Những bông hoa mùa xuân trong văn học thiếu nhi

Thứ Ba, 17/01/2023 15:06

. TRỊNH ĐẶNG NGUYÊN HƯƠNG
 

1. Truyện thần thoại, cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới thường hình dung về mùa xuân như một nữ thần, một nàng tiên xinh đẹp và nhân hậu như Nữ thần Mùa xuân Persephone - thần thoại Hy Lạp, Nữ thần Mùa xuân Ostara trong thần thoại Bắc Âu, Flora - Nữ thần Mùa xuân trong thần thoại La Mã, Nàng tiên mùa xuân (truyện cổ tích một số nước châu Á)… Nàng tiên này có chiếc đũa thần hoặc có phép màu để chỉ trong tích tắc, vạn vật sẽ đổi thay. Người Moldova kể về sự tích mùa xuân gắn liền với cuộc chiến đấu để giành lại Mặt Trời. Chuyện kể rằng cả thế gian tăm tối khi Mặt Trời bị một con rồng bắt cóc và giam giữ. Cho tới một ngày, có chàng trai dũng cảm đã tiêu diệt con rồng và giải thoát cho Mặt Trời. Khi những giọt máu ấm nóng của chàng trai dũng cảm nhỏ xuống cũng là lúc tuyết dần tan, những bông hoa vươn mình thức dậy từ trong băng giá. Đó là hoa thuỷ tiên báo hiệu mùa xuân đã đến. Mùa xuân gắn liền với việc con rồng (biểu tượng cho cái ác) bị tiêu diệt, Mặt Trời (tượng trưng cho ánh sáng, cái đẹp, cái thiện) được giải thoát, những bông thuỷ tiên thức dậy từ băng giá là biểu tượng cho sự hồi sinh của những điều đẹp đẽ, ngọt ngào. Dễ nhận thấy hình tượng mùa xuân trong những truyện cổ thường là biểu tượng cho sự hồi sinh, những điều quý giá, tốt lành, là mùa mà vạn vật đều mong chờ. Vì vậy, hình ảnh Nữ thần Mùa xuân mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thay đổi diệu kì, cho phép màu, đặc biệt là cho sự thay đổi, hồi sinh thế giới. Biểu tượng này xuất phát từ thực tế đời sống. Trước mùa xuân thường là mùa đông lạnh giá kéo dài, nhiều quốc gia trắng xoá trong băng giá, cây cối hoặc trơ cành, rụng lá hoặc chết khô, chim thú hoặc ngủ đông hoặc đi tránh rét. Mùa xuân đến là lúc trời ấm dần lên, tuyết tan, các con vật ngủ đông thức dậy, cây cối đâm chồi nảy lộc… Ở mỗi vùng đất khác nhau, mùa xuân lại mang tới những vẻ đẹp riêng. Nhưng có thể thấy đặc điểm chung ở hầu hết các quốc gia, mùa xuân thường là mùa được mong chờ, gắn với sự đổi thay, gắn với những lễ hội đón chào năm mới. Vì thế, mùa xuân thường là mùa đem tới sự bắt đầu, khởi đầu mới với nhiều hi vọng. Mùa xuân chính là mùa “làm mới”, thay áo mới của thiên nhiên và con người. Trong đôi mắt trẻ thơ, mùa xuân như một vị thần có phép màu làm Trái Đất vốn cũ kĩ như trẻ lại và niềm vui như một dòng suối lớn tuôn tràn muôn nơi. Nếu mùa xuân mang tới những bông hoa bừng nở, những chồi non ngát xanh thì trong văn học viết cho thiếu nhi ở khắp nơi trên thế giới, những bài thơ, câu chuyện viết về mùa xuân cũng nở hoa thật đầy như những phép màu. Tác giả Cicely Mary Barker đã sáng tác một bài thơ về “phép lạ mùa xuân” từ góc nhìn trong sáng, đầy phát hiện của trẻ thơ: Trái Đất này rất cũ/ Nhưng mỗi năm mỗi năm/ Nó lại thành mới mẻ/ Khi chồi non nảy mầm// Trái Đất này rất cũ/ Và đôi khi thật buồn/ Nhưng khi hoa cúc đến/ Là đầy niềm vui tuôn// Trái Đất này rất cũ/ Nhưng cứ mỗi mùa xuân/ Trái Đất này trẻ lại/ Tiếng hát bầy tiên ngân (Phép lạ mùa xuân). Nhờ có mùa xuân mà sự già nua, cũ kĩ và cả buồn bã của Trái Đất dường như được xua tan. Mùa của sự hồi sinh và thay đổi, mùa của niềm vui, hạnh phúc và ánh sáng. Mùa của phép lạ. Đó là những gì đẹp đẽ nhất vẫn được gọi, được hiểu, được dành tặng cho hình ảnh biểu tượng mùa xuân trong văn học, đặc biệt là văn học viết cho thiếu nhi.

2. Thơ văn trung đại Việt Nam không có tác phẩm riêng viết cho thiếu nhi. Nhưng có thể thấy, cái nhìn tươi mới về mùa xuân, vẻ đẹp mùa xuân được tái hiện trong những vần thơ tuyệt bút của các thi nhân xưa là món quà quý giá và ý nghĩa với tuổi mới lớn với nhiều suy tư, băn khoăn. Có thể nhắc tới Nguyễn Trãi với Bến đò xuân đầu trại viết về cỏ xanh như khói nơi bến sông mùa xuân có con đò đang nằm mơ màng, nhàn nhã vì vắng khách; Mãn Giác thiền sư với triết lí sâu sắc về mùa xuân: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai (Có bệnh bảo mọi người), hay Nguyễn Du với những câu thơ sống động như vẽ bức tranh mùa xuân tưng bừng, nô nức, ngập tràn sức sống: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh/ Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân (Truyện Kiều)... Những vần thơ của các nhà thơ trung đại viết về mùa xuân đã mang tới cho bao thế hệ học sinh những trải nghiệm quý giá về cảnh sắc, phong tục, tâm hồn cha ông xưa. Dù có thể có khoảng cách về thời gian, không gian nhưng sự gần gũi với đời sống hiện đại vẫn nằm ở vẻ đẹp mùa xuân, sức sống mùa xuân và niềm tin vào những giá trị vững vàng, bền bỉ trước bước đi của thời gian.

Nhiều hoạt động tiếp lửa văn hóa đọc cho thiếu nhi. Ảnh: toquoc.vn

Trong thơ hiện đại Việt Nam, mùa xuân tràn về, thấm đẫm đất trời cỏ cây và tâm hồn con người. Bài thơ Mầm non của Võ Quảng viết về câu chuyện của một mầm cây còn nép mình trong vỏ cứng của một cành bàng để tránh cái lạnh của mùa đông. Nó hé mắt quan sát xung quanh và nhận ra những đổi thay mới lạ của đất trời: mưa phùn rơi, mây bay hối hả, tiếng suối róc rách; sau tiếng chim báo hiệu xuân về, cả đất trời bừng lên những khúc ca. Vậy là mầm non không thể nằm im được nữa: Mầm non vừa nghe thấy/ Vội bật chiếc vỏ rơi/ Nó đứng dậy giữa trời/ Khoác áo màu xanh biếc.

Hầu hết các nhà thơ lớn từ phong trào Thơ mới đều sáng tác thơ về mùa xuân, nhiều bài đã được chọn để học sinh học trong chương trình phổ thông như Chợ tết (Đoàn Văn Cừ), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Chiều xuân (Anh Thơ), Xuân về (Nguyễn Bính), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Vội vàng (Xuân Diệu)… Ngoài ra, không thể không nhắc tới Mùa xuân nho nhỏ (viết năm 1980), bài thơ gắn liền với tên tuổi của tác giả Thanh Hải, đã được phổ nhạc và trở thành bài hát được nhiều người yêu thích. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là khúc ca trong ngần ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế, mùa xuân đất nước và khao khát được dâng hiến, được hoà nhập vào đất trời: Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hoà ca/ Một nốt trầm xao xuyến.

3. Những câu chuyện về mùa xuân cũng xuất hiện rất nhiều trong văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại. Hầu hết các nhà văn quen thuộc đều có tác phẩm viết về mùa xuân như: Định Hải với Hoa mùa xuân; Trần Đức Tiến với Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân, Chim báo xuân; Tô Hoài với Mùa xuân đã về đấy, Chim chích lạc rừng, Đàn chim gáy và nhiều đoạn miêu tả mùa xuân trong Dế Mèn phiêu lưu kí; Trần Hoài Dương với Tiếng mùa xuân; Phạm Hổ với Đi chợ tết; Xuân Quỳnh với Mùa xuân trên cánh đồng; Phong Thu với Vườn ông, vườn xuân; Nguyễn Huy Tưởng với Chiếc bánh chưng; Võ Quảng với Ngày tết của Trâu Xe… Trong số đó, tác phẩm ấn tượng nhất với thiếu nhi đến nay có lẽ vẫn là Cái tết của Mèo Con của Nguyễn Đình Thi. Cái tết của Mèo Con kể về một chú mèo con vừa rời vú mẹ, được bà Bống mang về canh bếp. Mèo nhớ mẹ, lạ nhà, đầy lo lắng và sợ hãi trong căn bếp nên bị Chuột Cống và đàn chuột bắt nạt. Dần dần Mèo Con lớn lên, bớt sợ hãi, cùng với sự trợ giúp của chị Chổi, bác Nồi Đồng và các bạn khác trong bếp, Mèo Con đã đánh bại gã Chuột Cống, hân hoan đi đón cái tết đầu tiên trong cuộc đời mình: “Ôi chao, ngày tết sao mà đẹp và vui thế. Mèo Con nằm trên khoanh tay của Bống, nghển đầu nhìn xung quanh, kêu ngoeo ngoeo.” Câu chuyện giản dị, ấm áp, được viết như lời kể hồn nhiên, thủ thỉ của Mèo Con. Nỗi sợ cũng như sự trưởng thành của Mèo Con giúp các bạn nhỏ như thấy được hình ảnh mình qua những khó khăn, vấp váp, được bạn bè, người thân giúp đỡ, hỗ trợ nhất định sẽ trưởng thành. Mùa xuân đến, Mèo Con thêm một tuổi, cũng là lúc báo hiệu bước ngoặt trong hành trình từ chú mèo nhút nhát, yếu đuối trở thành một chú mèo dũng cảm và đã biết bảo vệ mọi thành viên trong bếp.

Những câu chuyện về mùa xuân khác, dễ nhận thấy các tác giả đều ghi lại vẻ đẹp mùa xuân và những bước chuyển biến của các nhân vật. Chiếc bánh chưng (Nguyễn Huy Tưởng) kể về bước ngoặt trong cuộc đời của hoàng tử út Lang Liêu khi được nối ngôi vua, sự thay đổi trong nhận thức của vua cha khi quyết định chọn người con tài nhất, giỏi nhất, chăm chỉ lao động nhất lên nối ngôi thay vì chọn người con trưởng. Mùa xuân trên cánh đồng (Xuân Quỳnh) mở ra sự thay đổi của thiên nhiên khi mùa xuân đến, những khe nước nhỏ từ trong núi thoắt biến thành dòng suối, khiến ba bông cúc trắng Sẻ Đồng tặng Ong Đất chìm sâu dưới nước, gây ra hiểu lầm giữa hai người bạn thân. Nhờ Ếch Cốm mà câu chuyện mới được sáng tỏ và tất cả các bạn đều vui khi mùa xuân về trên cánh đồng. Mùa xuân đã về đấy (Tô Hoài) cho thấy cậu bé A Kềnh từ chỗ coi thường Ngựa Con, sau một chuyến đi xuống núi cùng bạn ngựa đã biết khâm phục cái tai, cái mũi của bạn. Khi trở về, A Kềnh và Ngựa Con thấy mùa xuân đã về trên đỉnh núi Tà Sùa với hoa quế, hoa đào hây hây đỏ thắm. Đi chợ tết (Phạm Hổ) kể về niềm vui được mua những món đồ chơi dân dã khi tết đến như gà đất, trống rung, pháo thăng thiên. Đồ chơi nào cũng chứa đựng biết bao sự tò mò, háo hức và kích thích trí tưởng tượng kì diệu của tuổi thơ: “Với cây pháo thăng thiên, tôi cứ tưởng đấy là một người hiệp sĩ nhỏ nhắn, tài ba, học được cả phép bay lên trời như Tôn Ngộ Không, rồi từ giữa không trung hét to một tiếng bay luôn lên trời.” Nhà văn Trần Hoài Dương có sự lí giải thật độc đáo về tiếng hót của Hoạ Mi qua câu chuyện Tiếng mùa xuân. Khi cô Mùa Xuân đến, vạn vật đều có quà. Chỉ có Hoạ Mi Út vì dìu và cõng bạn Ốc Sên chậm chạp nên đến muộn. Hoạ Mi Út đã nhường phần quà cuối cùng cho Ốc Sên. Xúc động trước vẻ đẹp của tình bạn giữa Ốc Sên và Hoạ Mi, xúc động trước tấm lòng của Hoạ Mi, cô Mùa Xuân đã nhờ muôn loài gửi đến những âm thanh đẹp nhất. Cô chắt lọc tất cả âm thanh của rừng sâu, núi xa, của biển khơi, gió lộng, của tiếng hót muôn loài chim, tạo nên âm thanh đẹp nhất để trao tặng cho Hoạ Mi Út. Từ đó, Hoạ Mi có tiếng hót hay nhất và trở thành sứ giả của mùa xuân. Truyện ngắn là câu chuyện đẹp về tình bạn, về phần thưởng cho những tấm lòng tốt đẹp, rất cần thiết cho tâm hồn tuổi thơ.

4. Nhìn chung, những tác phẩm viết về mùa xuân cho thiếu nhi thật phong phú và đa dạng. Mỗi nhà văn, nhà thơ lại góp một tiếng nói, một vẻ đẹp riêng cho khu vườn mùa xuân dành tặng thiếu nhi. Hầu hết các nhà văn đều chọn lối viết giản dị, trong sáng, chân thành, phù hợp với tâm hồn tuổi nhỏ. Và hình ảnh mùa xuân thật muôn sắc nhưng đều cho thấy sự thay đổi, hồi sinh, đầy sức sống của thiên nhiên, trời đất và con người.

T.Đ.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)