Dòng chảy

Bernard Schlink: Người ngoái lại quá khứ

Thứ Năm, 12/05/2022 14:19

 Bernhard Schlink được biết đến với tiểu thuyết Người đọc được xuất bản vào năm 1995. Đây là tác phẩm chất chứa đầy những tự sự phức tạp, sâu kín và nghiệt ngã của nội tâm mỗi con người trong quá khứ, gắn liền với lịch sử đầy góc tối của nước Đức. Năm 2006, cuốn tiểu thuyết danh tiếng ấy được dịch ở Việt Nam bởi dịch giả Lê Quang. Lê Quang cũng được biết đến là dịch giả của gần như toàn bộ những tác phẩm của Bernhard Schlink đã được xuất bản ở Việt Nam.

Mới đây, tập truyện ngắn 9 màu chia ly của Bernhard Schlink đã được Nhã Nam ấn hành. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, tối 11/5 tại Viện Goethe đã diễn ra buổi toạ đàm giới thiệu cuốn sách và giao lưu với dịch giả Lê Quang.

Nhiều bạn đọc yêu thích nhà văn Bernhard Schlink và dịch giả Lê Quang đã đến dự buổi ra mắt sách.

9 màu chia ly là tập truyện ngắn thứ ba liên tiếp của Bernhard Schlink, sau Những cuộc chạy trốn tình yêuMùa hè dối trá, được ông viết khi đã trải qua tuổi bảy mươi. Mỗi câu chuyện là một sắc màu chia ly: chia ly những người yêu, người thân, chia ly những đoạn đời, chia ly với hi vọng, kì vọng, những cuộc chia ly đôi khi làm ta đau đớn nhưng đôi khi như một bước để ta hòa giải với chính mình và dàn xếp lại cuộc đời.

Bernhard Schlink là nhà văn có văn phong chặt chẽ, logic, để dịch được tác phẩm của ông là một sự thách thức lớn. Dịch giả Lê Quang đã chia sẻ mối duyên mà anh yêu thích và mong muốn được dịch Bernhard Schlink: “Tôi yêu thích ngôn ngữ luật, nó khô khan nhưng chính xác. Bernhard Schlink là giáo sư trường luật nhưng viết văn. Trong tác phẩm của ông, sự chặt chẽ của luật gia đã ghìm chân sự bay bổng của văn chương, điều này đem đến sự pha trộn lí tưởng tuyệt vời. Nhà văn có nhiều năm làm thẩm phán nên ông nắm bắt mọi thứ rất tốt. Tôi sợ hãi cao độ trước tác giả trong sáng tác nên chọn cách dịch bám sát bản gốc từ dấu câu, trung thành với bản gốc, giữ được cấu trúc câu văn”.

Dịch giả Lê Quang dịch nhiều và đọc tất cả các tác phẩm của Bernhard Schlink. Anh dịch cả những bài giảng của ông khi ông đến giảng tại Đại học Luật ở Việt Nam. Có lẽ bởi sự thân thiết với nhà văn và những thấu hiểu mà mỗi bản dịch của Lê Quang đều được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá rất cao. Ấn bản tiếng Việt cuốn 9 màu chia ly đã trang trọng in lời cảm ơn vốn là chữ viết tay của Bernhard Schlink ngày 6/6/2021: “Thật tuyệt khi tôi cũng được đọc ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Lê Quang qua bản dịch hay đã đưa tôi lại gần với độc giả Việt Nam.”

Rất khó hình dung Bernhard Schlink bên ngoài chủ đề văn chương gốc rễ của ông: sự đối mặt với dĩ vãng, với gánh nặng lịch sử và đạo lí. Quả thật ở tập truyện ngắn này, chủ đề gốc rễ ấy đã trở lại, ở những góc độ khác, dưới những ánh sáng khác. Một người từng bán bạn mình cho mật vụ (Trí tuệ nhân tạo) - phản bội với lí do đức tin hay nhân danh lòng vị tha thì vẫn là phản bội. Một người đàn ông đem lòng, có lẽ là yêu một cô gái trẻ (Picnic với Anna). Câu chuyện gợi nhớ tới Lolita, tuy không đen tối bằng Nabokov nhưng vẫn khiến người đọc rùng mình. Cũng kết thúc bằng cái chết đem lại chia ly, gần như một truyện trinh thám nhưng chỉ là câu hỏi về tội chứ không buộc tội. Một mối tình đầu cay đắng mà nhân vật chạy trốn chứ không chủ động chia ly (Nhạc chị em), chỉ để nhiều năm sau phải chủ động trở lại để hoàn tất nhát cắt. Một người phụ nữ cố gắng chia ly những oán hận với người chồng đã bỏ bà vì một phụ nữ khác (Bùa hộ mệnh). Một người đàn ông đã ly hôn nhiều năm tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 70 để chứng minh rằng mình không sợ tuổi già, để gặp lại những người của quá khứ và dường như cũng để chia ly với những đoạn đời đã qua, “cứ nghĩ rằng mình có thể gấp quá khứ như một tờ giấy thành chiếc thuyền con và thả nó trôi theo dòng kênh” (Đồi mồi).

Những sắc màu chia ly ấy đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ, phủ lên trên những niềm tin và phản bội, hổ thẹn và tội lỗi, những khát khao sâu kín, những nuối tiếc khôn nguôi. Một số truyện u buồn, một số truyện khác lại đầy kịch tính, thậm chí đậm chất trinh thám, nhưng tất cả đều được Bernard Schlink kể bằng một giọng văn điềm tĩnh, giản dị, và cái kết thường được giữ ở tình trạng lửng lơ. Sự điềm đạm ấy để dành rất nhiều chỗ cho người đọc suy tưởng, chiêm nghiệm và tự đi đến những kết luận riêng tư. Bản dịch của Lê Quang đã chuyển tải xuất sắc cả nội dung và phong cách ấy.

Bernard Schlink viết tác phẩm nào cũng như là tác phẩm cuối cùng. Ông là một nhà văn Đức đặc trưng cho thế hệ hậu chiến. Một mặt thì đau khổ day dứt vì cha ông gây tội ác chiến tranh. Một mặt thì tự hào bởi sau chiến tranh nước Đức đã hồi sinh mãnh liệt. Người Đức chứa trong mình nhiều mâu thuẫn và luôn day dứt vì quá khứ. Nhà văn đã dũng cảm khai thác những gì mà người Đức kiêng nói đến như chiến tranh, thế hệ, quá khứ… Ông đã nói đến những tội ác của quá khứ mà cha ông đã gây nên. “Nước nào cũng có lịch sử đau thương, tuy nhiên phải thừa nhận, Đức là đất nước đã khắc phục tốt nhất vết thương chia cắt của mình”, dịch giả Lê Quang chia sẻ.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: trong tập truyện ngắn 9 màu chia ly nhà văn khai thác những cảnh ngộ khác nhau trong đời của con người mà khi cuối đời nhìn lại, hoặc khi có dịp ngoái lại quá khứ, con người phải đối mặt với những câu hỏi không dễ trả lời. Những cuộc chia ly ở đây diễn ra trong cảm xúc, trong hoài niệm, trong tâm tưởng, trong sự dằn vặt, hoài nghi, luyến tiếc, cả trong hạnh phúc và đau khổ, của các nhân vật kể chuyện trong mỗi truyện. Đó có phải là những sắc màu của chia ly đời người? Đối diện với quá khứ, dù đó là của một dân tộc hay của một con người, là chủ đề quan tâm chính trong sáng tác của Bernhard Schlink. Truyện của ông vì thế ngắn gọn nhưng đầy chiêm nghiệm, suy tư.

Bernhard Schlink (sinh 1944) là nhà văn và luật sư người Đức. Ông được bổ làm thẩm phán toà án liên bang tại bang Bắc Rhine-Westphalia năm 1988 và là giáo sư giảng dạy về luật công và triết học luật pháp tại Đại học Humboldt (Berlin) từ 1/2006. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước Đức.

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)