó con người ngày càng xa nhau, khiến cho những người trẻ tuổi phải viết đến hơn trăm chiếc CV để nhận ra rằng họ sẽ không thể theo kịp tốc độ của đời sống này, khi một ly Americano có đá cũng hơn nhiều lần một ly cùng loại nhưng được uống ấm vào mỗi mùa hè.

Một khía cạnh khác cũng được nhà văn Jang Ryujin thể hiện vô cùng sống động đó là nhịp sống liên tục biến đổi của xã hội này. Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung, đều cùng trải qua những điều tương tự. Đó là mức độ chênh lệch giữa thù lao và mức độ cống hiến của phụ nữ và đàn ông. Cũng giống như Kim Ji Young Sinh năm 1982 của Cho Nam Joo, trong tác phẩm này, Jang Ryujin cũng thể hiện được điều đó, khi người phụ nữ nhận được mức lương thấp hơn 10.3 triệu won với chồng của mình, dù cùng vị trí. Những người phụ nữ cũng chỉ được làm ở bộ phận phụ, lui về phía sau, chứ không được làm những gì mình muốn.

Một đời sống mới cũng đã triệt tiêu những thứ hiện đại, khi những người trẻ luôn mang tham vọng theo kịp chính thời đại này. Từ đó như một hiện trạng của dân số già, việc sinh con được xem như việc vận chuyển chiếc piano cỡ đại, nhìn thì đẹp đẽ nhưng nhà thì không đủ chỗ. Một sự lạnh lùng, một sự nhẫn tâm nơi tiền bạc chiếm giữ vị trí quan trọng cũng được thể hiện, với những nhạc sĩ độc lập đã bị đẩy khỏi Hongdae do tiền thuê nhà tăng lên mặc cho chính họ là người hồi sinh cộng đồng văn hóa của khu Hongdae.

VẪN CÓ HY VỌNG

Tuy thế truyện ngắn của Jang Ryujin không chỉ có sự lạnh lùng và đầy đau đớn của xã hội hiện đại. Con người trong các tác phẩm của cô tuy bị cuốn theo thứ vòng xoáy đó, nhưng rồi sẽ thấy những lối đi riêng cho bản thân mình. Đối với Trứng rùa hay là Anna, đó là việc tìm thấy được sự cân bằng trong cuộc sống này. Dẫu bị người sếp quá quắt đối xử thiếu sự công bằng, thì họ cũng tìm ra cách làm đời sống mình thêm nhẹ nhàng hơn, như việc đổi điểm tích lũy thành ra tiền mặt, giữ vững tình yêu với nhạc giao hưởng cũng như quan tâm và cùng chia sẻ với các đồng nghiệp.

Bản năng là thứ níu giữ con người chính trong nhà xưởng có phần công nghiệp ấy. Những người như Jang U – vị nhạc sĩ sáng tác được bài hát “hot” về chiếc tủ lạnh, tuy thế vẫn luôn ý thức được sứ mệnh mình. Mặc cho hợp đồng béo bở đã được đưa ra, mặc cho người yêu dọa đi khỏi mình… thì anh cũng không tha hóa và luôn sống hết với một khát khao dành cho âm nhạc. Anh thà bỏ dở hợp đồng thu âm một album nhạc hơn là sáng tác những bài mang tính “mì ăn liền”.

Chính vì anh biết được sự vừa đủ, rằng tủ lạnh đã cũ và ở mức 4 thì chỉ lạnh được ở mức đó thôi mà không cao vọng những điều xa vời, nên cuộc đời anh trở nên có thêm ý nghĩa và rất đáng sống. Chính những hình tượng các nhân vật này được đặt bên cạnh những người-không-có-trái-tim, làm thành lực lượng đối nghịch, từ đó khơi gợi một sự nhìn lại cũng như nhận thức được đâu là thực và đâu chính là giới hạn của cuộc sống này.

Với Niềm vui và nỗi buồn của công việc, tiểu thuyết gia Jang Ryujin đã khắc họa được một cách thành công đời sống của những người trẻ Hàn Quốc nói riêng, và toàn thế giới nói chung. Đó là những người đã bị kẹt lại chính trong căn phòng của nhịp sống nhanh, với những dự đoán, với các công việc không thể dứt ra, và rồi sẽ bị cấp lạnh chính ở trái tim. Một tiểu thuyết đương thời, đậm tính thời sự và cho ta thêm một góc nhìn khác về những hiện thực vẫn đang diễn ra.

LINH TRANG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)