Thế giới siêu thực của Phạm Duy Nghĩa

Thứ Sáu, 18/11/2022 07:29

Gồm 12 truyện ngắn, tập truyện Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa (Tao Đàn và Nxb Hội nhà văn liên kết ấn hành) đã cho thấy một phong cách văn chương khác biệt, có sự giao hòa giữa mới và cũ, Đông và Tây, hiện thực cùng với siêu thực. Đọc Phạm Duy Nghĩa là đi vào một phạm trù khác, nơi thế giới với những nhân vật, bối cảnh, cốt truyện… nằm ở nhiều vùng không-thời gian khác nhau, tìm đến với nhau thông qua tiếng nói hiện thực chung.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Một điểm độc đáo trong các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa là sự ma mị, liêu trai đã được thể hiện vô cùng rõ ràng. Đó có thể là những hồn ma bóng quế, những oan hồn, vong âm… còn chứa quá nhiều trăn trở chưa thể chuyển kiếp. Đâu đó còn là chuyện hậu tận thế, với người có thể bay, với bệnh dịch và cả khoa học - viễn tưởng… Thế giới văn chương của Phạm Duy Nghĩa mở rộng biên độ một cách liên tục, để từ những phát kiến mới, những chủ thể mới, hiện thực đã được phản ánh một cách mới lạ và rất sát sao.

Tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa.

Tuy vậy thế giới tâm linh, không gian siêu thực không được dùng như một yếu tố giật gân hay cố khoác lên dáng vẻ bi kịch, mà thông qua đó, người đọc có dịp soi chiếu, thấu thị phía trước tương lai, từ đó điều chỉnh những ngày hiện tại của bản thân mình. Những chủ thể tâm linh, nắm giữ tinh thần… tuy thế vẫn đầy nhân tính, thực sống và có tồn tại như một con người.

Như thể trong truyện Con ma trong hội xô xe, trong khi những “nhân vật” tìm kiếm một báo thù, thì vẫn có người đứng ra giãi bày, hòa giải, từ đó nói đến vấn đề lấy oán báo oán, oán oán trùng trùng. Hay trong truyện Chiếc áo second hand, Trong nắng huy hoàng hay Khí lạ, âm hồn trú trong con người không nhằm mục đích nào khác ngoài việc “ở trọ”, từ đó cố gắng kết nối với những vấn đề họ chưa làm được trong đời sống thực. Phạm Duy Nghĩa mang tính người vào những motif kể trên, để cho thấy rằng dù sao đi nữa họ cũng có câu chuyện riêng, và luôn trăn trở với những lo toan của bản thân mình.

Một khía cạnh khác trong các truyện này cũng đáng chú ý đó là các truyện hậu tận thế, sinh thái và dịch bệnh. Hai truyện đặc sắc bao gồm Gió xanhThành phố biến mất thể hiện rất rõ điều này. Trong hai cốt truyện có phần đối lập, Phạm Duy Nghĩa vạch rõ hai tuyến suy nghĩ, về tính hư không và một thế giới nơi những ý chí tư hữu vẫn luôn tồn tại. Hai truyện ngược hẳn với nhau, một nơi con người như được “giặt não” với “buổi tiệc mắt”, với “bệnh yêu đời” và “bệnh trong sáng”; và phía bên kia theo kiểu dystopia nguyên bản, nơi tội ác liên tục ẩn giấu… Thế nhưng cùng hướng về một thế giới toàn trị, nơi cá tính bị triệt tiêu, có thể là bị đồng hóa hoặc do đàn áp, nhưng đều mong manh và dễ sụp đổ bất kì lúc nào.

Thông qua yếu tố kể trên, khát khao tự do, vượt qua khó khăn cũng được thể hiện một cách đặc sắc. Truyện ngắn đầu tiên, Sài thục, là một câu chuyện hướng về điều đó, với những hiện thực cũng như sự kiện bao phủ lấy người phụ nữ đến muôn nghìn đời. Trong câu chuyện này, người mẹ với ý nghĩ nổi loạn, vi phạm “hiến pháp gia đình” rằng chỉ được ăn mỗi món sài thục… đã vươn mình dậy, chạy khỏi hiện tại để đến với vùng tự do mình hằng khao khát. Tuy thế bà không bỏ được máu mủ của mình, từ đó dẫn đến muôn vàn bi kịch. Thế nhưng sau cuối, Phạm Duy Nghĩa vẫn cho thấy rằng mọi thứ trên đời đều do con người đặt ra và cũng chính họ tự mình phá vỡ.

Cũng nằm trong mạch chính này là những truyện như Người bay hay Con dê xanh trên núi tuyết. Lấy tình tiết khoa học - viễn tưởng về một cậu bé có thể lướt bay, cũng như một người chăn dê ấp ủ khát khao đến vùng đất mới… Phạm Duy Nghĩa cho thấy những sự khác biệt có thể bị dập vùi, và bị đàn áp đến mức độ nào. Bởi cho đến cùng tự do hay là tù túng, mọi thứ đều là tạm bợ. Chỉ biết chính những cá thể một lần tận hiến, như cậu bé đến Ukraine, như con cừu của ông Seguin trong truyện của Daudet… mới là thực nhất và sống động nhất, trong những khát khao hướng đến chứng minh chính bản thân mình.

BỐI CẢNH VÀ TÍNH HIỆN THỰC

Có điều kì lạ là tuy khá nhiều truyện ngắn được đặt bối cảnh trong vùng Tây Bắc, thế nhưng những miêu tả của Phạm Duy Nghĩa lại rất Đông Âu, gợi nhớ tới những tuyệt tác của Mikhain Prisvin hay Ivan Bunin. Những đoạn văn tả cảnh se sắt buồn và chốn hiu quạnh, với đồi tranh, cây thích, rừng sồi, lau lách, cây sở, bạch đàn… như một bức tranh được họa từ những họa sĩ phương Tây. Hay như trong truyện Con dê xanh trên núi tuyết, chưa đến những đoạn nhắc đến Alfonse Daudet thế nhưng qua những mô tả, người đọc vẫn có thể thấy một sự đồng hướng đến tác giả này.

Trong các truyện ngắn mang nhiều đặc trưng huyền ảo - siêu thực, hai màu vẫn được Phạm Duy Nghĩa thường trực sử dụng là lam và đỏ, như ngầm báo hiệu cho những tội ác đang dần lấn tới. Nếu lam từng là màu sắc cực hiếm trong nền hội họa nhiều thế kỉ trước, khi để vẽ được những bức tranh Thánh người ta phải đến những vùng đất xa, tranh chấp hoặc mua bằng tiền, để tỏ bày được tấm lòng kính cẩn… thì đỏ là màu của máu, của sự tanh tưởi và của giành giật, đua tranh trong cuộc sống này. Hai màu liên tục xuất hiện và hòa vào nhau, với vẻ tự hủy và cái mong manh, lúc còn lúc không của gió, hoàng hôn và vầng mặt trời lặn trong lũng sâu.

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa.

Ngoài những đặc trưng rất riêng biệt đó, thì yếu tố thời sự, hiện thực vẫn liên tục xuất hiện trong các truyện ngắn. Trong nhiều khoảnh khắc, ta thấy được sự nhỏ bé cùng những khát khao có phần tầm thường của chính con người. Đặt trong vị thế của một thiên nhiên tươi đẹp, sự tương phản giữa con-người-đô-thị và con-người-tự-nhiên cũng được đặc tả vô cùng đặc biệt.

Trong truyện dài nhất Đi về vùng thảo nguyên, bằng những ràng buộc với cuộc sống đô thị, người đọc cảm giác được sự buông bỏ, xa cách cũng như tự do một khi đứng riêng với những điều ràng buộc. Trong nắng huy hoàng cũng là một truyện tương tự như thế, với người anh hùng không biết sợ, lên tiếng cho điều bất công trong cuộc đời này, và dĩ nhiên là không thoát khỏi quy luận muôn đời của mạnh - yếu và những lực lượng ắt hẳn suy vong.

Như một câu nói của nhân vật Vũ trong truyện Người hùng biết sợ “Đời như que diêm ẩm, sao đòi đốt cháy cả khu rừng?”, con người trong các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thường trực nhỏ bé và luôn tách biệt với số phận đã được định trước. Đó là sự thay đổi của người thanh niên từng mặc áo thun rực lửa, từng dùng máu nhuộm bài thơ… thế nhưng khi đứng trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ cũng liên tục thay đổi để mà có thể tồn tại trong cuộc đời này.

Bởi vì cuộc đời lộn xộn nên xã hội còn kẻ vô minh. Và từ vô minh sản sinh ra chính cái ác, nên con người, kiếp này và chính kiếp sau luôn luôn trở đi trở lại trong các sáng tác của Phạm Duy Nghĩa. Tuy thế đâu đó vẫn tồn tại những đốm sáng cháy rực của nhân tính, khi con người biết buông bỏ, cũng như bằng lòng trước hiện thực này.

Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa có phần độc đáo và mang đến được những cá tính riêng. Trong một thế giới siêu nhiên của linh hồn, ma quái và đầy liêu trai…. những truyện ngắn này mở ra một cánh cửa khác, nơi con người ta được soi chiếu mình. Giàu những vẻ đẹp của tính hội họa trong bộ óc liên tục bật ra những cốt truyện mới, truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa là một vùng đất rất cần khám phá, để nhiều mặt trời thay nhau rọi sáng trong nền văn chương đương đại.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)