Kurt Vonnegut từng là một nhà hoạt động môi trường nhiệt thành

Chủ Nhật, 27/11/2022 00:32

Trong khi các chính trị gia vừa mới tụ họp ở Ai Cập để tham gia chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu COP27, thì nhiều thập kỉ trước đó, một trong những nhà văn lớn nhất nước Mĩ, người kỉ niệm 100 năm sinh vào năm nay, là tác giả của Người không quê hương hay Lò sát sinh số 5, đã từng hoạt động vô cùng hăng say để bảo vệ môi trường.

Khi Kurt Vonnegut bước lên sân khấu ở Công viên Bryant tại New York cho cuộc biểu tình nhân Ngày Trái đất vào năm 1970, đám đông khi ấy đã rất tưng bừng. Đó là một ngày tốt lành cho khởi đầu của phong trào bảo vệ môi trường. Mặt trời chiếu rọi những người tuần hành trên Đại lộ số 5, những người biểu tình ôn hòa hát ca và cầm theo hoa thủy tiên vàng. Còn có cả một dàn đồng ca chơi kèn đồng trên bậc thềm của Thư viện Công cộng New York sát bục diễn giả. Nhận thấy tâm trạng phấn khởi, Vonnegut mở đầu bài phát biểu bằng một câu đùa: “Thật bất thường khi những người hoàn toàn bi quan lại có mặt tại lễ kỉ niệm mùa xuân. Dù sao thì tất cả chúng ta cũng đã ở đây.”

Kurt Vonnegut xuất hiện trong một cuộc biểu tình vào năm 1991.

Sau đó ông không lãng phí thêm thời gian mà đi thẳng vào vấn đề trọng tâm của mình: rằng những người biểu tình nhân Ngày Trái đất cần thu hút thêm sự chú ý của Tổng thống đương nhiệm Nixon, bởi nhẽ “ông ta có tiền và cả quyền lực của chính chúng ta.” Đáp lại quyết định của Nixon về việc không tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường, Vonnegut châm biếm “Sự kiện thể thao nào mà ông ta đang xem nhỉ? Có lẽ là một trận quyền anh thông qua truyền hình vệ tinh”.

Cú “hạnh họe” này mang tính cá nhân, khi trước đó Vonnegut cũng đã tham gia một cuộc tuần hành ở Washington DC để phản đối chiến tranh Việt Nam vào tháng 11. Lần đó Nixon đã cố phớt lờ đám đông bằng việc theo dõi một trận… đá bóng. Chỉ trích quyết định của chính phủ khi ưu tiên chi tiêu quân sự hơn là bảo vệ môi trường, Vonnegut nói rằng bản thân lo lắng cho việc Nixon sẽ trở thành “tổng thống Mỹ đầu tiên thua cuộc” trong một cuộc chiến bị đặt nhầm chỗ.

“Ông ta có thể là tổng thống Mỹ đầu tiên đánh mất cả một hành tinh,” Vonnegut tuyên bố. Giống như nhiều người kêu gọi quan tâm sinh thái, dựa trên cơ sở khoa học, những gì Vonnegut đưa ra là lời chỉ trích nhắm vào Nixon một cách đanh thép: “Thật tiếc khi ông ta là một luật sư; cầu Chúa nhẽ ra ông ta phải là một nhà sinh vật học.

Từ quy mô lớn của sự thay đổi chính sách quốc gia và sự sống còn của hành tinh này, Vonnegut chuyển sang những hành động nhỏ mà những người tuần hành đang thực hiện trong khi Chiến tranh Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, như là nhặt rác mà Bộ Vệ sinh bỏ sót. Vonnegut lo sợ rằng những nỗ lực này sẽ không phù hợp với tình trạng ô nhiễm được che đậy bởi “các chiến dịch quảng cáo vĩ đại”, sự thiếu quan tâm của chính quyền Nixon và một mô hình kinh tế nơi “những người gây ô nhiễm bị coi như những người bình thường chỉ đang làm công việc của mình.”

Vonnegut dự đoán: “Trong tương lai [những người gây ô nhiễm] sẽ bị coi như là một lũ lợn,” và lời cuối cùng, ông đã an ủi khán giả: “Những ai cố gắng hết sức để cứu hành tinh sẽ thấy một ban kèn đồng phóng khoáng, vui vẻ, quyến rũ đang chờ đợi họ để mà tôn vinh ngay ngoài cánh cổng thiên đường. Ban nhạc sẽ chơi gì nhỉ? Chắc hẳn là bản ‘When the Saints Come Marching In (1)’”

Khi tờ Village Voice đăng tin về bài phát biểu tại Bryant Park của Vonnegut, nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng trong số tất cả diễn giả, ông ấy là người âu sầu nhất. Bởi nhẽ Vonnegut đã dự đoán rằng, "Không ai cải thiện được điều gì đâu". Tất nhiên, Vonnegut đã không hẳn đúng, khi sau đó Ngày Trái đất đã giúp tạo ra “thế hệ xanh” đầu tiên trong lịch sử Hoa Kì. Liền tiếp sau đó, cơ quan Bảo vệ Môi trường đưa ra lệnh cấm DDT (2)và xăng pha chì. Đạo luật Nước sạch (1972), Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (1973) và các đạo luật mang tính bước ngoặt khác… cũng được triển khai.

Hai tác phẩm đã được chuyển ngữ của Kurt Vonnegut.

Thời gian sau này, Vonnegut cũng đã bác bỏ tuyên bố không ai có thể cải thiện môi trường như nhận định ban đầu của mình. Ông đã tặng bài phát biểu cho nhóm Hành động vì Môi trường - tổ chức đã sử dụng tiền bản quyền cho các hoạt động nhân Ngày Trái đất. Đây là khởi đầu để tài trợ cho một chương trình nghị sự chính trị rõ ràng nhằm “lật đổ” các nhà lãnh đạo thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ông cũng cho phép Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Wave Hill sử dụng địa chỉ Bennington vào tháng 5 năm 1970 của mình như một phân hiệu của “Bộ Trái đất”, nơi sưu tập miễn phí các tác phẩm về môi trường tốt nhất hiện có, để sử dụng trong các trường học ở New York.

Cách chính mà Vonnegut phản ứng với các vấn đề môi trường cấp bách là qua viết lách. Trong những tháng sau bài phát biểu tại Bryant Park, ông đã sửa lại vở kịch Happy Birthday, Wanda June bên ngoài sân khấu Broadway để đưa vào nhiều thông điệp giáo dục hướng về môi trường. Ông cũng đưa vào những lời chỉ trích về văn hóa ô tô gây ô nhiễm trong các bản thảo vẫn đang thành hình của Breakfast of Champions (tạm dịch: Bữa sáng của những nhà vô địch). Ông cũng bàn đến vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm ở Great Lakes, các loài xâm lấn và các vấn đề dân số trong truyện ngắn cuối cùng, The Big Space Fuck của mình.

Trên thực tế, ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những dự đoán của Isaac Asimov(3) về sự nóng lên toàn cầu và trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ đến nỗi ông đã đột ngột cắt ngắn bài phát biểu tại Thư viện Quốc hội vào ngày 1 tháng 2 năm 1971 và hủy bỏ mọi buổi diễn thuyết trong vòng sáu tháng sau đó. Vonnegut, người hay nói đùa về hầu hết mọi thứ, đã khóc vào tối hôm đó theo lời kể của Don Farber - người bạn lâu năm và cũng là người đại diện văn học của ông. Theo Don, Vonnegut đã gặp rắc rối vì sự kiện này trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Vào thời điểm Vonnegut hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông vẫn lo lắng về khả năng có một hành tinh “đang chết dần đi”, nhưng ông cũng đã nghĩ ra những từ nhẹ nhàng hơn để mô tả các vị “Thánh nhặt rác” ở Đại lộ số Năm. Như trong cuốn Timequake, ông định nghĩa Thánh “là người cư xử đàng hoàng trong một xã hội không đứng đắn.” Thật trùng hợp là hơn 37 năm sau kể từ ngày ông mô tả phong trào bảo vệ môi trường một cách bi quan, thì lễ tưởng niệm 100 năm sinh của Kurt Vonnegut cũng được tổ chức ở đó, với bộ ba nhạc jazz kèn đồng do nghệ sĩ Tatum Greenblatt dẫn đầu. Bộ ba đã chơi các bản Back Home in Indiana và các bản làm mới theo phong cách New Orleans của bài Thánh ca Amazing GraceFly Away. Nhưng tiếc rằng họ không chơi When the Saints Come Marching In như lời tri ân gửi đến Vonnegut.

NGÔ THUẬN PHÁT Dịch từ LitHub

---------------------------

 

1. Bài hát ca ngợi những điều tốt đẹp.

2. Thuốc trừ sâu có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người.

3. Một trong những nhà văn viết thể loại khoa học – viễn tưởng quan trọng và nổi bật nhất của văn chương đương đại.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)