Những “văn bản tâm hồn” cất lên từ đời sống

Thứ Ba, 10/01/2023 06:50

Sau gần hai năm tổ chức, cuộc thi thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021 - 2022 đã nhận được hơn 10 nghìn tác phẩm từ khắp mọi miền của Tổ quốc gửi về, trong đó có 830 bài thơ của hơn 200 lượt tác giả được giới thiệu tới đông đảo bạn đọc.

Nếu coi mỗi bài thơ là một văn bản của đời sống, ở đó ta sẽ gặp sự trải lòng chân thật nhất. Nếu coi mỗi bài thơ là một văn bản nghệ thuật thì “con đường của cái đẹp” luôn mở ra, bồi đắp và kiến tạo nên những giá trị tinh thần hữu dụng nhất cho con người, vì con người. Nói như thế để thấy rằng, khi những “văn bản tâm hồn” được cất lên, chúng ta hoàn toàn có quyền nghĩ về những điều tốt đẹp nhất mà văn bản ấy mang lại.

Có thể nói, suốt 43 số tạp chí đăng tải thơ dự thi, bạn đọc, bạn viết đã tìm thấy ở đó những trang văn bản đặc biệt. Cái đặc biệt ở đây được viết ra bởi một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp, khi cướp đi hàng triệu tính mạng người dân trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã gây nên những bất ổn về mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và tinh thần cho bất kì ai và cho bất kì quốc gia nào trên thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng đã có những tác động không hề nhỏ tới mỗi người dân trên cả nước trong đó có các văn nghệ sĩ. Có những văn nghệ sĩ do mắc phải Covid đã vĩnh viễn ra đi. Có những văn nghệ sĩ phải đóng cửa ngồi trong nhà suốt một thời gian dài vì dịch bệnh. Khó khăn về đời sống, khó khăn bởi công việc là một thực tế hiện hữu hằng ngày mà đi đâu ta cũng gặp.

Chính những hữu tồn của đời sống đó đã mở ra cung bậc mới cho cuộc thi thơ lần này. Người viết không chỉ viết để khám phá chính mình mà còn là tìm ra con đường ngắn nhất nối con người với con người, nối trái tim với trái tim, nối quá khứ, hiện tại và tương lai gần lại. Viết là để mở ra hi vọng về những điều tốt đẹp. Dù dịch bệnh có tác động ra sao, có ảnh hưởng như thế nào thì người viết vẫn biết cách mở lòng mình ra với con chữ mà đón nhận tất cả những lưu chuyển của đời sống, của tâm hồn. Và, khi dựng lại những cung bậc đang lưu chuyển ấy, ta sẽ gặp một đời sống bộn bề với những nhịp chuyển từ hoang mang, bất an đến tĩnh tại.

Không hoang mang sao được khi Sự bất an không còn chỗ che giấu/ choáng váng số ca F0 từ hàng chục lên hàng ngàn mỗi tối/ đâu là nơi ra đi hay chốn quay về? (Viết trong ngày giãn cách - Bùi Phan Thảo). Không hoang mang sao được khi Không có chuyến xe nào ngang qua/ để chở hoang mang về bến cuối/ chở nỗi nghi ngờ của em về những ngày bình thường sẽ không đến nữa (Ngày cách li thứ ba - Võ Mạnh Hảo). Sự thật về đời sống, về thân phận con người một lần nữa đã đi vào thơ ca với những ngổn ngang, bề bộn và đầy sức ám ảnh: Ám ảnh virut người/ ám ảnh virut bệnh/ ai đó xé không nổi sự thật (Covid - Thy Nguyên). Đối mặt với đại dịch Covid-19, con người buộc phải làm quen với Mùa thu “đặc biệt” này xin chỉ một lần/ những thành phố chia bản đồ xanh, cam, đỏ (Mùa thu xanh - Vi Thuỳ Linh) để tìm đến những giây phút tĩnh tại trong “trạng thái bị vây kín” (ngôn từ của Nguyệt Phạm), và lấp đầy nó bằng một “bình yên lạ lẫm” (ngôn từ của Hồng Thuỷ Tiên).

Khi người dân mọi miền coi “chống dịch như chống giặc”, khi những lực lượng tuyến đầu như bác sĩ, công an, bộ đội... đang ngày đêm căng mình cùng nhân dân chống dịch thì cùng lúc đó những bài thơ đã được cất lên, sẻ chia, ngợi ca vẻ đẹp của những con người gánh trên vai Tổ quốc: Giữa mùa đông năm nay/ nhìn những người lính biên phòng lại đêm ngày dựng chốt/ chống dịch như chống giặc/ mà nhớ sao Phơ-nôm-đăng-rếch/ có bạn tôi quên mình cho đất nước/ hành quân xuyên rừng để tới được ngày mai (Nhớ mùa đông Phơ-nôm-đăng-rếch - Nguyên Hà). Thơ lúc này không còn là tiếng nói hư vô của ngôn ngữ bản thể chất chứa những hoang mang, bế tắc mà là tiếng nói cất lên tự đáy lòng, ấm áp hơi thở tình người. Trục cảm xúc của thơ bật lên từ những rung động mạnh từ đời sống và đối tượng của thơ khi đó là hiện thực ở bên ngoài: Không phải là mơ nhưng tôi đã thấy/ cái chết trắng người đi trắng hình dung/ người lính trẻ mang hũ cốt tàn tro về đến tận nhà/ người ngậm ngùi chỉ biết nói lời cảm ơn rồi bật khóc/ lính trẻ im lặng cúi đầu trước bi thương/ dường như hơi thở tình người lấp lánh (Với trí tưởng tượng hình dung - Khaly Chàm). Thơ cất lên cả tiếng nói “ân nghĩa đồng bào”, lan toả sự sẻ chia đùm bọc để cùng nhau vượt qua những ngày gian khó: Bắt đầu từ tôi/ bắt đầu từ bạn/ những hạt gạo trắng trong đong đầy mong ngóng/ những hạt thảo thơm nảy mầm thiện nguyện/ nếu bạn khó khăn, cứ lấy một phần/ nếu bạn ổn, xin dành cho người khác (Nếu bạn ổn - Bùi Sỹ Hoa). Nói về những văn bản thơ trong hoàn cảnh đặc biệt này, còn phải kể đến sáng tác của các tác giả Lê Hào, Mai Tuyết, Bùi Việt Phương, Lê Vi Thuỷ, P.N Thường Đoan, Văn Triều, Phạm Vân Anh, Trần Ngọc Mỹ, Fan Tuấn Anh, Trương Thị Bách Mỵ...

Cũng trong cuộc thi thơ 2021 - 2022, đề tài quê hương đất nước và đề tài thế sự được các cây bút gửi tham dự nhiều nhất. Khi dịch bệnh làm cho mọi khoảng cách bỗng nhiên trở thành xa vời thì nỗi nhớ quê hương, bản quán trong mỗi con người gần lại hơn bao giờ hết. Khi dịch bệnh làm cho số phận con người trở nên mong manh, dễ vỡ thì sợi dây tâm hồn giữa con người với con người càng trở nên khăng khít. Thơ viết về quê hương không chỉ là niềm thương, nỗi nhớ mà cao hơn cả đó là tình yêu thấm đẫm tinh thần nhân văn ở từng tác giả. Nếu như chùm thơ Có một lần, Gửi người cuối sóng, Gặp sông Hồng nơi đất Mũi của Nguyễn Kiến Thọ mở ra cái nhìn khoáng đạt về đất và người thì chùm thơ Người sửa giày, Người gác hầm Babonneau, Người thợ may của Trần Lê Anh Tuấn lại “nêm” người đọc vào những ngôn ngữ, hình ảnh trực tả. Nếu như chùm thơ Gốm lưu lạc, Mắt hồ, Gió ăn trăng của Vân Phi đi sâu vào miền văn hóa cổ sử thì Tiếng mõ đêm, Bà ngoại của Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn là tiếng nói cận thân, cận lân, cận thị...

Có một mối dây liên kết khá chặt giữa thơ viết về quê hương đất nước với thơ thế sự, mối liên kết này còn nối sang cả thơ viết về dịch bệnh và người lính hôm nay. Mối dây này chủ yếu được tạo ra từ những biến cố của đời sống con người do dịch bệnh gây nên. Ở những chùm thơ Đoản khúc số 220, Đoản khúc số 154, Đoản khúc số 224 của Fan Tuấn Anh và Chữ chữ gọi mùa, Tên tôi hai chữ thanh không, Khúc bi ai từ rừng hoa độc của Trang Thanh cho thấy rõ chủ thể trữ tình với điểm nhìn cá thể “tôi” đang xoáy sâu vào nội tâm của mình, thám sát trong chính con người mình để nhìn nhận, suy ngẫm những vấn đề mang tính thế cuộc.

Đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và người lính hôm nay đã trở thành nguồn cảm hứng lớn đối với những tác giả tham gia cuộc thi thơ. Những sáng tác về đề tài này từ lâu không chỉ tạo ra bản sắc riêng, dấu ấn riêng cho tạp chí văn nghệ của người lính mà còn góp phần quan trọng cho dòng văn học chiến tranh cách mạng tiếp tục phát triển. Nhìn vào cuộc thi thơ 2021 - 2022, có thể thấy ngay ở đó một lực lượng viết hùng hậu với nhiều lứa tuổi. Có những tác giả từng là người lính, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Vũ Ngọc Thư, Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Vũ Điền, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Trọng Văn, Nguyên Hà…; có những tác giả sinh ra trong chiến tranh và phải chịu nhiều biến cố từ cuộc chiến như Võ Văn Luyến, Hồ Minh Tâm, Lê Thuý Bắc, Lê Nguyễn Yên Phong, Lê Thanh My, Nguyễn Giúp, Bùi Sỹ Hoa, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Quang Trạch, Trần Bạch Diệp, Nguyễn Kiến Thọ…; có những tác giả đã và đang gửi trọn đời mình với binh nghiệp như Cao Nguyên Quyền, Đoàn Phước Lộc, Phạm Vân Anh, Nguyễn Minh Cường…; và có những tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x như Bùi Việt Phương, Mai Diệp Văn, Phùng Thị Hương Ly, Nguyên Như, Hương Giang, Trương Công Tưởng, Nguyễn Đức Hậu… Những tác giả ấy, những văn bản thi ca ấy đã mở ra cho chúng ta thấy những biến cảm day dứt, ám ảnh về cuộc chiến. “Không ai bị lãng quên, không một cái gì bị lãng quên” trong đời sống này; ngay cả khi chiến tranh qua đi từ nhiều chục năm trước, quá khứ của cuộc chiến, nỗi đau chiến tranh vẫn luôn hiện diện. Một ngàn bài thơ không thể dựng lại được cuộc chiến tranh, một trăm bài thơ cũng không kể hết được đau thương, mất mát và những hệ luỵ của cuộc chiến tranh, một bài thơ càng không thể. Nhưng một câu thơ, một đoạn thơ hay một bài thơ viết về chiến tranh có thể xoa dịu đi vết thương, có thể làm cho chúng ta sống nhân văn, cao thượng và tốt đẹp. Nhắc đến chiến tranh không phải để khơi lại lòng hận thù mà để nhìn quá khứ, hiểu quá khứ và trân trọng hơn đối với những gì cha anh ta đã hi sinh xương máu vì nền tự do, độc lập của dân tộc.

Đọc những chùm thơ, bài thơ của những tác giả vừa kể ở trên, ta sẽ gặp một Vũ Ngọc Thư đang lưu kí cùng đồng đội trong trận đánh năm nào, với những lời thề còn vang lên nhức nhối: Đồng đội tôi thề sẽ chiến đấu đến cùng dẫu không còn cánh tay/ bom thù tiện đôi tay anh cụt/ đồng đội tôi thề bằng ngẩng cao đầu ưỡn ngực/ nhìn trời xanh đưa nôi (Lời thề); gặp một Nguyễn Vũ Điền đang lặng theo những bước chân đồng đội đã ra đi từ ngày đó chưa về: Tôi lặng nhìn dọc những hàng bia/ bạt ngàn nghĩa trang/ những ngôi mộ lặng câm/ bạn tôi đang nằm đó/ thằng Mộc, thằng Khanh, anh Sào, anh Độ.../ đồng đội tôi đây rồi/ mãi mãi tuổi đôi mươi (Đồng đội tôi từ ngày ấy chưa về); gặp một Nguyễn Thanh Hải sâu nặng day dứt về những vết thương chiến tranh còn hằn in trên mảnh đất quê mình: Má nói đó là hố bom/ rộng như năm 1968/ và sâu như hố mắt cậu tôi bị hư từ những ngày đạn lạc (Bên đìa bông súng); gặp một Trang Thanh trong tiếng lòng của người mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng, và những người lính đã hi sinh đang đi tìm mình: Nếu đi hết sông này ta có gặp/ người lính cầm trăng ngồi khóc thịt da mình…/ mẹ bảo: cứ đi hết sông này là ra tới biển/ nên khôn nguôi những cuộc kiếm tìm/ mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng, anh đi tìm em…/ cả người khuất đi tìm người khuất/ linh hồn họ nhớ nhau/ neo dọc triền sông (Nếu đi hết sông này); gặp một Hồ Minh Tâm viết vào hoà bình bằng một câu chuyện lạ - chuyện người lính hi sinh “dìu mẹ đi thăm mộ mình”; gặp một Phùng Thị Hương Ly thinh lặng ở Thổ Sơn, nơi Anh hùng Phan Thị Ràng (chị Sứ) và biết bao đồng đội đã ngã xuống; gặp một Lê Thanh My đang đối thoại cùng chứng nhân lịch sử: Hoà bình rồi/ sao tôi còn thấy/ có người đi như mộng du/ mang tất cả khát khao ra trận/ những người ở lâu trong đất/ vẫn tư thế sẵn sàng/ tiến công (Bức tượng người lính thổi kèn ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc);…

Viết là tìm đến những cái mới, tạo ra những thông điệp mới, hoặc ít nhất là làm tươi lại những chuyện đã cũ… Đó chính là vấn đề được đặt ra đối với người viết, đặc biệt là người viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Chùm thơ Trên những hố bom, Thổ Sơn, Viết ở Tiểu đoàn 804 của Phùng Thị Hương Ly đã phần nào cho ta thấy được góc nhìn tươi, mới khi tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng và người lính ở người viết trẻ này. Thơ Phùng Thị Hương Ly không trực tiếp kể về cuộc chiến, không nói nhiều về sự mất mát hi sinh hay những đau thương mà chiến tranh để lại, nhưng câu chữ trong bài thơ, hình ảnh trong bài thơ lại đầy lên vẻ ám ảnh của cuộc chiến đã qua: Hàng dừa im lặng xanh nhớ những đứa con mình/ mùi hương không nói với tôi khu vườn bao nhiêu trái hạnh/ Người đàn bà nhìn xa xăm/ không nói với tôi sao lại quên chải tóc/ Cánh đồng không nói với tôi có bao nhiêu bông lúa/ nhả sương đêm vào ban mai/ bầy chim thơm thơm tiếng hót…/ Người con gái không nói điều gì trước quân thù bủa vây/ miên man dòng suối… (Thổ Sơn). Quá khứ và hiện tại là hai thực thể sống động nằm trong một mối tương giao nhiều ngẫm ngợi, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của người trẻ đối với quá khứ dân tộc.

Chùm thơ Dìu mẹ đi thăm mộ mình, Đêm vọng, Mẹ kể của Hồ Minh Tâm lại mở ra những câu chuyện về chiến tranh theo một hướng tiếp cận khác. Bằng mối tương thông giữa nhân vật kể với người mẹ, tác giả đã dẫn người đọc bước vào không gian của thời hậu chiến mà ở đó những mất, những còn hiện dần lên theo từng con chữ. Thơ Hồ Minh Tâm tạo dấu ấn với người đọc bằng tứ thơ lạ, ngôn ngữ có độ hàm súc cao. Nhân vật kể chuyện có lúc sắm vai là người trong cuộc chiến, có khi sắm vai của người đứng ngoài “đường biên” nên những cảm nhận về không gian, thời gian, về sự khốc liệt của cuộc chiến được nới rộng hơn, cũng vì thế mà sức tưởng tượng dành cho người đọc đã vượt ra ngoài chiều kích của tác phẩm.

Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay còn phải kể đến chùm thơ, bài thơ của các tác giả: Muối, Vệt rừng của Nguyễn Giúp; Bên đìa bông súng, Trên cánh đồng Á Rặt của Nguyễn Thanh Hải; Bức tượng người lính thổi kèn ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, Những bông hoa từ vách núi của Lê Thanh My; Nhớ biên cương, Gương mặt anh, Chị còn của Vũ Quang Trạch; Ngày chị đi của Bùi Sỹ Hoa; Vĩ tuyến, Viết ở Kỳ Cùng của Nguyễn Đức Hậu; Gặp sông Hồng nơi đất Mũi của Nguyễn Kiến Thọ;…

Chúng ta đang cầm trên tay tấm “căn cước của hòa bình”. Nhưng để có được tấm căn cước ấy, biết bao thế hệ đã phải hi sinh xương máu của mình cho đất nước. Và khi những văn bản thơ ca về chiến tranh, cách mạng và người lính còn vang lên trong đầu mỗi người, còn làm cho trái tim ta rung động, cũng đồng nghĩa với việc sự hi sinh của thế hệ cha anh đã góp phần tạo nên những giá trị quý giá nhất cho đời sống.

Mỗi tác phẩm gửi đến dự thi luôn được những người làm công tác biên tập đọc, chọn một cách kĩ lưỡng, cẩn trọng. Mỗi bài thơ được duyệt đăng đều bám sát nội dung chủ đề mà ban biên tập đề ra. Mỗi tác giả tham gia dự thi đều mang đến một tinh thần sáng tạo cao nhất có thể. Mỗi trại sáng tác đều giúp cho các tác giả trong và ngoài quân đội có thêm nguồn cảm xúc mới, khám phá thêm được những miền đất mới… Chính điều đó đã tạo nên diện mạo mới cho cuộc thi trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021 - 2022.

Một văn bản thơ chỉ được xác quyết khi nó có mặt trong đời sống và làm cho đời sống trở nên sống động hơn tất thảy những gì chúng ta đã chứng kiến, đã nhìn thấy. Đó chính là sự mới mẻ, tươi mới mà thơ ca mang lại. Và đó còn nằm ở sức sáng tạo không ngừng trong mỗi người viết để hoà mình vào dòng chảy của văn chương hiện thời. Thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung là một văn bản tâm hồn, chứa đựng, soi rọi tinh thần nhân văn cao đẹp mang giá trị nhân sinh của mọi thời đại. Nói như thế để thấy rằng, con đường của cái đẹp vẫn luôn tiếp diễn với những điều mới mẻ nhất, đáng chờ đợi và hi vọng nhất

BAN BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)