Dòng chảy

Toạ đàm định vị thơ ca trong đời sống hôm nay

Chủ Nhật, 05/02/2023 18:28

 Toạ đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” là hoạt động mở màn cho Ngày thơ Việt Nam 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là dịp để những người làm thơ, yêu thơ, nghiên cứu về thơ cùng nhìn nhận, trao đổi về thực trạng và hướng đi của thơ Việt Nam đương đại. Buổi toạ đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn cũng như công chúng yêu thơ.

Bài liên quan:

Để thơ ca thực sự được tôn vinh

Nhịp điệu mới của Ngày Thơ Việt Nam 2023

Mở đầu buổi toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có những lời đề dẫn đầy tâm huyết, gợi mở: “Chúng ta sẽ cùng bàn về ngọn nguồn, diện mạo, hình dáng, hướng đi của thơ ca. Thơ là gì và thơ có giá trị gì với con người là hai câu hỏi song sinh, thậm chí là cộng sinh vì chúng khuếch tán và bổ trợ cho nhau. Hai câu hỏi này có từ khi câu thơ đầu tiên của loài người lờ mờ xuất hiện và vang lên suốt trong hành trình tìm kiếm, khám phá đầy đam mê, quyết liệt của lịch sử thơ ca. Tôi nghĩ hai câu hỏi này còn tiếp tục vang lên ngay cả khi nhà thơ cuối cùng của thế gian biến mất. Thơ là một sinh thể, nó cũng bí ẩn như con người. Vì thế tìm một định nghĩa hoặc một câu trả lời dứt khoát về thơ trong một lần là không khả thi. Bởi tất cả mọi câu hỏi đưa ra kèm theo câu trả lời thì câu trả lời sẽ khiến câu hỏi phát sinh thêm. Xét cho cùng, mỗi bài thơ là một tiểu định nghĩa về thơ và chức phận của thơ. Mỗi nhà thơ với toàn bộ sự nghiệp của mình bao gồm phong cách, bút pháp, hệ thẩm mĩ, quan điểm, tư tưởng được coi là một trung định nghĩa về thơ. Và mỗi giai đoạn thơ ca, mỗi thời đại thơ ca có thể coi như là một đại định nghĩa về thơ. Nhưng mà dù là tiểu định nghĩa, đại định nghĩa hay trung định nghĩa thì chỉ đúng ở mức tương đối thôi. Bởi vì chúng đúng ở từng bối cảnh, từng giai đoạn cụ thể, chứ không phải là sự xác quyết một lần cho tất cả mọi vấn đề của thơ ca. Vì thế, câu hỏi thơ là gì và thơ có giá trị gì đối với đời sống của con người vẫn tiếp tục vang lên từng giờ, từng ngày với từng nhà thơ, từng người yêu thơ”.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chủ trì toạ đàm "Thơ hiện nay với hôm nay".

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cũng hướng buổi toạ đàm đến việc đưa ra câu trả lời cho hai câu hỏi kinh điển trên, nhưng ông cũng đặt ra vấn đề một cách giản dị và khiêm tốn hơn, đúng như tên của cuộc toạ đàm là “Thơ hiện nay với hôm nay”. Theo ông, ban tổ chức muốn đặt vấn đề, khuôn hẹp lại ở thời gian và không gian nhưng không khuôn hẹp về vấn đề để những người làm thơ, yêu thơ và nghiên cứu thơ cùng nhau bàn luận xem, hình dáng, diện mạo, sức vóc của thơ hôm nay ra sao, thơ ngày hôm nay đang ở đâu và có giá trị gì đối với đời sống, thời đại hết sức phong phú nhưng cũng phức tạp như bây giờ. Ông nhấn mạnh: “Bản thân tôi nghĩ, thơ để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Một thế giới đẹp, lộng lẫy, nhưng cũng chông gai suồng sã không kém; một thế giới mà tình thân ái và tính hướng thiện đánh nhịp cho sự phát triển của xã hội nhưng sự cạnh tranh và bản năng hoang dã cũng chưa mất đi, thậm chí còn phát sinh, còn gia tăng; một thế giới mà sự sống được tôn sùng nâng niu nhưng súng đạn vẫn được sản xuất và đâu đó trên thế giới máu của đồng loại ta vẫn sộc lên. Thơ tồn tại ở trong tình thế như thế, rất dũng cảm. Thơ không phải là một công cụ, nó có tính độc lập riêng, không phải là công cụ cho bất cứ một phe phái một chủ nghĩa nào cả. Có điều, thơ nghiêng về phía ánh sáng của cái thiện, nó ủng hộ sự sống, sự tồn tại của con người. Thơ góp phần vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta”.

Buổi toạ đàm đã diễn ra hết sức sôi nổi, tích cực. Các tham luận tập trung vào hai vấn đề lớn là thơ hiện nay đang như thế nàothơ hiện nay nên như thế nào để từ đó liên hệ, trả lời cho những câu hỏi sâu xa về thơ.

Thơ hiện nay đang như thế nào?

Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những bày tỏ riêng về thơ hôm nay: Công bằng mà nói thì thơ ca những năm trở lại đây đã có một đời sống mới. Bằng chứng là nó đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, phong cách sáng tác. Thơ hiện nay mang hơi thở mới, mĩ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng cách thể hiện cũ, mới, quen, lạ… Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Có lẽ không một nhà thơ nào lại không viết, hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người đang hiện diện trong đời sống hôm nay. Đó là thành tựu và cũng là lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, nhà thơ Trần Anh Thái cũng đặt ra những mối băn khoăn: Đội ngũ làm thơ hiện nay rất đông, thơ có mặt mọi nơi và bất chấp hay dở, vẫn được in tràn lan. Không ít người cho rằng thơ hiện nay đang hỗn loạn, các giá trị bị đánh tráo, những giá trị đích thực bị khuất lấp… Nhà thơ trăn trở, hiện nay, thơ non yếu đang chiếm lĩnh, nhưng suy cho cùng điều đó cũng không hại gì. Cái ông lo lắng là, người đọc không đọc thơ, lạnh nhạt với thơ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra "nghịch lí" của thơ hôm nay.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thì gọi đó là một nghịch lí của thơ hôm nay. Ông cho rằng, việc người làm thơ đông và in thơ nhiều không ảnh hưởng đến thành tựu thơ nhưng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của độc giả. Thơ in tăng nhưng đọc thơ ít đi. Chúng ta chưa có chỉ dẫn cho người đọc nên giá trị của thơ còn bị trộn lẫn. Giới biên tập và phê bình cần định hướng cho bạn đọc bằng việc biên tập, xuất bản và nhìn nhận kĩ lưỡng. Các nhà thơ thì cần tỉnh táo trong việc nhìn nhận chính tác phẩm của mình, không bị cuốn theo phong trào.

Nhà văn Nguyễn Hiếu đặt ra câu hỏi, tại sao trước đây thơ luôn luôn hấp dẫn bạn đọc còn thơ bây giờ bị chối bỏ? Nhà văn cho rằng, thơ hiện nay bị quay lưng do suy sụp văn hoá đọc, thơ không cạnh tranh được với các phương tiện giải trí truyền thông hiện đại. Thứ hai là do thơ giai đoạn này đa phần là những cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ kĩ, không gắn bó gì đến những suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường, trong thời buổi xã hội có nhiều biến động. Một vài nhà thơ đã tìm đến những đề tài lớn như tình yêu Tổ quốc nhưng lại tạo ra các bài thơ với câu từ sáo rỗng gần giống như khẩu hiệu… Nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ, thơ hiện nay cần có cú hích từ cộng đồng xã hội, từ sự thay đổi cơ bản và thực sự trong thi pháp, và cả thái độ của các nhà thơ, nhà quản lí hay trông chờ vào lớp nhà thơ mới trong đó có những nhà thơ thực sự có tài năng.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khẳng định, thơ đại chúng chính là chủ thể của thơ Việt Nam hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có cái nhìn khá bao quát về thơ hôm nay. Ông nhìn nhận thơ ở góc độ tác phẩm, bạn đọc và nhà thơ. Qua nhà thơ sẽ thấy thơ của họ là gì. Qua tác phẩm để thấy chất lượng thơ. Qua bạn đọc sẽ thấy thơ nào đang được đón đợi và tôn vinh. Nhà thơ cho rằng, nhìn tổng thể thì thơ hôm nay cơ bản vẫn là sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của truyền thống thơ đã được định hình mấy chục năm qua. Đó là thơ đại chúng, vừa có tính tuyên truyền, vừa có tính dân dã. Bên cạnh đó, có một số tác giả có ý thức tìm tòi, khám phá tách ra khỏi xu hướng này nhưng hầu như chưa tạo được đột phá và cơ bản không được thừa nhận.

Thơ hiện nay nên như thế nào?

Trong buổi toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương đưa ra góc nhìn riêng về thơ: Thế giới vẫn đẹp, biển vẫn xanh, sông vẫn trong và con người vẫn kì ảo, tuyệt vời. Nhưng chúng ta thấy thế giới quanh chúng ta không đẹp, không long lanh nữa vì sự ích kỉ và tính thực dụng đã phủ lớp màng lên nhãn quan của mỗi chúng ta. Thơ ca có giúp cho con người xé rách cái màng ấy ra để nhìn lại thế giới long lanh như nó vốn có và đang có hay không, đó là một vấn đề. Thơ ca có giúp con người chống chọi lại thiên tai địch hoạ hay không, đó cũng là vấn đề. Buổi toạ đàm hôm nay còn có một nghĩa nữa là chúng ta nói về tính nhận thức của thơ. Văn học nghệ thuật là diện mạo tâm hồn của dân tộc và thơ ca là cái lõi của vấn đề. Xã hội chuyển biến thì tâm hồn của con người cũng chuyển biến, tâm hồn con người chuyển biến thì thơ ca cuốn theo. Thời đại sang trang thì thơ ca cũng sang trang. Vậy, thơ hôm nay nên như thế nào để bắt kịp những thay đổi, chuyển biến đó?

Buổi toạ đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn cũng như công chúng yêu thơ. Ảnh: Toán Phan

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, điều ông quan tâm nhất trong sáng tạo thi ca chính là phẩm chất thơ luôn phải hướng tới đời sống nhân sinh hôm nay, hướng tới những vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc, sống còn của con người hiện đại, và hướng tới tình yêu quê hương đất nước trong cội nguồn dân tộc Việt. Với ông, đấy chính là phẩm chất của ngôn ngữ thơ hôm nay, là điều cốt yếu của thơ đích thực, là thứ thơ phải tạo nên được một trường thẩm mĩ mới về mặt mĩ học văn học với các vẻ đẹp mang chiều sâu của cảm xúc, ngôn từ, hình ảnh, thanh âm, ngữ điệu, hình tượng và tư tưởng của con người hôm nay.

Có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, để làm cho những con-chữ-thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn. Và phải chăng, đây cũng là một hướng cách tân của thơ đương đại, khi một số nhà thơ đang xem trọng sự đổi mới về “chất lượng suy tưởng” của nội dung thơ hơn là sự đổi mới về mặt hình thức nghệ thuật câu chữ trong thơ.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật nói về thơ một cách rất hình tượng: Tôi hình dung thơ ca hiện thời đang chảy giữa hai bờ ước lệ, một bên bờ được dựng lên từ những ngôi nhà ngôn ngữ lấp lánh giai âm hiện đại còn bờ kia là êm ả điệu hồn truyền thống. Giữa hai bên bờ ấy là dòng chảy không ngừng của hiện thực đời sống với những lớp lang, giai tầng mà bất cứ một người viết nào cũng có thể chạm tới. Nhưng, nếu đó chỉ là cú chạm vào đời sống thì chắc chắn chưa đủ. Đời sống cần thi ca cất lên giai điệu của mình để lấp đầy những khoảng trống, để xoá đi những ngăn cách, để khơi lên một dòng chảy không ngừng hoặc ít nhất là làm mới lại những gì đã cũ. Ở chiều ngược lại, thi ca cần đời sống để tồn tại, để lưu dấu và để làm nên những giá trị cốt yếu vì con người.

Buổi toạ đàm thu hút rất nhiều ý kiến trao đổi, bàn luận xung quanh câu chuyện thơ hiện nay nên như thế nào cũng như những vấn đề có liên quan trực tiếp đến giá trị của thơ.

Nữ nhà thơ Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ quan điểm riêng, chị hoan nghênh việc xuất hiện những câu lạc bộ thơ, tuy nhiên chị cũng mong muốn những cơ quan chức năng nên nghiêm túc trong việc cấp phép cho các câu lạc bộ thơ, các giải thưởng thơ, để những giá trị của thơ không bị lẫn lộn. Ví dụ như không được tuỳ tiện dùng chữ “Việt Nam” cho các câu lạc bộ. Và các nhà thơ, các tác giả nếu chưa cống hiến được cho sự phát triển của thơ thì cũng cần bảo vệ cho giá trị của thơ.

Giá trị của thơ vốn không thay đổi, nhưng cách nhìn nhận và tiếp nhận giá trị đó sẽ khác nhau đối với mỗi đối tượng.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh, phẩm chất của thơ hôm nay là phải luôn hướng đến nhân sinh.

Ở một góc nhìn đa diện, phổ quát, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đưa ra bốn yếu tố cơ bản nhất mà theo anh đã dẫn đến việc thơ trở nên vô ích. Một là, thơ Việt nam đang bị suy tư tưởng, không có những mối bận tâm lớn mà chỉ loanh quanh với bản thân mình. Hai là, thơ bị suy về văn hoá, văn hoá thơ đang bị suy thoái, chúng ta đã xem thường thơ một cách mặc nhiên. Ba là, sự suy thoái về giá trị phổ quát, chúng ta không chạm tới nhau mà tự đóng kín thế giới của mỗi người lại, nên không thấy được nhịp điệu tâm hồn mình trong tâm hồn người khác. Bốn là, thơ ca đang bị giá trị đại chúng giết chết, chúng ta chạy theo sự dễ dãi, dễ đọc, dễ đăng, chiều chuộng ve vuốt nhau mà không có được sự trăn trở, kiếm tìm đích thực của sáng tạo.

Vậy thì thơ ca bây giờ đang ở đâu, và nên bước tiếp như thế nào? Buổi toạ đàm không thể giúp chúng ta hoàn tất câu trả lời nhưng đã mở ra cho mỗi người những góc nhìn mới. Thơ đang mở rộng địa giới của mình hay đang bị thu hẹp lại; thơ đang đại chúng, đang quần chúng hoá, câu lạc bộ hoá hay đang khu biệt hoá, đang thần bí hoá; hay là cả hai xu hướng đều đang phát triển? Và điều ấy thì tốt hay không tốt? Đó là những vấn đề được đặt ra để chúng ta cùng nhau đàm luận và mỗi người sẽ có cho mình một câu trả lời riêng. Khi rốt ráo với những câu trả lời là khi chúng ta đang góp phần vào sự phát triển âm thầm của thơ.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)