Lật tẩy chiêu trò lấy “tích cũ” soạn “bổn mới” hòng xuyên tạc hình ảnh, tư tưởng Bác Hồ!

Thứ Tư, 01/05/2024 00:12

. NGUYỄN TÚ


Bản chất của việc xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là “hạ bệ”, “giải thiêng” thần tượng dân tộc để phá hoại mối đoàn kết máu thịt Đảng và Nhân dân, tạo ra sự đổ vỡ niềm tin của người dân vào lãnh tụ, vào Đảng. Kẻ xấu đang cố gắng tạo ra một sự “nhận thức lại” trong tư tưởng của một số ít người, dần dần lan rộng ra nhiều người, đặc biệt những người có khả năng tư duy và trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ hoang mang dao động. Sự tác động này vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trước mắt vừa lâu dài, nhằm dẫn đến sự “thoát li thần tượng” góp phần làm phai nhạt tiến tới xoá bỏ sự ảnh hưởng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với một bộ phận đảng viên và quần chúng.

Bác Hồ là một vĩ nhân nên để “xuyên tạc” được các “tác giả” cũng phải có tài, có nhiều thủ đoạn tinh vi. Không ngẫu nhiên đó là những nhà văn, nhà nghiên cứu từng được coi là có “tên tuổi”, được thừa nhận, yêu mến, kính trọng. Bài viết xin vạch trần một số thủ đoạn tiêu biểu.

Nghệ thuật viết “tuồng” truyền thống thường dựa vào “tích cũ” để soạn những bản mới, mang chủ đề, ý nghĩa mới. Cách này đã quá quen nhưng được một số “tác giả” làm theo kiểu lấy “tích cũ giả” để biến thành “bổn mới thật”.

1. Như chúng ta biết từ 06/6/1931 đến 22/01/1933, Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) bị bắt giam ở Hồng Kông và được Luật sư Francis Henry Loseby bào chữa trắng án. Thực dân Pháp rất muốn được phía Anh “trục xuất” về Đông Dương để bắt Nguyễn Ái Quốc “thực thi án tử hình”. Có thể là cố ý đánh lạc hướng mật thám Pháp mà Quốc tế Cộng sản cho loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong nhà tù Hồng Kông, trên cả báo nước ngoài (The Daily Worker (Anh) 11/ 8/ 1932; L’Humanité (Pháp) 9/8/1932…) và báo trong nước (Đông Pháp, Ngọ báo 3/7/1932; Đuốc Nhã Nam 23/7/1932…). Sau khi Nguyễn Ái Quốc được thả (28/12/1932), “để đảm bảo an toàn cho thân chủ”, chính Luật sư Loseby cũng loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh phổi (1).

Sau này vẫn lấy những tin tức này, không cần quan tâm mục đích, lý do của nguồn tin, tác giả Hồ Tuấn Hùng (giáo sư sử học Đài Loan) viết Hồ Chí Minh sinh bình khảo (in 2008 tại Đài Loan) “khẳng định” Hồ Chí Minh có tên thật là Hồ Tập Chương, không phải Nguyễn Ái Quốc, vì Nguyễn Ái Quốc đã chết từ tháng 8 năm 1932. Đầu năm 2013 sách được Thái Tuấn dịch ra tiếng Việt có tên Tìm hiểu về cuộc đời của Hồ Chí Minh cho đăng trên trang điện tử Đối thoại. Để thêm có “căn cứ”, Hồ Tuấn Hùng dựa vào sách của hai nhà nghiên cứu có uy tín quốc tế là giáo sư William J. Duiker (Mỹ), tác giả của Ho Chi Minh: A life (Hồ Chí Minh: Một cuộc đời) in năm 2000; và bà Sophie Quinn-Judge (Anh) viết Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941 (Hồ Chí Minh: 1919-1941 những năm mờ dữ liệu) in năm 2003. Trên cơ sở khoa học khách quan, hai tác giả này đều nhận định cuộc đời Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có “quá nhiều bóng mờ” chưa thể giải mã. Riêng bà Sophie Quinn-Judge đã đến Matxcơva tìm hiểu kho tài liệu của Quốc tế Cộng sản về Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1924-1925 và 1933-1938 nhưng cũng chưa “tìm được câu trả lời” rõ ràng. Tại Pháp, bà cũng tìm đến nơi lưu trữ hồ sơ thuộc địa của Pháp để tìm tài liệu liên quan đến cái chết của Nguyễn Ái Quốc năm 1932 nhưng cũng “không có gì chắc chắn”. Việc làm của hai nhà khoa học trên là đúng đắn, thận trọng, phù hợp với đối tượng nghiên cứu là một nhà cách mạng nổi tiếng hoạt động bí mật dưới sự truy lùng gắt gao của chính quyền thực dân nên tất yếu phải thay tên đổi dạng… do vậy, tiểu sử làm sao có thể “sáng rõ” được. Thế nhưng Hồ Tuấn Hùng, theo lối “cắt xén”, chỉ lấy những phần “nghi ngờ” của hai nhà khoa học này làm “luận cứ” để triển khai theo ý: Nguyễn Ái Quốc đã chết vì lao phổi năm 1933!

2. Thế mà, trong một vài năm gần đây, trên nhiều trang mạng phản động lại đăng nhiều bài “dựa hơi” vào những sự kiện trên (chủ yếu từ sách của Hồ Tuấn Hùng), bịa đặt trắng trợn thêm nhiều chi tiết để xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc, mà do “một người Trung Quốc khác thế vào”, và do vậy đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, “thực chất” là đi theo, “lệ thuộc” và “phục vụ” Trung Quốc!

Lập luận của các bài viết trên, một mặt dựa vào “lập luận” của Hồ Tuấn Hùng, mặt khác, vẫn theo kiểu “mượn tích cũ” để “soạn bổn giả mới”. Ví như lấy sự kiện có thật Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh Hồ Quang (từ ngày 01/01/1938) mang quân hàm thiếu tá công tác tại Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm, không hề chứng minh, phân tích nhưng nhiều “tác giả” đã “khẳng định” lấy được: “Hồ Quang chính là Hồ Tập Chương” từ đây (tức 1938) bắt đầu “sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam”. Về điểm này, xin dẫn sự giải thích của chính Bác Hồ, nhân một đồng chí Trung Quốc hỏi: “Tại sao lại lấy tên Hồ Quang?”. Bác trả lời hóm hỉnh: “Tôi có râu, lại trọc đầu nên gọi là Hồ Quang” (vì đọc theo tiếng Bắc Kinh, hồ có nghĩa là râu, quang có nghĩa là trọc) (2). Đây là cách chơi chữ quen thuộc của Bác lý giải cách đặt tên theo đặc điểm bản thân gắn liền với ngôn ngữ, địa danh nơi sinh sống.

3. Về tập thơ Nhật kí trong tù, nhiều “tác giả” một mực cho rằng chữ viết ấy, nội dung ấy, thi pháp ấy thì “không thể một người Việt Nam nào, dù tài năng đến mấy” thể hiện được. Nên Nguyễn Ái Quốc, nếu còn sống cũng không thể là tác giả. Vả lại những năm ở Pháp, ở Nga, Hồng Kông… trước đó, sao “ông” không có bài thơ chữ Hán nào? Cái “mẹo vặt” nâng giá trị tác phẩm để loại suy tác giả này, như bàn tay chẳng che được mặt trời. Cả thế giới đã khẳng định Nhật ký trong tù là tài sản văn hóa nhân loại, được dịch ra trên bốn chục ngôn ngữ. Xin vạch ra cái “láu cá vặt” của “các ngài”, là cố tình quên: Một, Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ đã sớm tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, học giỏi chữ Hán, là trò của các bậc đại Nho (Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý,…). Hai, từ những năm 1922, 23 Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm và viết nhiều bài về tình hình Trung Quốc in trên báo L’Humanité, La Vie Ouvrière. Ba, thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc kiếm sống bằng viết báo (tiếng Trung, Pháp, Anh), có mối quan hệ mật thiết với một số yếu nhân, trong đó có bà Tống Khánh Linh). Bốn, Hồ Chí Minh viết Nhật ký… là “không chủ định” (GS Phong Lê), với tâm hồn ấy, tài năng ấy, trong hoàn cảnh tù đày, thơ đến một cách tự nhiên… Kết tinh các luồng tinh hoa văn hóa Đông Tây, kim cổ, là tiếng nói của tâm hồn vĩ đại, trí tuệ siêu việt, khí phách lớn, mỗi chữ trong Nhật ký lung linh như vàng ngọc tỏa ra thứ ánh sáng nghệ thuật điêu luyện khác thường, cũng là một lẽ tự nhiên.

Lại có “vị” ngô nghê đi so sánh “chữ viết Nguyễn Tất Thành rất đẹp, chữ Hồ Chí Minh rất xấu” cho thấy “hai người không phải là một”. Đây là quy luật có tính tự nhiên, trẻ em được rèn trong trường lớp chữ nghĩa luôn theo hướng chuẩn mực, lớn lên, do áp lực công việc, chưa nói tới việc Bác Hồ phải gánh vác muôn vàn trọng trách, phải đọc nhiều, viết nhanh, viết tắt…

4. Trên thực tế, vấn đề Nguyễn Ái Quốc có phải Hồ Chí Minh được quan tâm không phải là mới. Ngày 01/6/1946 trên chuyến bay sang Pháp, tướng Raoul Salan tháp tùng Hồ Chủ tịch hỏi có ý tò mò về đời tư (điều tối kỵ trong ngoại giao): “Trong bản Hiệp định ngày 6-3, Ngài ký tên Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính của Ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc không?”. Người đáp: “Cũng trong bản Hiệp định đó, vị đại diện của Chính phủ ngài ký tên là Sainteny, nhưng tên thật của ông ta chẳng phải là Jean Roger đó sao?” (3). Một câu đáp thật tuyệt vời của một trí tuệ nhạy bén, gần như khẳng định nhưng lại nói vòng sang chuyện tương tự để “chặn họng”, hàm ý nhắc nhở, đẩy đối phương vào thế bối rối, bị động: ngay đại diện chính phủ của ngài cũng vậy đó thôi! Cuối tháng 6/1946, một nhà báo nước ngoài hỏi: “Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?”. Với sự khiêm tốn Bác hóm hỉnh trả lời: “Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi” (4). Tại sao lại nói “khiêm tốn”? Vì Nguyễn Ái Quốc đã sớm là một người cộng sản nổi tiếng, tháng 6/ 1919 đã có Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây và là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp…

Trong chuyên luận Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh, chúng tôi chứng minh Hồ Chí Minh là người “Việt Nam nhất” (5). Chỉ xét ở mục đích trào phúng, trong các tác phẩm, Bác Hồ có 232 lần sử dụng các dẫn ngữ (tr 329). Mà ai cũng biết thành ngữ, tục ngữ là sự kết tinh lời ăn, tiếng nói có mạch nguồn từ đời sống tâm hồn, trí tuệ nhân dân. Không phải là người Việt Nam làm sao dùng được nhiều dẫn ngữ, chưa nói tới việc Bác dùng rất đa dạng, phong phú, nhiều hình vẻ, sắc thái và rất mực tinh tế.

Đối với Bác, trên đất nước mình, đâu cũng là quê hương, những ấn tượng ấu thơ sâu sắc thì Người không bao giờ quên. Xin kể chuyện người thật, việc thật. Chị Trần Thị Nhâm (tức Trần Thị Lý) kể “Có hôm, trong bữa ăn, Bác hỏi tôi: “- Cháu ở Quảng Nam có ăn thứ bánh tráng, một cái nướng, một cái ướt đập lại, cuốn với cá trích, rau muống rồi chấm với nước mắm không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi Bác sao Bác biết, Bác bảo ngày trước ở Huế, vào Quảng Nam và Bác thích món ăn đó” (6).

Liệu có ai tin được Bác Hồ không phải là Nguyễn Sinh Cung thời niên thiếu từ những dẫn chứng này?

N.T

----------

(1). Nguyễn Văn Khoan (2004). Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931. Nxb Văn học, tr 88.

(2). Đặng Quang Huy (2012) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 29.

(3). Nhiều tác giả (2009) - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, tr 124.

(4). Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 67.

(5). Nguyễn Thanh Tú (2010) - Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 329.

(6). Trần Đình Việt, Trần Đương (1985) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, tr 122.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)