Dòng chảy

Cannes 2022 mời Tổng thống Ukraine phát biểu trong lễ khai mạc

Thứ Hai, 23/05/2022 09:59

Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 75 vừa quay trở lại sau hai năm biến động. Năm nay được kì vọng là một mùa liên hoan phim thành công với nhiều tác phẩm đa dạng và sáng tạo. Ngoài nghệ thuật, LHP cũng đang cất lên tiếng nói của mình về cuộc chiến Ukraine - Nga, và khẳng định vai trò không im lặng của điện ảnh.

DẤU ẤN UKRAINE

Một trong những bất ngờ lớn tại đêm khai mạc là sự xuất hiện của tổng thống Ukraine. Trong buổi phát sóng trực tuyến thông qua vệ tinh, ông đã khơi mở vai trò của các bộ môn nghệ thuật đối với sự thật. Tại đây, ông nói: “Điện ảnh sẽ giữ im lặng, hay lên tiếng? […] Nếu có một cuộc chiến tranh giành tự do, thì một lần nữa, tất cả sẽ phụ thuộc vào sự đoàn kết của chúng ta. Liệu điện ảnh có thể nằm ngoài sự thống nhất này? Chúng ta cần một Charlie Chaplin mới, người sẽ chứng minh trong thời đại chúng ta, điện ảnh không hề im lặng”.

Tổng thống Ukraine xuất hiện tại đêm khai mạc Cannes.

Theo đó trước khi LHP chính thức diễn ra, ban tổ chức đã quyết định sẽ không có đoàn đại biểu chính thức nào của Nga tham dự. Thay vào đó, các nhà làm phim độc lập không nhận tài trợ từ chính phủ Nga vẫn được tham dự. Điện ảnh Ukraine cũng tham gia góp mặt với nhiều tác phẩm nổi bật.

Cụm tác phẩm đến từ khu vực này bao gồm Tchaikovsky’s Wife của nhà làm phim người Nga Kirill Serebrennikov, phim tài liệu Mariupolis 2 của cố đạo diện người Litva Mantas Kvedaravicius, Butterfly Vision của đạo diễn trẻ người Ukraine Maksim Nakonechnyi và phim tài liệu The Natural History of Destruction dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Đức W.G.Sebald từ nhà làm phim nổi tiếng người Ukraine Sergei Loznitsa.

Cảnh trong phim Tchaikovsky’s Wife.

Với Tchaikovsky’s Wife, đây là lần thứ ba nhà làm phim Serebrennikov có mặt tại Cannes. Bị quản thúc tại Nga trong hai năm và đang sống ở Đức, bộ phim tiểu sử tranh giải Cành cọ vàng này kể lại một tình tiết trong cuộc đời của nhà soạn nhạc nổi tiếng Tchaikovsky, người bị coi là đồng tính và đã kết hôn với một cô gái trẻ yêu mình. Sự lựa chọn của ông đã dẫn đến một cuộc hôn nhân đầy biến động và khiến vị hôn phu trở nên điên loạn.

Trong khi đó, Mariupolis 2 cũng được trình chiếu chỉ vài tuần sau khi đạo diễn người Litva, Kvedaravicius, bị quân đội Nga sát hại ở gần Mariupol vào tháng 4 năm nay. Vị hôn thê của ông, Hanna Bilobrova, cũng có mặt tại hiện trường quay, đã đảm bảo cho bộ phim của Kvedaravicius được an toàn. Bản chiếu chính thức vẫn còn chưa hoàn thành bởi cái chết đột ngột và thời gian diễn ra gấp rút của LHP Cannes, thế nhưng các nhà tổ chức đã thông báo rằng việc giới thiệu Mariupolis 2 tại Cannes là vô cùng cần thiết.

Đạo diễn người Litva Mantas Kvedaravicius qua đời tại Ukraine khi làm phim tài liệu Mariupolis.

Bên lề giải Cành cọ vàng, Vision of a Butterfly của đạo diễn trẻ người Ukraine Maksym Nakonechnyi cũng đang tranh giải Un Certain Regard (tôn vinh những bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh khác biệt). Được hoàn thành trước cuộc đổ bộ vào Ukraine, bộ phim kể câu chuyện có phần khắc nghiệt của Lilia, người trở về nhà sau hơn 2 tháng bị giam cầm ở mặt trận tiền tuyến, và phát hiện ra mình mang thai do bị quản giáo cưỡng hiếp. Bộ phim lướt qua hành trình vượt khỏi nỗi đau tuyệt vọng để trở lại cuộc sống bình thường.

Phân cảnh trong phim Vision of a Butterfly.

Trái ngược với những động thái của Cannes, đạo diễn Loznitsa của phim tài liệu The Natural History of Destruction, cho rằng không nên phản ứng thái quá trước các tác động chính trị. Ông nói với tờ The New York Times vào tháng ba rằng: “Khi tôi nghe được những lời kêu gọi cấm chiếu phim Nga, tôi liền nghĩ đến những người bạn Nga của tôi - những người đàng hoàng và rất tử tế. Chúng ta không thể đánh giá mọi người mà chỉ thông qua hộ chiếu của họ. Họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến này, giống như chúng ta vậy”. Bộ phim tài liệu của ông kể về những trận không chiến trong Đệ nhị thế chiến - chủ đề quen thuộc của W.G. Sebald những năm sau này.

NHỮNG TÁC PHẨM NỔI BẬT

Năm nay, những tên tuổi được vinh danh bao gồm ngôi sao hành động Tom Cruise, nhà sản xuất Forest Steven Whitaker và nữ minh tinh Viola Davis. Trong đó, sau gần 3 thập kỉ cống hiến, Tom Cruise sẽ mang đến phần mới nhất của loạt phim Top Gun, nối tiếp phần đầu từ năm 1986. Trong khi đó, Whitaker được vinh danh cho những cống hiến trọn đời, còn Viola Davis nhận giải thưởng Women in Motion cho việc cất lên tiếng nói cho người da màu, cũng như cộng đồng thiểu số.

Ngoài những tên tuổi được vinh danh, mùa LHP năm nay cũng chờ đón những tác phẩm được trông chờ. Một trong số đó là bộ phim kinh dị Crimes of the Future đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài ba người Canada, David Cronenberg. Đặt trong bối cảnh hậu tận thế, bộ phim khắc họa về những biến đổi trong cơ thể con người khi môi trường sống thay đổi. Dàn diễn viên nổi tiếng tham gia bao gồm Viggo Mortensen, Kristen Stewart và Lea Seydoux. Trong đó Stewart được mong chờ sẽ có thêm cú bức phá, sau vai diễn tái hiện công nương Diana vô cùng thành công trong năm 2021.

Một bộ phim khác cũng được chờ đón là Armageddon Time của đạo diễn người Mĩ James Gray. Tuy đến nay vẫn chưa công bố nội dung cũng như dàn diễn viên tham gia chính thức, thế nhưng tin tức hậu trường khiến khán giả vô cùng thích thú, khi có sự tham gia của diễn viên gạo cội Anthony Hopkins - người nổi tiếng với loạt phim Hannibal cũng như chiến thắng Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2021 khi đã ngoài 80. Ngoài Anthony Hopkins, bộ phim cũng hứa hẹn có sự tham gia của Anne Hathaway và nữ diễn viên nổi tiếng Cate Blanchett. Với dàn cast toàn sao, đây hứa hẹn là một sự bùng nổ, kể về quá trình trưởng thành những năm 80 của những thanh niên Mĩ trẻ tuổi.

Ngoài sự trở lại của điện ảnh Hollywood, thì các tác phẩm châu Á cũng được dự đoán sẽ làm nên chuyện. Trước đó, giải thưởng cao nhất Cành cọ vàng trong 2 năm 2018, 2019 đã liên tiếp thuộc về Shoplifters của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda và Parasite của đạo diễn người Hàn Bong Joon Ho. Năm nay, Hirokazu Kore-eda tiếp tục mang đến Cannes bộ phim Brokers kể về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong những chiếc hộp đặt trước các bệnh viện phụ sản, nhà thờ… cũng như những nơi công cộng khác ở Seoul, Hàn Quốc.

Bộ phim Broker tranh giải Cành cọ vàng sẽ được chiếu tại Việt Nam vào tháng 6 năm nay.

Cũng như Hirokazu là người Nhật làm phim Hàn, đạo diễn của The Handmaiden, Park Chan-wook cũng quay trở lại với bộ phim hình sự - phá án Decision to leave - nói ngôn ngữ Trung với sự góp mặt của nữ diễn viên nổi tiếng Thang Duy. Cả hai đạo diễn gốc Á này đều là những tên tuổi đoạt được nhiều giải thưởng ở Cannes trước đó, và được kì vọng sẽ lặp lại lịch sử liên tiếp của điện ảnh châu Á, sau một loạt những Parasite, Minari và mới đây nhất là Drive my car.

Ngoài những bộ phim tranh cử Cành cọ vàng nói trên, Cannes năm nay cũng hân hạnh chiếu sớm những thước phim nổi bật. Một trong số đó là Elvis – bộ phim tiểu sử tái hiện cuộc đời ông hoàng nhạc Rock’n’Roll Elvis Presley. Vậy là sau Billie Holiday, Aretha Franklin… làng âm nhạc thế giới tiếp tục chào đón trở lại chân dung Elvis Presley. Ngoài ra, biểu tượng nhạc rock David Bowie cũng được khắc họa trong bộ phim tài liệu Moonage Daydream của đạo diễn Brett Morgen.

*

Như vậy có thể thấy rằng sau hai năm tạm thời gián đoạn vì dịch bệnh, LHP Cannes đã trở lại vô cùng đặc sắc và truyền đi một thông điệp hòa bình ý nghĩa. Dù còn nhiều thiếu sót trong việc đánh giá các cá nhân nào có thể gửi phim tham gia bởi các tình hình chiến sự, thế nhưng hành động của Cannes là cần thiết, cũng như đồng thời khẳng định điện ảnh sẽ không im lặng. LHP lần thứ 75 sẽ kéo dài đến ngày 28/5, trước khi công bố giải Cành cọ vàng danh giá.

Cùng với LHP Venice (Ý), LHP Sundance (Mĩ), LHP Berlin (Đức), LHP Toronto (Canada)… LHP Cannes (Pháp) là sự kiện được chờ đón thường niên, bởi các tác phẩm lần đầu được trình chiếu, vừa để cạnh tranh giải thưởng danh giá Cành cọ vàng, nhưng lớn hơn là tìm nhà đầu tư, cũng như tìm kiếm các thương vụ mua bán - chuyển nhượng điện ảnh.

NGÔ MINH dịch tổng hợp

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)