Dòng chảy

Nhà sưu tập Thuý Anh mong Phố và Hoa sẽ xua tan ảm đạm

Thứ Sáu, 17/12/2021 11:25

 Với hầu hết những bức tranh được sưu tập trong dịp các hoạ sĩ đấu giá tranh giúp tuyến đầu chống dịch, tối 15/12/2021, nhà sưu tập Thuý Anh đã tổ chức triển lãm Xuân hồng với tác phẩm của các hoạ sĩ: Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Xuân Oanh, Hải Kiên, Nguyễn Thế Hùng, Trần Cường, Lê Anh Huy, Lâm Đức Mạnh.

38 bức tranh được chọn lựa từ bộ sưu tập đồ sộ của nhà sưu tập Thuý Anh có cùng chủ đề về phố và hoa. Qua triển làm này, nhà sưu tập Thuý Anh mong muốn đem đến những gam màu tích cực trong bối cảnh thời gian qua Covid-19 đã gây nên sự ảm đạm cho đời sống, xã hội.

Nhà sưu tập Thuý Anh (trái).

Nhà sưu tập Thuý Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống yêu nghệ thuật, qua triển lãm này tôi muốn gửi gắm đến mọi người tinh thần vui vẻ, ấm áp trong những bức tranh đó. Tôi muốn lan toả tinh thần tích cực trong thời dịch. Tôi muốn chọn những bức tranh diễn tả tình cảm, suy ngẫm của các hoạ sĩ trong thời dịch. Trong lúc cách li dường như mọi người đều muốn mơ về con phố như trước đây, cuộc sống như trước đây, tên Phố hồng xuất phát từ đó. Tôi chọn nhiều bức vẽ hoa vì hoa cũng mang tinh thần của sự sống mãnh liệt, trăm hoa đua nở. Các hoạ sĩ của chúng ta đều mơ về những điều tốt đẹp trong những ngày đầy thử thách đó. Những bác sĩ, những người tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện được tặng những bức tranh như thế họ đã rất vui mặc dù trong lúc dịch bệnh rất căng thẳng, áp lực mà được thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật, tinh thần họ lạc quan hơn, từ đó họ cũng nỗ lực hơn.

Tác phẩm của học sĩ Phạm An Hải.

Có thể thấy nổi bật trong triển lãm Xuân hồng là các bức tranh đều có gam màu tươi sáng, ấm áp, rực rỡ. Hoạ sĩ Phạm An Hải mang đến không khí nao nức, chộn rộn non tơ mơn mởn của mùa xuân cùng với sắc màu của nắng ngập tràn trong không gian. Hoạ sĩ Lê Anh Huy mang đến một cảm quan riêng, góc nhìn riêng về phố trong những khoảnh khắc không đoán định được của mùa, nhưng ở đó người xem sẽ thấy được sự bình thản, phẳng lặng trong tâm hồn. Hoạ sĩ Đào Hải Phong đem đến ước mơ về một nơi chốn yên bình cho mỗi người từ những ngôi nhà giản dị nhưng bừng lên sự yên ấm, sum vầy. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng mang đến giấc mơ hoa và hướng đến sự vĩnh cửu bằng những hạt mầm tiếp nối sinh sôi. Hoạ sĩ Trần Cường làm nên một phố hồng thực sự trong những sắc hồng vừa lãng mạn vừa lắng đọng trong ý nghĩ về những điều tươi sáng và đẹp đẽ. Hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn phiêu trong sắc hồng đầy viên mãn của hoa với nét vẽ điêu luyện, hoà sắc tinh tế. Hoạ sĩ Mai Xuân Oanh đem đến sự dịu dàng của thiên nhiên sự đắm say của lòng người trên lụa với sự mơ mộng nhẹ nhàng…

Tác phẩm của hoạ sĩ Trần Cường.

Tham dự buổi triển lãm tranh, hoạ sĩ Đào Hải Phong chia sẻ: “Những bức tranh của tôi ở đây được vẽ cho một cuộc làm từ thiện. Mỗi tác phẩm mang đặc thù phong cách của tôi, kích cỡ có nhỏ hơn để phù hợp tiêu chí của triển lãm từ thiện. Tôi đã vẽ những gì để chúng ta cảm thấy ngôi nhà là nơi để chúng ta đi về, ai cũng cần có một ngôi nhà, một chốn quê ấm áp để nương náu sau những bất an của cuộc sống.

Một cách làm mới

Thông thường ở Việt Nam những triển lãm tranh thường do hoạ sĩ, nhóm hoạ sĩ hay một đơn vị nghệ thuật đứng ra tổ chức, ít khi có một nhà sưu tập đứng ra tổ chức triển lãm. Trong khi ở nước ngoài thì việc nhà sưu tập làm triển lãm là khá thường xuyên. Đây là lần đầu tiên có một triển lãm do một nhà sưu tập Việt Nam tổ chức.

Nhà sưu tập Thúy Anh từng tham gia nhiều chương trình, dự án thiện nguyện, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Chị là cái tên quen thuộc trong các buổi đấu giá tranh gây quỹ ủng hộ cho lực lượng y tế, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Chị đã tham gia vào dự án tặng tranh tới hơn 10 bệnh viện tại Hà Nội, trong đó có những bệnh viện được tặng hàng trăm bức tranh. Bên cạnh những việc làm ý nghĩa ấy, nhà sưu tập Thuý Anh luôn mong muốn cái thiện, cái đẹp sẽ đến với tất cả mọi người, đó cũng là một trong những lí do để chị tổ chức triển lãm này.

 

Tác phẩm của hoạ sĩ Đào Hải Phong.

Tham gia triển lãm Xuân hồng như một cách để ủng hộ cho cách làm này, hoạ sĩ Đào Hải Phong nhận định: “Triển lãm không chỉ cho thấy gu thẩm mĩ cá nhân của nhà sưu tập mà còn nói giúp người nghệ sĩ về tác phẩm của chính hoạ sĩ mà họ không thể nói về chính mình. Nhà sưu tập dùng những tác phẩm họ sưu tập để nói lên cái thẩm mĩ cá nhân của họ; giới thiệu những nghệ sĩ mà họ yêu mến để lan toả thêm tình yêu nghệ thuật ấy đến người khác. Trong bối cảnh dịch bệnh mà có người làm như thế này là rất đáng trân trọng, vừa có văn hoá, lan toả tình thần văn hoá nghệ thuật trong xã hội".

Đối với nghệ thuật, hình thức triển lãm này rất cần cho nghệ sĩ. Bộ sưu tập là cái nhìn thẩm mĩ chủ quan của nhà sưu tập nhưng lại là cái nhìn khách quan đối với tác phẩm của hoạ sĩ. Điều này vô hình chung sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của hoạ sĩ cũng như thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của hội hoạ đương đại. Việt Nam cần khuyến khích hình thức này để thị trường mĩ thuật phát triển, tinh thần nghệ thuật cũng được lan toả hơn.

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)