Truyện ngắn viết về lịch sử trên Văn nghệ Quân đội trong 20 năm đầu thế kỉ XXI - vài nét phác họa

Thứ Sáu, 10/05/2024 00:23

. NGUYỄN MAI ANH
 

Hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, thể tài về lịch sử có thể xem là một mảnh đất màu mỡ, được rất nhiều nhà văn thử sức. Viết về lịch sử trở thành hành trình khám phá nội tâm và góc khuất của con người trong quá khứ, cũng như bổ sung, đề xuất các khả năng của lịch sử, vốn luôn bị che mờ bởi những nhân tố thời đại. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, có thể kể đến những sáng tác lấy bối cảnh các triều đại phong kiến như thời Trần (Gió Côn Sơn vi vút - Trần Thanh Cảnh, Nước mắt trúc - Lưu Sơn Minh, Vết xăm hình rồng - Triều La Vỹ), thời Lê (Chuyến trở về của cỏ - Đinh Phương, Gặp lại người xưa - Phạm Thu Hà), tới giai đoạn kháng chiến chống Nhật - Pháp (Đôi mắt Đông Hoàng - Uông Triều)… Bài viết chỉ có thể đề cập tới một phần nhỏ những truyện ngắn viết về lịch sử đã xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, điểm chung là đều được sáng tác trong 20 năm đầu của thế kỉ XXI, song mong muốn từ những mệnh đề chung sẽ phần nào cho thấy dấu tích của hơi thở đương đại trong việc xử lí chất liệu lịch sử.

Người kể chuyện hư cấu như là những nhân vật đại diện

Có những nhà văn lựa chọn người kể chuyện là nhân vật hư cấu do họ tự tạo ra, thay vì một đối tượng có thật trong lịch sử, rồi từ điểm nhìn về cuộc đời của nhân vật tưởng chừng vô danh ấy, người viết khắc hoạ sự biến động và chuyển giao của thời đại đã qua. Trong truyện ngắn Chuyến trở về của cỏ của Đinh Phương, bối cảnh cuối thời Lê sơ, “tôi” chỉ là một người nông dân nghèo, tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo không phải vì bất kì sứ mệnh lớn lao nào như thay đổi triều đình hay đất nước, mà xuất phát từ chính tình cảnh đói nghèo của gia đình. Mong ước đề ra khi ra đi của “tôi” mang tính đời thường, cá nhân, một sự đền đáp cho trách nhiệm đã không thể đạt được của phận làm con, anh muốn xây cho mẹ một lăng mộ thay vì cuốn xác mẹ trong manh chiếu rách: “Phải dùng hết sức bình sinh cùng vua Cảo đánh vào Đông Kinh. Vào Đông Kinh rồi thì cái gì chẳng có. Nếu được ban quan tước tôi sẽ xây cho mẹ lăng mộ to nhất tổng. Khói hương trắng một vùng xua đi không hết. Mẹ cứ ở dưới âm ti mà hưởng phúc...” Đó đúng là kiếp đời của một ngọn cỏ bị bánh xoay của lịch sử giẫm nát, một phận đời vô danh càng khiến nhân vật mang tính khái quát cho cả một cộng đồng vô danh những người giống như anh. Lịch sử không ghi chép lại câu chuyện của những kẻ như thế, những kẻ không hằn lên dấu tích, không sở hữu vinh quang hay tủi nhục cá nhân. Nhưng điều này lại hiện thân như một mảnh đất màu mỡ cho người viết, bởi chính những người nông dân nghèo kia lại là một mảnh đời khắc hoạ rõ sự khắc nghiệt của guồng quay lịch sử, là phần góc khuất chỉ được lịch sử đề cập một cách qua loa nhất. Chỉ có tiếng nói của một kẻ đã bị gạt ra bên lề mới có cái nhìn về thời cuộc vừa cay đắng vừa bất lực, tầm thường mà cũng thiêng liêng, và nhìn những nhân vật có thật trong lịch sử với dáng vẻ sát gần như thấu hiểu lắm, nhưng đồng thời cũng như tầm vóc của một kẻ ngoại cuộc đầy xa vời: “Lịch sử cũng không vì thế mà xê dịch. Lịch sử hả hê đứng trên cao nhìn xuống đoàn người. Vua Cảo biết điều ấy, với vua Cảo, tất cả chỉ là một trò chơi không hơn. Vua Cảo chơi trên những xác người, hồn cỏ. Đã có lúc chơi ngang ngửa với lịch sử.”

Nếu Chuyến trở về của cỏ viết về một trong những người nông dân theo Trần Cảo khởi nghĩa, có tên mà cũng lại như không tên, thì Nước mắt trúc (Lưu Sơn Minh) cũng quan tâm tới số phận của những kẻ bên lề như thế. Lưu Sơn Minh viết về truyền thuyết liên quan đến những người cung nữ nhảy xuống suối Giải Oan khi Phật hoàng Trần Nhân Tông lên núi tu. Anh Nga là cung nữ vốn được vua Trần Nhân Tông coi trọng bởi trí tuệ, cũng vô tình trở thành một trong những nguyên cớ dẫn tới việc nhà vua quyết định lên núi Yên Tử, chỉ bởi câu nói: “Đức ông Hưng Nhượng chẳng có ý tặng lá sen cho đài sen đấy ư?” Khi những quan hầu và cung nữ khóc lóc can ngăn quyết định của vua, chỉ có mình Anh Nga nhất quyết im lặng. Song cũng chính nàng là người đã gieo mình xuống suối Hổ Khê vào ngày vua lên núi. Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh xen kẽ các chi tiết mang tính “không” của Phật giáo, từ những câu thơ của vua “Lá chẳng phải lá/ Đèn chẳng phải đèn/ Xanh là đài ngọc/ Đỏ là lửa nhen...”, đến chữ “thanh” mà một du tăng viết cho Anh Nga trước khi nàng vào cung, nói rằng đó chính là mệnh số của nàng, không có cách nào thay đổi. Có rồi lại không, sinh rồi lại diệt, cả Phật hoàng Trần Nhân Tông lẫn Anh Nga đều dường như ngầm hiểu được sự vô thường để rồi giác ngộ. Một truyền thuyết mang yếu tố tâm linh, huyền ảo, dường như đầy oan khuất được tái hiện trong bầu không gian của Phật giáo, như đưa ra một lời kiến giải cho câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Khác với những tác phẩm lấy bối cảnh triều đại phong kiến, truyện ngắn Đôi mắt Đông Hoàng của Uông Triều đặt mốc thời gian là cuộc kháng chiến chống Nhật - Pháp của quân dân ta trong giai đoạn 1940 - 1945. Nhân vật chính của câu chuyện là một người ngoại quốc - người lính Katsu, đồng thời cũng là phiên dịch của quân đội. Katsu theo lệnh đến một thị trấn ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Anh ta vốn mang thân phận của người bên kia, song dưới điểm nhìn của anh, đời sống cơ cực của những người dân làng lại hiện lên với một sự ngầm thấu hiểu:

“Những người đàn ông, đàn bà gầy gò, môi thâm tái.

Bọn trẻ con mặc áo bông xám cũ, mũi đỏ như mèo.

Ngoài chợ Cột bán những mẹt thịt trâu chết rét. Thịt thâm sì.

Lũ quạ đen không được chào đón như ở Nhật.”

Lối viết những câu văn ngắn mà vẫn chọn lọc từ ngữ giàu chất thơ của Uông Triều gợi nhắc đến cách hành văn của một số tác gia Nhật Bản. Quang cảnh thị trấn vùng Đông Bắc song hành với hình ảnh của nước Nhật trong nỗi nhớ quê hương của Katsu, sự cơ cực của người dân hiện tại càng làm Katsu nhớ đến người dân Nhật Bản thời kì Minh Trị. Chính bản thân Katsu cũng phải hoài nghi về vị thế và phương hướng hiện tại của quân đội, dẫu Katsu nhận thức được rằng những suy nghĩ mềm yếu cũng chính là một sự phản bội. Mối tình thầm lặng, đầy đề phòng và cách trở giữa Katsu cùng người nữ trinh sát với đôi mắt ướt đã tái hiện một thời kì bi kịch và ảm đạm như câu văn hàm chứa toàn bộ ý nghĩa của tác phẩm: “Chiến tranh giống như một bức tranh u buồn.” Không có một ai, một phe nào, dù là người chiến thắng hay kẻ bại trận nằm ngoài bức tranh ấy. Việc lựa chọn góc nhìn của nhân vật mang nhiều yếu tố đặc thù như Katsu khiến cho câu chuyện có cái nhìn khách quan hơn về cuộc chiến. Bởi có bao giờ ta đặt ra câu hỏi về một thân phận như Katsu: nỗi nhớ anh ta dành cho quê hương từ cảnh tượng nào mà bị gợi nhắc, anh ta nghĩ ra sao về quyết định mà thiên hoàng đã đưa ra, anh ta luyến tiếc điều gì nhiều năm sau khi nghĩ lại cuộc chiến, hình bóng của những người dân thị trấn vùng Đông Bắc có còn rõ nét như chuyện chỉ mới hôm qua?

Từ những nhân vật hư cấu, một cách vô thức, người ta có thể hình dung về vô vàn thân phận khác nhau song lại có chung một yếu tố quan trọng trong lí lịch, là biến cố hay sự kiện mang tính cộng đồng. Lịch sử, theo một cách tổng quan nhất, là những chuyện được ghi chép lại và những chuyện đã biến mất cùng thời gian, của những người mà hậu thế còn hằng nhớ rõ, lẫn biết bao người mà giờ đây đến cả cái tên cũng chỉ còn là cát bụi.

 

Những đề xuất cho khoảng trống lịch sử

Người viết về lịch sử chỉ có thể đề xuất, không phải lấp đầy, bởi những khoảng trống vẫn mãi tồn tại ở đó, nhưng mỗi một góc nhìn sẽ mang tới một khả năng nhận diện quá khứ khác nhau. Việc soi chiếu này góp phần làm nổi bật những chi tiết bị bỏ ngỏ, hay chỉ được lưu lại bằng một vài dấu tích ít ỏi.

Đối với những truyện ngắn lịch sử viết theo điểm nhìn của những nhân vật có thật, hẳn nhiên người viết phải tái tạo dựa trên những chất liệu sẵn có, đưa người đọc tiếp cận ở một góc độ sâu sắc và chi tiết hơn vài dòng lược thuật được ghi chép hoặc truyền miệng. Gió Côn Sơn vi vút của Trần Thanh Cảnh xoay quanh hai nhân vật lớn là thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông - Trần Phủ và đại tư đồ Trần Nguyên Đán, kể từ thời điểm cả hai còn cùng thuộc một “phe” trên bàn cờ lật đổ Dương Nhật Lễ, cho đến kết thúc khi Trần Nguyên Đán lui về ở ẩn, còn Trần Phủ đã bất lực trước cảnh đất nước loạn lạc và dân chúng lầm than. Cuộc chơi cờ giữa hai người là chi tiết mang tính biểu tượng tạo cao trào cho câu chuyện. Nếu liên kết dòng chảy các sự kiện đã diễn ra, cùng những lời Trần Nguyên Đán nói với Trần Phủ, như truyền đạt những điều thuộc về mệnh trời không thể thay đổi “Đó là luật trời: phàm cái sự gì có thịnh rồi cũng đến lúc phải suy! Như càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh! Bên Trung Nguyên cũng vậy: Hán, Đường, Tống, Nguyên… lừng lẫy một thời rồi cũng đến lúc phải suy vong. Bên ta từ Triệu, Đinh, Lý đã từng nay tới Trần nhà mình. Cơ trời xoay chuyển là vậy, ai là người chống lại được? Cỗ xe thế sự đang lao dốc, sức người sao cản nổi?”, thì thế sự xoay vần, một bàn cờ trông từ ngoài vào chỉ như một hoạt động lúc thảnh thơi, thực chất lại chỉ ra tình thế của người chơi cờ. Sau khi Trần Phủ lên ngôi vua, tiếng nói của Trần Nguyên Đán đã không thể vang được tới Trần Phủ, cuối cùng ông hiểu rằng thế cục hiện tại chỉ riêng mình mang chí là không đủ sức vãn hồi. Lịch sử lúc này nhìn từ góc độ của nhân vật cũng trở thành một bàn cờ, và mỗi thân phận đều chỉ là một quân cờ mà mệnh trời sắp đặt: “Chống đỡ làm sao khi cơ trời đang xoay, vận nước sắp hết. Biết cũng chỉ đến thế mà thôi. Bởi càn khôn thay đổi đâu chỉ có một ngày, họa phúc đâu có đến từ một buổi.”

Truyện ngắn Gặp lại người xưa của Phạm Thu Hà được kể từ góc nhìn của sư cô chùa Huê Cầu, người có mối quan hệ với Lê Hữu Trác, hay còn được gọi là Hải Thượng Lãn Ông - một danh y lỗi lạc thời nhà Lê. Họ gặp nhau khi Lê Hữu Trác mới hai mươi, còn sư cô vừa tới tuổi trăng rằm. Hai nhà đã dạm ngõ cưới hỏi, nhưng biến cố xảy ra khiến Lê Hữu Trác chỉ có thể xin được từ hôn. Bốn mươi năm sau, Lê Hữu Trác mới có dịp quay trở lại quê nhà, lúc này gặp lại cố nhân, người đã xuống tóc quy y, nương nhờ cửa Phật. Trong Thượng kinh kí sự, Lê Hữu Trác cũng đã đề cập tới cuộc hội ngộ này. Song Phạm Thu Hà lại viết về mối nhân duyên trắc trở dưới góc nhìn của vị sư cô, với những rung cảm sống động mà đầy tiếc nuối, khắc hoạ nên sự vô thường của thời gian, thân phận con người khi đối diện những thăng trầm, dâu bể: “Thời tiết đầu xuân ảm đạm, có lẽ nét mặt tôi còn ảm đạm hơn. Đối diện với những kí ức của kiếp hồng trần xưa cũ, bao nhiêu năm tụng kinh niệm Phật giống như bình đất chưa nung mà gặp mưa, cứ thế mủn ra không sao nắm giữ nổi. Duyên phận trêu ngươi, nhiều năm như thế, hồng hoang thay đổi, nhân tình bể dâu, cớ sao lại cho tôi gặp lại, cớ sao lại giày vò trái tim cằn cỗi này của tôi?” Góc nhìn của sư cô cũng cho người đọc hình dung được dáng vẻ của Lê Hữu Trác, thuở mới hai mươi đã nặng lòng với chuyện nước, chuyện dân thế nào, để như một lẽ tất yếu cho những lựa chọn tiếp sau đó của ông.

Nếu nói viết về lịch sử là đề xuất cho những khoảng trống, có thể dẫn tới câu hỏi: Đề xuất như thế nào? Đó có thể bằng con đường phô bày khoảng tối trong trái tim con người, viết về những ẩn ức, tăm tối, bạo tàn, lẫn sự mê đắm đan xen với khốc liệt của tình dục, như một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nam Dao… Nhưng cũng có thể bằng cách tiếp cận thân phận con người trong tình thế lưỡng nan nhất, nhiều truyện ngắn viết về lịch sử mang đậm dấu ấn của Phật giáo, gắn liền thân phận của nhân vật với quan niệm về vô thường như Gió Côn Sơn vi vút (Trần Thanh Cảnh), Người tạc tượng Phật Bà (Hoàng Giá), Nước mắt trúc (Lưu Sơn Minh), Gặp lại người xưa (Phạm Thu Hà)... Một mặt đó là sự phản ánh lại văn hóa và tín ngưỡng đương thời, với sự hưng thịnh của Phật giáo (đặc biệt thời Lý - Trần), không chỉ trong đời sống xã hội mà còn có nhiều nhân vật lịch sử thuộc hoàng tộc, hay những vị quan lớn trong triều đình chọn lựa cách quy y cửa Phật. Mặt khác, các tác phẩm này tạo nên cảm giác của một dạng kiểu mẫu nhân vật và tình tiết mang tính triết lí, chiêm nghiệm. Những nhân vật lịch sử sẽ luôn xuất hiện trong nghịch cảnh; họ có thất vọng, bất lực, thoái chí…, nhưng họ nhìn thấu được bản chất của thế sự, biết rằng càng cưỡng cầu càng mang tới khổ đau, và cần phải nhận thức được sức người có hạn, cố gắng tới một điểm nhất định, người ta cần phải tuân theo tự nhiên. Đã từng sống trong quyền thế, danh vọng, song càng trong cảnh nhiễu nhương, người ta càng thấy thân phận mình không khác sương sa ngọn cỏ.

Trong Gió Côn Sơn vi vút, lời cuối cùng mà Trần Nguyên Đán muốn nói với Trần Phủ, trong “nỗi đau đớn cào xé gan ruột chính mình” trước vận nước, vận gia tộc không thể thay đổi, là đọc lại bài thơ Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh, ví kiếp người như bóng chớp có rồi lại không. Người tạc tượng Phật Bà của Hoàng Giá kể về mối tình giữa công chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc và nhân vật có tên Trương Văn Thọ, khác biệt thân phận khiến cho họ không thể ở bên nhau. Thấm thoắt mười tám năm qua đi, thời điểm gặp lại là sau khi Trịnh Thị Ngọc Trúc đã một đời chồng, song vẫn phải theo lời cha mình để chuẩn bị gả cho vua Lê Thần Tông, còn Trương Văn Thọ đã quy y cửa Phật. Tháng năm bãi bể hóa nương dâu, khi gặp lại, một người đã quy y cửa Phật, có bồi hồi chuyện xưa cũ thì cũng hiểu rằng mình không thể làm lại hay oán than, ấy không phải cũng là tình cảnh trong Gặp lại người xưa? Tinh thần của Phật giáo vì thế thấm đẫm trong rất nhiều truyện ngắn viết về lịch sử, và niềm thương cảm khi nhìn về thân phận con người là một sợi dây kết nối xuyên suốt tới cả thực tại hôm nay.

Ở những truyện ngắn viết về lịch sử trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (hoặc có thể mở rộng hơn), ta thấy dường như mỗi nhà văn đều cố gắng khắc hoạ thế lưỡng nan của đời người, một nhân vật có thể tốt với người này nhưng lại xấu với người khác, một hành động đưa ra tưởng chừng không thể lí giải nổi, nhưng từ góc nhìn của chủ thể, ấy lại là một hành động có lí. Và cuộc đời của những thân phận ngỡ bên lề, hoàn toàn vô danh không ai biết đến, cũng là một mắt xích quan trọng đã góp phần tạo nên thời cuộc. Nhà văn Lưu Sơn Minh từng nói về truyện ngắn Nước mắt trúc của mình rằng: “Đó là một truyện ngắn không có người tốt kẻ xấu, không có thiện - ác phân minh. Chỉ có xót xa, thương cảm, và chia sẻ.” Như vậy, người viết về lịch sử ngày nay không nhất thiết chỉ hướng về việc củng cố khẳng định chân lí của quá khứ, mà còn có thể hướng đến việc hé mở một con đường trong hàng vạn con đường khả dĩ đã mở ra, từ đó vén lên tấm màn của thân phận con người, với bao cung bậc cảm xúc rất đỗi đời thường trong nhịp bước thời gian.

N.M.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)