Dòng chảy

Lần đi thăm tết cuối cùng của Bác Hồ

Thứ Bảy, 21/01/2023 00:11

. TRÌNH QUANG PHÚ
 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có tám người con. Hai người con trai lớn thoát li lên R tham gia chống Mĩ, ba người tuổi niên thiếu là Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Thị Dung năm 1964 được đưa ra miền Bắc học tập, hàng năm đều được Bác thương yêu, quan tâm. Gần như tết và hè Bác đều cho gọi các cháu về đón tết, xem phim, xem văn công hoặc ăn cơm với Bác. Có lần, họ về thăm Bác với các anh hùng dũng sĩ miền Nam hoặc các bạn thiếu nhi miền Nam có thành tích tham gia chống Mĩ.

Năm 1969 sau khi Bác Hồ mất, có dịp gặp, chị Nguyễn Thị Lộc đã kể cho tôi nghe về những lần được về thăm Bác. Chị nói: “Em nghĩ rằng tình cảm Bác dành cho tụi em, chính là Bác thương quý ba em - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đúng hơn, là tình cảm to lớn của Bác dành cho miền Nam.” Những điều ghi được từ Lộc cùng với tư liệu có được giúp tôi viết bài Lần đi thăm tết cuối cùng của Bác Hồ này.

Gần sát Tết Kỷ Dậu 1969, có xe đón ba anh em - anh Nguyễn Hữu Lập, tôi (Nguyễn Thị Lộc), em Nguyễn Thị Dung - cùng Nữ anh hùng Tạ Thị Kiều về thăm Bác. Khi đó tôi đang bị sốt không đi ngay được. Mãi chiều 28 tết tôi mới khoẻ và về đến Hà Nội. Ngày đó chú luật sư Phạm Ngọc Thuần(1) là người đỡ đầu cho anh em tôi. Nghỉ hè, nghỉ tết chúng tôi được chú thím đón về. Chiều 30 tết năm 1969, tôi được tin sáng mùng Một sẽ được đi thăm tết với Bác. Lúc ra miền Bắc tôi mới 14, năm 1969 tròn 18 tuổi. Đêm giao thừa chúng tôi cùng gia đình chú Thuần đón năm mới cổ truyền, nghe Bác chúc tết. Cả nhà mừng vui và tin tưởng miền Nam sớm được giải phóng để đón Bác vô thăm. Tôi thuộc mãi các câu thơ kết của Bác:

Tiến lên chiến sĩ, đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Sáng mùng Một, tôi dậy sớm chuẩn bị chỉnh tề. Xe đưa tôi vào Phủ Chủ tịch, đã thấy có mặt chú Phạm Kiệt(2) và bác Nguyễn Lương Bằng, sau này là Phó Chủ tịch nước. Mở đầu ngày mùng Một tết, Bác đi thăm Bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân. Xe đến nơi đã thấy các chú Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài cùng bộ đội chờ đón. Quân chủng đón Bác rất trang nghiêm và nồng nhiệt. Sau khi nghe các chú báo cáo và chúc tết Bác, đầu tiên Bác hỏi:

- Có cháu Cốc(3) ở đây không?

- Thưa Bác, cháu có mặt. - Anh Nguyễn Văn Cốc đứng dậy chào thưa Bác.

- Cháu có biết nhờ đâu cháu bắn rơi nhiều máy bay địch không?

- Thưa Bác, nhờ có đường lối của Đảng và chỉ đạo của Tổng Quân uỷ ạ.

- Cháu nói đúng, nhưng chưa đủ.

Bác ra dấu bảo anh Cốc ngồi xuống. Bác lại hỏi một phi công ngồi gần đó, anh phi công này nói:

- Thưa Bác, bổ sung ý đồng chí Cốc, cháu nghĩ do có sự rèn luyện và dũng cảm của người lính Bác Hồ ạ.

- Cháu nói cũng đúng, nhưng chưa đủ.

Quay sang mọi người Bác hỏi:

- Nếu gặp phải cơm ôi, thịt thiu không ăn được hoặc ăn mà đau bụng thì có sức để bắn trúng máy bay địch không?

Cả hội trường đáp lại: “Không ạ”. Bác nhìn bao quát như tìm ai đó và hỏi:

- Các cô nuôi quân có đây không?

Có hai chị đứng dậy: “Thưa có chúng cháu ạ”. Bác vẫy tay gọi hai người lên. Hai chị đứng bên Bác xúc động quá nước mắt giàn giụa. Thấy vậy, Bác khéo làm cho các chị bớt xúc động. Bác hỏi hai chị làm gì.

- Thưa Bác, chúng cháu là anh nuôi.

- Các cháu là con gái mà lại xưng anh?

Cả hội trường cười, Bác cũng cười vang thoải mái. Tiếp đó Bác dặn dò đơn vị nhớ chăm lo sức khoẻ các chiến sĩ, có sức khoẻ tốt, phi công mới chiến đấu thắng lợi được.

Khoảng 8 giờ 30 phút Bác ra xe đi Sơn Tây. Trên xe nói chuyện với bác Nguyễn Lương Bằng tôi mới biết, từ năm 1959, khi Bác phát động Tết trồng cây, nhân dân Sơn Tây và đặc biệt là xã Vật Lại hưởng ứng rất tốt, cây trồng dọc đường, ở bờ ruộng, trồng cây trên đồi. Đặc biệt, dân trồng một đồi cây và đặt tên “Đồi cây đón Bác”. Bác Nguyễn Lương Bằng nói: “Hôm nay Bác Hồ lên thăm và phát động tết trồng cây lần thứ mười”.

Xe đến đầu thị xã Sơn Tây thì có xe lãnh đạo địa phương ra đón. Bác dừng lại chào hỏi, chú Vũ Kỳ sang mời bác Nguyễn Lương Bằng và tôi qua ngồi cùng xe với Bác. Thật là một vinh dự bất ngờ, lòng tôi lâng lâng. Bác nhìn tôi và ân cần thăm hỏi: “Cháu có nhận được thư ba cháu không? Cháu đã thật khoẻ chưa? Tết đến cháu có nhớ nhà không?”… Tôi đã nhiều lần gặp Bác, nhưng lần này được Bác tỉ mỉ hỏi thăm lòng tôi xúc động quá, tôi nhìn Bác nghẹn ngào không nói được. Thấy vậy, Bác vỗ đầu tôi và nói: “Hôm nay Bác cháu mình cùng bác Nguyễn Lương Bằng ăn tết mùng Một với nhân dân Sơn Tây”.

Xe đến chân đồi Vật Lại, nhân dân tập trung rất đông chờ sẵn đứng thành hai hàng đón Bác. Bác đi bộ lên lưng đồi giữa những tràng vỗ tay liên tục của nhân dân. Bác vẫy chào và hỏi:

- Bác lên ăn tết, các cô các chú có phần bánh chưng cho Bác không?

- Thưa Bác có ạ - mọi người đáp.

- Có thật không? - Bác trìu mến nhìn mọi người và cười vui. Cả khu đồi rộn rã tiếng cười, không khí ấm cúng, vui vẻ bao trùm.

Đến chỗ có trải sẵn chiếu, đặt bàn nước và mấy chiếc ghế gỗ để mời Bác nghỉ chân, Bác lại cười:

- Lên tới đây mà phải ngồi chiếu, ngồi ghế à?

Nói vậy rồi Bác đi nhanh về phía thảm cỏ bằng phẳng gần đó và rất giản dị, Bác ngồi bệt xuống cỏ, dựa lưng vào một cây to, rất bình dân và thoải mái, Bác gọi mọi người ngồi quanh mình. Hình ảnh Bác ngồi dưới đất giữa vòng cung nhân dân thân thiện tôi thấy thiêng liêng làm sao, như truyện cổ tích ông tiên với mọi người. Trái đất này có lẽ hiếm vị lãnh tụ nào lại bình dị, gần gũi với dân như Bác. Bác cho mấy cháu thiếu nhi ngồi gần mình, không quên gọi tôi đến ngồi với các em thiếu nhi Sơn Tây. Bác giới thiệu tôi và từ tốn nói chuyện với nhân dân.

Khi các đồng chí lãnh đạo địa phương chúc tết Bác xong, Bác đứng dậy chúc tết mọi người rồi dặn dò: “Ngày nay ta sung sướng thì phải nhớ đến ngày xưa khổ cực. Có độc lập, có tự do thì mới có đất nước, có ruộng đồng, nhà máy. Đất nước, ruộng đồng bây giờ là của ta, cho nên bà con phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Bác phát động Tết trồng cây lần thứ mười và dặn: “Đã cố gắng trồng cây thì phải chăm sóc, bảo vệ để trồng cây nào sống cây đó”. Bác nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Hôm nay, tại đồi cây này, Bác dặn cán bộ phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải mở rộng dân chủ và chăm lo đời sống nhân dân, không được tham ô, lãng phí. Đảng ta trước đây chỉ có ít đồng chí, nhưng nhờ biết dựa vào dân, hết lòng vì dân, nên được nhân dân hết lòng ủng hộ, làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi. Bây giờ cán bộ đảng viên phải gương mẫu, Chi bộ Đảng phải đoàn kết nhất trí, được vậy thì nhân dân sẽ ủng hộ và việc lớn mấy cũng làm được”(4).

Sau đó Bác cùng bác Nguyễn Lương Bằng, chú Phạm Kiệt và các đồng chí lãnh đạo địa phương trồng cây. Tôi được phụ theo Bác. Quay sang phía cụ già đứng gần, Bác mời “Tôi và cụ cùng trồng cây”. Khi đến nơi thấy cây đa đã đặt dưới hố, Bác lại hỏi:

- Các cô các chú đã trồng rồi sao lại mời Bác trồng.

- Thưa Bác, cây lớn nên chúng cháu chỉ hạ xuống hố trước thôi ạ.

Bác cười vui vẻ. Bác cầm xẻng xúc đất rất mạnh, dáng vẻ khoẻ khoắn như một lão nông thực thụ, không có nét gì của một số quan chức trồng cây mà tôi vẫn thường thấy. Một cán bộ xã đưa tới hai bình nước, Bác chỉ tôi:

- Cháu Lộc tưới đi.

Bác cầm bình nước thứ hai và quay qua hỏi:

- Cây lớn mà ít nước thế này, có sống được không?

- Thưa Bác, chúng cháu sẽ tưới và chăm sóc cho cây tốt ạ.

- Ừ, phải nhớ chăm sóc cho tốt nhé, đừng để cây chết, chết là lãng phí tiền của nhân dân đấy.

Quay sang bác Nguyễn Lương Bằng và tôi, Bác nói:

- Miền Nam sau này phải trồng nhiều cây lắm, chiến tranh tàn phá ác liệt quá.

Trồng cây đa xong các đồng chí địa phương mời Bác nghỉ ăn trưa. Bác sửa lại:

- Ăn tết chứ. Các chú các cô cho Bác ăn món gì? - Rồi Bác cười: - Cám ơn các chú các cô, chú Kỳ sẽ nói vì sao Bác phải ăn những món ở nhà đã chuẩn bị. Bây giờ Bác mời bí thư, chủ tịch và cô phó chủ tịch cùng ăn tết với Bác, với đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Quay sang phía chúng tôi Bác chỉ định:

- Chú Kỳ, chú Cần ăn tết với địa phương, cháu Lộc ăn với Bác.

Dưới tán cây trên đồi Vật Lại, Bác cùng chúng tôi ăn tết mùng Một giản đơn nhưng rất vui vẻ, ấm cúng. Trời xuân, gió lạnh nhưng mọi người thấy ấm áp, sảng khoái bởi sự linh hoạt, gần gũi, vui vẻ và nhất là tình cảm nồng ấm của Bác. Ăn cùng Bác, nhìn Bác ăn, tôi hiểu rằng cơm phải mềm nhuyễn, thức ăn cũng vậy, vì thế Bác không ăn được các món địa phương nấu. Hôm ấy cũng có bánh chưng, dưa hành và cả súp nóng nữa.

Ăn xong, các anh mang hai giường xếp mời Bác và bác Nguyễn Lương Bằng ngả lưng. Bác nói: “Nghỉ một lúc là cần thiết, nhưng hai cái giường này các chú mời đồng chí Nguyễn Lương Bằng và con gái luật sư Nguyễn Hữu Thọ”. Quay sang chú Phạm Kiệt, Bác nói: “Ở miền Nam, anh em còn ngủ dưới hầm, chú theo Bác”. Rồi Bác bước sang gốc cây có thảm cỏ gần đó và thoải mái nằm trên cỏ. Các chú vội căng thêm dù che nắng để Bác nghỉ trưa. Sao Bác giản dị, bình dân đến như vậy. Sự giản dị, gần gũi của Bác làm cho mọi người càng kính trọng và trân quý. Lúc nào Bác cũng nhớ đến miền Nam, đến cháu con. Tôi ngồi nhìn Bác nằm trên thảm cỏ xanh mà nước mắt cứ trào ra, thương Bác quá!

Tôi đâu có ngờ rằng đây là lần cuối cùng Bác đi thăm bộ đội, thăm đồng bào, đâu ngờ rằng đây là lần thăm tết cuối cùng của Bác. Đâu có thể ngờ rằng cây đa trên đồi Vật Lại là cây đa cuối cùng do Bác trồng. Cây đa Bác trồng đã lên to tỏa cành sum suê, thảm cỏ trên đồi mượt mà xanh mướt, nhưng Bác đã mãi mãi đi xa. Hình ảnh Bác nằm ngủ trưa trên thảm cỏ xanh, ngồi bệt dưới cỏ dựa lưng vào gốc cây nói chuyện với cháu con cứ in mãi trong tôi. Bác đã đi xa nhiều năm tháng, nhưng tình cảm ấm nồng của Bác vẫn còn mãi với mọi người, với cháu con, với cả cỏ cây, sông núi. Sau này khi nghe tôi kể lại chuyến đi thăm tết cuối cùng của Bác, ba tôi, luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng vô cùng bồi hồi xúc động. Ba tôi nói: Tình của Bác với miền Nam không chỉ vô bờ mà rất còn chi tiết, rất cụ thể. Những cái cụ thể đó tạo nên cái tình bao la của một vị lãnh tụ.

T.Q.P

--------

1. Luật sư Phạm Ngọc Thuần, anh của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

2. Trung tướng Phạm Kiệt, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Công an nhân dân vũ trang (mất năm 1975), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Nguyễn Văn Cốc là phi công lái MiG-21 bắn rơi 9 máy bay địch. Tháng 6/1969 được phong Anh hùng. Về sau có hàm Trung tướng.

4. Theo Sự kiện và nhân chứng của báo Quân đội nhân dân.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)