Giải mã sự thành công phim "Mai" của Trấn Thành

Thứ Tư, 17/04/2024 07:31

. HUỆ NINH
 

Trấn Thành là cái tên quen thuộc trong showbiz Việt bấy nay, đặc biệt tên anh gắn liền với ba bộ phim điện ảnh đắt khách trong hai năm trở lại đây, đó là Bố già, Nhà bà Nữ và mới nhất là Mai. Phim Mai được công chiếu từ mùng một Tết Giáp Thìn vừa qua. Ngoài những đoàn người xếp hàng dài mua vé ở rất nhiều rạp chiếu tại các thành phố lớn, đến độ phủ sóng dày đặc bởi vô số hình ảnh, short cut seeding, các câu nói nổi bật của phim, cùng loạt bình luận trái chiều sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội..., là thông tin rating tăng ấn tượng được công bố hằng ngày, đã khiến cả phim lẫn đạo diễn trở thành cái tên hot đặc biệt. Với con số doanh thu bán vé đạt tới hơn 475 tỉ đồng trong hơn 10 ngày chiếu, Mai đã chứng minh được là phim điện ảnh Việt Nam ăn khách nhất mọi thời đại. Điều này khiến nhiều nhà chuyên môn thắc mắc tại sao phim lại có lượng khán giả đông đến vậy.

Một cảnh trong phim

Chúng ta hãy bỏ qua những ý kiến “chê sấp mặt” kiểu cảm tính, cũng như tạm gác việc đánh giá một chiều rằng phim thành công do sử dụng các chiêu trò truyền thông, hay việc thiết lập hiệu ứng mang tên “Trấn Thành”..., mà nên nhìn vào những tiêu chí phim đã đạt được. Bởi bất kì sản phẩm là hàng hóa hay văn học nghệ thuật nếu không có chất lượng thì dù truyền thông đến đâu cũng khó đứng vững bền lâu. Người ta dễ tung hỏa mù với một bộ phận đối tượng ban đầu, chứ không thể lừa mị số đông tầng lớp khán giả trong thời gian dài đến thế. Tất nhiên, không hẳn cứ đám đông thừa nhận đã là chuẩn giá trị. Ở bài viết này, tôi muốn đi sâu phân tích một số yếu tố nghệ thuật ở phim Mai, cùng sự nhận xét mở rộng mang tính nghề nghiệp để hiểu phần nào thành công của phim cũng như căn nguyên những ý kiến trái chiều vừa qua.

Xét về nội dung, theo ý kiến của một số khán giả thì đây là câu chuyện không mới khi sử dụng motip quen thuộc để kể về tình yêu trắc trở của cô gái tên Mai. Cô làm nghề mát xa, sống ở căn chung cư bình dân. Tại đây, cô gặp người hàng xóm đối diện tên Dương - chàng trai nhà giàu trăng hoa, kém mình bảy tuổi. Thấy Mai xinh, hấp dẫn nhưng lại khó tiếp cận, làm thân, Dương càng bị kích thích và muốn tán tỉnh bằng được. Một vài sự biến xảy ra xô đẩy Mai gần gũi, có tình cảm với Dương. Nhưng khi giới thiệu cho gia đình để tính chuyện dài lâu thì Dương và Mai bị ngăn cản quyết liệt. Bởi Mai có con riêng đã trưởng thành, cùng một người bố nghiện cờ bạc, nợ nần xã hội đen. Không những thế, ông từng bán Mai làm điếm khi cô vừa lớn. Dù yêu thương sâu sắc nhưng đôi nam nữ vẫn phải rời xa nhau. Sau bốn năm gặp lại, họ đã ở hai hoàn cảnh khác biệt. Mai phát triển nghề nghiệp thành người quản lí. Dương có vợ, chuẩn bị làm cha. Dù xúc cảm dâng đầy nhưng họ vẫn phải chia xa vĩnh viễn.

Mặc cho sự đánh giá rằng nội dung quá bình thường, nhạt nhòa, đơn thuần, cùng việc khẳng định khán giả cần một câu chuyện sâu sắc, mang ý nghĩa xã hội nặng đô hơn thì phim này vẫn không ngừng lấy được vô khối nước mắt, tình cảm của khán giả trẻ ở các rạp chiếu suốt nhiều ngày dài.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thông thường các bộ phim điện ảnh sau một tuần ra rạp sẽ giảm suất chiếu, nhưng Mai thì ngược lại. “Ban đầu phim có khoảng gần 4000 suất chiếu mỗi ngày, song sau tăng lên hơn 5000 suất chiếu/ ngày” (theo Bích Phương - dantri.com.vn). Rõ ràng, thành công ấy không thể quy là do truyền thông hoàn toàn.

Một điều nổi bật là tác giả đã nắm trúng tâm lí khán giả khi khắc họa câu chuyện éo le về tình yêu nam nữ khá phổ biến ở thời hiện đại. Có lẽ chúng ta không nên quy kết đề tài cũ hay mới. Bởi vì, muôn đời nhân gian vẫn thích xem những chuyện tình yêu éo le, về số phận con người. Kể cả câu chuyện cũ thì người ta vẫn có thể dựa vào đó để làm nên một tác phẩm lung linh như Kiều hay phim Cậu Vàng, Đất rừng phương Nam mới đây, hoặc rất nhiều phim Hàn Quốc, Trung Quốc dựa vào cốt truyện, cũng như nhân vật đã thành danh khác. Khán giả vẫn rất quan tâm dù đã biết nội dung, có khi còn thuộc làu. Vấn đề là họ muốn xem người làm phim thể hiện câu chuyện đó, nội dung đó bằng nghệ thuật điện ảnh như thế nào và nó được kể, được khai thác kiểu gì, cũng như họ thích chiêm ngưỡng tận mắt diễn xuất của diễn viên ra sao. Cho nên, xét về phương diện nào đó thì hình thức, cách kể chuyện hay nghệ thuật thể hiện mới là điều đáng nói, đáng quan tâm nhất ở một phim điện ảnh.

Phim Mai đi vào thân phận con người, có câu chuyện, lớp lang rõ ràng. Khi mà một bộ phận lớn người làm điện ảnh cổ xúy cho kiểu tác phẩm mang tính trình diễn, coi nhẹ yếu tố cốt truyện, muốn nội dung phim đạt đến độ đa nghĩa, trừu tượng, hay chú trọng thú “chơi” hình ảnh giống một số trường phái điện ảnh phương Tây, hoặc phim độc lập... thì rõ ràng họ không đề cao phim này. Nhưng quy tắc nguyên thủy “có bột mới gột nên hồ” mà tổ nghề sân khấu truyền lại được áp dụng ở đây vẫn đạt được hiệu quả nhất định. Phải khẳng định thời hiện đại, con người có phần vô cảm khi cuộc sống dựa phần lớn vào máy móc, và khi công nghệ AI lên ngôi thì những xúc động hết sức bình thường, nhân bản lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Sự rung động của tình yêu đôi lứa, những khát khao về nhân quyền như quyền được yêu, được sống tử tế, sống hạnh phúc, quyền mưu cầu được tôn trọng lại trở nên dữ dội và đáng quan tâm hơn cả. Thêm nữa, câu chuyện về nhân vật nữ, là mẹ đơn thân, lại yêu người kém tuổi (nghĩa là tình yêu không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng) cũng khiến nhiều người xem ở hoàn cảnh tương tự tìm được sự đồng cảm. Có lẽ, đó chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để khán giả tới rạp theo dõi câu chuyện này và hồn nhiên khóc cười với nhân vật phim. Thế thì, yếu tố thời đại cũng cần được hiểu một cách đa chiều, rộng mở hơn. Nó không chỉ là những gì mang màu sắc chính trị, hay khu biệt ở kiểu nhân vật kiệt xuất, kiểu nhân vật dưới đáy có tiếng nói tố cáo, hay kiểu nhân vật đặc biệt, dị hợm có tính biểu tượng, hoặc giáo huấn nào đó. Sự bình thường, đơn thuần của Mai lại làm nên nét gần gũi ở chiều sâu tâm lí đương đại.

Đặc điểm này cũng là nét đặc trưng xuyên suốt phong cách làm phim điện ảnh của Trấn Thành. Với Bố già hay Nhà bà Nữ, anh cũng chọn khắc họa những nhân vật thị dân hết sức bình thường, cùng số phận éo le và đều gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm, dễ thấy, dễ thương ở xã hội Việt Nam hôm nay. Họ không hẳn là những người dưới đáy, có cuộc sống kiểu xã hội đen, quá khác biệt với phần đông con người trong xã hội kiểu Bụi đời chợ Lớn hay Gái nhảy. Họ rất dân dã, phổ biến, có tâm hồn thiện lương, có những góc khuất đầy nhân văn, giàu nhân tính. Cho nên, khi xem phim dường như nhiều người thấy có mình trong đó.

Hẳn đây cũng chính là thế mạnh của phim Trấn Thành. Làm về số đông, nói tiếng nói của số đông, đứng về số đông, khóc cười cho số phận số đông, thì ắt phải được số đông quan tâm, số đông ủng hộ, số đông ghi nhận, suy ngẫm và tôn vinh. Đó là điều tất yếu. Và kĩ thuật khai thác nội dung kiểu “gãi đúng chỗ ngứa” này thêm một lần nữa khẳng định được giá trị. Hóa ra, khán giả cần câu chuyện và nhân vật gần gũi, bình thường như thứ cơm ăn nước uống hàng ngày, cần người ta nói về mình một cách trực diện, thấu cảm, đứng về phía mình ở góc độ sâu sắc nhất là góc độ tình cảm, khát vọng tình yêu chứ không hẳn là những gì đao to búa lớn đẩu đâu!

Thêm một điều nữa là nội dung về phụ nữ đương đại, phục vụ cho thẩm mĩ nghệ thuật và tâm hồn phụ nữ, ắt khán giả nữ quan tâm, mua vé. Đây là một trong những chiêu thuật kiếm tiền của người Do Thái khi mà họ khẳng định sản phẩm phục vụ phụ nữ luôn kiếm được nhiều tiền hơn cả, vì phụ nữ là người quản lí kinh tế của hầu hết mọi gia đình.

Bên cạnh đó, câu chuyện số phận đời thường éo le lại được nâng cấp bởi hệ thống kĩ thuật thể hiện xuất sắc. Thứ nhất phải kể đến dàn diễn viên đẹp, diễn xuất chuyên nghiệp, nhập vai, chân thực, đặc biệt là cô nhân vật chính. Thành công về hình thức thể hiện ở phim này không phải là những đại cảnh lớn, có quy mô đồ sộ mà ta thường thấy ở một số phim điện ảnh hoành tráng; hay sự điêu luyện bởi kĩ thuật luồn lách của chiếc máy quay để tạo những hình ảnh quá sâu lắng, giàu sức gợi; hoặc những cú đặc tả gai người khủng khiếp, những cú lia máy, lộn nhào sáng tạo giàu chất cine gì đó. Ở đây, hình ảnh phục vụ hoàn toàn cho truyện phim với những cú máy đủ tiêu chuẩn nhà nghề. Nó giản dị, phổ thông nhưng vẫn hết sức duy mĩ và chuyên nghiệp.

Bên cạnh kĩ thuật điện ảnh chắc tay là sự pha trộn nhiều miếng trò của nghệ thuật sân khấu nhằm khiến truyện phim được kể một cách hấp dẫn nhất. Tiêu biểu là những yếu tố bất ngờ. Sự bất ngờ nảy sinh khi khán giả không chỉ chứng kiến bố Mai là một người nghiện lô đề, bòn rút tiền của con một cách vô sỉ, mà còn là một con quỷ dữ từng đẩy Mai vào địa ngục làm điếm ở quá khứ, và sau cùng là sẵn sàng bán danh dự, bán tình yêu của con để lấy số tiền lớn. Kĩ thuật gây sự bất ngờ cho khán giả còn được thể hiện ở tình huống bà Đào lại chính là mẹ đẻ của Dương (người yêu Mai). Những lắt léo của câu chuyện éo le không ngừng được khai thác từ đây. Tiếp theo, sự bất ngờ bùng nổ ở phân đoạn Mai quay trở lại nhà Dương lần thứ hai. Tưởng như chuyện tình của họ được chấp nhận khi gia đình gọi đôi nam nữ này về ăn tối và đưa ra những đặc ân cho con riêng của Mai, thì không ngờ đó lại là lúc bà Đào quyết liệt yêu cầu Mai và Dương rời bỏ nhau. Bố Mai cũng xuất hiện. Quá khứ làm điếm tồi tệ của Mai bị lột trần một cách tàn bạo nhờ ngôn ngữ nói và hành động diễn của diễn viên, chứ không phải do ngôn ngữ hình ảnh. Tình huống này được tác giả phim sắp đặt tựa như một màn kịch, có sức nén và sự căng thẳng cao độ khiến cao trào này được đẩy lên cũng là lúc mọi khúc mắc được giải quyết. Mọi người vỡ òa những băn khoăn của mình. Sự bất ngờ còn thể hiện khi Mai và Dương vô tình gặp lại nhau tại resort ở Đà Lạt sau bốn năm chia tay.

Nếu như với thể loại văn học nghệ thuật khác tôn trọng diễn biến tự nhiên của đời sống thì việc gặp lại nhau trong đời của các nhân vật không dễ dàng và ngẫu nhiên như vậy. Nhưng Trấn Thành đã dùng miếng trò của nghệ thuật sân khấu để tạo nên không gian bi kịch trực tiếp. Và anh đã đạt được ý đồ nghệ thuật của mình khi đẩy câu chuyện đi theo hướng có chủ đích một cách tích cực, hấp dẫn nhất có thể và cuốn theo sự chấp nhận, chú ý, hưởng ứng của đông đảo khán giả.

Dòng ý kiến phê phán rằng phim của Trấn Thành nói nhiều, ầm ĩ, ít sâu sắc, ít tính điện ảnh có lẽ là do đặc điểm này. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì những nhận xét ấy cũng không hoàn toàn xác đáng. Bởi vì, hiện nay trên thế giới có sự giao thoa của nhiều bộ môn, hay nhiều trường phái nghệ thuật và đã được chấp nhận. Ví như phim tài liệu mang chất truyện đậm đặc, phim truyện cần tính tài liệu/ tính chân thực sâu sắc. Nhiều bộ môn nghệ thuật khác cũng có sự giao thoa, ảnh hưởng sự tiến bộ của các thể loại kiểu thế, như: thơ văn xuôi, văn xuôi giàu chất thơ, kịch thơ, nhạc kịch, v.v… Tất cả nhằm mục đích làm phong phú, mới lạ cho tác phẩm nghệ thuật và khiến tác giả truyền tải được nội dung, ý tưởng của mình một cách sâu sắc nhất, hấp dẫn, sinh động và dễ tiếp nhận nhất. Ở đây, Trấn Thành đã làm được điều đó. Câu chuyện anh muốn kể được kể một cách chân thực nhất, đời nhất, dễ hiểu và hấp dẫn nhất có thể. Vậy nên, kĩ thuật này cũng cần được xem xét, ghi nhận, và cần giới chuyên môn lưu tâm nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng vì sử dụng một số kĩ thuật thể hiện của nghệ thuật sân khấu mà một vài nhân vật và tình tiết trong phim Mai mang tính áp đặt, thiếu logic, khó thuyết phục bộ phận khán giả trình độ cao. Tiêu biểu là kĩ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật Mai được mặc định là đẹp, có đôi tay vàng trong nghề mát xa, có ý chí và cá tính mạnh. Nhưng điều này lại không được chứng minh thuyết phục ở các chi tiết trong phim. Người ta không thấy cô có gì giỏi trong nghề mát xa khi tranh hết khách của đồng nghiệp. Cô không bán thân, không dễ dãi, lại không có sức khỏe đặc biệt, càng không phải là cô gái trẻ, xinh đẹp như hoa hậu hoặc khéo léo kiểu gì. Mai hết sức bình thường, chỉ dễ mến, xinh xinh. Thế thì điều gì chứng minh cô giỏi hơn người khác? Giả như cô có một bí kíp gì đó về huyệt đạo, từng học được ở đâu đó, có thể giúp khách hàng hồi sức, tăng sức hay tạo hưng phấn như thế nào đó, để họ nhớ hoặc quay lại đặt hàng thì thuyết phục hơn. Nhất là khi sau đó cô bị đồng nghiệp ganh ghét dẫn tới đánh nhau, phải bỏ nghề và cuối cùng là phát triển nghề mát xa này lên một lever mới ở cuối phim.

Hơn nữa, sự mạnh mẽ hay nét đẹp tâm hồn ở cô gái này cũng chỉ được nhà làm phim mặc định ở ánh mắt, thái độ chứ không phải ở hành động hay kết quả. Rốt cục Mai không giữ được tình yêu của mình, không chứng minh được với gia đình người yêu rằng mình mạnh, mình bản lĩnh, để bảo vệ được tình yêu đó, mà vẫn xuôi chiều theo những định kiến của xã hội, vẫn trôi tuột theo dòng chảy của số phận nghiệt ngã. Cuối cùng, một mình rơi nước mắt chấp nhận con đường cô đơn của bản thân. Ý nghĩa xã hội từ nghề nghiệp của Mai vì thế cũng yếu ớt nếu không muốn nói là chưa có. Giá như nhân vật này được dụng công hơn nữa về chiều sâu sẽ khiến người xem có thể ấn tượng bởi giá trị tinh thần mà cô lan tỏa.

Thêm một đặc điểm cần suy nghĩ là việc Mai không có hành động để nắm chắc số phận của mình khi cô không có sự phản kháng với người bố hành hạ, bóc lột mình vô lối. Cứ xuôi chiều hết lần này đưa tiền, lần khác nhân nhượng, tin tưởng, chấp nhận sự sa ngã, lũng đoạn của bố thì đó không phải thể hiện tư chất người con có hiếu mà là sự bạc nhược cần lên án. Việc không vượt lên làm chủ tình huống, nắm giữ số phận mình của Mai khiến câu chuyện không đem lại sự phản biện tích cực, mang tính chữa lành hay dẫn dắt, khai mở tư duy khán giả.

Một nhân vật cần đề cập nữa là bố Mai. Đây là một người bố không phổ biến trong xã hội Việt Nam và mang tính phản cảm. Nó không hợp với văn hóa Việt Nam về tư duy hình tượng vì “hổ dữ không ăn thịt con”. Người xem khó tin, khó chấp nhận sự vô lương tâm tới mức thái quá của ông. Nếu nhân vật này bị bệnh, hoặc ở vai cha dượng thì có lẽ sẽ thuyết phục hơn.

Dù có những chi tiết gây tranh cãi thì một thực tế phải khẳng định rằng phim Mai của Trấn Thành đã rất thành công ở phòng vé. Song, không cứ phim đoạt doanh thu cao là phim được những người nhà nghề đánh giá cao. Phim nghệ thuật luôn có những đặc điểm và tiêu chí khác so với với phim giải trí, phim thị trường. Tuy nhiên, để đạt được kết quả hiện nay thì Mai cũng như cách làm phim của Trấn Thành cần được ghi nhận và tôn vinh. Trong lúc truyền thông bùng nổ, hàng loạt phim đồng loạt ra rạp, hay nhan nhản phim chiếu trên các kênh mà con người bận rộn hôm nay vẫn đổ xô xếp hàng mua vé xem Mai thì điều đó cần được hết sức chú ý. Phim đã đi vào đời sống nhân dân.

Một sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm nghệ thuật sẽ có nhiều góc nhìn, góc cảm, góc đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta cần tôn trọng những thành tựu mà tập thể nghệ sĩ đã nỗ lực đạt được, cũng như cần tôn trọng cảm xúc chân thực của đông đảo khán giả yêu phim. Bởi thế những ý kiến đánh giá trái chiều nên mang tính xây dựng, gợi mở, hơn là cực đoan, cảm tính, một chiều, vùi dập

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)