Lửa như là bản mệnh

Thứ Sáu, 14/10/2022 07:32

. BÙI THỊ DIỆU
 

Trong ngũ hành, hành Hỏa có biểu tượng là hình ảnh ngọn lửa, màu đỏ; trường năng lượng Hỏa là trường năng lượng cơ bản nhất của vũ trụ, biểu hiện ra chính là tia sáng, dòng điện và ngọn lửa. Lửa khởi nguồn và nuôi dưỡng sự sống. Lửa trở thành biểu tượng cho năng lượng, khát vọng, sự tiến bộ, văn minh. Nhà thơ Đỗ Thành Đồng sinh năm 1964, là người thuộc mệnh Hỏa. Lửa là tập thơ của anh do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2021. Lửa như là tiếng lòng, là bản mệnh thi sĩ. Qua Lửa, ta thấy có tự vấn, đốt cháy để khởi sinh, đập vỡ để tái tạo, nhận chân và tiếp năng lượng.

Cuộc đối thoại với bản thể vốn diễn ra thường hằng. Lửa, trong bản chất của thi ca là tự vấn với những hoài nghi rất rõ ràng và có ý thức. Trong Lửa, thi sĩ trò chuyện với mình. Dày đặc những nghi vấn chất đầy suy tưởng và trăn trở như những phân mảnh để tìm về bản thể. Dễ nhận ra sự phong phú, đa dạng trong góc nhìn đem đến cái nhìn khá đầy đủ về chân dung người thơ Đỗ Thành Đồng.

Tập thơ bắt đầu với bài thơ Một ngày: có nụ cười đi qua buổi sáng/ chiếc lá vàng nở hoa/ vào đôi mắt ngả màu nâu xỉn… Ngày bắt đầu bằng nụ cười đi qua buổi sáng trong độ phôi pha. Ngày được nuôi bằng nỗi nhớ cảnh báo khổ đau và hiểm nguy. Ngày là mưa nắng tàn phai, thối rữa, chết chóc. Ngày là rơi vỡ, mất mát và tiễn biệt. Dồn nén nhiều cung bậc tâm trạng, bài thơ như một hành trình tâm thức của nhà thơ. Cả tập thơ góp nhặt nhiều khoảnh khắc của ngày, của đời, nhận chân bản ngã, thắp Lửa hi vọng và sáng tạo.

Bản thể thi sĩ tự soi chiếu để nhận ra mình từ hình hài đến tâm tính, từ nỗi đau đến khát vọng. Đỗ Thành Đồng không ngại nói về mình, mổ xẻ bản thân. Từ điểm nhìn hiện tại, anh phác họa chân dung mình: sợi tóc bạc giữa ngày hoang hóa/ ánh mắt nước bạc phù sa (Có thể); đôi mắt ngả màu nâu xỉn/ mẹ già nhổ cho con trai sợi tóc bạc (Một ngày). Người đã có tuổi rồi, người đã bạc màu rồi. Nhưng người còn nguyên sự ngay thẳng chân thật, khảng khái và bộc trực, đắm say và thủy chung: ai có thể thay đổi được tôi/ nỗi lòng nếp nhăn phố cổ/ trái tim tượng đá đền thờ/ câu thơ nhồi máu (Có thể). Phố cổ trầm tích văn hóa, tượng đá đền thờ bền vững tôn nghiêm, nỗi niềm suy tư căng chật trong mạch máu. Còn nguyên trong Đỗ Thành Đồng là nỗi khát, niềm yêu, lòng ham sống ban sơ: anh muôn đời vẫn thế/ thổi bùng bỏng cát miền yêu (Tự nhiên); mười ngón tay mạch nguồn/ chảy trước ngàn năm và mãi mãi/ chảy muôn sắc ánh sáng (Ánh sáng). Và còn nguyên là nỗi buồn: trời cho tôi giọt lệ/ làm bạn với ban mai/ trời cho tôi nỗi buồn/ để đêm khoe với cỏ/ trời cho tôi không ngủ (Hình hài). Nỗi buồn đến cùng đêm: anh là kẻ lấy sương đêm làm bạn/ cô đơn lót ổ lá khô/ đêm tấm thảm trải vào đôi mắt/ đau thương tự do nẩy mầm (Mặt đêm). Nỗi buồn muôn hình vạn trạng không thể nào khác được khi nghĩ về phận người, về cõi trần gian tục lụy. Điều đáng quý trong nỗi buồn của thi sĩ là sự tỉnh thức, nhận ra bản chất người-đời đồng nghĩa với mong muốn vượt lên cái tầm thường, hướng tới thiết lập những giá trị sống hữu ích và nhân văn.

Bản thể được soi chiếu trong kết nối đa chiều, đặc biệt là kết nối với nguồn: mẹ, quê hương, vũ trụ. “Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn” (Nguyễn Huy Thiệp). Gốc rễ nhà quê ấy với Đỗ Thành Đồng như là một niềm kiêu hãnh: tôi đã đi không hành lí thời gian/ sợi rơm rối ngón chân bùn đục/ tà áo rách buộc lời ru mẹ/ nắng trên đầu chảy gót nhà quê (Có thể). Sự chân thành mộc mạc, tình thương, tính cách thẳng ngay… cũng được sản sinh từ rơm rạ bí bầu thương mến ấy. Và mẹ. Mẹ già nhổ cho con trai sợi tóc bạc. Mẹ ru con lời ầu ơ. Anh trẻ con/ thơm mùi cơ cực của mẹ (Né). Anh về tắm mồ hôi mẹ/ bỏ nghiêng một nửa bầu trời (Với trăng). Mẹ là nguồn sáng của “anh”, mạnh mẽ và rực rỡ. Quá trình trải nghiệm đời sống và tu tập thân tâm giúp thi sĩ nhận ra “mình là ai”. Có khi anh hoài nghi: có thể nghìn năm sau/ anh vẫn không biết mình là ai (Là ai). Có khi anh hoảng hốt kiếm tìm mình, sợ đánh mất bản thể, sợ bán linh hồn cho quỷ dữ: lạy trời/ đây không phải là tôi (Nhìn). Tuy nhiên, ở nhiều bài thơ khác, anh nhận biết bản thân thuộc về tự nhiên. Sinh ra trong tiếng sấm rền lật ngửa cơn giông, trong hỗn độn tiếng chuông/ ngân từ nghìn kiếp trước, trong tiếng chuông tiền kiếp, trong thanh âm rung mười ngón tay… Và sẽ ra đi một ngày nào đó/ trong hình hài gió mưa (Hình hài). Anh nhận biết mình chính là em/ phía không có mặt trời/ nơi những câu thơ thức giấc (Thanh âm). Anh gọi đứa trẻ ơi thức dậy/ xin trời đất cho anh làm đứa trẻ/ bước vào tinh khôi (Tâm sự). Hơn hết, anh thấy mình là một kẻ nghiện làm người, biết được sứ mệnh bản thân trong kiếp sống, trong hành trình của linh hồn. Như vậy, sự tìm kiếm và nhận biết của Đỗ Thành Đồng về bản ngã khẳng định thêm rằng cá nhân là một phần trong vũ trụ, hay chúng ta là một, chúng ta là những phân mảnh của vũ trụ. Kết nối với nguồn cũng là kết nối với bản thể, với năng lượng sáng tạo, tức là trở về với chính mình.

Thơ như là một biểu hiện của bản thể hay thơ là một phiên bản của nhà thơ. Thơ cũng là một cách, một con đường đến với cuộc đời. Tìm kiếm và lí giải duyên nợ với thơ, Đỗ Thành Đồng có “kiếp thơ”: trước thơ/ cả tôi và anh/ đứa trẻ. Thơ là hành động thường trực mỗi ngày để dứt ra khỏi mơ hồ, bước vào cuộc sống: anh bắt đầu nhen lửa/ nấu cháo cho thơ (Mơ hồ); để giữ nếp sống an lạc mà kiêu hãnh: vẫn là tôi sáng mai thức dậy/…/ nhặt thơ bỏ vào túi áo/ khổ đau mà/ cười (Có thể). Có khi thơ là nỗi yếu mềm, cay đắng: anh gõ mùi cô đơn bất lực/ câu thơ không thể ngẩng đầu (Chuông); anh gắp nỗi đau bằng câu thơ lệch (Bữa tiệc); đêm nay thơ phải viết cho vần (Nghẹn). Có khi anh dùng thơ để nói về một kẻ khác, một bản thể khác: mặt trời có biết không/…/ những bài thơ cầy sấy (Mặt trời). Lại có khi, thơ như là khách thể, kẻ bên ngoài: tứ thơ bận giăng biểu ngữ/ câu chữ vô hồn (Bận). Tuy nhiên trước sau Đỗ Thành Đồng xem thơ là tài sản lớn nhất đời anh, là tình yêu và hi vọng của anh: em cứ tin thời gian là lửa/ soi rõ mọi linh hồn/ mỗi câu thơ anh gói ghém/ nở đầy môi con (Ra đi). Thơ nối dài nỗi mình, nối dài bản thể.

Đỗ Thành Đồng nhạy cảm với thời cuộc, tinh tường trong mắt nhìn nên thơ anh cũng là những trang đời nóng hổi. Anh viết về sự kiện 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh quốc năm 2019: một phút thôi khi nghĩ về em/ con chữ tôi tắt thở (Buốt); về sự kiện lũ chồng lũ miền Trung năm 2020: những bài thơ vô thần/ không thể gõ tiếng chuông tụng niệm (Bật khóc), đêm nay anh bất lực với thơ bất lực (Thức). Đỗ Thành Đồng tự vấn về trách nhiệm của thi ca với cuộc đời, về ý nghĩa thực sự của thi ca. Trước thiên tai và nhân tai, thơ anh không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân mà còn tham vọng truy tìm căn nguyên của vấn đề, sự việc. Những câu thơ xót thương, đau đớn, bất lực, phẫn nộ… thức dậy ý thức dấn thân. Ở Đỗ Thành Đồng, lời cầu nguyện trong thơ thường dẫn đến những hành động thiết thực cụ thể tương ứng trong đời sống.

Đúng như tên gọi, sức mạnh của Lửa được tạo nên bởi trường ngôn từ và liên tưởng của lửa. Từ điển tiếng Việt đưa ra hai nghĩa của lửa là: 1/ nhiệt và ánh sáng phát sinh đồng thời từ vật đang cháy; 2/ trạng thái tinh thần, tình cảm sôi sục, mạnh mẽ(1). Tình yêu bùng cháy, nỗi tức giận đốt cháy, thiêu rụi… là những cách nói, cách tư duy quen thuộc của người Việt bởi có lẽ tình cảm con người cũng như Lửa, luôn tỏa ra năng lượng. Trong tập thơ này, “lửa” xuất hiện trực tiếp 16 lần, được dùng với nhiều ánh xạ mang tính ẩn dụ. Đặt trong ngữ cảnh bài thơ, tính ẩn dụ được hỗ trợ bởi tổng thể văn bản nên rõ nét và đầy đủ. Lửa ẩn dụ cho đam mê: anh bắt đầu nhen lửa/ nấu cháo cho thơ. Lửa ẩn dụ cho ham muốn: mặt trời phát ra tia lửa/ giúp họ đun sôi tính toan; từng sợi tóc như lửa. Lửa ẩn dụ cho linh hồn, thế giới linh hồn: ngọn lửa buồn leo lét thân bồ liễu; ở nơi ấy ai khời ngọn lửa. Lửa ẩn dụ cho sự giác ngộ: đôi mắt rực sáng/ rơi ngọn lửa mặn chát. Lửa ẩn dụ cho sự hủy diệt: nỗi đau như lửa ngún, những ngôn từ như lửa; tôi nhìn lên núi cao chỉ thấy lửa và nước/ tôi nhìn xuống biển chỉ thấy nước và lửa. Riêng trong bài thơ Lửa, lửa ẩn dụ cho tình người, sự kết nối sẻ chia: chúng mình là kẻ qua đường/ gặp mùa đông nên cần nổi lửa. Đây có thể coi là một ẩn dụ mang tính phát hiện của Đỗ Thành Đồng. Ngoài ra, những hình ảnh gợi liên tưởng về lửa như mặt trời, ánh sáng, máu, phỏng rộp, rừng rực, chói chang, cháy khan, say nắng, khét… cũng góp phần không nhỏ tạo nên sức nóng của tập thơ.

Thân thể, ngôn ngữ cơ thể (body language) cũng được Đỗ Thành Đồng xem như là phương tiện truyền lửa, lan tỏa năng lượng. Những danh từ như khuôn mặt, mắt, tóc, ngón tay, bàn chân, khóe miệng, trái tim, chiếc lưỡi, hàm răng, vầng trán, máu, lồng ngực, môi, mái tóc…, như nụ cười, lời ru, câu hát, cái chết, nụ hôn, mồ hôi, dòng lệ… cùng với các hành vi cơ thể bằng ngôn ngữ được dùng đậm đặc. Các yếu tố thân thể trong thơ anh không mang tính nhục cảm mà kéo thơ về phía con người xã hội. Đặc biệt ấn tượng là hình ảnh bàn tay, cái nắm tay, bắt tay… biểu đạt sự kết nối cảm xúc trực tiếp, và hình ảnh mắt, ánh mắt, đôi mắt… biểu đạt sự kết nối thế giới nội tâm phong phú, phức tạp. Lớp từ vựng liên quan đến thân thể, ngôn ngữ cơ thể trong Lửa phản ánh thế giới vô thức, phần bản thể sâu kín của nhà thơ. Đỗ Thành Đồng không chỉ có nhu cầu, khát khao tìm về chính mình mà còn luôn khát khao được kết nối với người khác, biểu hiện đặc tính hướng ngoại rõ nét.

Thơ ca với Đỗ Thành Đồng như hơi thở. Đó là thứ hơi thở của đời sống, mang đậm tính triết lí, có chiều sâu tư tưởng, kéo con người lại gần với cuộc đời. Nói cách khác, thơ ca với anh chính là Sống, là một thứ tôn giáo dấn thân hành động cho một cuộc sống nhân văn và tốt đẹp.

B.T.D

--------

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2014, tr.773.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)