Dòng chảy  Văn nghệ

Câu chuyện sơn mài: Đối thoại “cửa võng”

Thứ Bảy, 22/06/2019 21:04

Vào lúc 18h thứ Bảy, ngày 22/6/2019, tại Cuci Art Studio (25 Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra khai mạc triển lãm mĩ thuật CÂU CHUYỆN SƠN MÀI: ĐỐI THOẠI “CỬA VÕNG”.

Đây là triển lãm đầu tiên quy tụ các nghệ sĩ sơn mài và các nghệ sĩ đương đại đa phương tiện sử dụng chất liệu sơn mài, gồm: Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Đoan Ninh, Nguyễn Tuấn Cường, Chu Viết Cường, Vũ Trung, Công Quốc Thắng và Phạm Hoài Anh. Bằng chất liệu sơn mài truyền thống và câu chuyện sáng tạo của mỗi cá nhân, các nghệ sĩ nỗ lực đối thoại với “cửa võng”, phá bỏ những giới hạn của chất liệu và/để xiển dương ngôn ngữ tạo hình, qua đó tôn vinh vẻ đẹp và giá trị lịch sử cũng như kiến tạo đường đi mới của nghệ thuật sơn mài.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật

Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, cửa võng là một cách bài trí nội thất đặc biệt ở những không gian thờ tự linh thiêng. Cửa võng vốn là một khung cửa giả, chia ba phần, hai phần bên phải và trái được gắn liền vào đôi cột cái, sát với đôi câu đối, phần trên được gắn ngay bên dưới bức hoành phi. Khung cửa này được hiểu như là chỉ dấu ngăn cách giữa toàn bộ khu vực thờ phụng linh thiêng với phần đời thế tục, nơi con người dừng lại để chiêm bái và bày tỏ lòng thành kính, dâng lời nguyện cầu, ước vọng gửi tới đấng anh linh. Cùng với án thờ đồ thờ, các linh khí linh vật, hoành phi câu đối, cửa võng tạo thành một chỉnh thể nội thất nơi không gian linh thiêng của một gia đình (nhà thờ của trưởng nam), của một dòng họ (nhà thờ họ), hay của một làng quê (đình làng). Trong không gian thờ tự, cửa võng vừa như là ngăn cách vừa như là mở thông giữa hai thế giới thế tục và tâm linh, chính vì vậy mà các nghệ nhân dân gian dồn trút rất nhiều tâm huyết vào mọi khâu hoàn thiện, từ xây dựng ý tưởng nội dung tới kĩ thuật chạm trổ và đặc biệt là kĩ/nghệ thuật sơn son thếp vàng.Khởi hứng từ ý nghĩa đặc biệt của cửa võng - cách cửa kết nối tâm linh, cánh cửa kết nối quá khứ và hiện tại, cánh cửa tiếp nối văn hoá, cánh cửa kết nối tâm hồn nghệ nhân và nghệ sĩ - triển lãm CÂU CHUYỆN SƠN MÀI: ĐỐI THOẠI “CỬA VÕNG” trình xuất những đối thoại với cửa võng theo cách riêng của từng nghệ sĩ, từ đó các nghệ sĩ và công chúng yêu mĩ thuật có thể kết nối và bước qua cánh cửa ấy, tiếp nối và chạm tới những giá trị đích thực của hội hoạ sơn mài.

Tại triển lãm, khách tham quan được chứng kiến và cảm nhận sự đa dạng trong phong cách của các nghệ sĩ tham gia. Có người chỉ chuyên chú với sơn mài và những câu chuyện trong sáng tác của họ thường được gợi cảm hứng từ truyền thống và lịch sử dân tộc; những lộng lẫy vàng son, những oai hùng một thuở được hòa quyện nhờ vào kĩ thuật nghề nghiệp điêu luyện và nghiêm cẩn. Có nghệ sĩ lại coi sơn mài như một biểu trưng truyền thống và nỗ lực kết nối nó với những câu chuyện đương đại, “giải cấu trúc” sáng tác hội họa truyền thống, mở rộng nhiều chiều không gian trưng bày và tiếp cận tác phẩm cho người xem. Có người lại xem sơn mài không chỉ là một chất liệu, mà còn là một người bạn đồng hành, thông hiểu, cùng đối thoại, chiêm nghiệm về những giá trị bất biến và thiên biến của cuộc đời...

Hoạ sĩ Nguyễn Đoan Ninh và tác phẩm Ú ớ, sơn điều, sơn ta trên gỗ, 65 x 120 cm (bức giữa), 115 x 25 cm (hai bức hai bên). Trên khung nền của một cuốn thư và đôi câu đối - kiểu sản xuất theo mẫu có sẵn - là những dòng chữ tượng hình nhưng được viết sai nét, sắp xếp sai vị trí, là sự tạp nham nhất định của chất liệu sơn mài được sử dụng riêng cho bức hoạ này - bức hoạ về những gương mặt "mờ nhân ảnh". Hoạ sĩ chia sẻ, đây là cách bản thân trình ra sự hoài nghi về những giá trị mĩ thuật trong bối cảnh Việt Nam hiện tại và cái nhìn giễu nhại về thời đại văn minh vật chất làm lu mờ những giá trị văn hoá tinh thần.
Hoạ sĩ Công Quốc Thắng (trái) bên tác phẩm Không gian dịch chuyển, sơn mài, 60 x 120 cm. Tác phẩm trình xuất sự suy tưởng về sự dịch chuyển trong không gian và của không gian, mở ra một hướng cảm nhận tự do cho người xem. Không khuôn định hay dựa vào một câu chuyện cụ thể, hoạ sĩ chuyên chú vào việc "hoạ" lại một khoảnh khắc tâm trí mình, sự liên tưởng của mình về những vận động giữa cuộc đời này, từ đây người xem được dịp đối diện với màu, với sự chuyển động của các sắc độ và không gian trên tranh, rồi cùng tưởng tượng...:

Triển lãm CÂU CHUYỆN SƠN MÀI: ĐỐI THOẠI “CỬA VÕNG” kéo dài đến ngày 31/7/2019, từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần. Trong thời gian triển lãm, các hoạt động bên lề như toạ đàm với nghệ sĩ hay art tour với curators sẽ là một phần quan trọng kết nghệ sĩ, nghệ thuật sơn mài và công chúng.

THÁI HOÀNG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)