Khúc bi tráng thứ tư

Thứ Hai, 31/10/2022 16:47

. HOÀNG THỤY ANH
 

Gặp Bùi Việt Thắng dẫu chỉ là những buổi chuyện trò không dư dả thời gian ở các hội thảo, hội nghị hay trại viết nhưng tôi thu được nhiều “lợi nhuận” về nghề. Bởi, anh luôn ưu ái chia sẻ với tôi những hoạt động của văn học, thẩm bình tác phẩm đang “hot”, bàn về phương pháp phê bình mới. Kiểu mẫu con người nghiêm túc, chỉn chu, cần mẫn ngoài đời này của anh cũng được hiển thị sinh động trên các trang anh viết. Anh luôn hết mình, kĩ càng soi rọi từng tác phẩm, từng hiện tượng, xuất trình những cách tiếp cận đa dạng để người đọc có cái nhìn đa chiều. Với kiến thức dày dặn, phương pháp phê bình bài bản, hành văn mạch lạc, giản dị, anh liên tục thâm nhập, khám phá sự vận động của văn học Việt Nam qua hơn chục đầu sách, làm nên “bút hiệu” Bùi Việt Thắng.

Bùi Việt Thắng sở hữu khá nhiều phần thưởng: Tặng thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2013 ở hạng mục Lí luận phê bình cho tiểu luận Chặng đường dài của tiểu thuyết ngắn; Tặng thưởng Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2017 cho tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay; Tặng thưởng Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2019 cho chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết Việt Nam hiện đại; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019 cho chuyên luận Hà Nội từ góc nhìn văn chương.

Nếu trước đây Bùi Việt Thắng được biết đến là nhà phê bình chuyên về văn xuôi thì tập tiểu luận - phê bình Khúc bi tráng thứ tư của anh do Nxb Quân đội nhân dân vừa ấn hành quý 2/2022 cho thấy anh còn mở rộng phạm vi quan sát và khảo sát sang cả địa hạt thơ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đối tượng chính mà cuốn sách mới nhất này của anh hướng đến vẫn là văn xuôi, như một quán tính, một sở trường, một thuận tay của chủ thể phê bình. Dẫu vậy, trên cái nền văn học chiến tranh, anh đã xóa nhòa mọi ranh giới thể loại, xem xét hệ thống, thâu tóm về một thực tiễn sáng tác mà chính anh đã nhiều lần nhấn mạnh nhận định của nhà văn Chu Lai “chiến tranh là một siêu đề tài, người lính là một siêu nhân vật”, văn học viết về chiến tranh là những “khúc bi tráng”.

Khúc bi tráng thứ tư thêm lần nữa cho thấy Bùi Việt Thắng là người đọc nhiều, đọc kĩ và đọc có hệ thống. Mỗi bài phê bình không nằm trong một khung khép kín mà luôn có sự đào xới, mở rộng. Anh phân tích, đánh giá tác phẩm, giai đoạn, thời kì dựa trên cái nhìn liên văn bản: xâm nhập, xâu chuỗi và liên đới. Viết Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn, anh đặt các tác phẩm của các nhà văn trong sự so sánh về thời kì, giai đoạn, về khoảng cách giữa các thế hệ, về khuynh hướng nghệ thuật, quan niệm, tư tưởng và cả về sự đan xen thể loại ngay trong một thể loại. Để làm rõ mệnh đề Hi sinh lớn cũng là hạnh phúc, anh triển khai ở cấp độ khái quát giai đoạn và minh chứng bằng những gương mặt thi nhân nổi trội. Do vậy, khi được soi xét trong sự va đập, giãn nở, văn bản phê bình của anh luôn hấp dẫn người đọc. Sự cộng hưởng của các bài viết cho người đọc cái nhìn thấu đáo hơn về thi pháp tiểu thuyết, truyện ngắn và thi pháp thi ca. Ví dụ, thông qua sự diễn giải, phân tích về tiểu thuyết trong các bài viết của anh, người đọc có thể rút ra những đặc trưng về thể loại “cỗ máy lớn” ở nhiều mặt như: kết cấu, không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện, bút pháp… Sự giàu có của văn bản phê bình theo đó cũng được bồi đắp dần lên. Về phía người đọc, họ vừa tham dự vào cấu trúc phức hợp giữa các tác phẩm của một nhà văn, vừa có cái nhìn tương liên với các tác phẩm của các nhà văn khác.

Phê bình của Bùi Việt Thắng không nệ lí thuyết, nếu cần thiết dùng đến lí thuyết thì lí thuyết được ẩn khéo léo. Bề mặt là sự luận giải gần gũi, sinh động, đa dạng, giàu tính biểu cảm, bề sâu là học thuật, trí tuệ. Do vậy, phê bình của anh dễ đáp ứng sự tiếp nhận của nhiều đối tượng nhưng vẫn chừa những khoảng trống vẫy gọi người đọc suy ngẫm, đòi hỏi cao ở khả năng tư duy tổng hợp. Viết về Lính trận, anh đặt nó trong dòng chảy tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh để thấy quá trình chuyển mình, từ một Trung Trung Đỉnh viết bằng sự quan sát trực quan, mạnh về bản năng đến một Trung Trung Đỉnh giản dị, sáng rõ và cô đúc trong cách viết. Trong 29 bài viết, văn phê bình của Bùi Việt Thắng hay sử dụng câu hỏi tu từ nhằm mục đích nhấn mạnh, gây sự chú ý đồng thời lật lại vấn đề đã tranh biện, diễn giải: “Nhưng biết đâu nhà văn đã lén lau những giọt nước mắt khi viết như thế?!” (tr.33); “Chúng tôi nghĩ đó là ý đồ nghệ thuật của người viết: cuộc chiến tranh ác liệt đã đổ xuống đầu của bất kì ai trên dải đất hình chữ S này, trong mấy chục năm trời, nhưng có lẽ với người phụ nữ (và trẻ thơ) thì nó khốc liệt hơn, đau đớn hơn, và cũng có thể ám ảnh dai dẳng hơn chăng?” (tr.36); “Một dân tộc, một thế hệ, một cá nhân nếu không gìn giữ được kí ức lương thiện thì sẽ như thế nào?” (tr.241)... Những thực hành phê bình của Bùi Việt Thắng vì thế thường ở trạng thái động, mở về phía tác phẩm, tác giả lẫn người đọc, gây tạo được sự kích thích. Và hơn cả, bản thân anh - người viết phê bình - không bị lặp lại chính mình.

Đối tượng phê bình của Bùi Việt Thắng đa phần là những bạn văn, đồng nghiệp cùng thời, đã có tiếng nói trên văn đàn về đề tài chiến tranh và người lính. Yếu tố đa cùng (cùng thời, tương đồng) giúp anh dễ dàng trở thành người trong cuộc, hiểu và nắm chắc về tác phẩm, tác giả. Sự thân thiết, tình cảm với các bạn văn được anh bộc bạch ngay trong các bài viết, ví như “tôi đã âm thầm theo sát”, “tôi đeo bám sát sao”, “tôi đã nhập được”, “sự quan sát của riêng mình”… ít nhiều giúp người đọc bổ sung phần nào đó về chân dung cụ thể, chân thực của người được dựng. Song chân dung anh dựng không sa vào đời tư, thường được lồng ghép, mượn cớ để nói đến chuyện bếp núc sáng tạo, chuyện thăng trầm của những đứa con tinh thần. Nói về Lê Minh Khuê, anh cài cắm cuộc đời nhà văn vào tác phẩm một cách tế nhị mà không kém phần sang trọng: “Sau tập truyện ngắn Bi kịch nhỏ (1993), chị vấp phải một vài khó khăn nhưng rồi nhanh chóng vượt qua vì người ta nhận ra cái thiện ý và nhiệt huyết của một nhà văn từng trải qua chiến tranh, từng cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp chung, từng có tác phẩm được chọn vào chương trình Ngữ văn lớp 9 - một truyện ngắn xinh xẻo, đằm thắm tình người, tình đời - Những ngôi sao xa xôi” (tr.29); “Tôi tin là trái tim nhà văn đã bị bóp nghẹt trong khi cố gắng bình tĩnh để kể lại với độc giả một trong nhiều câu chuyện chiến tranh đang bị thời gian và thói vô tình của con người lãng quên” (tr.33). Như vậy, ngay trong sự giao thoa giữa trục cuộc đời và trục văn chương, Bùi Việt Thắng đã bộc lộ kiểu tư duy phê bình chặt chẽ, có tính phát hiện, thuyết phục cao. Anh chỉ ra nét riêng của mỗi nhà văn nhưng đồng thời cũng thể hiện được cái “tôi” bản lĩnh, tài năng, đối thoại, phản biện một cách thuyết phục. Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy lâu nay vẫn được nhận định là tiểu thuyết chiến tranh, nhưng dưới cái nhìn, lí giải của Bùi Việt Thắng, soi chiếu trong bối cảnh văn chương hôm nay, nó nghiêng về tiểu thuyết thế sự - đời tư, nó không đơn giản chỉ là chiến thắng của nhân dân mà còn là “chiến thắng của văn hóa”. Bùi Việt Thắng không tham lam diễn giải nhiều vấn đề mà xoáy sâu vào một đặc điểm, nét riêng nào đó, đủ để bật lên cái được cái hay của tác phẩm cũng như cá tính, phong cách của mỗi nhà văn. Nguyễn Trọng Luân viết về chiến tranh theo cách nhìn vào mặt sau của tấm huy chương. Nguyễn Hùng Sơn thuộc số nhà văn viết theo lối trung thành với sự thật chiến tranh nhưng không hề có ý bôi nhọ. Với Mưa đỏ, Chu Lai ít “diễn” hơn trong hành trình tiểu thuyết của mình… Những nhận định kiểu như thế cho thấy sự cẩn thận, khéo léo, sâu sắc, sòng phẳng của ngòi bút phê bình Bùi Việt Thắng.

Sắp xếp các hiện tượng văn học theo một hệ thống đề tài, thể loại chặt chẽ, Bùi Việt Thắng đã tạo ra văn bản lớn - Khúc bi tráng thứ tư. Trong đó là sự quyện hòa của nhiều văn bản nhỏ: bút pháp chân thực trần trụi của Lê Minh Khuê, Nguyễn Trọng Luân; dấu ấn nữ quyền của Lê Lan Anh, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, quyền uy tiểu thuyết tư liệu của Trần Mai Hạnh, Trầm Hương, Nguyễn Bảo…

Bùi Việt Thắng chân thành: “Những bài viết ra, dù được in hay không, tôi cũng cố gửi cho nhà văn để đọc cho vui” (tr.29). Điều này xác tín giữa nhà phê bình và nhà văn, nhà thơ luôn hướng đến mối quan hệ bầu bạn, tâm giao. 29 bài viết trong tập sách đầy lên thái độ liên tài, văn nhân tương… kính, nhưng cũng không vơi thái độ thẳng, thật. Khúc bi tráng thứ tư, do vậy, vừa là tâm huyết, vừa là bản lĩnh của một chủ thể phê bình.

H.T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)