Vẻ đẹp và hiện thực trong “Hai mươi tư con mắt”

Thứ Sáu, 09/12/2022 00:25

Sakae Tsuboi (1899-1967) là một trong những nữ nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản. Các sáng tác của bà chủ yếu dành cho thiếu nhi, và thường mang đậm nét hài hước trẻ thơ và nhân văn cao cả. Trong đó Hai mươi tư con mắt được coi như sáng tác nổi bật nhất. Vượt xa khỏi khuôn khổ văn chương, cuốn sách cũng được chuyển thể nhiều lần thành phim truyền hình và phim điện ảnh, cũng như liên tục tái bản trong suốt 50 năm qua.

Kể về cô giáo Ooishi và hành trình đến lớp dạy học của mình suốt hai thập kỉ, Hai mươi tư con mắt là tác phẩm ấn tượng và đầy rung cảm của tình yêu và những mất mát. Thông qua mối quan hệ thầy – trò, nhà văn Sakae Tsuboi cũng đã khắc họa một cách thành công bối cảnh rối loạn của Nhật Bản đương thời, với các mâu thuẫn Đông – Tây, mới – cũ… cũng như ngọn lửa chiến tranh đang lan đến gần.

VẺ ĐẸP ĐIỆN ẢNH

Nữ nhà văn Sakae Tsuboi.

Không chỉ thành công về mặt văn chương, mà phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết này của đạo diễn Keisuke Kinoshita cũng đã giành giải Quả cầu vàng cho Phim Quốc tế hay nhất và đứng thứ 7 trong số 150 bộ phim hay nhất của Nhật Bản. Điều này không chỉ đến từ ngôn ngữ điện ảnh khác biệt, mà tình tiết, bối cảnh cũng như cốt truyện của nữ nhà văn Sakae Tsuboi cũng rất thơ mộng và đầy nghệ thuật.

Nhân vật cô giáo Ooishi hay “Hòn đá nhỏ” như biệt danh mà 12 đứa trẻ đặt cho cô mình, có những tính cách và cách cư xử vô cùng khác lạ. Là con “cừu đen” như Natsume Soseki đã dùng để gọi những người thoát khỏi khuôn khổ truyền thống, cô giáo ấy thay vì kimono truyền thống và những nét ý nhị của người làm thầy… thì lại chạy xe đạp băng băng và mặc Âu phục. Chính những tình tiết có phần vượt ngưỡng đã để lại những ấn tượng xấu, khiến cho dân làng và các phụ huynh không mấy vui vẻ khi chào đón cô.

Thêm vào đó, nhà văn Sakae Tsuboi còn xây dựng cô như một nhân vật vô cùng vụng về. Với tính cách ngổ ngáo cũng như hợm hĩnh, vô ưu vô lo và thấy bất bình không thể không nói… Cô giáo Ooishi chính là hiện thân cho làn gió mới của những con người trong thời đại mới, khi không khí Tây phương đang dần ùa vào Nhật Bản. Ở cô có sự ngây ngô, như không ít lần ta sẽ chứng kiến những lần cười đùa không đúng lúc sau cơn bão, hay đi cảm ơn vì những món quà mà không đúng người… Tuy thế từ đó cá tính chân thật và đầy thiện lành của cô giáo ấy dần dần hiện lên, thu hút người đọc.

Với 12 đứa trẻ tại đảo Shodoshima đất mũi xa xôi và sự khác lạ trong tính cách của cô giáo, Hai mươi tư con mắt dễ gợi nhớ đến bộ phim The sound of music của đạo diễn Robert Wise, bởi các nhân vật và bối cảnh tuyệt đẹp. Những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương và rồi sẽ được chữa lành bởi cô giáo ấy, đặt trong phong cảnh của vùng biển lớn, với sóng, với gió và sự giao hòa cùng với tự nhiên… làm nên một cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ ở mọi phương diện, từ sự chữa lành cho đến bối cảnh và những cảm xúc ấm áp nhen nhóm dần dần.

Những chuyến phiêu lưu đi thăm cô giáo, những lần ca hát ở bên bờ biển, những chuyến dã ngoại đến nơi đền thờ… đã vẽ nên một không gian biển đảo Seto yên bình với những đứa trẻ thuần khiết và người dân lao động chăm chỉ. Kết hợp được chất phiêu lưu cùng những tình cảm giản dị, Hai mươi tư con mắt đẹp đẽ và đầy thơ mộng trong những chân thành mà nó cất lên, khi mỗi một người biết quan tâm nhau, hi sinh cho nhau cũng như dành riêng cho nhau tình cảm thật.

NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐÁNG THƯƠNG

Tiểu thuyết Hai mươi tư con mắt.

Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, của những tình cảm giản dị… thì tiểu thuyết này cũng gợi lên được vô số nỗi đau vẫn luôn còn đó trong xã hội Nhật Bản còn nặng thành kiến. Một trong số đó là việc coi nhẹ phụ nữ và những bé gái. Sinh ra trong một làng chài nghèo khó, những cô bé này học hết cấp một rồi sẽ vĩnh viễn ở nhà, tìm cuộc sống mới. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu vắng con trai, cũng như gia đình nào cũng đông con, khiến chúng bị tước mất đi tuổi thơ và quyền tiếp cận học tập.

Nhà văn Sakae Tsuboi khắc họa điều này đôi khi đáng thương và cũng đôi lúc tuyệt vọng. Có khi những cực khổ ấy sẽ được hòa giải, như người bà của Nita và cô cháu gái khi 12 đứa trẻ trốn không về nhà để thăm cô giáo bị đứt gân chân. Thay vì trách mắng hay giận dữ, những bà và mẹ lại hiểu được con cháu mình đã mất những gì hồn nhiên, để phải chăm em cũng như quán xuyến cả nhà… cho cả gia đình lênh đênh trên biển.

Nếu như may mắn những đứa trẻ này sẽ có một đời gia chánh phục vụ chồng con. Sứ mệnh tưởng chừng vinh dự như được di truyền từ đời người bà cho đến người mẹ và rồi các cô con gái. Khi không sinh được một người con trai, họ liền mang theo cảm thức đổ lỗi cho riêng chính mình, và coi như thể tất cả đều là tại mình. Và do không có con trai, họ cùng chồng con lênh đênh trên biển, và tách con thứ khỏi quyền học tập, vì ở nhà họ còn cả lũ con nheo nhóc, với việc chăm em, nấu cơm và còn hằng hà sa số những việc khác nữa…

Tuy thế không phải đứa trẻ nào cũng được như thế. Có Matsue mẹ mất, em thơ, bố lấy vợ khác… và rồi bị bán trở thành phục vụ quán mì udon. Còn những người khác dòng đời đưa đẩy trở thành geisha hay người bán hương… Những thân phận ấy, những số kiếp ấy mãi không thoát khỏi phong tục cổ hủ. Và khi giáo dục là con đường duy nhất làm bừng tỉnh chúng, thì chúng cũng bị tách rời một cách đáng tiếc.

TINH THẦN PHẢN CHIẾN

Sáng tác trong một giai đoạn vô cùng biến động của lịch sử Nhật Bản, Hai mươi tư con mắt qua đó cũng thể hiện được tinh thần phản chiến một cách rõ ràng. Không hô hào, gào thét hay truyền thông điệp… bằng những câu văn vô cùng giản dị, nhà văn Sakae Tsuboi cho thấy được những mất mát và thời loạn lạc vô cùng biến động suốt cả một thời.

Xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929 -1933, Nhật Bản đã tăng cường hóa chính sách bành trướng, một trong số đó là việc xâm lược Trung Quốc và rồi bước vào Thế chiến thứ hai. Để dành toàn sức cho quá trình này, nền kinh tế ấy dần dần suy yếu, và chính người dân gánh chịu những tổn thất này. Đói nghèo phủ lên tràn khắp đất nước, từ sự thiếu thốn những chiếc áo khoác cho đến hộp cơm bách hợp… Những ước muốn giản dị trẻ thơ rồi bị dập tắt trong sự đói nghèo và cảnh rối ren không ai biết trước ngày sau.

Bước vào Thế chiến, lệnh tổng động viên rồi sẽ biến những đứa trẻ từng rất thanh khiết thành bia đỡ đạn. Với bầu không khí hừng hực cổ súy chiến tranh, những trẻ em trai giờ mơ về những giấc mơ anh hùng. Chúng không hề biết thứ gì sẽ chờ đợi mình, mà chỉ nhập ngũ vì một niềm danh dự, vì mảnh gỗ nhỏ ghi tên “Chết trận” nhưng là tự hào của những gia đình có người ra đi mãi mãi.

Sự tàn khốc của chiến tranh ấy, cuộc tổng động viên có phần cực đoan đến cùng cực ấy… khiến con người ta dù là ngủ mê thì cũng thốt ra những chuyện chính trị. Họ sống trong bầu không khí nơm nớp lo sợ, khi bị ép buộc phải tin vào trong chiến tranh, phải ném tâm trí cũng như bản thể vào cuộc chiến đó. Chừng nào cuộc chiến còn chưa kết thúc, thì những than thở, thì những khóc lóc… trở thành chứng cứ cho việc phản động, nơi ai cũng như bộ “khỉ tam không” – bịt tai, bịt mắt, bịt miệng không hay biết gì.

Và từ những cuộc chiến đó, bóng lưng của những đứa trẻ một đi sẽ không trở lại. Ở đó “hàng triệu trái tim của những người mẹ xứ Phù Tang bị ném đi và bị thiêu rụi thành tro chỉ bởi một trận chiến”. Mất chồng, mất con… thứ chờ đợi họ chỉ là những tấm bia mộ hoặc là đen kịt, hoặc là mục ruỗng… bởi sau vài năm không ai nhớ đến. Thất bại ở trong Thế chiến, cuộc sống lê thê tiếp tục trôi qua, và ngay cả khi tưởng rằng chiến tranh đã hết, thì nó vẫn còn cho đến ngày sau, bởi sự tàn khốc của bom nguyên tử, của những nỗi đau… vẫn còn lại mãi và luôn hiện diện.

Với Hai mươi tư con mắt, nhà văn Sakae Tsuboi đã cho thấy được Nhật Bản vô cùng rối loạn ở trong thập kỉ 30. Vừa đẹp những sự hồn nhiên của những đứa trẻ, với những ước mơ, khao khát, trưởng thành… nhưng cũng đau đớn bởi chiến tranh, cổ hủ và những điều khác… Tác phẩm đan cài giữa những đẹp đẽ cùng với khổ đau, xứng đáng trở thành tác phẩm kinh điển của văn chương Nhật Bản.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)