Nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh phong trào có đang bị đánh đồng?

Thứ Năm, 11/04/2024 20:51

Cách đây 71 năm, vào ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 147/SL về việc thành lập doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Từ đó, ngày 15/3 trở thành ngày truyền thống của ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn có sự chưa phân định rõ ràng giữa nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh phong trào.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng, nhiếp ảnh với ưu thế về tính đại chúng, về thiết bị, công nghệ… của nó, đã, đang và sẽ là một phong trào rộng khắp. Mà đã là phong trào, thì phần nghệ thuật cần phải được xem xét lại, nghiêm cẩn hơn, tôn vinh hơn. Chúng ta đã quá quen với hình ảnh của những nhiếp ảnh gia đi thành từng đoàn, chụp cảnh mẫu dàn dựng sẵn và sau đó cho ra đời những tác phẩm cứ na ná nhau, không hề có bản sắc sáng tạo riêng. Hãy nhìn các câu lạc bộ nhiếp ảnh đình đám của cả nước, mấy chục năm qua, có vẻ như lối chụp ảnh vẫn là lễ hội, áo dài, đồng bào dân tộc thiểu số, thắng cảnh thiên nhiên… sau này thì thêm flycam và các hiệu ứng khác… Một ví dụ, mấy năm trở lại đây, ảnh chụp hoa súng trở thành một “trend” (trào lưu) của nhiếp ảnh gia. Kết quả là công chúng được xem những bức ảnh chụp hoa súng được sắp đặt na ná nhau, tạo thành chữ S tượng trưng cho đất nước Việt Nam, tạo thành bông hoa, vòng tròn… Hay gần đây thì phổ biến chuyện săn ảnh ở lễ hội vật cầu bùn của làng Vân ở tỉnh Bắc Giang với hàng loạt bức ảnh gần giống nhau như sinh sản vô tính. Dĩ nhiên, cũng có những nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ, sáng tạo riêng biệt, có chiều sâu, có cảm xúc, có bản sắc riêng, có ý thức tìm tòi, tiếp cận với nhiếp ảnh đương đại của thế giới. Nhưng những nghệ sĩ này ở Việt Nam không nhiều. Danh xưng “Nghệ sĩ nhiếp ảnh” dường như đang bị lạm dụng. Bởi thế, rất cần một sự phân biệt giữa nhiếp ảnh phong trào và nhiếp ảnh nghệ thuật.

TRÀ TRỘN GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ PHONG TRÀO

Hiện nay nhiếp ảnh Việt Nam có tình trạng là cứ ai đi thi có giải thưởng quốc tế, là mặc định rằng nghệ sĩ là người giỏi, sáng tác ảnh có chất lượng nghệ thuật. Tôi cho rằng không thể đánh đồng các giá trị giải thưởng quốc tế với nhau vì uy tín, bề dày lịch sử, hội đồng giám khảo, chất lượng thí sinh ở các cuộc thi khác nhau. Tôi tin rằng rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có tài, có tâm, có hiểu biết, đã từng có có những giải quốc tế lớn, có uy tín đích thực hiểu rất rõ về thực chất các cuộc thi quốc tế. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh hay khoe những giải thưởng, huy chương và từ đó gây ra những nhầm lẫn. Tôi nêu một vài ví dụ:

FIAP với danh xưng “Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới” đã gây ra những ngộ nhận từ nhiều năm nay trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Đó là một tổ chức lớn phát triển nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng mang tính phong trào nhiều. Dù các cuộc thi đều mở rộng cho cả giới chuyên nghiệp và nghiệp dư dự thi nhưng chủ yếu chỉ giới nghiệp dư dự thi, còn thỉnh thoảng một vài cuộc thi lớn trong năm, giải có giá trị hiện kim cao là thu hút thêm những tay máy chuyên nghiệp. Website chính thức của FIAP thể hiện đầy đủ những thông tin đó.

Ảnh lễ hội vật cầu bùn ở làng Vân, tỉnh Bắc Giang của nhiếp ảnh gia D.T

Về mặt chuyên môn, giá trị giải FIAP chỉ là những tấm huy chương, những danh hiệu A.FIAP (nghệ sĩ), E.FIAP (nghệ sĩ xuất sắc), M.FIAP (nghệ sĩ bậc thầy)… mang tính hư danh nhiều mà không đem lại những giá trị thiết thực cho sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh. Theo đánh giá của tôi, ảnh đoạt giải của FIAP thường mang vẻ đẹp chung chung mà không đại diện cho các xu hướng nhiếp ảnh lớn nào trên thế giới. Nhưng đây là một tổ chức có tính chất phong trào, thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư, tạo cho họ một sân chơi, giao lưu với nhau họ có tiêu chí của họ. Tương tự như vậy, hai tổ chức Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và Hội hình ảnh không biên giới (ISF) cũng hoạt động theo tiêu chí như thế, dù sau này cả ba tổ chức có mở rộng sang cả lĩnh vực ảnh báo chí trong nhiều cuộc thi, nhưng dĩ nhiên nó không thể so được với ảnh báo chí ở các cuộc thi danh giá khác.

Hơn nữa nếu xem xét kỹ thêm, có thể thấy Hội đồng giám khảo của các cuộc thi của FIAP, PSA, ISF và cả RPS (Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh) rất ít có sự tham gia của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà đa phần là nghiệp dư, coi nhiếp ảnh như một thú vui, không phải là sự nghiệp. Các cuộc thi này lại không cấm ảnh đoạt giải ở cuộc thi khác thi tham dự nên một bức ảnh có thể đoạt tới hàng chục giải cũng không quá lạ lùng. Thậm chí trong giới nhiếp ảnh Việt Nam còn hay đùa nhau là “thâm canh” ảnh đi thi. Có không ít nghệ sĩ Việt Nam khoe một bức ảnh của mình đã đoạt hàng chục giải thưởng quốc tế khác nhau là từ những giải thưởng kiểu này.

Ảnh lễ hội vật cầu bùn ở làng Vân, tỉnh Bắc Giang của nhiếp ảnh gia T.T.V

Trong khi đó, nhiều cuộc thi ảnh quốc tế có uy tín thì thành phần Ban giám khảo không chỉ là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có uy tín trên thế giới, mà họ còn là tổng biên tập, biên tập viên của các tạp chí nhiếp ảnh có uy tín, là các giáo sư dạy về nghệ thuật thị giác trong trường đại học, là giám tuyển, giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo, nhà phê bình mỹ thuật v.v… International Photography Awards (IPA) với thành phần giám khảo có nhiều các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh thế giới, số lượng lên đến vài ba trăm người, với những thương hiệu uy tín như Sotheby’s, Saatchi and Saatchi đồng hành…

SỐ LƯỢNG HAY CHẤT LƯỢNG?

Nhưng thực tế là các cuộc thi của FIAP, PSA, ISF và cả RPS tuy là những tổ chức mang tính phong trào, đại chúng, lại đều là cái đích hướng tới của phần lớn các nhiếp ảnh gia Việt Nam, cũng vì các giải thưởng trên được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận và coi đó là những giá trị để xét “tước hiệu”, thành tích, giải thưởng ảnh xuất sắc quốc gia hàng năm và cao hơn nữa là giải thưởng Nhà nước. Những văn bản của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam quy định rõ những điều này. Vậy tại sao những giải thưởng danh giá, uy tín như International Photography Awards (IPA), World Press Photo (WPP) The National Geographic Photo Contest… lại không được tính vào?

Thậm chí ngay cả cách sử dụng danh xưng phong tặng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng không chuẩn xác. Cụm từ “tước hiệu” rất hay được sử dụng để nói về thành tích nhiếp ảnh, nhưng từ “tước hiệu” dễ dẫn đến một vài hiểu lầm về ngoại giao và chính trị, nên tránh dùng. Văn bản của VAPA (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) ghi rất rõ về việc phong “tước hiệu”. Tuy nhiên “Tước” là danh vị nhà vua phong cho các quan to hoặc cho những người có công lớn” và “Tước hiệu là tên gọi chức vị được nhà vua ban cho” theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học. Cũng theo từ điển này, “Danh hiệu là tên gọi nêu lên phẩm chất tốt đẹp, cao quý, dành riêng cho đơn vị, cá nhân, hoặc địa phương có nhiều thành tích”. Ví dụ cụ thể có thể thấy nhiều trên báo chí như các tin tức: “Giáo sư X được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” hay “Vua Charles III phong cho hoàng tử Edward tước hiệu Công tước xứ Edinburgh”. Vậy vấn đề đặt ra là phải chăng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần có những cải tổ, thay đổi triệt để về mặt quy định, thể chế, cũng như sự phong tặng, danh xưng… để có thể nâng cao chất lượng nghệ thuật của nền nhiếp ảnh Việt Nam đương đại. Sự thay đổi cũng phải đến từ những nỗ lực của những cá nhân nghệ sĩ cầm máy ảnh, với lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo, mong muốn tác phẩm của bản thân mình đến được với công chúng và đi ra với thế giới. Số lượng dĩ nhiên là cần thiết bởi vì đó là một khía cạnh để đo đếm thành tích, song chất lượng nghệ thuật mới là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Tác phẩm chụp hoa súng của nhiếp ảnh gia P.H.T 

Giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh có nhiều loại. Có không ít cuộc thi nhiếp ảnh nghe rất hoành tráng nhưng trao rất nhiều giải thưởng mang tính phong trào và nhằm mục đích là để thu lợi nhuận, với hàng trăm các giải thưởng lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn như lệ phí nộp ảnh thi khá cao, thường ít nhất từ 10 USD đến 50-70 USD cho một bức ảnh hay một series ảnh dự thi. Giải thưởng khi được thông báo sẽ kèm theo câu, chẳng hạn: Lệ phí Cúp vàng chứng nhận có giá trị 200 USD, giấy chứng nhận 35 USD, chưa kể người thắng giải phải chịu tiền ship. Do vậy cần tỉnh táo và phân biệt rõ. Ngoài ra, bản thân một giải thưởng có uy tín có thể chỉ tập trung vào một chủ đề, nhưng cũng có thể có nhiều thể loại dự thi cho nhiều đối tượng, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, với các thể loại phong phú, đa dạng như: con người, đời sống, thiên nhiên, truyền cảm hứng, thể thao, thời sự v.v… Giải thưởng quốc tế chỉ là một yếu tố và vấn đề vẫn ở chỗ giải do ai chấm, do ai tổ chức và thí sinh dự thi là những ai? Sau khi đoạt giải, thí sinh có được giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao hay không?

CẦN XÁC ĐỊNH MỘT SỐ TIÊU CHÍ

Giữa mê hồn trận các giải thưởng quốc tế đủ mức độ, uy tín khác nhau, vậy chúng ta làm thế nào để phân định. Dĩ nhiên ngoài kiến thức và sự hiểu biết về các giải thưởng, tôi cho rằng một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng ở tầm mức quốc tế thì phải có ảnh được sưu tầm/trưng bày ở các bảo tàng lớn trên thế giới hay các bộ sưu tập cá nhân uy tín, phải được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế uy tín, và dĩ nhiên giá ảnh phải cao trên thị trường. Đặc biệt là có các triển lãm cá nhân không chỉ ở Việt Nam, có các cuốn sách ảnh riêng và chung được giới chuyên môn đánh giá chất lượng tốt, có những bài phê bình nghệ thuật của những nhà chuyên môn.

Còn ở các cuộc thi trong nước, với Ban giám khảo gồm nhiều người, thậm chí nhiều thành phần với chuyên môn khác nhau, thì yếu tố nghệ thuật nhiều khi không được coi trọng bằng yếu tố nội dung, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị xã hội, thời sự, hay tuyên truyền. Tuy điều đó không sai, nhưng nên xác định rõ tiêu chí của các cuộc thi ảnh ngay từ đầu, đồng thời cũng cần chú ý đến chất lượng của các bức ảnh. Dù nội dung có hay đến mấy, nhưng những sơ sót về bố cục, màu sắc, chỉnh sửa quá tay, lạm dụng quá mức các phần mềm công nghệ can thiệp ảnh… thì những ảnh đó không xứng đáng có giải. Gần đây có một cuộc thi ảnh về mùa xuân của tờ báo Dân Trí bị nhiều nhiếp ảnh gia phản ứng vì chất lượng nghệ thuật của nhiều bức ảnh đạt giải quá thấp.

Tác phẩm chụp hoa súng của nhiếp ảnh gia K.P 

Hiện nay có hiện tượng nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đi thi các giải trong nước và quốc tế ồ ạt với nhiều giải thưởng được trao. Thậm chí có cả những cuộc chạy đua ngấm ngầm về số lượng giải thưởng giữa một số nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tôi cho rằng đi thi và thi nhiều là quyền của mỗi nghệ sĩ, khoe hay là đi đăng ký xác lập kỷ lục quốc gia cũng là quyền của của nghệ sĩ, tự đánh giá quá cao về bản thân cũng là quyền của họ. Không ai cấm/chê bai/lên án nghệ sĩ vì điều đó, vì họ không làm gì vi phạm pháp luật cả. Nhưng cần cho công chúng hiểu rõ rằng thực chất của những giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh ồ ạt, nghe có vẻ rất hoành tráng đó là gì. Công chúng yêu văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam rất cần những hiểu biết để tránh những ngộ nhận về chất lượng tác phẩm, danh xưng của nghệ sĩ. Đồng thời các nghệ sĩ cũng rất cần biết mình là ai, tự định vị được bản thân mình trong sân chơi nghệ thuật, một sân chơi khắc nghiệt đòi hỏi tài năng, công sức, sự lao động nghiêm túc, say mê…, chứ không chấp nhận sự “mua danh” hay ảo tưởng.

Nói như vậy không có nghĩa là chê bai nhiếp ảnh phong trào, vì bất cứ nhiếp ảnh gia nghệ thuật nào thường cũng bắt đầu đi từ sự say mê, ham thích và tinh thần phong trào. Một phong trào sáng tác nhiếp ảnh sâu rộng, thông qua các câu lạc bộ, sẽ như là một mảnh đất hay một vườn ươm tốt cho những nghệ sĩ có tài năng, có trình độ. Bản thân giữa tính chất nghệ thuật và phong trào của nhiếp ảnh, do tình hình đặc thù của xã hội Việt Nam, luôn có sự giao thoa qua lại. Cho nên quan điểm của tôi vẫn là cần phát triển phong trào sáng tác nhiếp ảnh ở Việt Nam trên tinh thần đại chúng, nhưng cũng cần tôn vinh những nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật thực thụ, tránh đánh đồng hai điều này với nhau.

HÀ THANH VÂN

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)